Người Việt trong đại gia đình các Dân tộc Việt Nam

Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, người Việt (Kinh ) có khoảng trên 66 triệu người, chiếm gần 90% dân số cả nước. Đồng bào cư trú ở hầu hết các tỉnh nhưng tập trung đông nhất là ở thành thị và khu vực đồng bằng.Tiếng Việt thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, là ngôn ngữ phổ thông của quốc gia.

Người Việt thường sống tập trung thành từng làng  được bao bọc bới lũy tre và cổng làng chính là cửa ngõ của làng xóm. Cổng làng với lũy tre xanh làm thành pháo đài kiên cố chống lại giặc giã, cướp bóc. Trong không gian làng có đình làng -  nơi thờ cúng Thành Hoàng và hội họp để bàn bạc các công việc chung của cả làng. Mọi hoạt động của làng được vận hành theo cơ sở của hương ước, trong đó quy định rất cụ thể từ cách ứng xử “ trong xóm, ngoài làng” đến hiếu, hỉ, lễ  tết, hội hè….Mặc dù “ trống làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng nào làng ấy thờ” nhưng để giúp nhau trong việc chống cướp, chống thú dữ hoặc bão lụt…, giữa các làng gần nhau hoặc chung con sông thường kết nghĩa anh em với nhau gọi là “kết chạ”. Trải qua hàng trăm năm cho đến nay, nhiều làng vẫn giữ và duy trì được truyền thống tốt đẹp đó như làng Sổ xã Mai Đình, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang và làng Lủ, xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội….

Cổng làng Mông Phụ, Đường Lâm

 Nhà ở của người Việt được bố trí hài hòa với khung cảnh tự nhiên và chú trọng tới các  yếu tố như thế đất, thế nước của từng vùng. Vùng trung du khác với đồng bằng và vùng ven biển, nhưng vẫn mang những nét cơ bản giống nhau.. Mặt bằng sinh hoạt trong ngôi nhà chỗ trang trọng nhất là gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên cùng sập gụ hay phản gỗ hoặc bộ bàn ghế dành cho chủ nhà tiếp khách. Hai gian bên của gian giữa kê giường, tủ dành cho các thành viên nam trong nhà; hai gian chái có vách  ngăn với ba gian giữa. Trong các gian này dành cho sinh hoạt của các thành viên nữ, đồng thời còn là nơi để cất lương thực và các đồ dùng khác. Bên cạnh ngôi nhà chính, còn nhà phụ: một gian hai chái,thường là nhà bếp kết hợp làm nơi để nông cụ, cối xay, cối giã…

Thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng quan trọng nhất của người Việt. Bàn thờ được đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Đây là nơi cúng lễ vào các ngày giỗ, tết và các dịp tuần tiết trong năm. Tục thờ thổ công, táo quân, ông địa phổ biến ở các nơi. ....

Thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng quan trọng nhất của người Việt

Quan hệ gia đình người Việt mang tính chất phụ quyền, trong đó người chồng (người cha) là chủ. Con cái lấy họ theo cha và họ hàng phía cha là “họ nội”, còn đằng mẹ là “họ ngoại”. Con trai đầu có trách nhiệm tổ chức thờ phụng cha mẹ, ông bà đã khuất. Mỗi họ có nhà thờ họ, có người trưởng họ quán xuyến việc chung. Hôn nhân theo chế độ một vợ một chồng, nhà trai hỏi vợ và lấy dâu về. Việc cưới xin phải trải qua nhiều bước như dạm ngõ, ăn hỏi, cưới, lại mặt…. Người Việt coi trọng sự trinh tiết, đức hạnh của các cô dâu đồng thời chú ý đến vấn đề “ Môn đăng hộ đối. Trước đây, nếu người phụ nữ ngoại tình có thể bị “gọt đầu bôi vôi” hoặc “thả bè trôi sông”. Đêm tân hôn mà chú rể phát hiện cô dâu đã bị thất tiết trước đó thì ngày lại mặt ngoài các lễ vật theo giao ước, nhà trai sẽ có một chiếc thủ lợn đã bị cắt tai kèm theo để nhà gái ngầm hiểu và coi đó là sự ô nhục của gia đình, dòng họ ”. Gia đình  người Việt hầu hết là những gia đình nhỏ gồm 2 thế hệ, tuy theo chế độ phụ quyền nhưng phụ nữ vẫn giữ vai trò quan trọng, thường là người quản lý kinh tế trong gia đình. Đôi khi cũng có những gia đình có tới ba, bốn thế hệ chung sống với nhau gọi là “tam đại đồng đường” hay “tứ đại đồng đường”.

      

 Tết nguyên đán là cái tết lớn nhất trong một năm

Người Việt có rất nhiều dòng họ, có những họ rất phổ biến như Nguyễn, Trần, Lê, Phạm, Vũ... dường như địa phương nào cũng có. Mỗi tộc, họ thường có nhà thờ tổ riêng; mỗi họ lại chia ra làm nhiều chi phái và mỗi chi phái lại bao gồm nhiều nhánh; mỗi nhánh lại bao gồm các anh em cùng bố mẹ, ông bà. Quan hệ họ nội được truyền giữ bền chắc qua nhiều đời. Anh em họ hàng (kể cả họ nội và họ ngoại) đều yêu thương giúp đỡ lẫn nhau theo quan niệm “Một giọt máu đào hơn ao nước lã ”. Tuy nhiên, người Việt cũng rất hài hoà trong ứng xử với bà con lối xóm “Tối lửa tắt đèn có nhau”, “Bán anh em xa mua láng giềng gần” tạo nên tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng

Việc tổ chức tang ma của người Việt rất trang nghiêm, chu tất và thường được thực hiện qua các bước cơ bản sau: liệm, nhập quan, đưa đám, hạ huyệt, cúng cơm, cúng tuần, cúng 49 ngày, cúng 100 ngày, giỗ đầu, cải táng... 
        Tết nguyên đán là cái tết lớn nhất trong một năm. Sau tết âm lịch là các hội mùa xuân. Ngoài ra còn có nhiều lễ tết truyền thống khác trong một năm: Rằm tháng giêng, tết Thanh minh, lễ Hạ điền, lễ Thượng điều, tết Ðoan Ngọ, rằm tháng bẩy tết Trung thu, lễ cơm mới... Mỗi tết đều có ý nghĩa riêng và lễ thức tiến hành cũng khác nhau.

Cơm tẻ  là đồ ăn cơ bản hàng ngày của người Việt

Cơm tẻ  là đồ ăn cơ bản hàng ngày của người Việt. Ðồ nếp chỉ gặp trong những ngày lễ tết. Trong bữa ăn hàng ngày thường có món canh rau hay canh cua, cá... Ðặc biệt người Việt rất ưa dùng các loại mắm (mắm tôm, cá, tép, cáy...) và các loại dưa (cải, hành, cà, kiệu). Tương và các loại gia vị như ớt, tỏi, gừng... cũng thường thấy trong các bữa ăn.Người Việt thường có câu “tương, cà gia bản”. Nước uống hàng ngày là nước vối, nước chè xanh hoặc nước lã đun sôi. Rượu được dùng trong các dịp lễ tết, liên hoan...; ăn trầu, hút thuốc lào trước kia chẳng những là nhu cầu, thói quen mà còn đi vào cả lễ nghi phong tục.

Trước đây, Nam giới người Việt thường ngày mặc áo cánh nâu, xẻ ngực, cổ tròn, xẻ tà, hai túi dưới, mặc với quần lá tọa ống rộng., đó là loại quần có cạp hoặc dùng dây rút; để tóc dài, búi tó, hoặc thắt khăn đầu rìu, đóng khố...Trong lễ, tết, hội hè nam giới thường mặc áo dài màu đen hay còn gọi là áo  the, đầu đội khăn xếp, quần lá tọa màu trắng. chân đi guốc mộc.        

Áo yếm là trang phục không thể thiếu của phụ nữ miền Bắc ngày xưa  

Phụ nữ miền Bắc và Bắc Trung Bộ thường mặc áo cánh ngắn vải nâu. Đó là loại áo cổ tròn, viền nhỏ, tà mở; nếu mặc với yếm thì thường không cài cúc ngực. Chiếc yếm màu vàng tơ tằm hay hoa hiên, nâu non, là vuông vải mang chéo trước ngực, góc trên khoét tròn hay chữ V để làm cổ. Cổ yếm có dải vải buộc ra sau gáy, dưới có hai dải vải dài buộc sau lưng hình chữ nhật hoặc tam giác. Váy là loại váy ống, có nơi mặc ngắn đến ống chân như Bắc và Trung bộ. Thắt lưng là một miếng vải may hình ống (hay còn gọi là ruột tượng có thể đựng được tiền)quấn ra ngoài cạp váy. Khi ra đường họ thường mang khăn vuông đội theo lối “mỏ quạ” hoặc các loại nón: thúng, ba tầm... Phụ nữ Nam Bộ thường ngày mặc áo bà ba với các kiểu cổ tròn, cổ trái tim.Trong những dịp lễ, tết  phụ nữ Việt thường mang áo dài.Họ thường để tóc dài vấn khăn thành vành tròn quanh đầu, ngoài trùm khăn hoặc đội nón ba tầm, nón thúng. Các thiếu nữ thường vấn tóc đuôi gà. Đồ trang sức thường  là các loại trâm, vòng cổ, hoa tai, nhẫn, dây xà tích, vòng tay….  

Nông nghiệp lúa nước đã được hình thành và phát triển ở người Việt từ rất sớm. Trải qua bao đời cày cấy, họ đã tổng kết kinh nghiệm làm ruộng rất sâu sắc: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Hệ thống đê điều ngày nay là sự chứng minh hùng hồn tinh thần kiên cường chế ngự tự nhiên để sống và sản xuất nông nghiệp của người Việt. Chăn nuôi lợn, gia súc, gia cầm, thả cá... cũng rất phát triển. Người Việt nổi tiếng “có hoa tay” về nghề thủ công nghiệp, phát triển trăm nghề mà nghề nào dường như cũng đạt đến đỉnh cao của sự khéo léo tài hoa. Không ít làng thủ công đã tách khỏi nông nghiệp. Chợ làng, chợ phiên, chợ huyện... rất sầm uất

Nông nghiệp lúa nước đã được hình thành và phát triển ở người Việt từ rất sớm.

Phương tiện vận chuyển của người Việt chủ yếu bằng đường bộ và đường thuỷ. Bằng đường bộ thường là gánh (gánh quang, gánh cặp, đòn gánh, đòn sóc, đòn càn...) vác, khiêng (đòn khiêng), cáng, đội, đeo (bị, tay nải...), cõng (ba lô, bao tải...); thồ, chở bằng các loại xe: xe đạp, xe kéo, xe đẩy, xe ngựa…;
Bằng đường thuỷ có: thuyền, bè, xuồng, tàu... Mỗi loại này lại có nhiều kiểu dáng, to nhỏ, vật liệu chế tác và trang thiết bị khác nhau.

Kho tàng văn học cổ truyền của người Viêt rất đồ sộ; bao gồm truyền miệng (truyện cổ, ca dao, tục ngữ);  văn  viết (những áng thơ, văn, bộ sách, bài hịch)…. Các loại hình nghệ thuật phát triển sớm và đạt trình độ cao như ca hát, âm nhạc, điêu khắc, hội họa, múa, diễn xướng. Hội làng hàng năm là một dịp sinh hoạt văn nghệ sôi động, hấp dẫn nhất ở nông thôn. Ngoài ra, người Việt còn có vốn tri thức dân gian rất phong phú và đa dạng như cách nhìn cây cỏ, động vật, côn trùng,,, để dự báo thời tiết, cách dùng những cây cỏ để chữa bệnh…

Trò chơi đấu vật thường diễn ra ở các lễ hội

Người Việt có rất nhiều trò chơi cho mỗi lứa tuổi, mỗi giới, mỗi mùa, cho cá nhân và  tập thể. Có những trò chơi thể hiện thú thưởng thức rất thanh cao như thả chim, thả diều, cờ tướng... Lại có những trò chơi mang tính thể thao và cộng đồng mạnh mẽ như kéo co, đánh đu, đánh vật, đua thuyền. Rất nhiều trò chơi mang dấu ấn lịch sử và đậm đà bản sắc như vật cù, nấu cơm thi, đánh pháo đất. Trò chơi trẻ em cũng rất phong phú, mỗi địa phương đều có sắc thái khác nhau.

Trải qua hàng nghìn năm chiến đấu chống giặc ngoại xâm, người Việt luôn kề vai, sát cánh, đoàn kết cùng đại gia đình các dân tộc Việt Nam bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của tổ quốc để xây dựng một đất nước Việt Nam tiên tiến, đậm đầ bản sắc dân tộc.

Ngô Văn Hòe

Top