Nhớ Pác Bó những ngày đầu Bác Hồ về nước
Nhà thơ Tố Hữu viết:
Ôi sáng xuân nay xuân 41
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về im lặng con chim hót
Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ…
Trước khi về nước, Nguyễn Ái Quốc đã nghiên cưu tình hình trong nước và đã quyết định chọn Cao Bằng làm căn cứ địa cách mạng. Trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng, Người nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên hoặc thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được, có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể công, lúc khó khăn có thể giữ.”
Đúng vào sáng sớm ngày 2 Tết Tân Tỵ, Bác rời bản Nậm Quang, huyện Tịnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Đi bộ hết hơn một buổi thì về đến cột mốc biên giới 108. Sau này trong cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện” Bác kể lại: “Chiều hôm đó, đồng chí Quảng Ba dẫn Bác và cả nhóm thanh niên về Pác Bó. Xa rời Tổ quốc đã hơn 30 năm. Đã mất báo nhiêu thời gian và sức lực tìm liên lạc mà không được. Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động.”
Chọn hang Cốc Bó làm nơi ở và làm việc, Bác Hồ bắt tay ngay vào công việc. Từ mùa xuân ấy ngọn lửa cách mạng do Bác nhen nhóm từ hang Cốc Bó đã lan nhanh trong cả nước và Pác Bó vì thế trở thành cái nôi của cách mạng Việt Nam.
Tại Pác Bó, Cao Bằng, Bác Hồ đã trực tiếp chỉ đạo thành lập thí điểm các tổ chức mặt trận Việt Minh, từ đó mở rộng phong trào ở tỉnh Cao Bằng và toàn quốc
Trên cơ sở của các hội cứu quốc nông dân, thanh niên, phụ nữ, nhi đồng do Bác thành lập ở Pác Bó, các lớp huấn huyện cán bộ đã được liên tục mở ra. Số lượng cán bộ tham gia huấn luyện ngày càng đông. Từ tháng 2 đến tháng 4-1941, Phong trào Việt Minh đã lan rộng ra khắp 3 châu của tỉnh Cao Bằng là Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình. Hàng nghìn hội viên của các tổ chức cứu quốc đã tham gia Phong trào Việt Minh, gồm đủ các thành phần, các dân tộc, lứa tuổi. Chính từ trường học cách mạng độc đáo giữa rừng sâu đó đã góp phần quan trọng cung cấp cán bộ cho Phong trào Việt Minh.
Tại Pác Bó, khi Phong trào phát triển, Bác Hồ đã chỉ đạo tổ chức hội nghị cán bộ gồm đại biểu các châu có phong trào phát triển mạnh để chia sẻ kinh nghiệm. Điều quan trọng hơn là hội nghị đã rút ra những kinh nghiệm xây dựng phong trào chung, đồng thời bổ sung, hoàn thiện nội dung nghị quyết của Đảng tại hội nghị mà Bác dự định sẽ tổ chức ngay tại Pác Bó trong thời gian không xa. Đó là Hội nghị Trung ương lần thứ VIII tháng 5-1941.
(Ảnh: TL)
Nhiều lớp huấn luyện cán bộ đã được mở tại Pác Bó
Với quan điểm “Cán bộ là gốc của mọi công việc; Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” cho nên ngay tại Pác Bó, Nguyễn Ái Quốc đã liên tục mở các lớp huấn luyện cán bộ. Tại các lớp huấn luyện này Người trực tiếp giảng bài và còn phân công các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh…tham gia giảng bài. Hàng trăm cán bộ của Cao Bằng đã được bồi dưỡng huấn luyện qua thực tiễn cách mạng đã góp phần phát triển phong trào từ vùng đồng bằng đến vùng núi. Nhiều đồng chí trong số cán bộ đó sau này đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, các tướng lĩnh trong quân đội như các đồng chí Hoàng Đình Dong, Đàm Quang Trung, Lê Quảng Ba…Đặc biệt có cán bộ nữ được Bác quan tâm đào tạo từ ngày đầu về nước tại Pác Bó, đó là nữ đồng chí Nông Thị Trưng sau này trở thành Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Cao Bằng.
Pác Bó, nơi diễn ra Hội nghị Trung ương lần thứ VIII lịch sử, nơi ra đời Mặt trận Việt Minh tập hợp mọi lực lượng cách mạng nhằm đánh đuổi đế quốc giải phóng dân tộc
Để hoàn thiện đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, ngay từ ngày đầu về nước Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị để triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ VIII của Đảng. Tại lán Khuổi Nậm ở Pác Bó Người đã chủ trì Hội nghị có tầm quan trọng đặc biệt này. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Vũ Anh, Phùng Chí Kiên, và một số đồng chí đại biểu các xứ ủy Bắc kỳ và Trung kỳ như Bùi San, Hồ Xuân Lưu…Hội nghị đã phân tích tình hình quốc tế và trong nước, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, thông qua nghị quyết thành lập Mặt trận Việt Minh và bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư của Đảng. Nghị quyết của Hội nghị đã nêu rõ: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được.”
Tại Hội nghị quan trọng này, Đảng ta đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh nhằm mở rộng khối đoàn kết toàn dân chống thực dân Pháp và phát xít Nhật. Cương lĩnh của mặt trận là ngọn cờ đoàn kết cứu nước và xây dựng một nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, cương lĩnh nêu rõ: “Đánh Pháp Nhật, thực hiện một quốc gia cách mạng để kiến lập một quốc gia hùng cường”. Với việc hoàn thiện đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc và quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng Minh (Việt Minh), Hội nghị Trung ương lần thứ VIII có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
(Ảnh: TL)
Tại Pác Bó, Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập tờ báo “Việt Nam độc lập”, gọi tắt là Việt Lập
Báo ra đời nhằm tuyên truyền chủ trương đường lối của Mặt trận Việt Minh, phát triển các tổ chức cứu quốc. Báo ra mỗi tháng ba kỳ. Trong thời gian đầu Nguyễn Ái Quốc trực tiếp viết bài. Về sau có các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Vũ Anh tham gia viết bài. Điều đáng chú ý là báo Việt Nam độc lập là tờ báo có tuổi thọ cao nhất ở nước ta thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám. Báo xuất bản được 129 số trong hoàn cảnh bí mật, được bảo đảm an toàn ở tỉnh Cao Bằng. Số đầu tiên ra vào ngày 1-8-1941, số cuối cùng ra ngày 30-9-1945. Tuy là báo địa phương, nhưng báo Việt Nam độc lập đã vượt qua không gian của một tỉnh và trở thành vũ khí sắc bén của Mặt trận Việt Minh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Nơi ra đời Đội Du kích Pác Bó- nòng cốt của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân sau này
Cùng với việc xây dựng và thành lập các tổ chức cứu quốc, theo chỉ thị của Nguyễn Ái Quốc, Đội Du kích Pác Bó cũng ra đời ngay trong năm 1941. Đội phần lớn là người dân tộc của địa phương do Lê Quảng Ba làm Chính trị viên. Đội trưởng Lê Thiết Hùng, Đội phó Hoàng Sâm. Lúc thành lập đội có 12 người, chi bộ có 6 đảng viên do Lê Thiết Hùng làm Bí thư. Tổ chức và hoạt động của Đội Du kích Pác Bó ngày càng được mở rộng nhờ thực hiện những nhiệm vụ thực tế về quân sự cũng như tuyên truyền, huấn luyện. Về sau, do đòi hỏi mở rộng phát triển lực lương vũ trang và đòi hỏi của phong trào cách mạng quần chúng cũng như sự lớn mạnh của Đội Du kích Pác Bó, theo chỉ thị của Bác Hồ, Đội Du kích Pác Bó tự giải tán để những đội viên của đội đi các nơi làm nòng cốt xây dựng lực lượng. Sau này khi thành lập đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, những đội viên của Đội Du kích Pác Bó trở thành những nòng cốt .
Đối với mỗi người Việt Nam chúng ta, Pác Bó là một địa danh thiêng liêng và rất đỗi thân thương. Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt này gồm nhiều điểm di tích như hang Cốc Bó, lán Khuổi Nặm, hang Sỹ Điếng, hang Diêm Tiêu… Đặc biệt ở đây còn có những tên núi tên sông do Bác Hồ đặt như núi Các Mác, suối Lênin, dòng suối quanh năm tuôn trào ôm vòng quanh chân núi Các Mác; cùng những câu chuyện huyền thoại về Bác Hồ, về “Già Thu” với Pác Bó và đồng bào Pác Bó, Cao Bằng với Bác Hồ. Về Pác Bó chúng ta hiểu vì sao Bác Hồ nói đây là quê hương thứ hai của Người, là nơi cội nguồn của cách mạng.
TS Nguyễn Thị Tình