Rối nước làng Rạch

Làng Rạch, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định là vùng đất hiện còn lưu giữ một “đặc sản” văn hóa dân gian mà cả trong nước, nước ngoài đều biết tiếng, đó là nghệ thuật múa rối nước. Nghệ thuật múa rối nước đã ăn sâu vào tinh thần của những người dân nơi đây. Thế hệ trẻ đã được phát huy tinh thần ấy. Nơi đây, đã tổ chức nhiều lớp truyền nghề cho một số em thiếu nhi có năng khiếu về loại hình nghệ thuật này. Trải qua bao thăng trầm, phường rối làng Rạch vẫn sống động trong mỗi tích trò, bởi người dân nơi đây luôn có ý thức giữ gìn, phát huy loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo được cha ông lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Không ai biết chính xác nghệ thuật múa rối nước ở làng Rạch xuất hiện từ khi nào, nhưng loại hình nghệ thuật này chính thức trở thành phường rối nước Nam Chấn vào khoảng năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755) do nghệ nhân Mai Văn Kha đứng ra tổ chức. Gắn liền với văn hóa nông nghiệp lúa nước, những người nông dân nơi đây đã sáng tạo ra những con trò ngộ nghĩnh mang đầy tính sáng tạo và tâm hồn đồng quê. Đồng hành cùng thời gian, người làng Rạch góp tiền, góp của bỏ công để tạc quân, chế máy và thả hồn mình để điều khiển con trò theo những tích diễn mang giá trị nghệ thuật độc đáo, đặc sắc. Thế rồi, nghệ thuật rối nước làng Rạch đã vượt qua khỏi lũy tre làng, có mặt trên mọi miền đất nước và quốc tế, được nhân dân yêu thích, trân trọng, tạo nên một sản phẩm nghệ thuật truyền thống độc đáo của quê hương và dân tộc.

Làng Rạch thành lập đoàn rối nước phường rối của 3 dòng họ: Mai, Phạm, Phan. Đoàn duy trì mang tính chất gia truyền. Trước đây, đoàn có khoảng 40 người, chủ yếu là nam giới, do nghệ thuật này chỉ truyền cho con trai để giữ bí truyền của nghề. Hiện tại, đoàn có hơn 20 nam, nữ diễn viên ở nhiều lứa tuổi. Nhiều gia đình có 4- 5 thế hệ cùng “hành nghề” như gia đình cụ Huyên, cụ Hòe, cụ Chừng, cụ Vịnh, cụ Thế. Trước Cách mạng tháng Tám, phường rối làng Rạch từng đi biểu diễn ở nhiều nơi với các tiết mục thiên về những điển tích Trung Quốc, và các trò mang yếu tố tâm linh, như: Tiền Hán, Hậu Hán, Tây Du, Tây Bá đi săn, Hàn Tín điếu ngư, vua Thuấn, rước kiệu, tế thần, và một số tiết mục giải trí như múa Tễu, hề chăm, hề lười, bật cờ, cáo leo cây bắt gà…

Phường rối nước làng Rạch đến nay đã trải qua 7, 8 thế hệ cha truyền con nối. Nghệ thuật rối nước của làng đã vượt qua khuôn khổ ao làng, được vinh dự mời đi biểu diễn khắp các tỉnh trong Nam ngoài Bắc, sang cả các nước như: Pháp, Thụy Điển và một số nước Tây Âu…

Trước đây, lời thoại thường do các nghệ nhân điều khiển con trò hát, song sau này phát triển lên thì có một ban nhạc riêng để hát lời thoại và chơi nhạc cụ. Mỗi buổi biểu diễn thường phải có 12 người xuống nước để điều khiển con trò và hai người trên bờ có nhiệm vụ sắp con trò. Mỗi tích trò có thời gian khoảng từ 10-15 phút. Thời gian diễn các tích trò không được kéo dài vì nó sẽ khiến tích trò kém phần sinh động, các con trò không được nhanh và linh hoạt. Hiện làng Rạch còn có một xưởng tạo hình chuyên làm các con trò để phục vụ việc biểu diễn của phường rối nước. Xưởng đồng thời cũng là nơi chế tác các con trò cho các phường rối lân cận như phường rối Nguyên Xá (Thái Bình) hay Nhà hát Múa rối nước Việt Nam.

Phường rối của làng hiện có gần 1.000 con trò với hơn 40 tích trò khác nhau. Bên cạnh các tích được truyền lại từ xa xưa, các nghệ nhân hôm nay còn nghiên cứu, dàn dựng nhiều tích trò mới cho phù hợp với thị hiếu khán giả, tăng thêm sức hấp dẫn cho rối nước. Ngoài dịp biểu diễn trong các hội làng, ngày lễ, tết, những năm gần đây, phường rối làng Rạch còn được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mời biểu diễn cho khách du lịch. Các nghệ nhân ngoài thời gian đi biểu diễn, cũng bươn chải đủ nghề để kiếm sống và duy trì niềm đam mê. Nhờ đó, phường rối có thêm nguồn kinh phí cho hoạt động bảo tồn và phát huy nghệ thuật rối cổ, các nghệ nhân có thêm động lực để vượt qua khó khăn, gắn bó với rối nước.

Vào những lúc nông nhàn, những thành viên của phường thường trao đổi kinh nghiệm và sáng tác những trò diễn mới phản ánh cuộc sống của nhân dân trong thời kỳ đổi mới, xây dựng đời sống văn hóa mới ở nông thôn. Các cấp chính quyền và một tổ chức phi chính phủ về bảo tồn văn hóa của Thụy Điển đã hỗ trợ cho phường múa rối nước một bể nước di động để đi lưu diễn phục vụ các lễ hội làng trong vùng; xây dựng lại thủy đình của làng làm nơi tập và biểu diễn. Các trò diễn của phường múa rối nước làng Rạch thường phản ánh những sinh hoạt thường ngày của người nông dân vùng lúa nước như gieo cấy lúa, tát nước bắt cá, dệt vải, đấu vật, chọi trâu; phản ánh cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Trưng Trắc, Trưng Nhị, Trần Hưng Đạo 3 lần đánh tan quân Nguyên.

Với sự nhạy bén và sáng tạo, phường rối làng Rạch luôn đổi mới tiết mục phục vụ nhiệm vụ chính trị, tùy theo từng giai đoạn như: Đánh Pháp công đồn, Bình dân học vụ, Bắn máy bay địch, Mở hội xuống đồng… Thế mạnh của đoàn là các nghệ nhân vừa tự viết kịch bản, dàn dựng chương trình, tổ chức biểu diễn, vừa tạo được con rối.  Nét độc đáo của quân rối Bàn Thạch là được làm từ gỗ sung và sơn ta, dễ điều khiển dưới nước. Để làm một quân rối hoàn chỉnh phải trải qua 8 công đoạn: tạo mẫu, sấy, hom, mài, sơn lót, sơn cầm, thếp bạc, phủ màu. Mỗi bước sơn cách nhau 5 ngày. Cuối cùng là gọt rũa, đánh bóng và trang trí với nhiều màu sơn làm tôn thêm đường nét, tính cách cho từng nhân vật. Thông thường, quân rối nước gồm 2 phần: phần thân nổi lên mặt nước thể hiện nhân vật, còn phần đế chìm dưới mặt nước giữ cho rối nổi, đồng thời là nơi lắp máy điều khiển. Tùy từng tính cách nhân vật, mỗi quân rối được tạc với những đường nét cách điệu riêng. Trước đây với sân khấu lớn, người nghệ sỹ phải ngâm mình dưới nước hàng tiếng đồng hồ để điều khiển con rối, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Giờ đây, với sự cách điệu về sân khấu và thiết kế con rối, người nghệ sỹ có thể ngồi trên sàn và một lúc điều khiển đến 5 con rối.

Ngoài khán giả vĩnh viễn là dân làng thôn Rạch, rối nước làng Rạch còn được mời đi biểu diễn ở nhiều nơi trong cả nước và thậm chí ra cả nước ngoài, đến đâu cũng được hoan nghênh nhiệt liệt. Năm 1968, các nghệ nhân thôn Rạch vinh dự được lên Hà Nội phục vụ Quốc hội. Năm 1974, cùng với 2 đoàn rối nước ở miền Bắc biểu diễn ở Nhà hát Múa rối Trung ương, đoàn tham gia 15 tiết mục. Năm 1989, tỉnh Nam Định tổ chức Hội diễn Múa rối lần đầu tiên, đoàn giành 12 HCV, được UBND tỉnh trao cờ xuất sắc. Tại Liên hoan Nghệ thuật Múa rối nước toàn quốc (năm 1994), các nghệ nhân của đoàn giành 6 HCV, HCB. Năm 2004, cùng với đoàn rối thôn Giáp Nhất (Nam Giang), đoàn tham gia biểu diễn tại Festival Huế… Nhưng đối với các nghệ nhân rối nước làng Rạch, đáng nhớ nhất là chuyến Tây du. Năm 1984, cùng với các nghệ sĩ chuyên nghiệp của Nhà hát Múa rối Trung ương và làng rối Nguyên Xá (Thái Bình), các nghệ nhân làng Rạch được mời sang Pháp biểu diễn. Chuyến đi ấy, 5 người của làng Rạch và 3 người do làng Rạch truyền nghề tham gia 13 tiết mục. Chuyến đi kéo dài hàng tháng trời trên đất Pháp, báo chí Pari ngợi ca rối nước Việt Nam kỳ diệu. Đối với bà con Việt kiều, đoàn rối nước đã thực sự đưa họ trở về với hồn quê. Sau những đêm diễn sôi động ở Kinh thành Pari hoa lệ, đoàn đi biểu diễn ở 4 tỉnh khác của Pháp rồi sang biểu diễn tại Ý. Đoàn đi đến đâu, rạp hát cũng chật ních khán giả và được chào đón nồng nhiệt.

Trải qua bao thăng trầm, có giai đoạn tưởng chừng bị lụi tàn, rối nước làng Rạch vẫn tồn tại. Công đầu phải kể đến người dân làng Rạch, bởi ngay cả những lúc khó khăn nhất vẫn quyết tâm giữ nghề rối cho mai sau. Từng ngày, bằng niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề múa rối nước, các nghệ nhân nơi đây vẫn không ngừng tìm tòi, sáng tạo, cải tiến các tích trò, cố gắng gìn giữ, truyền lại cho các thế hệ mai sau một di sản văn hóa quý giá. Đoàn rối cũng không ngừng nỗ lực, thường xuyên tập huấn nâng cao trình độ đội ngũ diễn viên; tranh thủ khai thác những bí quyết, kỹ thuật nhà nghề, những trò độc đáo từ các nghệ nhân để xây dựng thêm nhiều tiết mục mới chỉ riêng đoàn có. Việc đào tạo lực lượng kế cận cũng được đặc biệt chú trọng. Cuối năm 2002, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) đã tổ chức 14 lớp đào tạo diễn viên rối nước trẻ cho 14 phường rối, trong đó có đoàn rối làng Rạch. Các nghệ nhân cao tuổi trực tiếp hướng dẫn, truyền nghề và trau dồi lý thuyết cơ bản cho học viên. Tất cả những việc làm đó đã góp phần làm cho một di sản văn hóa quý giá của dân tộc được giữ gìn, tôn vinh và phát huy trong đời sống văn hóa đất nước, cội nguồn của sức mạnh Việt Nam.

Lễ hội Rối nước truyền thống làng Rạch 5 năm mở một lần vào ngày 16 tháng Giêng Âm lịch nhằm tưởng nhớ vị tổ nghề là Thành hoàng làng Linh ứng Đại vương - người sáng lập ra nghệ thuật múa rối nước.

Tuy nhiên rối nước làng Rạch hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn. Làng Rạch không thiếu những người biết biểu diễn rối nước, yêu rối nước bởi nghệ thuật rối nước đã gắn bó mật thiết với đời sống, trở thành niềm vui, niềm tự hào của mỗi người dân. Hơn nữa, người trong làng cũng luôn có ý thức trong việc bảo tồn nghệ thuật rối nước thông qua việc truyền nghề cho thế hệ trẻ. Song để những người trẻ tuổi tận tâm và một lòng theo nghề rối lại là vấn đề lớn. Mặc dù, nghệ thuật rối nước làng Rạch được đi biểu diễn ở khắp các tỉnh, thành trong Nam ngoài Bắc, thậm chí ra nước ngoài, song tiền thù lao không đủ để các nghệ nhân duy trì cuộc sống. Những nghệ nhân trụ cột của phường rối hầu hết tuổi đã cao, nếu không đào tạo được người kế cận, rất có thể phường rối và những tích trò rối cổ sẽ bị mai một. Để lưu giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo này, chỉ có niềm đam mê giữ lấy nghề tổ của các nghệ nhân, diễn viên rối nước thôi thì chưa đủ, cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành hữu quan.

Mai Lê Na

Top