Nơi họp và quyết định cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968

Đó là một căn phòng nhỏ trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, một bộ phận cấu thành Khu Di tích quốc gia đặc biệt này.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, căn phòng cũng như nội thất vẫn được các cán bộ Khu Di tích Phủ Chủ tịch gìn giữ nguyên vẹn, đơn sơ và mộc mạc như nhiều căn phòng ở nơi đây. Một quyển sách ảnh được để ở ngay ở phía cửa ra vào để khách tham quan hiểu thêm về căn phòng lịch sử này. Đó là những bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp một số đoàn khách trong nước và quốc tế, một số bức ảnh có Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng tiếp khách với Người. Đó thực sự là những kỷ niệm vô giá sẽ còn sống mãi với thời gian cùng với căn phòng nhỏ trong Khu lưu niệm đặc biệt này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị quyết định chủ trương mở đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, ngày 28-12-1967

Trong số những bức ảnh đó có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp đặc biệt của Bộ Chính trị Trung ương Đảng ngày 28 tháng 12 năm 1967. Chính sự kiện quan trọng này mà ngày nay căn phòng được mang tên “Căn phòng họp Bộ Chính trị Trung ương Đảng, quyết định chủ trương mở đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968”.

Với một không gian nhỏ trong ngôi nhà của khu vực dành cho những người phục vụ Phủ Toàn quyên cũ, từ cuối năm 1954, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng về sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, căn phòng đã trở thành nơi tiếp khách chung của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Phía trước ngôi nhà này, cách một khoảng sân là ngôi nhà Thủ tướng Phạm Văn Đồng sống và làm việc; phía trái là Văn phòng, nơi làm việc của các cán bộ Văn phòng Thủ tướng; cách một khoảng sân nhỏ của Văn phòng là ngôi nhà 54 nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc. Vì ở trong cùng một khu vực như vậy cho nên Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đã dùng chung một căn phòng để tiếp khách. Được chiêm ngưỡng những hình ảnh quý đó cảm nhận như căn phòng rộng mở hơn, thấy tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ vẫn luôn tỏa sáng.

Trở lại sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp đặc biệt của Bộ Chính trị chính thức thông qua kế hoạch chiến lược năm 1968 diễn ra tại căn phòng này. Đó là cuộc họp nối tiếp của một số cuộc họp trước Bộ Chính trị  đã bàn luận về vấn đề này. Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10 năm 1967 đã nhận định: Trong hai mùa khô 1966 và 1967 đế quốc Mỹ đã thất bại lớn, do đó dù chúng có tăng thêm quân cũng không giải quyết được gì, mà trái lại tình hình sẽ càng thêm bế tắc, càng bị cô lập thêm, mâu thuẫn trong nội bộ càng thêm sâu sắc. Tuy nhiên, Mỹ còn rất ngoan cố, đang cố gắng tăng cường lực lượng để giữ cho tinh thần không xấu đi. Vì vậy ta nên chớp thời cơ, bất ngờ và đồng loạt đánh mạnh vào các đô thị trên toàn miền Nam. Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất của Đảng nói: Mặc dù quân Mỹ đang bị động, đang lâm vào thế khó khăn, nhưng nó là kẻ mạnh nên ta phải biết thắng nó. Muốn thế chúng ta không thể đánh theo lối cũ, mà phải chuyển qua một giai đoạn mới, tức là giai đoạn tổng công kích, tổng khởi nghĩa, buộc nó phải đi đến ngồi với ta, thương lượng với ta. (Đảng Cộng sản Việt Nam.Văn kiện Đảng, tt.t.29, NXB CTQG, H.2004, tr.23.) Sau nhiều lần bàn bạc, Hội nghị đặc biệt ngày 28 tháng 12 năm 1967 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại căn phòng này chủ trương quan trọng mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân 1968 đã được quyết định.

Trên mặt trận ngoại giao, Bộ Chính trị chỉ rõ cần có những phương pháp và hình thức đấu tranh thích hợp và “phải mở đường cho địch đi vào thương lượng theo hướng có lợi nhất cho ta” (Văn kiện Đảng, tt.,t.29,NXB.CTQG,H.2004,tr.63). Với phương hướng đó Bộ Chính trị đã thể hiện sự mềm dẻo hơn trong đấu tranh ngoại giao. Nếu từ năm 1966 trở về trước, lập trường của phía Việt Nam là Mỹ phải rút quân ra khỏi miền Nam, chấm dứt hoàn toàn hành động chống phá miền Bắc trước khi có bất cứ một cuộc nói chuyện nào giữa hai bên, thì nay để mở khả năng phía Việt Nam sẽ đi vào đàm phán nếu Mỹ chấm dứt chiến tranh bắn phá miền Bắc, chứ chưa bao gồm điều kiện Mỹ phải rút quân ra khỏi miền Nam. Đồng thời với chủ trương đó, chúng ta sẽ tiến hành vận động, giải thích, thuyết phục các nước anh em để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ đối với chủ trương thương lượng của ta.

Chủ trương chiến lược trên đã có sự nhất trí rất cao của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và quân đội. Các đồng chí đều nhất trí cho rằng ta đã tạo ra được điều kiện chín muồi cho việc đồng loạt công kích, khởi nghĩa ở các khu trọng điểm. Đồng chí Trường Chinh nói: Cần phải “tranh thủ thời cơ, tích cực chuẩn bị tiến hành công kích, khởi nghĩa làm thay đổi tình hình, thay đổi cục diện, chuyển biến chiến lược, thực hiện các nghị quyết của Trung ương bằng công kích, khởi nghĩa.”

Sau sự nhất trí cao của Bộ Chính trị, tháng 1 năm 1968, chủ trương trên đã được đưa ra Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 14, khóa III. Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duân đã nói: Kỳ này họp Trung ương đây là vấn đề quan trọng quá, vấn đề lớn quá…Bộ Chính trị chúng tôi đã thảo luận nhiều lần, đã thảo luận với các đồng chí miền Nam mấy lần, các đồng chí Trung ương Cục, ở khu V và Trị-Thiên. Tất cả các đồng chí đều đồng tình và nhất trí với Bộ Chính trị.(Văn kiện ĐảngTT,T. 29, NXB.CTQG, H.2004, tr.1-2). Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí thông qua Nghị quyết cuộc họp tháng 12 năm 1967 của Bộ Chính trị, khẳng định quyết tâm, mục tiêu và phương hướng tiến công chiến lược. Hội nghị đã thông qua Nghị quyết với nhan đề: “Anh dũng tiến lên, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước”.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, ở miền Nam, các binh đoàn chủ lực, theo kế hoạch đang tiến hành áp sát vào bàn đạp tiến công. Chỉ thị cụ thể của Bác Hồ cho các chiến trường đã được gửi đi là: Kế hoạch phải thật tỷ mỷ, hợp đồng phải thật ăn khớp, bí mật phải thật tuyệt đối, hành động phải thật kiên quyết, cán bộ phải thật gương mẫu”.

Sự nhất trí rất cao của tập thể đã được thể hiện thành lời hiệu triệu trong bài thơ chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,

Thắng trận, tin vui khắp nước nhà,

Nam-Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,

Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!.

Sau cuộc họp của Bộ Chính trị ít ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Bắc Kinh, Trung Quốc chữa bệnh theo quyết định của Bộ Chính trị và Hội đồng bác sỹ. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước thường xuyên đến Bắc Kinh báo cáo và xin ý kiến. Trước ít ngày của chiến dịch Mậu Thân, ngày 20 tháng 1 năm 1968 đồng chí Lê Đức Thọ đến; Ngày 25 tháng 1 năm 1968, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vì sức khỏe phải đi chữa bệnh tại Hungari nên không tham gia cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 28 tháng 12 năm 1967 cho nên trên đường từ Hungari về đã qua Bắc Kinh để xin chỉ thị cuối cùng của Bác về chiến dịch.

Đêm 30 tháng 1 năm 1968 (tức đêm Giao thừa Tết Mậu Thân), các lực lượng vũ trang và nhân dân miền Nam đã tiến công và nổi dậy đồng loạt ở 64 thành phố, thị xã, các sào huyệt và cơ quan đầu não của địch. Tại Sài Gòn, nhiều mục tiêu quan trọng như Dinh Tổng thống Ngụy quyền, Bộ Tổng tham mưu Ngụy, Đài Phát thanh, Tòa Đại sứ Mỹ…đều bị tấn công. Tại thành phố Huế, quân ta đã đánh chiếm 39 mục tiêu quan trọng giải phóng thành phố và chiếm giữ trong 25 ngày đêm.

Bộ bàn ghế trong căn phòng họp Bộ Chính trị sau 50 năm (tháng 12-2017)

Với cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa năm 1968, đã làm trấn động trong lòng nước Mỹ, khiến đông đảo các tầng lớp xã hội Mỹ, kể cả những quan chức cấp cao, các nghị sỹ, các tập đoàn tài phiệt đầy thế lực phải thay đổi quan điểm, không còn hậu thuẫn cho chính sách xâm lược của chính quyền Giôn-xơn nữa. Đêm 31 tháng 3 năm 1968 Tổng thống Giôn-xơn phải công khai tuyên bố Mỹ đơn phương chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc (từ vĩ tuyến 20 trở ra), sẵn sàng cử đại biểu đi đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hơn thế nữa còn quyết định rút dần quân đội Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, trong khi chưa một mục tiêu nào của Mỹ trong cuộc chiến tranh này được thực hiện.

Như vậy, thắng lợi Mậu Thân 1968 đã giáng đòn bất ngờ vào ý chí xâm lược của ế quốc Mỹ, làm đảo lộn thế chiến lược của chúng. Ôn lại ý nghĩa lịch sử của chiến dịch Mậu Thân 50 năm trước, càng tự hào về một lớp người đã làm nên chiến công oanh liệt này. Đó cũng là ý nghĩa của việc bảo tồn và phát huy giá trị căn phòng nhỏ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

TS Nguyễn Thị Tình

Top