Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với các chính khách, văn nghệ sĩ nổi tiếng của Pháp

Trong quá trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống, hoạt động cách mạng tại nhiều nơi trên thế giới, gặp gỡ và kết bạn với nhiều người thuộc nhiều quốc gia. Những người bạn ấy đã ít nhiều có ảnh hưởng đến quá trình hoạt động và tìm ra con đường cứu nước của Người, đặc biệt là những người bạn Pháp.

Năm 1911,  anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lên tàu sang phương Tây với mục đích tìm hiểu về  sự “tự do, bình đẳng, bác ái” của nước Pháp, để trở về giúp đồng bào mình đấu tranh giành tự do, độc lập. Những năm tháng ở Pháp, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng được sự giúp đỡ của những người bạn Pháp, Nguyễn Tất Thành vừa lao động để kiếm sống, vừa tìm cách bắt liên lạc với những người Việt đang sinh sống và làm việc trên đất Pháp, tìm hiểu về tình hình chính trị, xã hội đang diễn ra ở đây.

Đầu năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp, chính đảng duy nhất của nước Pháp bênh vực các dân tộc thuộc địa. Từ đó, Người có dịp gần gũi và hoạt động với các nhà hoạt động chính trị và văn hóa nổi tiếng của Pháp như Marcel Cachin, Paul Vaillant Couturier, Leon Blum, Jean Longguet… Từ đây, mối quan hệ của Người với những người bạn Pháp ngày một thêm gắn bó. Có người giúp Nguyễn Ái Quốc tham gia các hoạt động trong phong trào công nhân và lao động Pháp, có người giúp anh học cách viết báo, giúp tài liệu, sách báo để anh đọc, tìm hiểu sâu hơn về đảng, về các vấn đề chính trị - xã hội…

Paul Vaillant Couturier (1892-1937), một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, nguyên Nghị sĩ Quốc hội Pháp, cựu Chủ nhiệm báo L’Humanité-  là người đã giới thiệu Nguyễn Ái Quốc vào Đảng Xã hội Pháp năm 1919. Ông là người bạn thân thiết, từng bước giúp Nguyễn Ái Quốc hiểu rõ hơn tính cách mạng và sự cần thiết phải gia nhập Quốc tế III, từ đó, tiếp thu những luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa1, giúp Nguyễn Ái Quốc tìm thấy con đường cứu nước và giải phóng dân tộc...

Ông nhiều lần tán thưởng, ủng hộ ý kiến phát biểu trên Đại hội của Nguyễn Ái Quốc về giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc... Sự cổ vũ này đã góp phần động viên Người vững bước tiến lên trên con đường đầy chông gai mà Người hướng tới. Nguyễn Ái Quốc đã cùng với Paul Vaillant Couturier và những người bạn chiến đấu của mình trong Đảng Xã hội Pháp bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế III. Sự kiện lịch sử này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc, đánh dấu bước phát triển mới trong tư tưởng, nhận thức của Người - từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế. Năm 1933, sau khi thoát khỏi vụ án Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc rời Hạ Môn lên Thượng Hải, tìm cách bắt liên lạc với Đảng. Qua báo chí, Người được biết Đoàn đại biểu hòa bình châu Âu sang các nước Viễn Đông tuyên truyền chống chiến tranh đế quốc đến Thượng Hải, trong đoàn có Paul Vaillant Couturier - người bạn Pháp thân thiết của Người từ những năm hoạt động ở Pháp. Tin vui này làm cho Nguyễn Ái Quốc “mừng rỡ nhẹ cả người”2. Nhờ sự giúp đỡ của bà Tống Khánh Linh3, hai người đã gặp được nhau, và chỉ mấy ngày sau đó, Nguyễn Ái Quốc đã chắp được liên lạc với đoàn thể, được trở về với nước Nga Xô Viết, với gia đình Quốc tế Cộng sản...

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Nhà báo Madeleine Riffaud tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội. 1966

Một người bạn Pháp thân thiết khác của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là nhà hoạt động chính trị nổi tiếng trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế: Jacques Duclos.

Theo lời kể của Jacques Duclos, lần đầu tiên ông gặp Nguyễn Ái Quốc tại một cuộc họp của Uỷ ban Quốc tế III ở thành phố Paris. Khi được biết Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam, ông ngạc nhiên không hiểu vì sao Nguyễn Ái Quốc và một số người Việt Nam khác lại vượt một quãng đường dài sang Pháp để kiếm sống, đấu tranh? Được Nguyễn Ái Quốc kể cho nghe về tình hình đen tối của nước mình bởi những việc làm xấu xa mà thực dân Pháp đã gây ra, dưới chiêu bài “khai hoá văn minh”, Jacques Duclos có những nhận thức mới về chủ nghĩa thực dân nói chung và thực dân Pháp nói riêng... Từ đó, Jacques Duclos và Nguyễn Ái Quốc luôn gắn bó bên nhau và thường bàn luận với nhau rất sôi nổi về tình hình thời sự quốc tế, trong đó có cả chuyện của nước Nga Xôviết. Nhớ về người bạn Việt Nam trong những năm tháng hoạt động sôi nổi ấy, Jacques Duclos đã bộc bạch trong Hồi ký của mình, rằng: Người thanh niên yêu nước thiết tha này hẳn có một hi vọng tràn trề vào sự giúp đỡ quốc tế, vào tình nghĩa của những người cách mạng khắp toàn cầu - những người này với bổn phận quốc tế sẽ giúp đỡ những dân tộc bị trị vùng lên…

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, tháng 5-1946, nhận lời mời của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp. Trong chuyến thăm này, cùng với việc tận dụng mọi cơ hội làm cho dư luận Pháp và thế giới hiểu rõ tình hình, thấy rõ thiện chí và đồng tình với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tự do, độc lập… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành nhiều thời gian gặp gỡ tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân Pháp, đặc biệt là những người Cộng sản Pháp. Tại đây, Người đã gặp lại Jacques Duclos - người bạn chiến đấu thân thiết năm xưa của mình, nay đang là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Pháp. Hiểu sâu sắc những thiện ý tốt đẹp của Chủ tịch      Hồ Chí Minh trong chuyến thăm lần này, Jacques Duclos đã vận động một số bạn bè của mình tìm mọi cách để có thể giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giữ gìn nền tự do, độc lập.

Trong số những người bạn Pháp thân thiết của Người, có một người và cả gia đình đã có những kỷ niệm sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh và gắn bó cả cuộc đời với Việt Nam. Đó là là gia đình Raymond Aubrac.

Ông bà Aubrac không phải là đảng viên cộng sản nhưng là những người tiến bộ, yêu nước, chịu ảnh hưởng của những người cộng sản, luôn đứng về phía công lý, tích cực tham gia cuộc kháng chiến của nhân dân Pháp chống phát xít. Sau chiến tranh, ông bà trở thành anh hùng kháng chiến. Hai ông bà đều có quan hệ gắn bó thân thiết với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Nam trong nhiều thập kỷ.

Trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Pháp năm 1946, ngày 27 tháng 7 năm 1946, kiều bào ở Pháp đã tổ chức một cuộc chiêu đãi tại Vườn Hồng Bagatelle ở Paris để chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với những người bạn Pháp khác, Raymond Aubrac có mặt trong buổi chiêu đãi và được giới thiệu với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc gặp gỡ đầu tiên đầy xúc động này đã để lại trong Raymond Aubrac nhiều ấn tượng sâu sắc, để rồi sau đó và mãi mãi, ông đã gắn trọn đời mình với Việt Nam.

Sau buổi gặp, với tất cả lòng mến khách và trọng thị, Raymond Aubrac đã mời Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở nhà mình ở ngoại ô Paris. Và Người đã đến ở nhà ông trong vòng 6 tuần, từ đầu tháng 8-1946 đến giữa tháng 9-1946. Trong ngôi nhà rộng lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa có thể yên tĩnh làm việc, vừa tránh được sự nhòm ngó của mật thám Pháp. Đây cũng trở thành nơi tiếp khách khá kín đáo của Người với một số bạn bè Pháp và kiều bào.

Trong thời gian đó, mỗi buổi sáng người nhà ông Aubrac mang đến cho Người sách báo tiếng Pháp và báo chí tiếng Anh, Đức, Nga…      Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, trên nhiều cương vị công tác của mình, Raymond Aubrac đã trở thành sứ giả của hòa bình đối với nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.

Ngoài ra, còn phải kể đến Madelaine Riffaud- một nhà báo chuyên viết về chiến tranh Algeria cho tờ báo Cộng sản Nhân đạo (L’ Humanité), sau này trở thành  đảng viên Đảng Cộng sản Pháp.

Bà gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên vào năm 1946, trong chuyến thăm nước Pháp của Người. Lúc đó, bà mới 22 tuổi, làm tập sự nghề báo tại toà báo “Chiều nay” (Ce soir) và được André Viollis – tác giả cuốn sách nổi tiếng “Đông Dương kêu cứu” giới thiệu với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau này, bà kể lại: “Tôi được gặp Hồ Chủ tịch lần đầu tiên tại Pháp năm 1946. Tôi thực sự ấn tượng bởi cách ăn mặc giản dị của Hồ Chủ tịch. Ấn tượng hơn là những câu hỏi, vấn đề mà Người đưa ra thì hết sức thông minh và thuyết phục. Người trả lời câu hỏi của các nhà báo quốc tế với thái độ bình tĩnh, khẳng khái, dứt khoát và kiên quyết.”  Trong cuộc gặp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên bà: “Bây giờ cháu hãy học làm việc, học tập khi nào trở thành nhà báo, cháu hãy đến Việt Nam, Bác sẽ đón tiếp cháu như con gái của Bác”. Bà đã thực sự kính phục Hồ Chủ tịch, một người Việt Nam đầy lý tưởng cống hiến vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Với tình cảm thân mến, từ ấn tượng đặc biệt của cuộc gặp, bà đã tuyên bố sẽ cống hiến cả cuộc đời cho Việt Nam. Và trong suốt cuộc đời mình, bà đã có nhiều bài báo, bài viết ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của Việt Nam.

Mối quan hệ thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người bạn Pháp không chỉ thể hiện tình cảm sâu nặng của Người đối với những người bạn chiến đấu trước đây đã từng giúp đỡ Người trong thời kỳ hoạt động tại Pháp từ những năm 20 của thế kỷ trước mà đó còn là tình đoàn kết và hợp tác hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân lao động Pháp.

TS Chu Đức Tính

Top