Phát huy vai trò của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

Hội Di sản Văn hóa Việt Nam được thành lập ngày 23 tháng 4 năm 2004, theo Quyết định số 28/2004/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đến nay, đã qua 3 kỳ đại hội: Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2004-2009; Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2009-2014 và Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2014-2019. Hội Di sản Văn hóa Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tự nguyện của công dân và tổ chức Việt Nam đã và đang hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa và tâm huyết với di sản văn hóa. Mục đích hoạt động của Hội là tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới.

Tương tự như các tổ chức xã hội - nghề nghiệp khác trong cả nước, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam hoạt động dựa trên 5 nguyên tắc: Tự nguyện, tự quản; dân chủ, bình đẳng, công khai; tự bảo đảm kinh phí hoạt động; không vì mục đích lợi nhuận; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Hội.

Hội Di sản Văn hóa Việt Nam ra đời và phát triển trong bối cảnh đất nước đang trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Di sản văn hóa được xác định là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, là cốt lõi của bản sắc dân tộc và là một nguồn lực to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là trách nhiệm của toàn xã hội; bên cạnh vai trò quản lý thống nhất của nhà nước, các tổ chức và cá nhân trong xã hội giữ vị trí hết sức quan trọng. Nhà nước và xã hội là 2 lực lượng, 2 mặt hợp thành trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, có quan hệ mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau. Thực tiễn đã chứng minh rằng, không có sự tham gia của xã hội, không khơi dậy và phát huy được ý thức trách nhiệm và tiềm năng của xã hội, chỉ bằng nhà nước không thôi thì không thể làm tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Từ chỗ có chưa đến 600 hội viên buổi đầu thành lập, đến nay Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã trải rộng hầu khắp cả nước, với gần 6.000 hội viên, sinh hoạt trong 109 tổ chức Hội, gồm 10 hội cấp tỉnh, 2 liên chi hội, 5 câu lạc bộ, 89 chi hội, 2 hội viên tập thể, Qũy Hỗ trợ Bảo tồn Di sản Văn hóa Việt Nam, Tạp chí Thế giới Di sản, Tạp chí Vietnam Heritage tiếng Anh, Tạp Di sản Việt Nam song ngữ Việt-Anh, Tạp chí điện tử Thế giới Di sản, Văn phòng Hội, Văn phòng đại diện Hội tại thành phố Hồ Chí Minh, Ban Kiểm tra, Ban Di sản Văn hóa vật thể, Ban Di sản văn hóa phi vật thể, Ban Đối ngoại, Ban Đào tạo - Bồi dưỡng; 10 công ty, 5 trung tâm trực thuộc.

Sự đa dạng về hình thức tổ chức phù hợp với tính chất của một hội xã hội - nghề nghiệp, không chỉ là lợi thế để tập hợp các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa mà còn thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động trên các lĩnh vực khác tâm huyết với di sản văn hóa, tự nguyện gia nhập Hội, cùng nhau tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, theo tính chất, đặc điểm và điều kiện cụ thể.

Hội Di sản Văn hóa Việt Nam luôn xác định nhiệm vụ hàng đầu, đồng thời cũng là lý do ra đời, tồn tại và phát triển của Hội là phải góp phần tích cực, có hiệu quả cùng với nhà nước và xã hội làm tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tư tưởng chỉ đạo đó đã được thể hiện xuyên suốt, nhất quán từ Điều lệ Hội, nghị quyết các kỳ đại hội, nghị quyết các hội nghị Ban Chấp hành và chương trình công tác hàng năm của Hội, cho tới hoạt động của các tổ chức thành viên trong toàn Hội.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ đó, được thể hiện ở các ở các mặt chủ yếu như sau:

1. Không ngừng đa dạng hóa các hình thức hoạt động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền - giáo dục về di sản văn hóa ở trong nước và giới thiệu di sản văn hóa Việt Nam với bè bạn quốc tế, thông qua các phương tiện truyền thông của Hội.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã khẩn trương hình thành các cơ quan truyền thông của Hội, lấy đó làm cơ sở cho hoạt động tuyên truyền - giáo dục về di sản văn hóa.

Hiện nay, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam có Tạp chí Thế giới Di sản tiếng Việt xuất bản hàng tháng ra đời năm 2006; Tạp chí Vietnam Heritage, tiếng Anh, kỳ 2 của Tạp chí Thế giới Di sản, ra đời năm 2011; Tạp chí Di sản Việt Nam song ngữ Việt-Anh, ra đời năm 2016 và Tạp chí điện tử Thế giới Di sản thành lập tháng 2-2016. Các tạp chí của Hội hoạt động đều đặn, liên tục, nội dung và hình thức ngày càng cải tiến, nâng cao, theo hướng gắn di sản với đời sống, mang tính phổ cập rộng rãi, số lượng phát hành ngày càng mở rộng, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, được bạn đọc ghi nhận và hoan nghênh. Tạp chí điện tử Thế giới Di sản tuy mới ra đời nhưng thông tin về di sản văn hóa hàng ngày khá phong phú, đa dạng, lượng truy cập ngày càng tăng.

Nội dung của các tạp chí tập trung vào việc giới thiệu di sản văn hóa của Việt Nam và thế giới; tuyên truyền, giới thiệu chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước về di sản văn hóa; nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ di sản văn hóa; những tấm gương người tốt, việc tốt trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; các sự kiện di sản văn hóa trong và ngoài nước; kinh nghiệm hoạt động di sản văn hóa trong nước và nước ngoài; lên tiếng về các việc làm không đúng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…

Để duy trì và phát triển, trong điều kiện phải tự lo về kinh phí, các tạp chí của Hội đã tăng cường sự liên kết với các cơ quan, tổ chức, địa phương, sự giúp đỡ của các nhà tài trợ, thông qua các chuyên đề, chuyên mục; xây dựng, củng cố và mở rộng mạng lưới cộng tác viên…

Ngay sau khi thành lập, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã khởi xướng và kiến nghị với Bộ Văn hóa -  Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số về việc lấy ngày 23-11 hàng năm (ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 65/SL ngày 23-11-1945 về việc bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam) là ngày Di sản Văn hóa Việt Nam. Từ năm 2005, hàng năm, đến dịp này, ở Trung ương, Hội đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan có liên quan tổ chức các hoạt động phong phú, với các chủ đề khác nhau tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam. Ở các hội địa phương và các tổ chức hội trong cả nước, theo định hướng của Trung ương Hội, đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan có các hoạt động kỷ niệm phong phú, thiết thực. Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam dần dần đã trở thành ngày hội của toàn dân tham gia bảo vệ di sản văn hóa dân tộc.

 Bằng nhiều hình thức đa dạng, sinh động, hiệu quả, các đơn vị thành viên của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã phối hợp với nhiều địa phương tổ chức các chương trình quảng bá di sản văn Việt Nam: Thi “Người đẹp các vùng Kinh đô Việt Nam”, huy động được 200 triệu đồng để giúp đỡ đồng bào bị lũ lụt và 100 triệu đồng để trao các suất học bổng cho thiếu nhi thành phố Huế “vượt khó, học giỏi”; Thi ảnh “Sen trong đời sống văn hóa Việt”, “Di sản văn hóa Việt Nam”; Chương trình “Doanh nhân Việt Nam với văn hóa, di sản văn hóa dân tộc” nhằm huy động sự bảo trợ của doanh nhân cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Chương trình “Trường Sơn - Thành cổ ngày trở về”, tặng sổ tiết kiệm cho 10 bà mẹ Việt Nam anh hùng, đóng góp cho “Quỹ Thanh niên xung phong Ngã Ba Đồng Lộc”; Chương trình “Nổi trống Lạc Hồng - Hào khí Thăng Long”, đúc trống đồng theo kỹ thuật thủ công truyền thống, dâng lên Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; Dự án “Trống đồng - Âm vang Đất Tổ”; Chương trình nghệ thuật “Đêm Di sản” chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 2010 và  tặng 200 triệu đồng để góp phần bảo tồn Khu Di tích lịch sử Pắc Bó; tư vấn Dự án “Hướng dẫn sử dụng di sản để dạy học trong các trường trung học cơ sở và giáo dục thường xuyên”; tổ chức Chương trình “Diều trong đời sống văn hóa Việt”…

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng, đổi mới các hoạt động bảo tàng, bảo tồn di tích và nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể, nhiều tổ chức cơ sở của Hội đã tham gia tư vấn về trưng bày và marketing bảo tàng, hệ thống thông tin di tích, tổ chức lễ hội, kiểm kê về di sản văn hóa phi vật thể…

Việc thành lập Câu lạc bộ Mạng lưới Bảo tàng Việt Nam vào năm 2012 đã liên kết các bảo tàng và những người làm công tác bảo tàng với hàng ngàn thành viên tập thể và cá nhân; tổ chức nhiều sinh hoạt chuyên đề về bảo tàng; thường xuyên cập nhật thông tin, trao đổi kinh nghiệm về công tác bảo tàng trong nước và quốc tế; giới thiệu và giúp đỡ cho nhiều người được học bổng đi tu nghiệp ở nước ngoài…đóng góp tích cực vào việc nâng cao trình độ nghiệp vụ, nhận thức và cách tiếp cận mới về hoạt động bảo tàng, đặc biệt là mối quan hệ bảo tàng và công chúng. Các công ty của Hội, bằng tâm huyết và nghề nghiệp chuyên môn của mình, đã trực tiếp tham gia thực hiện nhiều đồ án quy hoạch, dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích, tạo dựng được tín nhiệm của các địa phương, đặc biệt là tư vấn lập và triển khai thi công phần mỹ thuật và kỹ thuật công trình Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên”, tại thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bình chọn là một trong 10 sự kiện nổi bật năm 2012; giúp tỉnh Điện Biên xây dựng nội dung trưng bày, danh mục tài liệu, hiện vật và thi công trưng bày Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ; xây dựng đề án và thi công trưng bày đổi mới Bảo tàng Công an nhân dân; Bảo tàng Hải quan Việt Nam; Bảo tàng Tôn Đức Thắng; Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội thực hiện thành công Dự án Tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô… 

Nhiều tổ chức của Hội đã biên soạn và xuất bản nhiều công trình di sản văn hóa, góp phần tuyên truyền, giới thiệu di sản văn hóa dân tộc.

2. Tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học xung quanh các vấn đề thực tiễn đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Hội Di sản Văn hóa Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề nghiên cứu khoa học về di sản văn hóa, huy động trí tuệ của các nhà khoa học trong Hội và các nhà chuyên môn trên các lĩnh vực khác nhau, thông qua việc tổ chức và phối hợp tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, tọa đàm khoa học về những vấn đề quan trọng trong hoạt động bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của đất nước. Kết quả của các cuộc hội thảo và tọa đàm khoa học đều được đăng tải trên các phương tiện truyền thông của Hội và gửi báo cáo kiến nghị tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan chức năng khác, được ghi nhận và đánh giá cao. Xin dẫn chứng một số cuộc hội thảo và tọa đàm khoa học tiêu biểu: “Giá trị di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư và Khu du lịch sinh thái Tràng An”; “Tam Đảo - Di sản văn hóa và tiềm năng du lịch”; “Giá trị đa dạng, tiêu biểu Di sản thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long”; “Các giải pháp nhằm thu hút công chúng đến với bảo tàng”; “Công tác tổ chức và quản lý lễ hội ở nước ta hiện nay - Thực trạng và giải pháp”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”; “Tục hiến sinh trong lễ hội truyền thống ở Việt Nam”; “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam”; “Thiền sư Minh Châu Hương Hải với việc phục hưng Phật giáo Thiền phái Trúc Lâm thời Hậu Lê”; “Tăng ni trẻ góp phần bảo vệ di sản văn hóa dân tộc”, “Vu lan báo hiếu của đạo Phật với đạo đức xã hội Việt Nam”; phối hợp tổ chức nhiều cuộc tọa đàm quốc tế và trong nước về văn hóa tín ngưỡng, về giá trị văn hóa tôn giáo và việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng, văn hóa tôn giáo, về di sản văn hóa thờ Mẫu..

3. Tích cực tham gia ý kiến và thực hiện chức năng phản biện xã hội về di sản văn hóa.

Với tư cách là Hội xã hội - nghề nghiệp về di sản văn hóa, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề chung của đất nước và của ngành, như: Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; Nghị định tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú; thực hiện phản biện xã hội đối với những vấn đề trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, như: phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Khảo cổ học Việt Nam xây dựng văn bản kiến nghị khẩn cấp về việc bảo vệ Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội; Di tích Ba Son (thành phố Hồ Chí Minh), đồi Vọng Cảnh (Thừa Thiên Huế), Di tích chùa Trăm Gian (Hà Nội), Di tích cầu Thăng Long, chùa Dạm (tỉnh Bắc Ninh)… Nhiều Ủy viên Ban Chấp hành và hội viên của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam là thành viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia trực tiếp tham gia xây dựng và thẩm định hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản Thế giới và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; tham gia Hội đồng khoa học về bảo tồn di tích, Hội đồng Giám định cổ vật, Hội đồng thẩm định hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia… đóng góp tích cực vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Nhìn lại chặng đường hơn 12 năm xây dựng và phát triển, tuy còn nhiều khó khăn và thách thức của một tổ chức xã hội - nghề nghiệp ra đời chưa lâu, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải về kinh phí nhưng Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã không ngừng phấn đấu vươn lên, vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của một hội xã hội - nghề nghiệp về di sản văn hóa, từng bước đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước. Nhờ đó, uy tín và vị thế của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam ngày càng được nâng cao, được các cơ quan quản lý và xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và hàng năm đều được Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Từ thực tiễn hoạt động của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam trong những năm qua có thể rút ra một số nhận xét và kiến nghị như sau:

Một là, việc thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sinh động chủ trương xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; nhà nước và xã hội cùng có trách nhiệm trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; bảo vệ di sản văn hóa là sự nghiệp của toàn xã hội.

Hai là, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam luôn chăm lo công tác xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức Hội vững mạnh về mọi mặt, coi đó là nhân tố đầu tiên đảm bảo thắng lợi các hoạt động của Hội.

Trong quá trình hoạt động, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam luôn luôn thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà nước về tổ chức Hội, Điều lệ Hội; đảm bảo chế độ báo cáo định kỳ với Bộ Nội vụ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; xây dựng và phát triển ngày càng rộng rãi mối quan hệ quan hệ hợp tác với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. 

Ba là, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam chú trọng việc xây dựng, củng cố và phát triển sự đoàn kết trong Hội, từ Thường trực, Thường vụ, Ban Chấp hành đến các tổ chức của Hội; làm việc theo quy chế, có sự phân công trách nhiệm rõ ràng.

Bốn là, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam hướng và tập trung mọi hoạt động của mình vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; luôn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

­ Hội Di sản Văn hóa Việt Nam là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp lớn, có uy tín về di sản văn hóa, là nơi tập trung nhiều chuyên gia, các nhà khoa học về di sản văn hóa, có nhiều khả năng để thực hiện các dự án, đề án, công trình, đề tài khoa học…về di sản văn hóa; vì vậy, đề nghị Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần nghiên cứu, xem xét giao các nhiệm vụ cụ thể cho Hội; để Hội vừa có điều kiện đóng góp tốt hơn cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nước nhà, vừa tạo điều kiện từ đó có thêm nguồn kinh phí cho hoạt động của Hội.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ

Top