Thomas Eugene Wilber trên con đường “Tìm lại ký ức”

Duyên nợ với đất nước và con người Việt Nam của Thomas Eugene Wilber được truyền lại từ người cha thân yêu Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber, người từng sống tại Trại giam Hỏa Lò từ tháng 8-1968 đến tháng 3-1973.

Thomas Eugene Wilber đến từ Bang Pennsylvania - Hoa Kỳ. Từ năm 2006 đến tháng 5-2018, ông đã 20 lần đến Việt Nam, những chuyến đi ấy đều có chung một mục đích: Tìm lại những ký ức về cha mình trên đất nước Việt Nam.

Cha ông, Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber sinh năm 1930 tại Millerton, bang Pennsylvania, Mỹ. Năm 38 tuổi, ông tham chiến tại chiến trường Đông Nam Á, lúc này, ông đã có gia đình với 3 con trai và một con gái. Ngày 16-6-1968, Walter Eugene Wilber cùng đồng đội Bernard Francis Rupinsk lái máy bay F4J - Phantom II (còn gọi là máy bay Con ma), ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam. Chiếc F4J - Phantom II bị phi công Đinh Tôn, lái máy bay Mig21 bắn rơi trên bầu trời Đô Lương (Nghệ An). Người đồng đội tử nạn, còn Wilber nhanh chóng nhảy dù, rơi xuống cánh đồng xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, bị ba thanh niên địa phương bắt sống, giao cho Huyện đội Thanh Chương.

Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber (ngồi giữa) nhận quà từ gia đình gửi sang tại Trại giam Hỏa Lò

Sau khi được cứu sống, chăm sóc y tế và gần 5 năm sống trong các trại giam phi công Mỹ ở Hà Nội, chủ yếu là Trại giam Hỏa Lò, nơi mà các phi công Mỹ đặt tên là “Khách sạn Hilton - Hà Nội”, Walter Eugene Wilber đã nhận được sự đối xử giàu tình người từ những cán bộ quản giáo trại giam, suy nghĩ về cuộc chiến tranh Việt Nam của ông có những thay đổi kể từ đây. Tại các buổi trả lời phỏng vấn báo giới quốc tế và nước Mỹ, ông luôn khẳng định:“Việc rất nhiều tổ chức chống chiến tranh Việt Nam và hàng triệu công dân yêu chuộng hòa bình đang đấu tranh để kết thúc sớm cuộc chiến tranh này đã mang lại cho tôi niềm vui sướng. Tôi không bị tra tấn mặc dù được đối xử không được thân thiện lắm. Tôi không hề bị đánh đập hay bị đối xử tàn nhẫn như những gì chúng tôi tưởng tượng trước đó”.

Ngày 27-01-1973, Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Toàn bộ 591 phi công Mỹ trong các trại giam ở miền Bắc Việt Nam được tập trung về Hỏa Lò để chuẩn bị trao trả cho Chính phủ Hoa Kỳ, tại Sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Trong đợt trao trả phi công Mỹ đầu tiên đã có tên cha ông, Thomas Eugene Wilber kể: “Với gia đình tôi, đó là một ngày vui, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi cuối cùng cuộc chiến tồi tệ của Mỹ rồi cũng kết thúc, cha tôi được trở về cùng với mẹ con tôi”.

Nhưng ngày ấy, phần lớn phi công Mỹ được trao trả về nước đều cho rằng họ bị “đối xử tồi tệ” trong các trại tạm giam ở Hà Nội. Vì những phát biểu đúng sự thật nên cuộc sống của gia đình Walter Eugene Wilber đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Các con của Walter Eugene Wilber cũng nhận được sự đối xử không công bằng chỉ vì cha mình đã có những phát biểu “trái chiều”, cho dù đó là sự thật.

Với sự kính yêu dành cho cha, Thomas Eugene Wilber, quyết định quay trở lại Việt Nam, thực hiện tâm nguyện của cha tìm lại cậu thanh niên bắt sống mình năm xưa, kiếm tìm hài cốt người đồng đội đã hy sinh và đi tìm sự thật về những phát biểu “trái chiều” của cha.

Thomas Eugene Wilber (thứ ba từ trái sang) cùng những cán bộ quản giáo từng công tác tại các trại giam phi công Mỹ tại Trưng bày "Tìm lại ký ức"

Từ năm 2006, Thomas Eugene Wilber bắt đầu hành trình đến Việt Nam. Sau nhiều lần tìm kiếm, Thomas đã gặp được ông Bùi Bác Văn, một trong những người đã cứu sống cha mình và cũng là người tham gia an táng Bernard - viên phi công tử nạn ở ngay trên mảnh đất mà ông đã nhận lệnh bay đến để hủy diệt. Thomas Eugene Wilber đã mang theo câu chuyện ấy về Mỹ cho cha ông, lúc ấy đang sống những ngày cuối cùng bởi căn bệnh ung thư. “May mắn là trước khi qua đời ít ngày, cha tôi đã được nói chuyện qua Internet với ông Văn”, Thomas Eugene Wilber rưng rưng kể. Và, nắm đất ở cánh đồng Thanh Tiên, nơi chiếc máy bay rơi, đã được ông nâng niu cẩn thận, đem về Mỹ cho gia đình Bednard, cho người cha thân yêu yên lòng về người đồng đội cũ.

Tại mảnh đất Thanh Chương, Thomas Eugene Wilber còn nhận được món quà đặc biệt từ mảnh vỡ của chiếc máy bay mà cha ông điều khiển năm xưa, được ông Bùi Bác Văn lưu giữchế tạo thành một chiếc bình hoa. Khi Thomas tìm đến, ông Văn đã tặng lại. Thomas Eugene Wilber kể, trong đám tang cha ông, chiếc bình hoa ấy được mẹ con ông cắm những đóa hoa tươi thắm đặt trước mộ. Hiện, mẹ ông luôn dùng nó cắm hoa hàng ngày trong ngôi nhà bà đã từng chờ đời người chồng thương yêu của mình khi tham gia vào cuộc chiến ở Việt Nam.

Duyên nợ với đất nước và con người Việt Nam của Thomas Eugene Wilber sâu đậm hơn khi gần năm 50 năm sau, năm 2014, Thomas Eugence Wilber trong lần thứ 8 quay trở lại Việt Nam, nhưng là lần đầu tiên đến với Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò đã hoàn toàn bất ngờ bởi sau bao nhiêu năm trôi qua tại đây vẫn đang trưng bày bức ảnh ghi lại khoảnh khắc cha ông mở gói bưu phẩm do chính người vợ trẻ và ông khi đó còn là một cậu bé chuẩn bị gửi cho người chồng, người cha thân yêu, Thomas chia sẻ:“Tôi đã bất ngờ và sửng sốt khi thấy bức ảnh cha tôi trong khu di tích. Đặc biệt, tôi đã rất kinh ngạc và xúc động khi nhìn vào bức ảnh cha tôi đang mở gói quà mà gia đình gửi sang, món quà mà tôi đã giúp mẹ đóng gói để gửi cho cha. Gói bưu phẩm ấy, mãi giờ vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của tôi, gồm một ít kẹo cao su, một bộ quần áo chống lạnh và mấy tấm hình gia đình. Sở dĩ, mấy mẹ con tôi quyết định gửi bộ quần áo cho cha vì nghe đâu mùa đông Hà Nội rất lạnh. Nỗi nhớ thương cha dằng dặc của tôi cũng được đóng gói gửi đi trong gói bưu phẩm ấy. Và rồi tôi cảm thấy một mối liên hệ vô hình với Hỏa Lò và cảm kích khi cha tôi đã được chăm sóc để trở về thật khỏe mạnh và vui vẻ”.

Tháng 5-2016, lần thứ 2 đến Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, Thomas Eugene Wilber, nhận được sự đón tiếp nồng ấm, thân thiện của TS Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò và đội ngũ cán bộ công tác tại đây. Cảm nhận được những tình cảm chân thành, xuất phát từ trái tim của những con người nơi đây dành cho mình, Thomas Eugene Wilber và gia đình đã quyết định trao tặng một số kỷ vật mà cha ông đã đưa về từ “Khách sạn Hilton” cùng một số tài liệu mà gia đình ông  sưu tầm, cất giữ cẩn thận trong suốt gần nửa thế kỷ qua vào tháng 8-2016 và tháng 1-2017.

Thomas Eugene Wilber còn góp phần không nhỏ để kết nối Hạ sĩ Lục quân Robert P. Chenoweth (tên gọi thân mật là Bob), người đã có thời gian sống tại “Khách sạn Hilton - Hà Nội” trao tặng lại 20 kỷ vật tưởng chừng như là “máu thịt của Bob”cho Di tích trong Lễ khai mạc Trưng bày chuyên đề “Tìm lại ký ức”, tháng 11-2017.

Cựu phi công Mỹ Robert P. Chenoweth trao tặng Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò nhiều hiện vật liên quan đến thời gian ông bị giam tại Trại giam Hỏa Lò

Đồng hành cùng Thomas Eugene Wilber, TS Nguyễn Thị Bích Thủycác cộng sự của mình đã kết nối ông gặp nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành, người đã chụp những bức ảnh của cha ông khi tham gia họp báo; gặp Đại tá Trần Trọng Duyệt, nguyên Trại trưởng và Đại tá Lưu Văn Hợp, nguyên cán bộ quản giáo của Trại giam phi công Mỹ ở Hỏa Lò. Được nghe kể những câu chuyện về cha mình, Thomas đặc biệt thích thú khi biết rằng cha mình còn có tên Việt Nam là Gene. 

Chiến tranh đã lùi xa, những mất mát, đau thương của nhân dân Việt Nam đã phần nào xoa dịu bởi những cố gắng  những việc làm xuất phát từ trái tim của chính người dân Mỹ yêu hòa bình. Thomas Eugence Wilber đã làm được nhiều hơn những điều trong di nguyện của cha. Bởi lẽ, ông đã tìm thấy ngôi nhà thứ 2 của mình khi đến với mảnh đất hình chữ S này. Thomas Eugence Wilber vẫn tiếp tục hành trình tìm lại ký ức về cha để nhiều người hiểu hơn về sự khốc liệt của chiến tranh, cùng chung tay xây dựng Thế giới hòa bình.

Lại Thị Minh Thu

 

Top