Người góp phần giữ gìn và phát huy nét đẹp của Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt

Như chúng ta đã biết, tại Kỳ họp lần thứ 11 của Ủy ban Liên Chính phủ, Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (di sản VHPVT) của UNESCO tại Addis Ababas, Thủ đô Ethiopia, từ 28-11 đến 2-12-2016, Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO vinh danh trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

UNESCO đã ghi nhận ghi nhận những giá trị văn hóa chứa đựng trong thực hành tín ngưỡng. Những giá trị ấy, bao gồm thứ nhất, là quan niệm của con người chúng ta đối với thiên nhiên, ứng xử văn hóa của chúng ta với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên bởi vì thiên nhiên mang lại cho chúng ta những lợi ích và chúng ta phải trân trọng, nâng niu giá trị đó. Thứ hai là trong Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu thì cộng đồng là chủ thể sáng tạo để đưa vào đó nghệ thuật trình diễn như hầu đồng, múa, cách biểu đạt của kịch khi đóng vai các vị thần; là âm nhạc, là ca từ thể hiện qua chầu văn; là cách trang trí nghệ thuật trong các đền, phủ, điện, miếu. Giá trị đó cũng là mối quan hệ, ứng xử văn hóa, các lớp lang giữa những người thực hành, giữa thầy - trò; giữa đồng đền với các con nhang đệ tử và giữa những người thực hành với công chúng.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần. Người dân thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị thánh mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân. Thực hành cơ bản của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ lên đồng và lễ hội, thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng trong lên đồng và lễ hội, người Việt thể hiện quan điểm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người.

Từ thế kỷ XVI, việc Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ lan tỏa và được thực hành ở nhiều địa phương trong cả nước như ở Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (Mỹ, Pháp, Ba Lan…).  Bản thân Tín ngưỡng thờ Mẫu có giá trị nhân văn sâu sắc bởi nó gắn liền với đời sống tinh thần và các phong tục, tập quán của người Việt. Có thể nói, đây là một hệ thống tín ngưỡng thuần Việt, bao chứa trong đó nhiều yếu tố văn hóa truyền thống.

Đặt chân tới mảnh đất xứ Mường huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình nói về tín ngưỡng thờ Mẫu, hẳn ai cũng đều biết đến gia đình nghệ nhân đồng thầy Nguyễn Mạnh Tuấn và con trai Nguyễn Tuấn Hoàng. Được biết tới là một đồng thầy 8X trẻ tuổi, đồng thầy Nguyễn Mạnh Tuấn ở đã đưa mọi người lạc vào thế  thức tâm linh thần thánh đầy cuốn hút. Ít người biết rằng, ẩn sau những phút giây thăng hoa hầu đồng là căn cơ đến tự nhiên được các thánh lựa chọn.

Chúng tôi đã tìm về gia đình anh. Chia sẻ với chúng tôi về căn duyên đến với Nghi lễ Hầu đồng và bản Điện Linh Sơn Ngọc của mình bằng một chất giọng trầm ấm và đầy cảm xúc bởi những khó khăn và vất vả mà đồng thầy Nguyễn Mạnh Tuấn và gia đình đã trải qua trong 35 năm kể từ khi lập Điện. Anh cho biết, sinh ra trong gia đình của vùng quê tuy nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng, sau khi tốt nghiệp THPT, anh đã có 13 năm trong quân ngũ, nhưng với cái nghiệp hầu thánh quấn vào mình từ nhiều năm trước đó, anh đã xuất ngũ, về với gia đình cùng với mẹ là bà Dư Thị Nguyệt tôn tạo phụng thờ ngôi đền Mẫu Linh Sơn Ngọc. Anh dẫn chúng tôi lên thăm ngôi đền của mình. Trước mắt chúng tôi là một cảnh tượng vô cùng hùng vĩ mà thiên nhiên đã dành tặng cho ngôi đền. Ngôi đền tọa lạc trên một ngọn núi có hang động mà thiên nhiên tự tạo. Đền thờ tam tòa Thánh Mẫu, thờ Bà Chúa tài lộc, tứ bất tử Việt Nam, đặc biệt phối thờ Chúa Mường, Chúa Mán theo lối đặc trưng riêng của Tín ngưỡng thờ Mẫu xứ Mường Hòa Bình. Những cảnh tượng trên tạo ra cho chúng tôi cảm giác bước vào nơi tâm linh vô cùng huyền bí.

Cũng theo đồng thầy Nguyễn Mạnh Tuấn, hoạt động nổi bật của Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu là Nghi lễ Hầu đồng, mang giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo. Nó là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về thần linh. Đó còn là các hình thức diễn xướng với âm nhạc, ca hát, nhảy múa thông qua hình thức hát văn, các hình thức trang trí, kiến trúc dân gian phong phú, hấp dẫn. Trong đó, yếu tố tâm linh là sức nặng chủ yếu đặt lên vai thầy đồng. Trong khi hầu đồng, người được nhập đồng thể hiện các điệu theo tính cách của từng giá đồng, còn ở dưới cung văn tấu lên theo làn điệu chầu văn với âm điệu du dương, thánh thót ca tụng về sự tích, công đức mà các thánh đã từng làm cho dân tộc ta. Nghi thức trong hát Chầu văn thường có các nhạc cụ: Đàn nguyệt, đàn tranh, trống ban (trống con), nhị, sáo, phách, thanh la... Đặc biệt, giai điệu và tiếng hát Chầu văn lảnh lót, mê đắm lòng người. Toàn bộ phần diễn xướng khiến người xem như lạc vào thế giới bí ẩn của các vị thánh thần, giao tiếp với họ cầu yên vui an lạc. Lên đồng là nghi lễ chính và rất quan trọng trong Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ. Đó là nghi lễ nhập hồn của các vị Thánh Tứ phủ (Tứ phủ gồm 3 phủ trong Tam phủ: Thiên, Địa, Thoải và có thêm phủ Thượng Ngàn gọi là Nhạc Phủ) vào thân xác các ông Đồng, bà Đồng. Đây là sự tái hiện hình ảnh các vị Thánh nhằm phán truyền, chữa bệnh, ban phúc lộc cho các tín đồ đạo mẫu. Nghi lễ này thường mang những đặc điểm và sắc thái khác nhau như đền Nguyệt Hồ, đền Suối Mỡ (Bắc Giang)… Đặc điểm riêng ấy được thể hiện ở việc thờ các vị thánh trong đền. Trong mỗi giá đồng, các vị Thánh khác nhau sẽ nhập vào ông đồng hay bà đồng (gọi là giáng đồng) để làm việc quan, thể hiện ở chỗ các ông đồng, bà đồng làm nghi lễ nhảy, múa, ban lộc, phán truyền trong tiếng hát văn và nhạc cung văn. Mỗi vị thánh nhập được gọi là một giá đồng. Trong nghi lễ Hầu bóng thường có rất nhiều giá đồng.

Dù tuổi đời còn trẻ, song, sau gần 20 năm phụng thờ và Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu, trong con người nghệ nhân  đồng thầy Nguyễn Mạnh Tuấn đã có cả một kho tàng kiến thức và kinh nghiệm trong Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Viêt. Đồng thầy Nguyễn Mạnh Tuấn đã mở phủ cho hàng trăm con nhang đệ tử từ Bắc vào Nam, dẫn dắt các đệ tử cả về lý thuyết và thực hành, thực hiện các công việc nhà thánh theo chức nghiệp của mình. Trao đổi với chúng tôi về cậu con trai Nguyễn Tuấn Hoàng, sinh năm 2007, đó là một cậu bé khôi ngô tuấn tú. Dù còn tuổi ăn tuổi học nhưng Hoàng  đã sớm bén theo duyên nghiệp của Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu, nối gót theo cha từ năm 7 tuổi. Cháu đã mang ra cho chúng tôi một tệp băng đĩa và rất nhiều các tư liệu ảnh của Hoàng và Cha, thể hiện khả năng hết sức đặc biệt trong phẩn trình diễn múa của Hoàng. Với khả năng của mình, Hoàng được đánh giá rất cao trong các cuộc thi diễn xướng tổ chức trong và ngoài tỉnh.

Ngoài những đóng góp lớn trong công tác bảo tồn và gìn giữ nét đẹp truyền thống văn hóa đạo Mẫu, đồng thầy Nguyễn Mạnh Tuấn còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, được các con nhang đệ tử kính trọng.

Đồng thầy Nguyễn Mạnh Tuấn cũng tham gia nhiều công tác xã hội. Đồng thầy là hội viên Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hòa Bình, ở vị trí nào cũng hoạt động rất nhiệt tình, năng nổ, được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen. Năm 2017, đồng thầy Nguyễn Mạnh Tuấn đã được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam tặng Bằng chứng nhận “Nghệ nhân có công truyền dạy trong Tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam”. Chia tay mảnh đất xứ  Mường Hòa Bình, trong lòng chúng tôi cảm thấy vô cùng lưu luyến và thầm mong những con người như cha con nghệ nhân đồng thầy Nguyễn Mạnh Tuấn và Nguyễn Tuấn Hoàng giữ mãi ngọn lửa nhiệt huyết trong Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Nhờ vậy mới phát huy được hết những tinh túy của văn hóa Việt Nam trong Tín ngưỡng thờ Mẫu, góp phần vào đa dạng bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Lương Viết Vinh

Top