Có bao nhiêu bài báo được ký tên Nguyễn Ái Quốc?

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là nhà báo cách mạng vĩ đại, người sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Mỗi tên gọi, bút danh Người dùng đều gắn liền với những sự kiện lịch sử, những bước ngoặt trong hành trình cứu nước của Người.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã viết khoảng hơn 2.000 bài báo với nhiều tên gọi, bí danh, bút danh. Trong đó, Nguyễn Ái Quốc - cái tên bắt đầu một chặng đường mới trong hành trình cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xuất hiện lần đầu tiên với bản Yêu sách của nhân dân An Nam, tháng 6-1919. Từ đó về sau tên gọi này xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều trên báo chí và các diễn đàn hoạt động đòi tự do, độc lập cho các nước thuộc địa, đặc biệt trong giai đoạn 1919-1926. Bút danh này xuất hiện lần cuối cùng trong lời kêu gọi “Kính cáo đồng bào”, ngày 6-6-1941.

Theo thống kê bước đầu, có 86 bài viết đăng trên nhiều báo khác nhau[1] ký tên Nguyễn Ái Quốc, trong đó có: 22 bài đăng trên báo L’Humanité[2], 20 bài đăng trên báo Le Paria[3], 17 bài đăng trên báo La Vie Ouvrière[4], 12 bài đăng trên Tập san Inprekorr[5], 03 bài đăng trên La Revue Communiste[6], 02 bài đăng trên báo Le Libertaire[7], 02 bài đăng trên báo Mátxcơva Guđok[8], 01 bài đăng trên báo Le Populaire[9], 01 bài đăng trên Le Journal du Peuple[10], 01 bài đăng trên báo L'Ame Annamite[11], 01 bài đăng trên báo Pravđa[12], 01 bài đăng trên báo Công nhân Bacu, 01 bài đăng trên Tạp chí Đỏ, 01 bài đăng trên Tạp chí Rabôtnhítxa, 01 bài đăng trên Tạp chí Quốc tế Nông dân. Thống kê này cho thấy ba tờ báo Nguyễn Ái Quốc gửi bài nhiều nhất là: L’Humanité, Le PariaLa Vie Ouvrière.

Các tác phẩm báo chí của Nguyễn Ái Quốc viết trong thời gian hoạt động ở Pháp (1919-1923) thể hiện tinh thần phê phán chủ nghĩa đế quốc, thực dân Pháp và đòi tự do, bình đẳng cho người lao động, đòi quyền độc lập, tự quyết cho các nước thuộc địa. Ngay trong bài báo đầu tiên Vấn đề dân bản xứ, Nguyễn Ái Quốc đã công kích mạnh mẽ chính sách thống trị của thực dân Pháp: “Từ khi bị Pháp chiếm, đất nước chúng tôi hầu như luôn luôn sống lay lắt ngày này qua ngày khác, không hề biết chính quyền muốn dẫn mình đi đến đâu...”[13]. Người lột tả rõ đằng sau những diễn ngôn tốt đẹp như khai hóa cho dân bản xứ là hàng loạt những tội ác ghê rợn. Gieo rắc sự kinh hoàng cho dân bản xứ từ tâm lý khinh miệt, sự ngự trị bạo chính, chà đạp lên chân lý. Những phân tích của Nguyễn Ái Quốc đều tấn công vào mục đích trong suốt mấy chục năm đô hộ của thực dân Pháp là “ngoan cố kìm chân người bản xứ trong vòng nô lệ, không cho họ hưởng một chút quyền tự do nào cũng như các quyền khác theo luật pháp quy định”[14]. Những bài báo sau đó, tiếp tục đi sâu tố cáo các tội ác của Pháp ở Đông Dương, từ việc đối xử với thợ thuyền thậm tệ, bắt thợ đi lính và chết ở các thuộc địa khác, đến việc bóc lột người dân bản xứ, đàn áp dã man các phong trào đấu tranh của người dân. Không chỉ thợ thuyền, người nổi dậy mà những người dân thường cũng bị đối xử tàn bạo, biến con người trở thành những động vật và thậm chí còn không bằng động vật...

 Bên cạnh việc lên án sự tàn bạo của kẻ thống trị, các bài viết của Nguyễn Ái Quốc còn đi vào phân tích sự thâm hiểm, ác độc của thực dân Pháp với những chính sách ngu dân, làm suy thoái nòi giống người bản xứ bằng rượu cồn, thuốc phiện, gái điếm, với những chứng cứ cụ thể qua những số liệu hay những so sánh thú vị như “10 trường học và 1500 đại lý rượu... Để minh chứng sinh động hơn cho bài viết, Nguyễn Ái Quốc còn minh họa bằng tranh vẽ. Trong hồi ức của mình, luật sư Max Clainville Blonconrt, người Guadeloup - Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp thuộc địa nhận xét: “Nguyễn Ái Quốc đã đóng góp rất nhiều cho tờ báo… Tất cả những bài và tranh ký tên Nguyễn Ái Quốc trên báo Le Paria mang một màu sắc đặc biệt: đó là tinh thần đấu tranh cách mạng triệt để và quyết tâm chống chủ nghĩa thực dân. Xem, đọc bài và tranh đó người ta thấy rõ tác giả có một tinh thần tiến công rất chủ động và rất thông minh”[15].

Ngoài ra, những bài viết trên báo chí của Nguyễn Ái Quốc còn tập trung vào phê phán thực tại để nhận thức rõ hơn về tình hình thế giới, tình hình ở Pháp và các nước thuộc địa, về mối quan hệ giữa kẻ cai trị và người bị cai trị, giữa những người lao động ở chính quốc và người dân thuộc địa, làm cho những người bị cai trị nhận thức rõ hơn về bản chất của chủ nghĩa đế quốc, thực dân.

Từ tháng 9-1923, ngoài việc tiếp tục gửi bài cho các tờ báo Pháp như L’HumanitéLa Vie Ouvrière, Người còn viết nhiều bài cho các ấn phẩm định kỳ của Quốc tế Cộng sản như Tạp chí Thông tin Quốc tế, Tạp chí Quốc tế Nông dân, báo chí của Đảng Cộng sản Liên Xô như tờ Sự thật, Công nhân Bacu... với chủ đề phong phú, góp phần định hướng cho hành động cách mạng. Để tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi cần phải có một giai cấp công nhân giác ngộ, có tổ chức, được vũ trang bằng học thuyết cách mạng nhất là “chủ nghĩa Mác-Lênin”. Thông qua một loạt bài viết như: Phong trào công nhân (9-11-1923), Nhật Bản (9-11-1923), Phong trào công nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ (1-1-1924), Phong trào công nhân ở Viễn Đông (25-1-1924)… Nguyễn Ái Quốc bắt đầu có ý thức rõ ràng về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Đồng thời, xuất phát từ thực tế lịch sử của đất nước và những nước cùng cảnh ngộ thuộc địa, Người cũng nhận rõ vai trò cách mạng của giai cấp nông dân, Người viết nhiều bài báo về tình cảnh nông dân Bắc Phi, nông dân Trung Quốc, nông dân Việt Nam... Mặc dù thời gian hoạt động ở Liên Xô không lâu (16 tháng) nhưng đây là khoảng thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc mà cả đối với phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam. Những tác phẩm báo chí Người viết trong khoảng thời gian này góp phần lý giải sáng tỏ nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách đang đặt ra cho cách mạng vô sản thế giới cũng như cho cách mạng giải phóng dân tộc ở các thuộc địa, từ đó Người đã hoàn thiện thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng của mình và phác thảo những nét lớn về chiến lược cho cuộc cách mạng của nhân dân Việt Nam.

Có thể coi báo chí là mặt trận đầu tiên mà Nguyễn Ái Quốc tham gia trong quá trình đấu tranh tìm đường giải phóng dân tộc. Bút danh Nguyễn Ái Quốc đã đánh dấu nhiều dấu mốc quan trọng trong tư tưởng và con đường đấu tranh cách mạng cho dân tộc của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, từ chỗ chưa định hình được con đường cách mạng đến việc lựa chọn và tin tưởng theo Chủ nghĩa Mác-Lênin, theo cách mạng vô sản; từ một người yêu nước chân chính./.

Theo thống kê bước đầu, có 86 bài viết đăng trên nhiều báo khác nhau[1] ký tên Nguyễn Ái Quốc, trong đó có: 22 bài đăng trên báo L’Humanité[2], 20 bài đăng trên báo Le Paria[3], 17 bài đăng trên báo La Vie Ouvrière[4], 12 bài đăng trên Tập san Inprekorr[5], 03 bài đăng trên La Revue Communiste[6], 02 bài đăng trên báo Le Libertaire[7], 02 bài đăng trên báo Mátxcơva Guđok[8], 01 bài đăng trên báo Le Populaire[9], 01 bài đăng trên Le Journal du Peuple[10], 01 bài đăng trên báo L'Ame Annamite[11], 01 bài đăng trên báo Pravđa[12], 01 bài đăng trên báo Công nhân Bacu, 01 bài đăng trên Tạp chí Đỏ, 01 bài đăng trên Tạp chí Rabôtnhítxa, 01 bài đăng trên Tạp chí Quốc tế Nông dân. Thống kê này cho thấy ba tờ báo Nguyễn Ái Quốc gửi bài nhiều nhất là: L’Humanité, Le PariaLa Vie Ouvrière.

Nguyễn Vân - Thu Hiền

 

Chú thích:

[1] Các bài đã đăng tải trên các báo được thống kê trong CD - ROM HỒ CHÍ MINH TOÀN TẬP (xuất bản lần thứ ba), Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.

[2] Báo Nhân đạo.

[3] Nguyễn Ái Quốc: Những bài đăng trên báo Le Paria, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.141: Nguyễn Ái Quốc ký dưới 26 bài và 2 tranh vẽ. Báo Le Paria (Người cùng khổ).

[4] Báo Đời sống thợ thuyền.

[5] Tập san “Inprekorr” của Quốc tế Cộng sản.

[6] Tạp chí Cộng sản.

[7] Báo Dân chúng.

[8] Báo Tiếng còi Mátxcơva.

[9] Báo Người tự do.

[10] Báo Của dân.

[11] Báo Việt Nam hồn.

[12] Báo Sự thật.

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 1, tr.10.

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.18.

[15] Bác Hồ ở Pháp (Hồi ký), Nxb. Văn học, Hà Nội, 1970, tr.51-52.

Top