Thư chúc Tết của Chủ tịch danh dự Hội Di sản Văn hóa Việt Nam Nguyễn Khánh

Thưa các bác, các chị và các anh hội viên của Hội,

Mỗi khi nghĩ đến các di sản văn hóa Việt Nam, không bao giờ tôi quên được lần gặp anh Ba Duẩn ở Thượng Hải, Trung Quốc.

Năm 1953, sau khi dự Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ tư ở Bucarét - Rumani về, Đoàn chúng tôi đi thăm Liên Xô và Trung Quốc. Ở Trung Quốc, đến Thượng Hải, các bạn Trung Quốc cho biết có một đồng chí lãnh đạo cao cấp của Việt Nam mới đến thăm, đang ở một khách sạn bên bờ sông Hoàng Phố.

Lên đến tầng 8 của khách sạn, chúng tôi thấy Anh Ba. Đây là một vị khách Việt Nam, tuổi khoảng 50, đứng dậy tươi cười: “Tôi là Anh Ba đây, mời các đồng chí vào”.

Chúng tôi ngồi xuống ghế, chưa biết nói gì thì Anh Ba đã nói ngay: “Tôi sang đây chữa bệnh đã được gần một tháng. Nay được biết các anh chị đi họp Thanh niên quốc tế về, vậy có những gì hay xin kể cho nghe?”. Chúng tôi chỉ báo cáo mấy điểm chung đã được chuẩn bị.

Nghe chúng tôi nói xong, Anh Ba mỉm cười và nói, đại ý: “Các đồng chí đi họp quốc tế như thế là rất tốt. Trước đây các bạn quốc tế rất ít hiểu về Việt Nam. Ngày nay các bạn ngày càng hiểu ta, ủng hộ ta, có tình cảm sâu sắc với nhân dân Việt Nam, với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ta phải làm tốt hơn công tác tuyên truyền quốc tế”.

Anh Ba nói tiếp: “Tôi muốn nói để các đồng chí biết suy nghĩ của tôi. Từ lúc đặt chân lên đất Trung Quốc, chân đi trên đất bạn mà đầu óc thì nghĩ về Việt Nam, về đất nước của mình nhiều hơn”. Anh hỏi: “Có biết tôi nghĩ như thế nào không?”

“Nhìn cảnh vật của nước bạn, thấy đồng ruộng, núi non, sông hồ chẳng khác gì ta. Tây Hồ, Hàng Châu không hơn được Hồ Tây - Hà Nội. Khó có cảnh thiên nhiên nào của bạn so sánh được Vịnh Hạ Long”.

“Nhưng có điều khác rõ nét là ở bên này hầu như quả núi nào, con sông nào cũng có những đền, chùa, lăng tẩm, các công trình văn hóa, lịch sử do con người tạo ra từ hàng trăm năm trước. Còn ở ta thì nhiều nơi chỉ là cảnh đẹp thiên nhiên, ít có các công trình của con người, nếu có thì chỉ là những công trình rất nhỏ. Như vậy phải chăng ông cha chúng ta không coi trọng văn hóa? Có phải chăng người Việt Nam ta không có đầu óc sáng tạo? Không phải vậy đâu! Muốn hiểu đúng vấn đề này phải hiểu rõ lịch sử Việt Nam, lịch sử cuộc sống và chiến đấu của người Việt Nam, dân tộc Việt Nam”.

“Có lẽ từ khi lập quốc Việt Nam cho đến bây giờ, dân tộc Việt Nam phải liên tục chiến đấu, bằng cả tài trí và sức mạnh của mình để chống ngoại xâm và bọn thực dân, giữ gìn nền độc lập và chủ quyền quốc gia của mình. Các cuộc chiến tranh xâm lược ấy đã tàn phá, hủy hoại không biết bao nhiêu công trình văn hóa, lịch sử của đất nước ta. Chính vì thế mà dân ta không có nhiều thời gian và công sức để xây dựng các công trình văn hóa, lịch sử”.

“Không phải ít có công trình văn hóa thì có nghĩa là người Việt Nam, dân tộc Việt Nam không có một nền văn hóa dân tộc. Không phải như vậy. Nền văn hóa Việt Nam có tính dân tộc và tính nhân văn sâu sắc, thể hiện ở tâm hồn người Việt Nam, ngôn ngữ Việt Nam, văn học và nghệ thuật Việt Nam, trong cuộc sống hòa bình và cả trong chiến tranh. Chính sự phong phú và sâu sắc của tâm hồn Việt Nam, của nền văn hóa Việt Nam là nguồn gốc sức mạnh trong cuộc đấu tranh cách mạng và trong cuộc kháng chiến hiện nay. Rồi đây kháng chiến thắng lợi phải phát triển mạnh nền văn hóa Việt Nam. Phải làm mạnh và làm đồng thời hai việc: khôi phục lại và xây dựng mới các công trình văn hóa ở từng làng, xã, từng thị trấn, thành phố”.

Tôi không bao giờ có thể quên câu chuyện về nguồn sức mạnh mà anh Ba Duẩn đã nói ở Thượng Hải. Câu chuyện thể hiện tầm cao, chiều sâu về tâm hồn, tư duy sáng tạo của một nhà chiến lược, một nhà văn hóa, một nhà tư tưởng.

-----------------------------------------------------------------

Lịch sử Việt Nam đã chứng minh rằng nhân dân Việt Nam trong lịch sử không chỉ là người sáng tạo nền văn hóa đầy bản sắc của dân tộc mình, mà giờ đây đang là lực lượng rất quan trọng để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong thời đại của chúng ta, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã trở thành vấn đề có ý nghĩa toàn cầu. Đảng và Nhà nước ta luôn luôn khẳng định rằng trong sự nghiệp cao quý và vẻ vang này, chúng ta phải đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy hiệu lực quản lý của Nhà nước, đồng thời phải thực sự dựa vào nhân dân, huy động trí tuệ, sức người và của cải của các tầng lớp nhân dân, của các tổ chức xã hội. Năm 2004, đồng chí Trưởng Ban Tư tưởng văn hóa của Trung ương đã ghi trong một văn bản về việc thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam: “Vấn đề bảo vệ di sản văn hóa rất quan trọng, một mình Nhà nước không đủ sức mà cần có xã hội”. Chính vì lẽ đó, với tư tưởng chỉ đạo ấy mà ngày 23 tháng 4 năm 2004, Đảng và Nhà nước cho thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, để tập hợp các tổ chức và cá nhân Việt Nam hoạt động nghề nghiệp, có tâm huyết với di sản văn hóa dân tộc. Hội hoạt động theo nguyên tắc: tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí, chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Những giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc, nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam, mãi mãi sẽ là nguồn gốc của sức mạnh Việt Nam.

Thưa các Bác, các Chị và các Anh thân mến,

Nhân dịp Năm mới, Xuân mới Đinh Dậu - 2017, tôi xin kính chúc các Bác, các Chị và các Anh có thêm sức khỏe và những niềm vui mới.

Top