Tục thả diều trong lễ hội xuân

Trò chơi dân gian không đơn thuần là những trò vui tiêu khiển mà nó chứa đựng những nét đẹp văn hóa và mang đậm giá trị truyền thống dân tộc và là một thành tố quan trọng trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam. Trong tất cả các lễ hội, đặc biệt là lễ hội vui xuân thì không thể thiếu các trò chơi dân gian. Cũng thông qua các trò chơi này mà mọi người hòa nhập và gần gũi với nhau.

Trong vô số các trò chơi vui xuân, tục thả /thi diều sáo được tổ chức ở một số lễ hội xuân vùng đồng bằng Bắc Bộ có nhiều nét đặc trưng, ý nghĩa. Thả diều không chỉ riêng có ở Việt Nam mà phổ biến tại nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới, cánh diều của mỗi nước thể hiện những nét độc đáo riêng biệt góp phần tạo nên bản sắc văn hoá mỗi dân tộc nhưng sâu sắc đến mức thành Lễ tục, thành nghi lễ, lễ hội thì quả thực hiếm có.

Thả diều là một trong những phong tục trong lễ hội xuân vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Với người Việt, thả diều hàm chứa ý nghĩa tâm linh, khát vọng về tự do, no ấm và cầu mong may mắn trong làm ăn cũng như cuộc sống. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tục thả diều ở một số lễ hội ở Việt Nam cũng là nghi lễ cầu mùa của cư dân nông nghiệp xưa. Ở nhiều làng quê Việt Nam hiện nay còn lưu truyền rất nhiều truyền thuyết giải thích cho tục thả diều.

Đặc biệt phải nhắc tới hai lễ hội diều truyền thống có lịch sử hàng trăm năm đó là Lễ hội thi diều sáo làng Bá Giang (Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội) diễn ra ngày rằm tháng 3 và Lễ hội thi diều sáo vượt câu liêm ở Đền Mẫu Sáo Đền (Song An, Vũ Thư, Thái Bình) vào ngày 25 tháng 3 Âm lịch. Hai lễ hội này bảo lưu gần như nguyên vẹn  giá trị văn hóa cổ truyền, là những lễ hội nông nghiệp tiêu biểu nhất của cư dân nông nghiệp lúa nước vùng châu thổ sông Hồng. Các lễ hội diều ngày nay không chỉ là sân chơi cho những người đam mê mà còn là điểm đến hấp dẫn trong chương trình du xuân của hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước để được chiêm ngưỡng và đắm say trước vô số cánh diều độc đáo, đặc trưng, những âm thanh sáo diều vi vu trầm bổng của những nghệ nhân dân gian.

Chơi diều cũng như các trò chơi dân gian nói chung có nguồn gốc sâu xa từ thực tiễn lao động sản xuất được ông cha ta đúc kết từ nhiều thế hệ nên nó có hiệu quả giải trí và giáo dục rất lớn. Việc làm và chơi diều rất bổ ích và lý thú cho trẻ em vì thông qua đó các em có thể tiếp thu được dễ dàng nhiều kỹ năng, kiến thức và phát huy hiệu quả được đủ bốn nội dung cơ bản của giáo dục đó là: Đạo đức - Trí tuệ - Thể chất và Thẩm mỹ. Khi làm diều, các em học được tính kiên trì, khéo léo, hiểu được các nguyên tắc vật lý như lực nâng, trạng thái cân bằng, hiểu thêm về hình học, khí động học, kết cấu, vật liệu, biết được cách trang trí, phối hợp màu sắc hình ảnh cho cánh diều thêm đẹp …

 Tranh khắc gỗ của Henrri orger vẽ cảnh thi diều và thả diều từ đầu thế kỷ 20 (1908-1909).

Khi chơi diều giúp cho các em gần gũi với thiên nhiên, yêu hình ảnh quê hương đất nước mình, khám phá thế giới xung quanh, có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, biết chia sẻ với mọi người. Qua sự vận động trong thả diều sẽ nâng cao được thể lực sức khỏe, sự khéo léo, phản xạ nhanh… Nhìn tổng thể, trò thả diều là một sản phẩm văn hóa của cộng đồng có giá trị, ảnh hưởng tích cực và cần thiết đến đời sống tinh thần của người dân đồng thời cũng là một phương thức giáo dục hiệu quả đối với trẻ em.

Không như đa số các trò chơi dân gian khác cần ít diện tích không gian, chỉ một góc sân hay dưới hiên nhà là đủ chỗ chơi được cho một nhóm trẻ. Ngược lại, chơi diều lại cần một khoảng không gian lớn, rộng rãi bằng phẳng với một bầu trời trong xanh, quang đãng và lộng gió. Trước đây, không gian này có thể dễ dàng tìm thấy bất cứ đâu ở các làng quê Việt Nam.

Ngày nay, với tốc độ đô thị hóa đang ngày càng tăng nhanh với những cao ốc, cột điện, đường dây chằng chịt thì những không gian cho trò chơi này càng khó tìm kiếm hơn. Thực tế trong cuộc sống hiện đại, hình thức giải trí của trẻ em và cả người lớn ngày càng đa dạng và phong phú theo xu hướng “công nghệ hóa” trò chơi, “cá nhân hóa” người chơi đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với trò chơi dân gian. Bảo tồn thú chơi thả diều trong xã hội hiện đại vốn đã khó, phát huy nó lại càng khó hơn. 

Chơi diều giúp cho các em gần gũi với thiên nhiên, yêu hình ảnh quê hương đất nước mình, khám phá thế giới xung quanh, có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, biết chia sẻ với mọi người.

Những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Diều Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc nghiên cứu đưa trò chơi dân gian này vào trường học hay tổ chức quảng bá giới thiệu nó tại các viện bảo tàng, triển lãm hay các sự kiện văn hóa như thi diều, liên hoan diều nghệ thuật… nhưng cũng mới chỉ đem lại kết quả rất khiêm tốn. Muốn bảo tồn và phát huy được thú chơi này một cách lành mạnh và an toàn thì  chính quyền địa phương phải tạo điều kiện về không gian phù hợp, (qui hoạch những khu đất trống, rộng rãi và an toàn có thể chơi diều cũng như các trò chơi khác…) Trường học và gia đình phải hướng dẫn và tạo điều kiện về thời gian thích hợp (cho các em được tiếp cận với trò chơi, hướng dẫn cách làm cách chơi, có đủ thời gian để tham gia trò chơi...).  Cần tăng cường quảng bá giới thiệu, cổ vũ tuyên truyền tới đông đảo các em học sinh cũng như phụ huynh hiều thêm về lợi ích của trò trơi qua các cơ quan truyền thông, báo chí… Tổ chức thêm nhiều hoạt động lễ hội, hội thi để tạo thêm nhiều sân chơi ý nghĩa nối nhịp cầu giao lưu văn hóa giữa các vùng miền. Qua đó sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng và đưa hoạt động văn hóa, thể thao thành sản phẩm du lịch đặc sắc kết hợp “Dân gian - hiện đại” nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần đưa hoạt động du lịch thêm đa dạng, phong phú.

Lê Thanh Bình

Top