No-man Mo-Ri-Xơn và chuyến thăm của gia đình ông tới Việt Nam
Norman R. Morrison sinh ngày 29 tháng 12 năm 1933 tại Ban-ti-mo, Mỹ. Là một tín đồ của Tổ chức Quaker- một tổ chức nhân đạo, từ thiện Mỹ, Mo-ri-xơn sớm nhận ra tính chất phi nghĩa cuộc chiến tranh Việt Nam mà chính quyền Mỹ đang thực hiện. Trước làn sóng phản đối chiến tranh ngày càng lan rộng, nhiều thanh niên Mỹ đã đốt thẻ quân dịch không sang Việt Nam; Tin về các cuộc ném bom của máy bay Mỹ xuống các làng mạc, các trường học, nhà thờ… giết hại người Việt Nam vô tội... Mo-ri-xơn đã suy nghĩ phải làm một điều gì đó.
Và câu chuyện về hành động của Mo-ri-xơn chúng ta được biết như sau: Ngày 2 tháng 11 năm 1965, trong khi vợ anh và hai đứa con lớn vắng nhà, Mo-ri-xơn đã bế đứa con gái út Êmely mới 11 tháng tuổi tới trước Lầu Năm Góc. Anh đã chọn một điểm ở ngay phía dưới cửa sổ phòng làm việc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Na-ma-ra. Sau khi trao đứa con gái nhỏ cho một người đứng gần, Mo-ri-xơn đã châm lửa tự thiêu. Sau đó, vợ của anh, chị Anne đã được một nhà báo gọi điện, mới hay biết hành động dũng cảm của chồng.
Norman R. Morrison, cùng với vợ Anne và hai trong số ba đứa con của họ, Ben và Christina. Ảnh chụp năm 1961. (Nguồn: AP)
Mo-ri-xơn đã ra đi ở tuổi 33, để lại người vợ trẻ và ba đứa con nhỏ lúc đó mới 6 tuổi, 5 tuổi và một tuổi. Ở Mỹ, hành động và tên tuổi Mo-ri-xơn không được nhắc nhiều nhưng sự hy sinh cao cả của Anh đã làm xúc động mọi người Việt Nam. Ngày 5 tháng 11 năm 1965, Chủ tịch Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ đã gửi thư cho chị Anne Mo-ri-xơn và gia đình. Thư có đoạn: “Xin bày tỏ lòng cảm phục và biết ơn của chúng tôi đối với sự hy sinh cao quý của anh Mo-ri-xơn và gia đình chị cho chính nghĩa của hai dân tộc chúng ta và cho nền hòa bình chung của nhân loại tiến bộ… Sự hy sinh cao cả của anh Mo-ri-xơn còn là tấm gương sáng ngời, cổ vũ mạnh mẽ đồng bào chúng tôi, không quản bất cứ một hy sinh nào, chiến đấu quyết liệt hơn nữa để tiến lên giành thắng lợi cuối cùng…”
Nhiều thư, điện từ khắp nơi ở Việt Nam bày tỏ sự ngưỡng mộ về lòng dũng cảm của Mo-ri-xơn. Đặc biệt là câu chuyện về Mo-ri-xơn đã được nhà thơ Tố Hữu kể lại trong bài thơ “Ê-mi-ly, con” mà mọi người Việt Nam khi đó đều thuộc. /Ê-mi-ly, con đi cùng cha/ Sau khôn lớn, con thuộc đường, khỏi lạc/ Đi đâu cha? Ra bờ sông Pô-tô-mác/ Xem gì cha? Không, con ơi chỉ có Lầu Ngũ Giác…/ Ê-mi-ly con ôi!/ Trời sắp tối rồi…/ Cha không bế con về được nữa!/ Khi cha sáng bùng lên ngọn lửa/ Đêm nay mẹ đến tìm con/ Con sẽ ôm lấy mẹ mà hôn/ Cho cha nhé/ Và con sẽ nói giùm với mẹ:/ Cha đi vui, xin mẹ đừng buồn…”
Cùng với bài thơ trên, nhiều bài thơ và thư, điện từ Việt Nam đã gửi tới gia đình Mo-ri-xơn, ca ngợi hành động của Anh. Trong bài thơ “Sức lửa chung lòng”, nhà thơ Thanh Tịnh đã viết: “Đêm nay lạnh, bỗng tràn hơi ấm? Lửa chung lòng đã gắn keo sơn? Quý anh lắm Mo-ri-xơn/ Nghe gà gáy sáng, lửa vờn lên cao…”
Hành động dũng cảm của Mo-ri-xơn là một minh chứng nữa bóc trần sự thật về cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam mà chính quyền đương thời Mỹ tiến hành, làm cho phong trào đòi chấm dứt chiến tranh Việt Nam ngày càng lan rộng khắp nước Mỹ. Tuy nhiên, đối với gia đình Mo-ri-xơn, sự ra đi của Anh là một mất mát không gì bù đắp được. Đám tang của Mo-ri-xơn cũng do những người bạn yêu chính nghĩa đứng ra quyên góp tổ chức tại quê hương Ban-ti-mo của Anh. Nhiều năm sau đó, vợ con Anh đã phải sống trong sự tổn thương, phải kìm nén tình cảm để có thể sống và tự bảo vệ mình.
Ở Việt Nam, câu chuyện về Mo-ri-xơn vẫn còn tiếp. Hàng năm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thập, nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam đã gửi điện, thư cho chị Anne Mo-ri-xơn và gia đình thăm hỏi và động viên. Bốn năm sau cái chết của Anh, vào năm 1969, một cuộc triển lãm về Anh đã được tổ chức tại Viện Bảo tàng Cách mạng. Đặc biệt, dịp năm mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện thăm hỏi và mời gia đình thăm Việt Nam. Song vì chiến tranh nên nhiều năm sau đó chị mới thực hiện được.
Đó là vào mùa xuân tháng 4 năm 1999, theo lời mời của Hội Hữu nghị Việt-Mỹ và Tổ chức Quaker, bà Anne cùng các con đã tới Việt Nam. Trong chuyến thăm này, gia đình Mo-ri-xơn đã được đồng chí Phạm Văn Đồng, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Tố Hữu, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Mỹ Hoa, tiếp. Trong các buổi tiếp đó các đồng chí đã thay mặt nhân dân Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn chân thành của nhân dân Việt Nam đối với sự hy sinh của Mo-ri-xơn. Nhắc lại hành động anh hùng của Mo-ri-xơn, các đồng chí đã khẳng định Anh là một tấm gương đại diện cho nhân dân tiến bộ Mỹ đấu tranh ủng hộ sự nghiệp hòa bình, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam.
Chuyến thăm với những cuộc gặp các nhà lãnh đạo cũng như những người dân Việt Nam ở mọi miền đã gợi lại ký ức về Mo-ri-xơn, một lần nữa bày tỏ nỗi cảm thông và sự chia sẻ với mất mát của gia đình. Tình cảm đó đã làm cho chị và các con mình được thanh thản sau 34 năm cái chết của chồng và cha mình. Đặc biệt, trong chuyến thăm này gia đình Mo-ri-xơn đã đi thăm Công viên Hòa Bình ở Bắc Giang. Tại đó, những người trong gia đình Mo-ri-xơn đã thắp hương và cúi đầu tưởng niệm Anh. Đứa con gái Êmily mà Anh đã bế theo đến trước Lầu Năm Góc trước lúc tự thiêu đã nói: Tôi còn quá nhỏ để dự tang lễ của cha tôi. Nhưng hôm nay tôi có thể làm lễ tưởng niệm cái chết của cha tôi, tại mảnh đất xa xôi mà người cha của tôi đã yêu bằng cả cuộc sống của mình.
Sau chuyến thăm đó, chị Anne Morrison đã viết một bức thư gửi nhân dân Việt Nam như một lời cảm ơn chân thành. Chị viết: Khi nào tôi còn sống thì tôi vẫn không thể quên được chuyến đi của tôi tới Việt Nam vào tháng 4-1999. Chuyến đi ấy đã hàn gắn những vết thương lòng của tôi. Sau cái chết của chồng tôi, Norman Morrison năm 1965 để phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, tôi biết nhân dân Việt Nam vô cùng xúc động về sự hy sinh của chồng tôi và kính trọng chồng tôi. Họ đã gửi những lời chia buồn đến gia đình tôi. Tôi vô cùng ngạc nhiên về tình cảm sâu sắc và lòng kính trọng dành cho chồng tôi của biết bao người dân Việt Nam mà họ vẫn gìn giữ trong suốt những năm tháng qua để nay lại bày tỏ trước chúng tôi. Tôi trân trọng và yêu quý những giọt nước mắt của họ, những giọt nước mắt của tình yêu và lòng thông cảm, Và ở một khía cạnh nào đó, những giọt nước mắt ấy là những hạt mầm của niềm vui…
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhân dân Việt Nam đã và vẫn đang làm hết sức mình để không điều gì, không một ai có thể bị lãng quên trong cuộc sống hạnh phúc hôm nay. Trong những người ấy có những người bạn Mỹ như No-man Mo-ri-xơn.