Bươn chải gốm Chăm

Pley Hamu Crauk của vùng đất Panduranka ngày xưa hay làng Bàu Trúc (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) ngày nay, từ lâu đã song hành với Pley Chakleng (Mỹ Nghiệp) để trở thành những địa chỉ văn hóa nổi tiếng của Ninh Thuận. Nếu như Mỹ Nghiệp nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm truyền thống với những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu thì Bàu Trúc lại lừng danh với nghề làm gốm thuộc vào diện cổ nhất vùng Đông Nam Á. Làm gốm không dùng đến bàn xoay. Tất cả những sản phẩm gốm Bàu Trúc đều được tạo ra từ những bàn tay tài hoa của những nghệ nhân Chăm. Từ nguyên liệu đất sét, cát và nước họ đã tạo ra những tác phẩm có thể nói độc nhất vô nhị. Không có sản phẩm nào giống sản phẩm nào cả vì tất cả sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc đều được tạo bằng tay, không hề dùng bất kỳ khuôn mẫu nào cả.

Thổi hồn cổ vào gốm Chăm hiện đại

Có một người mà cái tên của anh hình như luôn gắn kết với cái làng gốm cổ xưa này: Họa sĩ Sĩ Hoàng. Một cái tên quá quen thuộc với nhiều người trong giới mỹ thuật. Thời còn là sinh viên của Trường ĐH Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, anh đã từng đến Bàu Trúc để thực tập. Tại đây anh có một bà mẹ nuôi là một người làm gốm Chăm nổi tiếng. Nghệ nhân Đàng Thị Vệ, người đã giúp đỡ anh một cách chân tình trong suốt thời gian dài anh thực tập ở cái làng Chăm nghèo khó đó. Tấm chân tình của bà mẹ nuôi đã theo anh đi suốt quãng đời. Và sau này, trong một lần về thăm người xưa chốn cũ anh cứ mãi bị ám ảnh bởi cái tương lai không mấy sáng sủa của nghề làm gốm cổ này. Và rồi anh đã thử tạo ra một số mẫu gốm mỹ nghệ đưa cho người mẹ nuôi của mình tạo tác thử. Sau đó không lâu, gần 100 sản phẩm gốm Bàu Trúc kết hợp giữa cách làm gốm cổ xưa của người Chăm cùng với kiểu dáng hiện đại của Sĩ Hoàng đã ra mắt công chúng trong một cuộc trưng bày tại TP Hồ Chí Minh. Điều bất ngờ đã xảy ra: Tất cả các sản phẩm đều được người tham qua mua sạch. Họ mua vì cái hấp lực của gốm và bởi họ đã bị những sản phẩm thô mộc mà rất có hồn được chế tác một cách không giống ai của làng Chăm Bàu Trúc hớp hồn. Vậy là một hướng đi mới có thể đưa đến những điều tốt đẹp đã mở ra cho người dân làng gốm cổ Bàu Trúc: Làm gốm mỹ nghệ.

Du khách nước ngoài đang được các nghệ nhân hướng dẫn cách làm gốm Chăm

Cũng chính từ gợi mở ban đầu của Sĩ Hoàng, họ, người dân làng gốm Chăm cổ đã mày mò sáng tạo thêm nhiều mẫu mã mới như: Lọ, lư, độc bình, đèn ngủ…có tính nghệ thuật cao. Hơn 300 mẫu mã mới do người dân làng gốm Bàu Trúc tạo ra đã được du khách gần xa đón nhận và ưa chuộng. Với sự cần cù, chịu thương chịu khó người dân làng gốm cổ đã nhanh nhạy nắm bắt được cơ hội làm ăn mới, những cửa hàng giới thiệu sản phẩm gốm Chăm hiện đại được mở ra ngay tại chính những ngôi nhà đồng thời cũng là nơi chế tác gốm của họ. Tại đó, du khách có thể nhìn ngắm thỏa thê những sản phẩm đất nung mang tính nghệ thuật cao, đồng thời họ cũng có thể học cách làm gốm không cần dùng đến bàn xoay do các nghệ nhân đích thân dạy theo kiểu cầm tay chỉ việc, ở đó, họ được học cách làm gốm từ giai đoạn phối trộn đất, cát và nước cho đến cách làm thế nào để chỉ từ một cục đất qua bàn tay tài hoa của con người trở thành những sản phẩm gốm hoàn chỉnh.

Nghệ nhân Đàng Xem đang hoàn chỉnh một bình gốm mỹ nghệ

Anh Đàng Xem, chủ một cửa hàng giới thiệu sản phẩm cho biết: Chỉ một thời gian ngắn sau khi khai trương, cửa hàng của anh đã đón nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm và anh đã có đơn hàng đầu tiên xuất cho khách hàng ở thành phố HCM với hơn 3000 sản phẩm gốm đủ loại với đơn giá hơn 60 triệu đồng. Một con số mà hồi còn làm gốm gia dụng có nằm mơ anh cũng không thấy nổi.

Theo truyền thuyết, nghề làm gốm do vợ chồng ông tổ Poklong Chanh dạy cho phụ nữ trong làng. Từ ngàn xưa, họ đã truyền nhau bí quyết pha trộn cát với đất, đất dẻo và cát mịn trộn theo một tỷ lệ phù hợp sẽ cho ra đời những sản phẩm gốm hữu dụng nhất. Nguyên liệu làm gốm phải là đất sét mịn, có độ dẻo cao được làm sạch, nếu chỉ lẫn một chút cát thô hoặc ít sạn, bẩn thì sản phẩm sau khi nung sẽ bị nứt, hỏng hoàn toàn. Đất sét lấy về được đập nhuyễn trộn với cát, ngâm nước (trộn với công thức 70% đất sét cộng với 30% cát lấy ở lòng sông Quao), sau đó là công đoạn nhồi đất. Đất được nhồi kỹ rồi có thể để dùng vài ngày, khi nào làm gốm chỉ cần tưới nước vào là được. Gốm nặn xong đem phơi chỗ mát, khi khô ráo thì đem nung. Sản phẩm gốm được nung lộ thiên ở nhiệt độ khoảng từ 500 - 6000C trong vòng sáu giờ. Nung gốm phải chọn ngày nắng, củi được chất bên dưới, sản phẩm gốm đặt ở trên theo nguyên tắc lớn dưới, nhỏ trên, phía trên cùng phủ một lớp rơm. Khi gốm chín, nếu là sản phẩm thô cứ để nguyên trên lò, còn sản phẩm mỹ nghệ cần cho ngay gốm vào nước để có màu đỏ đẹp. Với sản phẩm cần nhuộm màu, sau khi nung sẽ được phun hoặc ngâm nước chiết xuất từ cây thị trồng trên núi của Ninh Thuận. Bởi những điều lạ và đặc biệt ấy mà gốm Bàu Trúc được coi là sản phẩm đặc trưng của văn hóa Chăm.

Bền vững cho làng gốm cổ

Trước đây, nghề gốm chỉ truyền dạy cho phụ nữ, cánh đàn ông chỉ giúp việc lấy đất, đập nhuyễn…, nhưng vài năm trở lại đây, đàn ông cũng làm gốm. Nghệ nhân Đàng Xem được cho là người đột phá đầu tiên. Ông cho biết, phụ nữ ít có ai làm được những sản phẩm mỹ nghệ có kích thước lớn để cung ứng cho thị trường, cho nên đàn ông phải đảm nhận mỗi khi khách hàng đặt làm các cặp bình to, cao gần 2m, nặng cả 100 kg. Trong các sản phẩm này sự góp sức của phụ nữ là ở công đoạn tạo hoa văn, họa tiết, hình ảnh...

Một mẻ gốm mới sắp ra lò

Anh Đàng Năng Tự, cũng là một người đàn ông được dân làng đánh giá cao vì biết cách nâng nghệ thuật làm gốm truyền thống lên một tầm cao mới với sản phẩm mỹ nghệ “Tháp Chăm thu nhỏ” rất độc đáo và được xem là nghệ nhân trẻ thành đạt nhất làng. Anh chia sẻ: Khắc hoa văn, họa tiết trên tháp thu nhỏ đòi hỏi phải khéo léo, tỉ mỉ; đồng thời màu sắc tổng thể của tháp phải thật tươi như tháp thật. Anh có thể làm sản phẩm này với nhiều kích cỡ, cao từ 10cm tới 1,9m… giá bán từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng. Sản phẩm anh làm ra được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh yêu thích. Hiện tại, làng nghề gốm Bàu Trúc có ba doanh nghiệp, bốn tổ hợp tác và gần 200 hộ làm gốm truyền thống. Tổng doanh thu hằng năm của làng nghề ước khoảng 10 tỷ đồng. Thu nhập bình quân hai triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, làng gốm Bàu Trúc cũng đang đối mặt không ít khó khăn. Hiện tại, số thanh niên theo đuổi nghề còn rất ít. Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc chính là đại diện đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể Làng nghề gốm Bàu Trúc nhưng số lao động theo nghề đang dần mai một. Trước đây, các nghề truyền thống của người Chăm như nghề làm nón, làm bánh tráng, làm chiếu, nghề kim hoàn, nghề đúc đồng, điêu khắc… được biết đến rất nhiều, giờ hầu như bị mai một hoàn toàn, không còn lưu truyền nữa. Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm đã được Bộ VHTTDL thống nhất với UBND tỉnh Ninh Thuận xây dựng Hồ sơ đề nghị UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, bởi nếu không tiếp tục duy trì và phát triển e rằng cũng sẽ bị thất truyền như những nghề cổ xưa trước đây của cộng đồng Chăm. Ngày 20-10-2017, Bộ VHTTDL cùng UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Lễ công bố quyết định chứng nhận “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Bài và ảnh: Quỳnh An

Top