Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ

Phú Thọ là vùng đất Tổ, Kinh đô của nhà nước Văn Lang xưa, nhà nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc, cũng là nơi khởi nguồn của nền văn minh sông Hồng với nhiều giá trị văn hóa đặc sắc riêng biệt. Trong đó, không thể không kể đến Hát Xoan.

Hát Xoan là lối hát được trình diễn ở cửa đình nên còn có tên gọi là khúc môn đình, là loại hình nghệ thuật được hình thành từ thời các vua Hùng dựng nước và lưu truyền trong nhân dân từ đời này sang đời khác. Trải qua bao thăng trầm biến thiên của lịch sử, Xoan vẫn giữ trong mình các giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo của một loại hình dân ca nghi lễ, phong tục mà không nơi nào có được.

Ngày 26-11-2011, tại Kỳ họp thứ 6 của Uỷ ban Liên chính phủ Công ước Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc UNESCO (2003) về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể, Hát Xoan Phú Thọ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Để đáp ứng khuyến nghị của UNESCO, tỉnh Phú Thọ nói riêng và chính phủ Việt Nam nói chung đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy và phổ biến sâu rộng các giá trị độc đáo của Hát Xoan trong đời sống cộng đồng. Ngay sau khi Hát Xoan được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ban hành Chương trình hành động số 382/Ctr-UBND ngày 13 tháng 02 năm 2013 về Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp - Hát Xoan Phú Thọ; Kế hoạch số 3864/KH-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2013 về Triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2058/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại-Hát Xoan Phú Thọ” (giai đoạn 2013-2020). Với quyết tâm của các cấp, ngành, sự đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhất là nhân dân và nghệ nhân tại các phường Xoan gốc, Hát Xoan đã thực sự hồi sinh mạnh mẽ và được thực hành, phổ biến sâu rộng trong đời sống, các địa điểm di tích thực hành Xoan cũng được tu bổ, khôi phục khang trang hơn.

Để Xoan lan tỏa và đến với công chúng, rất nhiều hoạt động bảo tồn đã được các cấp ngành trong tỉnh tổ chức. Hát Xoan được đưa vào chương trình hoạt động ngoại khóa ở các trường phổ thông, được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt đoàn thể của các cơ quan, đơn vị. Mỗi năm, có hàng chục cuộc thi, hội diễn được tổ chức từ tỉnh đến cơ sở. Không chỉ ở trong tỉnh, nghệ thuật Hát Xoan đã được các nghệ nhân của Phú Thọ trình diễn ở Hàn Quốc, Thái Lan và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như Hà Nội, Huế, Quảng Nam, thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, đã có hàng trăm bài báo, ghi chép, hàng chục phóng sự của các báo, đài truyền hình của Trung ương và các tỉnh bạn tuyên truyền, quảng bá về Xoan tới công chúng trong nước và quốc tế. Tính đến nay, Phú Thọ đã đón trên 30 đoàn khách quốc tế đến với Xoan, thưởng thức, đón nhận Xoan đầy hào hứng và để lại nhiều cảm xúc khó quên.

Thế hệ nghệ nhân kế cận của phường Xoan Thét luyện tập trước giờ biểu diễn.

Bên cạnh đó, hoạt động bảo tồn và lưu giữ các bài bản Xoan cổ cũng được hết sức chú trọng, với sự tham gia của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Hùng Vương và các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian hàng đầu. Các nhà sưu tầm, nghiên cứu đã tìm về các phường Xoan gốc, gặp gỡ, ghi chép những lời Xoan cổ do chính các nghệ nhân cao tuổi của các phường truyền lại. Tính đến năm 2015, tỉnh đã tổ chức thu thanh, ghi hình và xuất bản được 1000 đĩa DVD phim tư liệu về Hát Xoan có lời giới thiệu tiếng Anh; 4000 sách, đĩa CD, VCD “Hát Xoan Phú Thọ tuyển tập”; hàng chục đầu sách và tài liệu nghiên cứu về Xoan được công bố và phát hành, trong đó có thể kể đến cuốn “Hát Xoan Phú Thọ tuyển chọn” với phần lời cổ và bản nhạc của hơn 40 bài Xoan gốc. Không chỉ được xuất bản dưới dạng sách in, các dữ liệu về Xoan cũng được số hoá và lưu giữ trên mạng Internet, giúp cho người yêu Xoan ở khắp nơi trên thế giới đều có thể đọc, tìm hiểu và thưởng thức các điệu Xoan một cách dễ dàng, thuận tiện nhất.

Để duy trì hoạt động của các phường Xoan gốc, hàng năm, 4 phường Xoan gốc được hỗ trợ kinh phí cho hoạt động truyền dạy, thực hành và trình diễn, với tổng kinh phí khoảng hơn 50 triệu đồng mỗi năm cho mỗi phường Xoan. Điều đó thể hiện sự quan tâm của các cấp, ngành trong tỉnh và cũng là động lực, điều kiện rất thuận lợi để các nghệ nhân có thể hoạt động thường xuyên, lưu giữ và truyền tình yêu với Xoan cho các thế hệ mai sau.

Năm 2011, cả 4 phường Xoan gốc của tỉnh chỉ có khoảng 100 người hát và nhạc công hoạt động không thường xuyên, với hơn phân nửa là trên 60 tuổi, trong đó có 31 nghệ nhân cao tuổi nhất (tuổi từ 80 đến 104), chỉ có 7 người có khả năng trình diễn và truyền dạy các bài bản cổ của Hát Xoan. Số câu lạc bộ Hát Xoan trong tỉnh là 13 với phần lớn công chúng là người dân trong làng, các phường Xoan tự giao lưu lẫn nhau. Đến nay, chỉ sau 6 năm, các phường Xoan đã có gần 200 thành viên với độ tuổi trung bình là 35, trong đó có 62 người kế nhiệm đã được đào tạo và trang bị đầy đủ để dạy bài bản về Hát Xoan. Không chỉ dừng lại ở những nghệ nhân trung, cao tuổi, số lượng thanh thiếu niên tham gia cũng phát triển nhanh. Theo số liệu điều tra năm 2012 tại các huyện, thị, thành trong tỉnh, số người hiểu biết về Xoan chỉ có 18%, số người biết Hát Xoan chỉ 9%, thì đến năm 2017, số câu lạc bộ Xoan chuyên nghiệp trong tỉnh đã lên tới 33 và hàng trăm câu lạc bộ quần chúng sinh hoạt tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị. Chính vì vậy, ngày nay, rất nhiều người, ở mọi độ tuổi, mọi tầng lớp nhân dân, từ em học sinh tiểu học cho tới các nam nữ thanh niên, những người trung cao tuổi đều có thể vừa hát vừa trình diễn những điệu Xoan cổ một cách thuần thục.

Phường Xoan Thét rước kiệu trong Lễ hội Đền Hùng năm 2014.

Ghi nhận những nỗ lực đó, ngày 8 tháng 12 năm 2017, Uỷ ban Liên chính phủ Công ước Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc UNESCO (2003) về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể lần thứ 12 đã thống nhất đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, ghi danh tại Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây cũng là lần đầu tiên trên thế giới, một di sản văn hoá được chuyển từ tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp thành Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Hát Xoan hồi sinh mạnh mẽ, thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và trở thành nét sinh hoạt văn hoá phổ biến trong đời sống hiện đại là niềm vui, sự khích lệ đối với cộng đồng Xoan nói chung và nghệ thuật truyền thống nói riêng. Với những giá trị đặc sắc và độc đáo đã được khẳng định, Hát Xoan Phú Thọ chắc chắn sẽ mãi giữ được vị trí của mình trong lòng công chúng, mãi trường tồn trong dòng chảy văn hoá dân tộc.

Nguyễn Thị Thanh Hoa

Top