Quảng Nam: Khẩn cấp tìm giải pháp tu bổ Chùa Cầu
Theo khảo sát của Trung tâm QLBT DSVH Hội An, phần thân cầu, tại nhiều vị trí liên kết giữa đòn tay đỡ mái với các cột bị mục ruỗng; nhiều thanh xà gỗ đỡ mái ngói bị nứt nẻ, cong vênh không thể khớp nối nhau. Các phần mố trụ đỡ Chùa Cầu xuất hiện nhiều vết nứt, bong tróc vôi vữa. Hiện kết cấu phần trên của Chùa Cầu (thượng bộ) gồm phần cầu và miếu đang có độ tách rời nhỏ khoảng 10cm, riêng phần mái nhiều chỗ đã bị dột nước mưa thấm xuống làm ảnh hưởng đến các cấu kiện bằng gỗ của công trình. Mặt cầu được làm bằng gỗ, do thường xuyên tiếp xúc giày dép của người qua lại nên bị mài mòn nghiêm trọng. Những lúc cao điểm, có khi có hàng nghìn lượt người đến tham quan và mỗi lần có thể có cả trăm người đứng trên Chùa Cầu để chiêm ngưỡng công trình. Đặc biệt, những tác động từ bên ngoài như dòng chảy của nước và bão, lụt cũng ảnh hưởng lớn đến di tích. Công tác bảo vệ di tích trước tác động của thiên tai bão lũ cũng là một khó khăn và đây cũng chính là một trong những tác nhân khiến di tích xuống cấp.
Các mối ghép trên đầu cột A3 bị hở - đầu cột A3 bị nứt
Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc TT QLBT DSVH Hội An, cho biết, mỗi khi có thông báo bão lớn chuẩn bị đổ bộ, các cơ quan chức năng phải dùng cả cáp tời nối di tích với những điểm cố định, chèn chống bằng những tảng đá lớn để giữ di tích không lung lay, hạn chế thấp nhất sự tác động của dòng nước lũ và gió bão. Tuy nhiên, do Chùa Cầu đặt trên những trụ đá và nằm ở khu vực có lưu lượng nước chảy mạnh nên mỗi trận lũ lụt, thiên tai tràn qua là di tích lại thêm một lần rệu rã.
Ông Hồ Xuân Tịnh, nguyên Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam, người đã nhiều năm tham gia công tác quản lý, nghiên cứu về vấn đề bảo tồn, trùng tu di tích Chùa Cầu cho rằng, vấn đề mấu chốt trong tu bổ di tích này chính là phải tìm ra giải pháp phù hợp. Tu bổ là việc cấp thiết nhưng không vì thế mà nôn nóng. Nếu không thận trọng sẽ dẫn đến biến dạng di tích.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc TT QLBT DSVH Hội An, cũng cho rằng nói Chùa Cầu sụp đổ ngay thì khó xảy ra, nhưng với sự thay đổi của thời tiết cùng với những sức ép khác gây áp lực lên di tích thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu không có giải pháp kịp thời, phù hợp.
Về phương án trùng tu Chùa Cầu, đến nay các nhà khoa học, chuyên gia vẫn chưa thống nhất phương án nào là thích hợp nhất. Cũng đã có nhiều quan điểm đưa ra, tập trung ở hai ý kiến: Một bên cho là nên trùng tu toàn bộ, triệt giải hoàn toàn để gia cố. Một bên cho là chỉ nên trùng tu cục bộ, có thể di dời nguyên phần thân trên Chùa Cầu theo kiểu như “thần đèn” thường làm rồi tiến hành gia cố nền móng.
Vào tháng 8-2016, nhân sự kiện Lễ hội Hội An - Nhật Bản, UBND TP. Hội An tổ chức Hội thảo khoa học Trùng tu Chùa Cầu - Quan điểm và giải pháp tham vấn ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, từ đó tìm kiếm giải pháp giải quyết vấn đề tu bổ Chùa Cầu trước nguy cơ di tích này ngày càng xuống cấp, đồng thời tính toán vấn đề bảo tồn sau tu bổ.
Kết cấu móng trụ bị xói và hổng chân rất nguy hiểm
Nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích đều thống nhất, tu bổ Chùa Cầu không phải là chắp vá mà phải giải quyết một cách cân bằng, giải quyết căn nguyên xuống cấp từ bên trong như hệ thống móng, đá trụ, vật liệu kiến trúc… Đây là công trình đặc thù, đặc biệt nên chỉ tiến hành tu bổ khi thật sự cần thiết và phải tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, cộng đồng; phải tính toán phương án để trong và sau quá trình tu bổ, du khách vẫn có thể tham quan công trình.
Các thảo luận đưa ra tại hội thảo này cũng tập trung giải quyết vấn đề chính là nên chọn giải pháp hạ giải từng phần hay hạ giải toàn bộ để tu bổ. Đa phần các ý kiến đề nghị lựa chọn giải pháp hạ giải toàn bộ di tích.
Khi ấy, PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đã đề nghị lựa chọn giải pháp hạ giải toàn bộ di tích để xử lý triệt để các hạng mục của cầu; tuổi thọ của cầu sau tu sửa kéo dài nhất, đỡ phải sửa đi sửa lại nhiều lần hoặc nay sửa chỗ này, mai sửa chỗ khác.
GS.TS Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng DSVH quốc gia, cũng ủng hộ nhóm ý kiến nên chọn giải pháp hạ giải toàn bộ, từ phần móng lên, rồi tiến hành tu bổ kết hợp với nghiên cứu khảo cổ. Trước và trong khi gia cố phần móng, cần khảo sát kỹ và nếu cần, có thể tiến hành các công tác khai quật khảo cổ ở khu vực chân móng của công trình.
Tuy nhiên, nếu hạ giải toàn bộ di tích, ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, đặt băn khoăn, nếu hạ giải hệ mái thì khả năng hư hỏng sẽ rất cao, di tích sẽ không còn giữ được yếu tố gốc. Ông ví von: Đã gọi là di tích thì bản thân di tích không thể cứ “mạnh khỏe như thanh niên 17-18 tuổi”. Nếu hạ giải phần mái trùng tu, phải nghiên cứu, tìm ra phương pháp thích hợp. Nếu phần mái khi hạ giải hư hỏng, phần mái phải làm mới lại thì di tích Chùa Cầu sẽ “trẻ ra”, kiểu như “tuổi đã cao, tóc đã bạc mà cứ nhuộm đen lại mãi”. Theo ông Sự, cái đập vào mắt mọi người chính là hệ mái, nếu hệ mái không còn nguyên vẹn thì di tích sẽ không giữ lại phần hồn đánh dấu giá trị văn hóa - lịch sử, yếu tố tâm linh - tín ngưỡng.
Một vấn đề cũng cần quan tâm là do di tích gắn với tín ngưỡng và đời sống tâm linh của cư dân địa phương, gắn với niềm tin về sự trấn giữ thủy quái giữ bình yên cho phố xá nên cần phải có biện pháp để không làm tổn thương đến niềm tin này khi hạ giải toàn bộ Di tích Chùa Cầu.
Tại hội thảo được tổ chức vào năm 2016, ông Nguyễn Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục DSVH, cũng nhấn mạnh: Với giá trị là một trong 03 di tích kiến trúc “thượng gia hạ kiều” còn lại của quốc gia, là biểu tượng của di sản thế giới, việc tu bổ Chùa Cầu thực hiện dự án tổng thể để giải quyết vấn đề về môi trường lòng sông và hai bên Chùa Cầu; xử lý hóa chất để tăng cường ổn định vật liệu gỗ chống lại tác động của nước ngập mùa mưa lũ, gia cường để tăng khả năng chịu lực phục vụ hoạt động giao thông của cư dân địa phương và du khách.
Nhóm nghiên cứu ĐH Bách Khoa Đà Nẵng khảo sát đánh giá hiện trạng Di tích Chùa Cầu tại hiện trường
Theo ông Trung, Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An, Chùa Cầu là một di tích đặc biệt nên trước khi trùng tu phải tiến hành tham vấn cộng đồng. Việc trùng tu cần phải tuân thủ quy trình theo luật đầu tư, phải tổ chức điều tra khảo sát, xây dựng đề án, lấy ý kiến các bên liên quan để thống nhất phương án trùng tu.
Việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học để đảm bảo được nguyên tắc, đảm bảo được đầu tư, đảm bảo được tiếng nói chung và sự ủng hộ từ cộng đồng…là bước đi cẩn trọng trong việc ứng xử với di tích này. Ý kiến đóng góp của các chuyên gia và các cơ quan truyền thông tại các hội thảo, nghiên cứu sẽ tạo được đồng thuận của dư luận. Dự kiến, sắp tới đây, TP Hội An sẽ tổ chức một hội thảo khoa học khác để tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, dư luận về vấn đề liên quan đến trùng tu di tích này.
Về nguồn kinh phí trùng tu Chùa Cầu, theo Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam, đây không phải là khó khăn lớn mà vấn đề là phải tìm được giải pháp trùng tu hiệu quả. Hiện nay, nguồn vốn chủ yếu để gia cố Chùa Cầu được sử dụng từ kinh phí chống bão lụt hàng năm của Trung tâm QLBTDSVH Hội An.
TP Hội An đang xây dựng đề án tổng thể và chuẩn bị trình Thủ tướng xin cơ chế đặc biệt bảo tồn Đô thị cổ Hội An chứ không chỉ riêng Chùa Cầu.
Được biết, trước đó, năm 2008, tỉnh Quảng Nam cũng có một dự án về tu bổ Di tích Chùa Cầu do Trung tâm Quản lý Di tích Danh thắng Quảng Nam tiến hành. Dự án này tập trung gia cố phần hạ bộ là trụ móng; nạo vét, xây kè chỉnh trang lại dòng chảy. Phần kết cấu bên trên vẫn chưa thể can thiệp do chưa thống nhất về giải pháp. Các hạng mục đã triển khai trước đây có 3 gói thầu riêng gồm: cải tạo vét hồ điều hòa, làm trạm bơm cùng mương nước dưới chân cầu và hạ giải Chùa Cầu, hiện các hạng mục này chưa quyết toán xong. Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, muốn lập hồ sơ dự án mới phải quyết toán dứt điểm các dự án cũ, do đó, cần sớm giải quyết tồn đọng để lập hồ sơ bổ sung cho việc triển khai trùng dự án.
Năm 2009, TP Hội An cũng tu bổ một số hạng mục xung quanh như kè gia cố bờ kênh đoạn chảy qua Chùa Cầu, gia cố mố trụ cầu. Hiện phần hạ bộ của di tích, độ hở bên trên tương đối ổn định vì phần móng được gia cố nhưng do gỗ xuống cấp dẫn đến phần thượng bộ bị nghiêng. Phần chính của di tích gồm phần sảnh gỗ đang bị hư hỏng ở nhiều hạng mục. Vì vậy, việc thay thế gỗ, ngói hư mục bên trên cũng cần quan tâm thực hiện.
Một vấn đề khác cũng được dư luận, các nhà khoa học lên tiếng cảnh báo về tình trạng bùng nổ khách du lịch ở Hội An đã tác động cảnh quan môi trường. Đặc biệt là môi trường nước tại Di tích Chùa Cầu bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải từ những khu dân cư sầm uất, cùng hàng loạt nhà hàng, khách sạn ở những vùng lân cận tập trung đổ về khe Ồ Ồ, chảy qua chân Chùa Cầu để ra sông Hoài, tạo sự phản cảm không nhỏ cho du khách và cư dân địa phương. Nhiều chỉ số, thông số ô nhiễm trong nước thải thoát ra Chùa Cầu do các đơn vị về môi trường đo được tại khu vực này cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn cho phép, chẳng hạn như chỉ số BOD (nhu cầu ôxy sinh học); nồng độ TSS (tổng lượng cặn lơ lửng),… cũng cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn cho phép.
Lượng khách qua lại Chùa Cầu quá nhiều vào cùng một thời điểm cũng gây áp lực lên di tích
Kết quả khảo sát của Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Hội An vào mùa mưa năm 2016, hàm lượng ôxy sinh hóa tại đây ở mức 56,1mg/lít, vượt giới hạn ô nhiễm cho phép của tiêu chuẩn TCVN 6772:2000 của Việt Nam về chất lượng nước, nước thải sinh hoạt 16,1mg/lít;… Nếu vào mùa nắng nóng, khả năng các thông số này sẽ cao hơn rất nhiều.
Tháng 11-2018, UBND TP. Hội An đã chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động Nhà máy Xử lý nước thải (XLNT) tại khu vực Chùa Cầu. Công trình này là hợp phần của dự án cải thiện chất lượng nước tại khu vực Chùa Cầu do Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) thực hiện, được triển khai xây dựng từ năm 2017. Khi đi vào hoạt động, công trình góp phần giải quyết tốt môi trường một số khu vực, XLNT sinh hoạt cho hơn 1.000 hộ gia đình ở các khu dân cư (khoảng 30% lượng nước thải của TP). Đồng thời sẽ góp phần cải thiện cảnh quan môi trường, nâng cao chất lượng môi trường sống trong lành cho nhân dân và du khách. Hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường, chấm dứt tình trạng bốc mùi hôi khó chịu do ô nhiễm nước, rác thải tù đọng tại khu vực Chùa Cầu làm phiền lòng du khách mà dư luận phản ánh lâu nay, góp phần nâng cao giá trị Di tích Chùa Cầu.
Chùa Cầu nằm ở vùng có địa hình thấp trũng, nằm ở hạ nguồn sông Thu Bồn nên khó chủ động kiểm soát được chất lượng nước từ thượng nguồn kéo về. Các công trình xử lý nước thải đô thị ở Hội An cũng không nhiều. Theo GS.TS Trương Quốc Bình, trong tương lai, khi lựa chọn quan điểm và giải pháp cụ thể để trùng tu di tích này nên lưu ý kết hợp trùng tu với cải tạo hệ thống thoát nước, giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước, khôi phục cảnh quan văn hóa Khu Di tích Chùa Cầu. Việc thám sát, tu sửa, gia cố phần móng của di tích cần được kết hợp với các hoạt động nạo vét lòng kênh để thoát lũ và nước thải sinh hoạt đã qua xử lý từ hồ điều hòa và trạm bơm cấp nước kênh Chùa Cầu để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh, khắc phục sự ô nhiễm và kéo dài tuổi thọ của di tích.
Bài và ảnh: Việt Dân