Quá trình xây dựng hồ sơ Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trình UNESCO công nhận Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại

Xứ Nghệ là vùng đất địa linh nhân kiệt, là nơi sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều danh nhân lớn của đất nước mà tiêu biểu là Chủ tịch Hồ Chí Minh- Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất; là nơi có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, với một kho tàng văn hóa dân gian vô cùng phong phú, đa dạng, đặc biệt là nghệ thuật hát Ví, Giặm, góp phần tạo ra bản sắc văn hóa đặc sắc của xứ Nghệ.

Thực hiện Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 6 năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; UBND hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh giao cho hai Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành việc kiểm kê và lập Hồ sơ khoa học Di sản Dân ca Ví, Giặm trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Với những giá trị văn hóa độc đáo, Di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét duyệt, đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia theo Quyết định số 5079/QĐ-BVTTTDL ngày 27-12-2012.

Sau khi tìm hiểu, xem xét các tiêu chí của UNESCO về việc vinh danh các di sản mang tầm nhân loại, chính quyền và nhân dân hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh nhận thấy Di sản hát Ví, Giặm Nghệ Tĩnh có khả năng đáp ứng được các tiêu chí đặt ra, đồng thuận đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng Hồ sơ Di sản hát Ví, Giặm Nghệ Tĩnh để trình Tổ chức UNESCO xét duyệt và công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ngày 5-11-2012, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 8868/VPCP-KPVN thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc lập Hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trình UNESCO công nhận là Di sản Thế giới giai đoạn 2012 - 2016.

Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, ngày 07-02-2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 471/BVHTTDL-DSVH đồng ý việc xây dựng Hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trình UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2014 và giao cho Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan xây dựng Hồ sơ “Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh” theo quy định của UNESCO.

  Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều cuộc họp để bàn bạc và có sự thống nhất cao cả về chủ trương và hành động, đã giao cho hai Sở VHTTDL kết hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam khẩn trương triển khai những thủ tục cần thiết để xây dựng Hồ sơ, vừa tiến hành các thủ tục văn bản, vừa thực hiện các bước thuộc nội dung như: mời các chuyên gia nghiên cứu, thực hiện các bước khảo sát thực tế; tổ chức tọa đàm khoa học tại địa phương nhằm nhận diện giá trị và đánh giá sơ bộ thực trạng Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; Tiếp tục triển khai công tác nghiên cứu, sưu tầm tranh, ảnh, clip về Ví, Giặm; Đẩy mạnh việc đưa Dân ca Ví, Giặm vào giới thiệu và dạy trong trường học, dạy hát dân ca trên sóng phát thanh truyền hình, thành lập thêm nhiều câu lạc bộ và thường xuyên tổ chức các hội diễn tại cơ sở... Tháng 6-2012, hai tỉnh đã phối hợp tổ chức Liên hoan Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ lần thứ nhất với chủ đề “Ví, Giặm - lung linh hồn quê xứ Nghệ”. Đây là bước quan trọng và là một trong những tiền đề để các cơ quan chức năng, hội nghề nghiệp có thêm niềm tin, căn cứ để lập hồ sơ. Những hoạt động trên đã giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng và góp phần trực tiếp vào việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, đồng thời, tạo cơ sở dữ liệu quan trọng cho việc xây dựng hồ sơ.

Để hoàn thiện được bộ Hồ sơ theo tiêu chí của UNESCO, việc tổ chức kiểm kê di sản là nhiệm vụ bắt buộc đối với các chủ thể văn hóa. Từ tháng 2-2013, UBND hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh giao cho hai Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam triển khai công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trên địa bàn hai tỉnh. Với sự vào cuộc của các cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên ngành cấp tỉnh, huyện, xã cùng với sự phối hợp nhiệt tình của các câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm, của người dân ở các địa phương có thực hành di sản, nên các nội dung kiểm kê, các thủ tục hành chính, pháp lý về hồ sơ, tư liệu kiểm kê, lấy ý kiến đồng thuận của cộng đồng được hoàn thành trong tháng 3-2013.

Song song với việc kiểm kê di sản, nhiều nội dung quan trọng khác của Hồ sơ cũng được khẩn trương triển khai như: Tiến hành công tác điền dã, phỏng vấn, ghi âm, xây dựng phim tư liệu về di sản (với thời lượng 10 phút); sưu tầm, nghiên cứu, tập hợp tư liệu, viết và hoàn thiện bản viết hồ sơ; xây dựng chương trình hành động...

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo (bao gồm Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản Văn hóa; Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia; Tổng Thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc  Sở VHTTDL của  hai tỉnh và Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam), với tinh thần đầy trách nhiệm, khẩn trương của Ban Xây dựng Hồ sơ, sự vào cuộc nhiệt tình, hiệu quả của các cấp, các ngành, các địa phương liên quan, chỉ trong thời gian ngắn, bộ Hồ sơ đã được hoàn thành  (giai đoạn 1) trước ngày 31-3-2013 theo yêu cầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 Trước khi trình Hội đồng Di sản Quốc gia và Thủ tướng Chính phủ để chuyển tới UNESCO, Hồ sơ được nhiều lần tổ chức tọa đàm, trao đổi để lấy ý kiến của các nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa dân gian, âm nhạc, các nhà chuyên môn, các nhà lãnh đạo, quản lý, các cơ quan liên quan ở địa phương, Trung ương và đã được Hội đồng Di sản Quốc gia thông qua tại cuộc họp ngày 23-3-2013.

Ngày 28-3-2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã có Văn bản số 466/TTg-KGVX đồng ý cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thay mặt Chính phủ ký Hồ sơ trình Tổ chức UNESCO xem xét đưa vào danh sách và phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam làm các thủ tục cần thiết. Ngày 02-4-2013, Hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được gửi tới Tổ chức UNESCO đúng thời hạn quy định.

Cao Đăng Vĩnh

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An

Top