Vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong phong trào yêu nước của Việt Kiều tại Pháp (1917-1923)

Vào những năm đầu thế kỷ XX, người Việt Nam bắt đầu có mặt trên đất Pháp nhưng số lượng còn rất hạn chế (chỉ khoảng vài trăm người), gồm thuỷ thủ, tiểu thương, thợ thủ công, giúp việc trong gia đình người Pháp, sinh viên, trí thức... và sống chủ yếu ở các hải cảng như Marseille, Le Havre, Bordeaux hay những nơi có trường học như Paris, Toulouse,...

Mặc dù nhiều người trong số đó có tinh thần yêu nước và sẵn lòng hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào của mình ở Pháp khi khó khăn, nhưng do chưa có sự liên hệ với nhau và chưa tập hợp thành một tổ chức nên ý nguyện ấy chưa thể thực hiện.

Nhận thức được điều đó, Phan Văn Trường - một luật sư người Việt làm luật sư tại Tòa thượng thẩm Paris và nhà yêu nước Phan Châu Trinh đã có nhiều dịp gặp gỡ; kết quả của những cuộc gặp này là sự ra đời của tổ chức Hội Đồng bào thân ái vào ngày 18-1-1912, do Phan Văn Trường làm Hội trưởng. Với mục đích là giúp đỡ nhau trong cuộc sống, học tập và phổ biến các kiến thức về khoa học kỹ thuật, có thể nói, Hội Đồng bào thân ái thực sự là chỗ dựa cả về tinh thần và vật chất cho người Việt Nam trên đất Pháp lúc bấy giờ.

Chính quyền Pháp lo ngại những hoạt động của Hội nên đã tìm cách ngăn cản. Họ vu cho Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh có quan hệ với Đức - lúc đó đang là kẻ thù của Pháp, để bắt giam cả hai ông, đồng thời cấm Hội Đồng bào thân ái hoạt động. Sự kiện Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường bị bắt giam đã làm cho nhiều người Pháp tiến bộ phản đối. Hội nhân quyền và nhiều chính khách thuộc Đảng Xã hội Pháp đã can thiệp. Vì thế, sau hơn 10 tháng ngồi tù, tháng 7-1915, hai ông được trả tự do bởi chính quyền Pháp không thể tìm thấy các chứng cứ buộc tội “phản loạn”.

Sau khi được tự do, để tránh nhà cầm quyền Pháp có lý do bắt giam trở lại, Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường đã tránh hoạt động công khai, vì thế Hội Đồng bào thân ái chưa hoạt động trở lại. Đây cũng là thời gian cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) diễn ra có sự tham gia của nước Pháp với tư cách là một thành viên của phe Hiệp ước và cũng là quốc gia chịu tổn thất nặng nề nhất. Để làm bia đỡ đạn cho “nước mẹ”, hàng vạn người dân thuộc địa, trong đó có nhân dân Đông Dương bị chính quyền thực dân bắt đưa sang Pháp; vì thế, người Việt Nam ở Pháp tăng lên nhanh chóng, với số lượng khoảng chín vạn người vào năm 19171. Trước thực tế ấy, cuộc đấu tranh cho vấn đề độc lập dân tộc, trước hết là bảo vệ quyền lợi của người Việt Nam ngay trên đất Pháp được đặt ra ngày càng cấp thiết, trong khi Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường vẫn chưa công khai hoạt động trở lại; điều đó có nghĩa là tìm một thủ lĩnh cho cuộc đấu tranh này là không thể trì hoãn. Để tiếp tục phong trào và tổ chức mới của người Việt Nam yêu nước, Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường đã quyết định chuyển giao vai trò trên cho Nguyễn Tất Thành, khi anh trở lại Pháp vào cuối năm 1917 để có điều kiện trực tiếp hoạt động trong phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp. Về việc này, các tư liệu của chính quyền Pháp đã đề cập đến, chẳng hạn như trong Báo cáo tháng 10 năm 1919 của mật thám Pháp có viết: “Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh đã từng bị bắt vì tội chống lại nền an ninh quốc gia. Do đó, họ vẫn giữ vai trò lãnh đạo nhóm một cách không chính thức, nhưng thực tế thì chính Nguyễn Ái Quốc đảm nhiệm”. Quan điểm này được Paul Arnoux tán thành khi cho rằng: “Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh bị tố cáo về vụ âm mưu chống an ninh quốc gia. Hai người này đã chuyển quyền lãnh đạo cho Nguyễn Ái Quốc”.

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp (12-1920)

Thời gian đầu đến Paris, khi chưa có giấy tờ hợp pháp, Nguyễn Tất Thành đã được các đồng chí trong Ban đón tiếp những người lao động nhập cư của Đảng Xã hội Pháp giúp đỡ. Trong khi chờ các đồng chí tìm cho giấy tờ quân dịch hợp pháp, anh đã phải sống ẩn náu, hạn chế đi lại để tránh sự kiểm tra của cảnh sát. Cuộc sống của anh lúc đó gặp rất nhiều khó khăn, vừa hoạt động chính trị vừa phải kiếm sống một cách chật vật, khi thì làm thuê cho một hiệu ảnh, khi thì vẽ thuê cho một xưởng đồ cổ mỹ nghệ Trung Hoa... nhưng Nguyễn Tất Thành vẫn kiên trì, hăng say học tập và hoạt động, thường xuyên gặp gỡ với những người Việt Nam ở Pháp có tư tưởng tiến bộ như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của hai chí sĩ họ Phan và Nguyễn Đình Khánh (Khánh Ký - thủ quỹ của Hội Đồng bào thân ái). Có thể ở giai đoạn đầu này, Phan Chu Trinh và Nguyễn Đình Khánh đã giúp Nguyễn Tất Thành về chi phí sinh hoạt, còn Phan Văn Trường giúp về chỗ ở. Điều này đã được một mật báo ghi lại: “Quốc ở nhờ nhà của Phan Văn Trường. Sinh sống thì do Khánh Ký và Phan Châu Trinh cấp dưỡng, mỗi tháng không quá 500 Francs”.

Sau một thời gian tìm hiểu, làm quen với tình hình nước Pháp, được sự hỗ trợ của Phan Văn Trường, Nguyễn Tất Thành đã nhanh chóng tiếp cận với đồng bào của mình tại Paris và thành lập Nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Tổ chức này được thành lập cuối năm 1917, ngay sau khi Nguyễn Tất Thành đến Paris và nhanh chóng có những hoạt động thiết thực trong việc đoàn kết người Việt Nam yêu nước ở Pháp.

Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, đầu năm 1919, đại biểu chính phủ các nước tham gia chiến tranh đến Versailles - Pháp họp Hội nghị Hoà bình. Thực chất Hội nghị này là nơi chia phần giữa các nước đế quốc thắng trận và trút hậu quả chiến tranh lên đầu nhân dân các nước thua trận, nhất là nước Đức. Văn kiện chính của Hội nghị là Hiệp ước Versailles xác định sự thất bại của nước Đức và các nước đồng minh của Đức, phân chia lại bản đồ thế giới theo hướng có lợi cho các nước đế quốc thắng trận, chủ yếu là Mỹ, Anh, Pháp. Các nước này giành được nhiều quyền lợi về kinh tế và xác lập sự áp đặt, nô dịch đối với các nước bại trận, đặc biệt là các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc. Những người yêu nước của nhiều dân tộc bị áp bức và các nước thuộc địa của Mỹ, Anh, Pháp đã đưa yêu sách của mình đến Hội nghị và mong được xem xét, giải quyết.

Nhận thấy đây là một dịp thuận lợi cho việc vận động dư luận thế giới và nhân dân Pháp ủng hộ nền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam, Nguyễn Tất Thành đã soạn thảo bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Versailles. Bản Yêu sách gồm 8 điểm, đòi Chính phủ Pháp phải thực hiện các quyền tự do, dân chủ, quyền bình đẳng và quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam. Dưới Bản Yêu sách, đại diện cho những người Việt Nam yêu nước ở Pháp, Nguyễn Tất Thành ký tên Nguyễn Ái Quốc. Đây là lần đầu tiên tên gọi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện. Bản Yêu sách được Phan Văn Trường dịch sang tiếng Pháp, “vì lúc bấy giờ, ông Nguyễn chưa viết được tiếng Pháp”. Sau khi gửi Bản Yêu sách cho văn phòng hội nghị, Nguyễn Ái Quốc lần lượt gửi tới đoàn đại biểu các nước đồng minh dự Hội nghị; hầu hết các đoàn đại biểu đều có thư trả lời5. Sau khi bản Yêu sách của nhân dân An Nam bằng tiếng Pháp được in trên báo Nhân đạo ngày 18-6-1919 với nhan đề “Quyền của các dân tộc”, Nguyễn Tất Thành còn tự tay viết Yêu sách bằng hai thứ tiếng: một bản bằng chữ Quốc ngữ theo thể văn vần, nhan đề Việt Nam yêu cầu ca và một bản chữ Hán nhan đề An Nam nhân dân thỉnh nguyện thư. Bản Yêu sách được Nguyễn Tất Thành bỏ tiền ra thuê in 6.000 tờ dưới dạng truyền đơn để phân phát trong các cuộc hội họp, mít tinh, cho Việt kiều, cho những người Pháp tiến bộ và bí mật gửi về Việt Nam. “Ông Nguyễn phát những truyền đơn ấy cho tất cả những Việt kiều và những người Việt đi lính ở Pháp. Vì vậy mà có những vụ khám xét trong các trại lính, làm cho những người lao động và lính Việt Nam trước thờ ơ với chính trị nay cũng giác ngộ”. Dù bị các nước lớn làm ngơ vì sợ ảnh hưởng đến lợi ích của họ, nhưng đây là những hành động tạo tiếng vang rất lớn với thế giới và Việt Nam thời điểm ấy. Hành động này đã tập hợp được những người Việt Nam tại Pháp cùng chí hướng, thức tỉnh họ và khích lệ tinh thần dân tộc. “Ai cũng bàn tán và tỏ lòng kính phục đối với Nguyễn Ái Quốc, gặp nhau ai cũng nói đến độc lập, tự quyết. Nhà sử học Pháp Charles Fourniau đã viết: “Từ ngày Nguyễn Ái Quốc gửi bản yêu sách đến Hội nghị thì Việt kiều hướng cả về anh… Việt kiều tìm đến với Nguyễn Ái Quốc để được anh khuyên bảo, giao nhiệm vụ… và vạch ra cho họ thấy cần phải đi theo con đường nào. Vậy là từ Paris, Nguyễn Ái Quốc đã gieo hạt giống cách mạng khắp 4 phương trời”. “Trong một lần đến theo dõi buổi nói chuyện ở Hội trường Hooctiquyntơ tại Pari, viên mật thám Pháp Pôn Ácnu (Paul Arnoux) chuyên theo dõi người Việt Nam sống ở Pari, tận mắt chứng kiến Nguyễn Tất Thành đang phân phát truyền đơn in Bản Yêu sách cho những người có mặt, đã phải thốt lên dự cảm: Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”.

Thực dân Pháp lo sợ nên vừa cho theo dõi những người trong ngôi nhà số 6 Villa de Gobelins, vừa điều tra xem Nguyễn Ái Quốc đích thực là ai, mối quan hệ của Nguyễn Ái Quốc với Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường và với các nhóm người của các nước khác như Trung Quốc, Triều Tiên, Ảrập, Ailen…. Những phản ứng của chính quyền thuộc địa ở Đông Dương đối với Bản Yêu sách và việc tìm kiếm lai lịch Nguyễn Ái Quốc làm tăng thêm sự chú ý của dư luận trong nước đối với Bản Yêu sách và lòng kính trọng, tin tưởng của nhân dân Việt Nam đối với Nguyễn Ái Quốc.

Qua việc Bản Yêu sách không được chấp nhận, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy: “muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”. Nhận thức này càng được khẳng định và củng cố khi Nguyễn Ái Quốc được đọc Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Bản luận cương này đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào - điều mà trước đó Người vẫn đang tìm kiếm.

Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ngày càng tích cực và sôi nổi, nhất là sau khi gia nhập Đảng Xã hội Pháp, tham gia Quốc tế thứ Ba và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Những hoạt động này góp phần đánh dấu một bước phát triển mới trong nhận thức và hoạt động của Đảng Cộng sản Pháp về vấn đề thuộc địa, đồng thời thắt chặt hơn mối quan hệ giữa giai cấp vô sản ở chính quốc và các dân tộc thuộc địa. Cũng từ đó, uy tín của Người ngày một cao.

Năm 1921, nhờ sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc cùng một số chiến sĩ cách mạng ở nhiều nước thuộc địa của Pháp lập ra Hội Liên hiệp thuộc địa nhằm tập hợp tất cả những người ở thuộc địa sống trên đất Pháp đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Đây là hình thức liên minh giữa các dân tộc bị chủ nghĩa đế quốc thống trị, xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh giải phóng của nhân dân các nước thuộc địa, Nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp và Hội đấu tranh cho quyền công dân của người Madagascar cũng lần lượt gia nhập Hội. Hội chủ trương xuất bản tờ Le Paria (Người cùng khổ) vào năm 1922, do Nguyễn Ái Quốc là Chủ biên kiêm Chủ nhiệm và Phụ trách Tài chính. Tờ báo đã trở thành diễn đàn của nhân dân các nước thuộc địa, vạch trần những tội ác, thủ đoạn của bọn thực dân Pháp và các đế quốc khác đối với nhân dân thuộc địa, giúp cho nhân dân thuộc địa tìm thấy con đường giải phóng dân tộc đúng nhất - con đường cách mạng vô sản.

Có thể nói, trong những năm 1920 - 1923, Nguyễn Ái Quốc đã dồn toàn bộ tâm trí vào các hoạt động của Việt kiều yêu nước và xây dựng mối liên kết chặt chẽ với phong trào cách mạng trong nước. Người thường xuyên viết thư trao đổi tình hình với nhiều người Việt Nam tại Pháp và đề nghị họ cung cấp tài liệu để viết sách, báo tuyên truyền, vận động kiều bào, tổ chức các cuộc gặp gỡ, mít tinh, hội họp để tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, khơi dậy tinh thần yêu nước của mỗi cá nhân, thu hút họ tham gia phong trào của Hội, giúp cho Nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp và Hội Liên hiệp thuộc địa ngày một phát triển nên đã thực sự trở thành linh hồn trong phong trào yêu nước của Việt kiều nói riêng, người dân các nước thuộc địa ở Pháp nói chung, đúng như nhận định của Paul Arnoux - người đứng đầu Sở Điều tra chính trị về người An Nam khi tổng hợp lại kết quả theo dõi: “Từ cuộc điều tra được tiến hành về hoạt động tuyên truyền trong các giới người An Nam ở Pari về việc ủng hộ những yêu sách của người Đông Dương, thì thấy rõ linh hồn của phong trào này không phải ai khác, mà là người An Nam NGUYEN AI QUOC, tự xưng là Tổng Thư ký “Hội những người An Nam yêu nước” và cũng là Thư ký của “Hội những người cách mạng An Nam”.

TS Phạm Thị Thu Hương

Top