Trưng bày tranh sơn mài “Dấu thiêng” sẽ diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long đầu tháng 10 tới
Nghệ thuật sơn mài truyền thống phải mang tiếng nói của thời đại
Họa sĩ Chu Nhật Quang sinh ra và lớn lên trong bầu không khí nghệ thuật ngập tràn từ gia đình. Ông nội anh là Họa sĩ, NSND Chu Mạnh Chấn, người đã gắn bó với việc khôi phục và bảo tồn di sản văn hóa của làng quê Bắc Bộ qua nghệ thuật sơn mài; cha anh là NSƯT Chu Lượng, dành cả đời cho sự nghiệp múa rối nước truyền thống Việt Nam.
Họp báo giới thiệu trưng bày
Tại buổi họp báo, họa sĩ Chu Nhật Quang chia sẻ: “Mỗi câu chuyện của ông nội, của bố tôi và bạn bè của gia đình đã tạo nên một không gian nghệ thuật, văn hóa, và tôi lớn lên trong không gian ấy. Màu sắc và mùi sơn mài trong xưởng vẽ của ông nội và bối tôi là một phần quan trọng trong ký ức tôi. Đấy là lý do tôi chọn nghệ thuật sơn mài. Nhưng tôi muốn nghệ thuật sơn mài truyền thống không phải là một sự bất động nằm im trong ký ức mà phải bước vào đời sống mà tôi đang sống và hiển hiện trong mọi cung bậc của đời sống này. Nó phải mang tiếng nói của thời đại như các họa sĩ sơn mài đã làm trong mỗi thế hệ của mình”.
Nhà văn - họa sĩ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, sau khi xem các tác phẩm của họa sĩ Chu Nhật Quang đã nhận xét: “Với sự kế thừa và phát triển nghệ thuật từ gia đình, Chu Nhật Quang đã đóng góp vào sự đa dạng và phong phú của nghệ thuật sơn mài hiện đại, thể hiện sự hòa quyện giữa truyền thống và đương đại. Những tác phẩm của anh mang đến cho khán giả những trải nghiệm thẩm mỹ đầy mới lạ và sâu sắc”.
Từ góc nhìn của một nhà sử học, ông Dương Trung Quốc chia sẻ, ông cảm nhận được khát vọng đổi mới trong tranh sơn mài của Chu Nhật Quang. Anh đã dấn thân vào việc làm mới nghệ thuật truyền thống của cha ông, trải qua nhiều thử thách và tìm tòi cách để phát triển. Những tác phẩm này dù còn mới mẻ, nhưng với nhiệt huyết và sức sáng tạo, anh sẽ đưa sơn mài Việt Nam vươn xa hơn.
Là nhà báo mảng Văn hóa và Di sản, ông Trần Đăng Khoa - nguyên Tổng Biên tập Báo Văn hóa, nay là Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới Di sản, cho rằng: Những năm gần đây, xã hội nói chung và những người làm di sản nói riêng luôn lo rằng, giới trẻ dường như thờ ơ, xa rời di sản văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, một năm trở lại đây, Tạp chí Thế giới Di sản đã nhận được rất nhiều sự cộng tác của các bạn sinh viên. Đó là một tín hiệu mừng. Đến với buổi họp báo hôm nay, chứng kiến một họa sĩ trẻ (Chu Nhật Quang sinh năm 1995) có 7 năm du học ở Mỹ về, lại chọn nghệ thuật sơn mài và những vẻ đẹp truyền thống của văn hóa Việt cùng cách nhìn thời đại mới làm ra thế giới riêng biệt của mình với những bố cục mới và những câu chuyện mới trên nền tảng văn hóa truyền thống và di sản, chúng ta lại có thêm niềm tin và hy vọng, giới trẻ hiện nay vẫn yêu di sản theo cách riêng của mình...
Trưng bày “Dấu thiêng”: Không chỉ đơn thuần là một cuộc trình diễn nghệ thuật
Trưng bày “Dấu thiêng” gồm 52 tác phẩm sơn mài truyền thống về phong cảnh quê hương, các địa danh di sản dân tộc với phong cách nghệ thuật kết hợp giữa cổ truyền và hiện đại, chia thành 4 chủ đề.
Trưng bày tranh sơn mài “Dấu thiêng” của họa sĩ Chu Nhật Quang sẽ diễn ra từ ngày 05-15/10/2024 tại Hoàng Thành Thăng Long
Chủ đề “Khởi” sẽ mở đầu triển lãm với 14 bức tranh sơn mài tập trung vào thể loại tĩnh vật. Trong các tác phẩm này, họa sĩ Chu Nhật Quang không chỉ tìm cách tái hiện các vật dụng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày mà còn mang lại một sự sống mới cho chúng thông qua sự kết hợp tinh tế và vẻ đẹp độc đáo trong từng hình dạng đơn giản. Mỗi bức tranh không chỉ là việc trưng bày mà còn là một cuộc chiêm nghiệm về những giá trị thẩm mỹ của cuộc sống giản dị nhưng đầy ý nghĩa.
Chủ đề “Cội” gồm 17 bức tranh, đưa người xem vào một hành trình sâu xa để khám phá văn hóa và di sản của dân tộc Việt Nam như Hoàng Thành Thăng Long, Tháp Rùa, Chùa Một Cột, chùa Thầy... Với hình tượng mẹ Âu Cơ và nghệ thuật múa rối nước, họa sĩ gợi lên những câu chuyện về nguồn gốc thiêng liêng và sự hy sinh thầm lặng của những người nông dân - những người đã nuôi dưỡng và giữ gìn văn hóa lâu đời. Những bức tranh này cũng phô bày sự đối lập giữa truyền thống và hiện đại, như một lời nhắc nhở về nguy cơ mai một của nghệ thuật dân gian.
Chủ đề “Linh” gồm 9 bức tranh, tiếp tục khơi gợi sự hoài niệm về văn hóa và di sản, tái hiện cảnh sân khấu thủy đình xưa với những buổi biểu diễn rối nước, ngôi chùa Thầy nổi tiếng và cảnh đời thường tại các ngôi làng cổ.
Chủ đề “Nôi” với 12 bức tranh, gợi lên ký ức về quê hương, những ngôi đình làng và nghệ thuật rối nước - những biểu tượng văn hóa đặc trưng của nông dân Việt Nam. Qua những hình tượng như phượng hoàng, con cá, hay những con rối sinh động, họa sĩ truyền tải thông điệp về sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên và niềm hy vọng duy trì những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc qua nhiều thế hệ.
Trưng bày tranh sơn mài “Dấu thiêng” của họa sĩ Chu Nhật Quang sẽ diễn ra từ ngày 05-15/10/2024 tại Hoàng Thành Thăng Long, 19 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội.
Bài và ảnh: Hoàng Quỳnh Hương