Trùng tu các nhóm tháp H, K tại Mỹ Sơn

Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di tích tỉnh Quảng Nam cho biết Dự án Ấn Độ trùng tu Mỹ Sơn (2016 - 2021) vừa kết thúc công tác trùng tu năm thứ 2 (2017-2018) tại các nhóm tháp H, K và A. Đồng thời cũng hoàn thành giai đoạn I Dự án Bảo tồn, tôn tạo Di sản Văn hóa thế giới Khu Di tích Mỹ Sơn do Chính phủ Ấn Độ tài trợ (từ đây gọi tắt Dự án). Dự kiến chương trình năm thứ 3 sẽ tiếp tục được thực hiện vào đầu năm 2019.

Được biết, Dự án này ký kết theo biên bản ghi nhớ của Chính phủ hai nước Ấn Độ và Việt Nam và kéo dài 5 năm (2016 - 2021) với kinh phí hơn 60 tỷ đồng, trong đó Chính phủ Ấn Độ tài trợ hơn 50 tỷ đồng. Dự án nhằm mục tiêu bảo tồn, tôn tạo 3 Khu tháp A, H, K. Theo đó, Chính phủ Ấn Độ đã cử Cơ quan Nghiên cứu khảo sát, khảo cổ học Ấn Độ (ASI) trực tiếp tham gia dự án cùng địa diện phía Việt Nam là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam (Sở VHTTDL). Trong quá trình thực hiện, Đại sứ Ấn Độ đã đến Mỹ Sơn hai lần để nghe báo cáo trực tiếp của đội ngũ chuyên gia đang thực hiện. Đồng thời phía Ấn Độ cũng cử cán bộ của Viện Khảo cổ Ấn Độ sang thực hiện cùng với sự cộng tác của đội ngũ cán bộ, công nhân lành nghề đã có kinh nghiệm trùng tu, tôn tạo từ dự án tháp G. 

Tuy đã hoàn thành giai đoạn I dự án nhưng đến thời điểm này vẫn còn nhiều ý kiến, thông tin trái chiều bày tỏ băn khoăn về phương pháp trùng tu của các chuyên gia Ấn Độ trong quá trình triển khai Dự án Hợp tác Việt Nam - Ấn Độ này. Thậm chí, có nhiều ý kiến của những người là chuyên gia khảo cổ đã gắn bó và từng làm công tác bảo tồn, trùng tu tại Mỹ Sơn lo ngại “các nhà khảo cổ học và trùng tu Ấn Độ đang phá Di sản Mỹ Sơn”.

Để có thông tin và những góc nhìn đầy đủ, toàn diện hơn về những băn khoăn trên, chúng tôi đã đến hiện trường, tham khảo ý kiến của các chuyên gia Ấn Độ đang làm việc tại dự án, ghi nhận ý kiến của các nhà quản lý, chuyên môn, những người đã từng làm việc với các chuyên gia tại dự án này để có thể đánh giá chân xác về vấn đề này.

Phát lộ thêm nhiều hiện vật giá trị

Theo đề xuất từ phía chuyên gia gia Ấn Độ, giải pháp bảo tồn dựa vào yếu tố gốc,  duy trì tính chân xác và tính toàn vẹn của di tích. Theo đó, phía Ấn Độ sẽ chọn gạch mới với kích cỡ phù hợp, phần móng gạch sẽ được tu bổ với việc dùng vữa vôi. Các khối xây bề mặt được đề nghị liên kết bằng nhựa cây. Phần lõi sẽ được gia cố bằng cách dùng vữa vôi thay cho bùn đất. Các phần gia cố bằng xi măng sẽ được tháo dỡ và làm lại bằng vữa vôi. Vữa được làm từ vôi vỏ sò ngâm, lóng, ủ, lọc trộn với bột gạch cát sông tỷ lệ phù hợp để xử lý nền móng, lõi tường. Dầu rái đun nóng làm vữa cho những lớp gạch bề mặt trên, bề mặt ngoài của khối xây đạt hiệu quả tạo được sự tương thích trong vật liệu (vôi được ngâm lọc và ủ sau 15 ngày khi trộn với cát và bột gạch theo tỷ lệ 1:1:1 tạo được vữa có độ kết dính cao). 

Các chuyên gia Ấn Độ chứng minh tại hiện trường rằng chất sử dụng tu bổ là vữa vôi

Theo báo cáo của Viện Khảo cổ Ấn Độ và các chuyên gia ASI, trong năm thứ 2, các chuyên gia đã tiến hành trùng tu nhóm tháp K và H, dọn vệ sinh nhóm tháp A. Qua 2 năm thực hiện, đã xử lý gia cố, tạo ổn định các tường bao, tôn tạo những kiến trúc, vị trí có kết cấu yếu. Xây dựng hồ sơ tư liệu chuẩn bị cho việc trùng tu trong thời gian tới. Đến nay, tại khu tháp K, dự án đã khai quật toàn bộ (bán kính 5m từ kiến trúc tháp K), gia cố, gia cường, tôn tạo, trùng tu tường bao, tường và đế tháp, xử lý hệ thống thoát nước, cải tạo môi trường xung quanh. Hiện nay, khu tháp K đã đã hoàn tất việc bảo tồn tôn tạo và trở thành địa điểm tham quan yêu thích của nhiều đoàn khách trong lộ trình di chuyển từ Nhà Đôi đi tháp E, F.

Khu tháp H được gia cố, chống đỡ vững chắc và tu bổ một số vị trí bị xuống cấp. Việc khai quật, phát lộ cũng đã phát hiện nhiều hiện vật có giá trị tại khu tháp H, tạo kết cấu vững chắc cho các công trình kiến trúc, xử lý tuyệt để việc thoát nước, phát lộ nhiều hiện vật có giá trị. Các chuyên gia Ấn Độ đã sử dụng loại gạch được sản xuất bằng nguyên liệu tại chỗ để tu bổ nhóm tháp G. Đến nay, việc tu bổ đã được triển khai thực hiện theo đúng tiến độ đề ra trong kế hoạch dự án.

Các chuyên gia Ấn Độ khảo sát nhóm tháp H vào tháng 5-2015, trước khi thực hiện dự án

Trong quá trình triển khai dự án đến nay đã phát hiện được 275 hiện vật các loại, trong đó có những hiện vật đặc sắc của nền điêu khắc Chămpa, phục vụ công tác trưng bày và nghiên cứu lịch sử văn hóa Chăm.

Kết thúc năm thứ nhất, nhóm chuyên gia Ấn Độ đã phát lộ và khai quật được 165 hiện vật, phát hiện tháp K có hai cửa với những bậc cấp bằng gạch, một xoay về hướng Đông, một xoay về hướng Tây. Đặc biệt, tại cửa hướng Tây phát hiện 2 tượng hình sư tử đứng với khuôn mặt hung dữ, tư thế vững chãi cùng nhiều hiện vật là thành phần kiến trúc, trang trí cùng những mảnh gốm không tráng men nhưng đa dạng kiểu dáng, màu sắc... Với nhóm tháp H được xây trên ngọn đồi có độ cao, các chuyên gia đã tiến hành khai quật hơn 700m2, kết quả làm lộ toàn bộ khung tường bao, hiện vật thu nhặt chủ yếu là thành phần kiến trúc, trang trí góc tháp và chóp tháp bằng chất liệu đá hoặc đất nung. Quá trình khai quật cũng phát hiện bố cục của khu tháp H khác biệt với bố cục truyền thống tháp Chăm (tháp chính, tháp cổng và tháp tịnh tâm).

Khảo sát thực tế tại tháp K

Qua thực tế triển khai năm thứ nhất dự án, theo ghi nhận từ BQL Mỹ Sơn,  các chuyên gia Ấn Độ đã có những bước đi cẩn thận, cần thiết trong khảo sát khảo cổ học, tìm ra các giải pháp trùng tu hợp lý. Cụ thể là đã chọn các di tích có quy mô nhỏ, những khối kiến trúc đơn giản can thiệp trùng tu trước, trong tương lai gần là những đền - tháp có quy mô đồ sộ hơn cùng với những khối kiến trúc phức tạp. Giải pháp bảo tồn Khu tháp K dựa vào yếu tố gốc, bậc cấp cửa Đông và hai đoạn tường đường dẫn hai bên (mỗi bên dài 28m x 0,6m x 0,8m) tháp K đã trùng tu. Chất vữa sử dụng các lớp trên bề mặt là keo dầu rái và bột gạch, lớp dưới và lõi tường dùng vôi, cát và bột gạch,…

Ông Phan Hộ- Giám đốc BQL Mỹ Sơn- cho biết trong công tác triển khai thực hiện các dự án trùng tu, tôn tạo, phục hồi tại Mỹ Sơn luôn luôn phải đảm bảo cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học. Cơ sở khoa học trong bảo tồn di tích trước hết phải nghiên cứu hiện trạng trên cơ sở đối sánh với tư liệu, xây dựng hồ sơ, thông qua các cấp ngành thẩm định, phê duyệt. Riêng các công trình phục hồi thì vấn đề khảo cổ học là mấu chốt quan trọng. Sau khi có kết quả khảo cổ học, trên cơ sở đối chiếu với tư liệu (nếu có) thì phương án, giải pháp đều xem xét, trao đổi và thống nhất quyết định. Dự án Ấn Độ đều đi theo quy trình này. Bước đầu, dự án đã có những kết quả hết sức to lớn với những phát hiện về kiến trúc tháp K được đánh giá là sẽ góp phần nhận diện nhiều giá trị mới tại Mỹ Sơn trong thời gian tới.

Đảm bảo cơ sở khoa học, pháp lý

Một trong những băn khoăn mà nhiều chuyên gia, những người gắn bó tâm huyết với Mỹ Sơn lo ngại khi nhìn quá trình dự án triển khai là sự vắng bóng các nhà chuyên môn của Việt Nam. Các chuyên gia đang có mặt tại hiện trường bảo tồn trùng tu nhóm tháp K, H Mỹ Sơn đều là chuyên gia Ấn Độ. Dự án triển khai mà không có kiến trúc sư, nhà khảo cổ, nhà bảo tồn, bảo tàng có bằng cấp đạt yêu cầu; không có sự trao đổi, giám sát từ những nhà chuyên môn đại diện các cơ quan liên quan trung ương Việt Nam… Và đó cũng chính là điều khiến dư luận băn khoăn về phương pháp mà phía Ấn Độ đang triển khai tại dự án này.

Được biết, từ tháng 1-2018, các chuyên gia Ấn Độ bắt đầu triển khai thực hiện chương trình năm thứ 2 (2017-2018) của dự án ở các nhóm tháp H, K và A. Trên mạng xã hội đã lan truyền những thông tin, hình ảnh cho rằng các chuyên gia Ấn Độ dùng xi măng và gạch mới mài máy để trùng tu, khai quật bừa bãi,…Ngay sau đó, ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích và Danh thắng Quảng Nam, đồng thời là Trưởng Ban điều hành Dự án, đã đến hiện trường để kiểm tra thực tế và cho biết phần được cho là xi măng trét chính là vữa vôi dùng cho việc tu bổ. Điều này cũng được các chuyên gia Ấn Độ chứng minh ngay tại hiện trường.

 Tại nhóm tháp H, trong quá trình khai quật có cây cổ thụ mọc nên phải đào di dời để triển khai trùng tu. Đến thời điểm này đã dọn dẹp lại không còn cảnh tượng đào bới như phản ánh. Có thể những tấm ảnh được đưa trên mạng xã hội được chụp vào thời điểm vừa đào cây di dời. Hệ thống thoát nước và tường bao xung quanh di tích là điều tốt để bảo vệ các nhóm tháp trước khi đi vào quá trình trùng tu cụ thể.

Ông Phan Văn Cẩm cũng khẳng định, công tác trùng tu vẫn đảm bảo nguyên vẹn tính chân xác của di tích. Về phía địa phương vẫn tin tưởng vào kỹ năng, phương pháp và kỳ vọng vào chuyên gia Ấn trong công tác trùng tu các nhóm tháp Chăm ở Mỹ Sơn. Ông Cẩm cũng cho biết, đây là dự án mà Bộ VHTTDL đã tham mưu, đề xuất và Chính phủ Ấn Độ đã tài trợ để thực hiện. Nhóm chuyên gia kỹ thuật đến từ Viện Nghiên cứu Khảo sát Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) hiểu rõ và có kinh nghiệm trong trùng tu các tháp Champa, đã từng thực hiện các dự án bảo tồn trùng tu tại Angkor (Campuchia); tại Myanmar đảm bảo tính chân xác của di tích

Về ý kiến lo ngại rằng phương pháp trùng tu của các chuyên gia Ấn Độ sẽ phá vỡ di tích gốc, ông Cẩm cho biết, trong quá trình thực hiện dự án luôn có sự đồng thuận giữa chuyên gia Ấn và Việt Nam và theo thỏa thuận, dự án sẽ bắt đầu từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, để từ quá trình làm sẽ xem xét khả năng trùng tu của họ với các nhóm tháp K,H, vừa làm vừa rút kinh nghiệm rồi mới đến nhóm tháp A - được xem là công trình quan trọng của văn minh Champa.

Ông Varadaraj Suresh - Kỹ sư bảo tồn (thuộc nhóm chuyên gia Ấn Độ đang thực hiện dự án bảo tồn nhóm tháp K, H, A tại Mỹ Sơn) khẳng định, quá trình trùng tu được các chuyên gia thực hiện khoa học và đúng phương pháp. Ông cho biết khi chưa triển khai, tháp K đã bị đất phủ cao như một ngọn đồi, các chuyên gia tham gia dự án đã tổ chức di dời toàn bộ đất phủ bên trên để tìm kiến trúc tháp. Có những chỗ quật ra góc tháp đã bị bể nên gia cố lại cho chắc chắn; có những phần bị mục hư hỏng nên “vá” lại gạch mới cho cứng cáp, những dấu vết bờ tường cũ bị hư hại cũng đã được gia cố dựa trên bản gốc. Nói chung, chỗ nào hư lắm mới can thiệp, gia cố lại.

Nhóm tháp K trước khi các chuyên gia Ấn Độ triển khai dự án

Theo ông Varadaraj Suresh thì đền tháp Mỹ Sơn có sự tương đồng rất lớn với các đền tháp ở phía Nam Ấn Độ. Tại Ấn Độ, các chuyên gia đã trùng tu rất nhiều đền tháp kiến trúc gạch, do đó có đủ cơ sở, kinh nghiệm để trùng tu tháp Mỹ Sơn, nhất là dựa trên sự hợp tác làm việc với tổ kỹ thuật của BQL Mỹ Sơn. Đây là những đền tháp đã được UNESCO công nhận DSVHTG nên khi thực hiện nhất định phải tuân thủ theo những nguyên tắc trùng tu của UNESCO. Các chuyên gia đã dùng gạch tương tự như người Chăm xưa đã dùng, sử dụng vữa vôi và dầu rái. Việc sử dụng vật liệu này có căn cứ cụ thể, vì ngày xưa người Chăm cũng dùng vữa vôi, bột gạch, dầu rái vào xây dựng tháp. Quá trình phát lộ này không gọi là khai quật khảo cổ mà chỉ là bóc tách các lớp đất phủ để lộ ra kiến trúc gốc trùng tu.

Trước khi triển khai mỗi giai đoạn, phía các chuyên gia dự án Ấn Độ đều có báo cáo sơ bộ gửi Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn (BQL Mỹ Sơn) về từng phần việc cụ thể sẽ làm và những yêu cầu phối hợp. Sau khi kết thúc từng giai đoạn cũng đều có báo cáo chi tiết về những phần việc đã triển khai theo kế hoạch trước đó. Chẳng hạn như trong báo cáo sơ bộ gửi BQL Mỹ Sơn vào ngày 31-5 cho biết, năm thứ 2 chương trình bắt đầu từ ngày 13-1-2018 đã chính thức khởi công làm tại hai khu H, K. Đồng thời mô tả cụ thể các công việc sẽ tiến hành tại tháp K, khu tháp H (tháp H4, H2, phần tiếp giáp H2 và H1,..); Đến thời điểm này, dự án vẫn đảm bảo thực hiện tiến độ theo kế hoạch 5 năm và từng năm một.

Nhóm tháp K sau khi trùng tu

Có thể thấy, tiến độ bảo tồn trùng tu 2 nhóm tháp K, H diễn ra theo trình tự rõ ràng, khoa học. Bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng Ban Văn hóa, UNESCO Việt Nam- cũng đã trực tiếp đến hiện trường sau khi có những thông tin phản ánh, băn khoăn trên và bà Hường cho biết,  nhìn chung không thấy có điều gì bất thường. Các chuyên gia Ấn Độ xay bột gạch trộn với vôi, dầu rái nên hồ hơi có màu xám giống xi măng nhưng bóp vỡ vụn ra nên không phải là xi măng.

Khắc phục những lúng túng trong quy trình triển khai dự án

Bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng Ban Văn hóa, UNESCO Việt Nam - cũng cho rằng trong quy trình tổ chức, thực hiện dự án vẫn còn một số lúng túng cần điều chỉnh. Đặc biệt là chương trình khảo cổ trước khi trùng tu.

Chẳng hạn như các báo cáo kỹ thuật, kết quả quá trình trùng tu đều được các chuyên gia Ấn Độ làm và gửi BQL Mỹ Sơn nhưng hầu như các chuyên gia chuyên môn về khảo cổ và kiến trúc của Việt Nam đều cho rằng chưa tiếp cận hoặc nắm thông tin về các kết quả này. Các chuyên gia Ấn Độ nói, họ không nắm được quy trình và cũng chỉ biết nộp giấy tờ đến BQL Mỹ Sơn. Phía BQL thì cho biết họ cũng chỉ là đơn vị nhận rồi báo cáo về Trung tâm QLBT Di tích và Danh thắng Quảng Nam.  

Kinh nghiệm từ những dự án do UNESCO làm tại Mỹ Sơn trước đây đều có sự tham vấn của hội đồng kỹ thuật bao gồm UNESCO, Cục Di sản Văn hóa, Viện Bảo tồn di tích, các chuyên gia khảo cổ, trùng tu của Ý, của Pháp và trước khi đưa ra một quyết định, thực hiện phương án trùng tu nào đều có sự bàn thảo rất kỹ giữa các bên và tham vấn ý kiến từ hội đồng kỹ thuật. Điều này, theo phản ánh thì còn thiếu đối với dự án bảo tồn trùng tu nhóm tháp K, H. 

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án bảo tồn, tôn tạo Di sản Văn hóa Thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn từ nguồn tài trợ của Chính phủ nước Cộng hòa Ấn Độ (gọi tắt Ban Chỉ đạo). Ban Chỉ đạo gồm có 6 thành viên, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân làm Trưởng Ban, có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích Mỹ Sơn đảm bảo hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên họp Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án vào ngày 3-7 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đánh giá cao sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện Dự án. Đồng thời, đề nghị Sở VHTTDL phối hợp với Cơ quan ASI xây dựng báo cáo sơ kết 02 năm triển khai thực hiện Dự án, đánh giá những thuận lợi và tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện dự án và đề ra các nhiệm vụ, nội dung kế hoạch bảo tồn trong những năm đến. Đồng thời đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan tạo điều kiện, chủ động phối hợp,  hỗ trợ cho Cơ quan Ấn Độ ASI triển khai thực hiện Dự án trong 3 năm tới theo đúng tiến độ quy định, góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn, trùng tu văn hóa Chămpa tại Quảng Nam.

Vào cuối tháng 5-2018 vừa qua, ông Parvathaneni Harish - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam- đã đến Mỹ Sơn để làm việc về dự án trùng tu do Ấn Độ triển khai tại Mỹ Sơn. Ngài Đại sứ đã đánh giá cao những nỗ lực của Cơ quan ASI trong triển khai dự án cùng sự phối hợp hiệu quả bên phía Việt Nam, đồng thời ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các chuyên gia trong lĩnh vực trùng tu di tích và sẽ có ý kiến hồi đáp trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Dân Việt

Top