Ngựa trên sân khấu tuồng Huế

Ngựa là con vật được sử dụng nhiều trong các cuộc chiến tranh thời cổ, hình ảnh ngựa gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của nhiều dân tộc, gắn liền với các võ tướng trên chiến địa. Và không giống như những hình ảnh ngựa có thật ngoài đời, ngựa trong đời sống nghệ thuật đã được các nghệ sĩ ước lệ hoá theo một ngôn ngữ riêng biệt, tạo nên nét đẹp tự nhiên, gần gũi với đời sống tinh thần của con người. Có lẽ vậy nên khi được đưa lên sân khấu tuồng Huế, ngựa được các nghệ sĩ thể hiện dựa trên động tác hình thể giàu tính biểu cảm của ngôn ngữ múa, đồng thời phù hợp với không gian và thời gian mà nhân vật muốn biểu hiện.

Không gian của sân khấu tuồng Huế là không gian động, mới đây là cảnh triều đình, bỗng chốc chuyển thành chiến địa; đang là đêm tối bỗng chuyển sang ban ngày; đang là rừng núi bỗng chuyển thành dòng sông… Các nghệ sĩ xưa đã tổng kết nguyên tắc diễn tuồng bằng hai câu thơ:

Thốn thổ thị triều đình châu quận

Nhất thân đô phụ tử quân thần

(Một mảnh đất có thể biến thành châu quận

Một con người có thể thành vua, tôi, cha, con)

Tuân theo nguyên lý đó nên khi diễn tả người đi ngựa, diễn viên chỉ cầm chiếc roi ngựa, khi diễn tả buổi yến tiệc, người diễn viên chỉ cầm chén uống rượu là đủ. Bởi vậy khi xem một vở tuồng, thấy diễn viên cầm các vật: cái chén, cây roi, mái chèo, cành cây... khán giả biết ngay anh ta đang làm gì, trong hoàn cảnh nào. Đạo cụ mà nghệ thuật tuồng đưa lên sân khấu đều là những vật thật được sử dụng để gợi ý điều mà khán giả phải tự tưởng tượng lấy, hay hình dung những việc làm cụ thể. Đặc biệt, các vở tuồng cung đình Huế hình ảnh cưỡi ngựa, gò ngựa, nhảy ngựa, bắt ngựa… luôn gắn chặt với các nhân vật tướng và kép võ. 

Nghệ sĩ Đức Khanh kết hợp kim giản và roi ngựa trong tuồng Đào Tam Xuân loạn trào.

Ngựa trên sân khấu tuồng Huế chỉ là một cái roi làm bằng mây, phía đầu roi cột một sợi dây có vòng tròn nhỏ để diễn viên móc vào ngón tay út khi biểu diễn; thân roi được cột cách khoảng các chùm ni-long có nhiều màu sắc xé tua nhỏ. Và khi biểu diễn người diễn viên chỉ cần rung nhẹ, các sợi ni-long rung rinh tựa như bờm ngựa, ấn tượng và đẹp mắt. Đạo diễn tuồng La Hùng (con trai của cố nghệ nhân tuồng cung đình La Cháu) cho biết, ngựa trên sân khấu tuồng Huế chỉ là hình ảnh mang tính ước lệ, do đó khi thực hiện các động tác như: bắt ngựa, lên ngựa, phi ngựa, người diễn viên phải thể hiện hành động đó thông qua điệu bộ. Tuy nhiên, để thực hiện được những động tác nói trên thì không hề đơn giản, bởi một diễn viên chuyên nghiệp muốn thực hiện động tác bắt ngựa, lên ngựa, phi ngựa, anh ta phải cùng một lúc thực hiện một tổ hợp động tác kèm theo. Ví dụ, muốn thực hiện động tác bắt ngựa và lên ngựa, người diễn viên phải sử dụng các động tác trong nghệ thuật tuồng như: dàn, kí, dậm, trả, nhảy ngựa (đối với chân); xoan, xỏ, cuộn, khán, vuốt (đối với tay)… tất cả những động tác nói trên đều phải thực hiện trình tự sao cho vừa thuần thục, nhưng phải đẹp mắt trong một chuỗi thời gian nhất định. Và theo đạo diễn Trương Tuấn Hải - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, nếu so sánh bộ múa lên ngựa của tuồng Huế với bộ múa lên ngựa của Hý khúc Trung Quốc, ta sẽ thấy bộ múa lên ngựa của tuồng Huế vẫn còn rất gần với trạng thái tự nhiên khi thực hiện trình tự động tác của một người lên ngựa trong cuộc sống, trái lại bộ múa lên ngựa của Hý khúc Trung Quốc thì gợi cho chúng ta cái “không khí lên ngựa”, đó là âm thanh của ngựa hý, tiếng quân lính reo hò....

NSƯT Sáu Vỹ kết hợp thương và roi ngựa trong tuồng Sơn Hậu.

Nghệ thuật sân khấu nói chung, tuồng Huế nói riêng, diễn viên luôn đóng vai trò trung tâm để truyền đạt những nội dung muốn nói đến khán giả. Do đó, nghệ thuật diễn xuất của diễn viên là điểm nhấn để làm sao khi biểu diễn, mỗi hành động, mỗi lời nói dù chỉ mang tính ước lệ nhưng phải biểu cảm làm sao để khán giả xem đấy là sự thật dù sự việc chỉ diễn ra trên sân khấu. Trong vở tuồng cung đình “Sơn Hậu”, mở đầu là triều đình tương đối ổn định, trăm họ yên hoà, nhưng vua đã già yếu và một viên đại thần có thế lực nhất là Thái sư đang có âm mưu phản loạn. Tiếp theo, vua băng (chết), tên Thái sư kia thực hiện việc chiếm đoạt ngai vàng. Thông thường tên này lấy cớ Thái tử còn nhỏ chưa đủ tư cách làm vua hoặc lấy cớ vua không có con trai. Hắn dùng phe cánh làm áp lực để hắn lên ngôi. Thế là xung đột kịch mở đầu gây gắt, chiếm đoạt ngai vua tên Thái sư - nay là vua Ngụy, sắp đặt lại bộ máy triều đình, cân nhắc phe cánh của hắn vào những địa vị chính yếu. Hắn giết hay bỏ ngục những ai có tư tưởng chống đối. Lúc này Kim Lân, một nhân vật chính diện cõng trên mình “ấu chúa” đi lánh nạn, trong đêm tối, tay dắt ngựa băng rừng lội suối, và ngựa chính đối tượng giao lưu, là người bạn để Kim Lân gửi gắm nỗi niềm. Trong sự tột cùng của nỗi bi ai, Kim Lân vỗ về con ngựa bằng cách nhìn và rung nhẹ chiếc roi ngựa, nhưng khán giả hiểu rằng đó là tiếng nấc nghẹn ngào của thời cuộc: “gắng mà theo cùng ông nghe con!!!”

NSND Minh Ngọc (phải) sử dụng thương kết hợp roi ngựa trong tuồng Sơn Hậu.

Trên sân khấu tuồng Huế, mỗi vở tuồng là một nội dung riêng biệt tác giả muốn chuyển tải đến người xem. Tuy nhiên, trong các vở tuồng mang tính “quốc gia đại sự”, hình ảnh nhân vật đóng vai tướng võ, kép võ trên tay cầm thương, kiếm và đi kèm là chiếc roi ngựa vô tri, vô giác, nhưng qua nghệ thuật diễn xuất tài tình của người nghệ sĩ, khán giả hiểu rằng đó là một con ngựa chiến đã từng xông pha nơi chiến trận. Có thể nói, ngựa trên sân khấu tuồng Huế dù chỉ là những động tác mang tính biểu trưng, nhưng hình ảnh của nó thông qua cách trình diễn của nghệ sĩ đã cho chúng ta thấy được những giá trị nghệ thuật mang đầy đủ tính thẩm mỹ sân khấu mà tiền nhân đã để lại cho chúng ta.
 

Trọng Bình

Top