Nét văn hóa tâm linh trong Lễ hội Hết Chá

… Cũng từ Lễ hội Hết Chá, đã có rất nhiều đôi trai gái bén duyên, rồi nên nghĩa vợ chồng. Lễ hội được tổ chức thường niên vào mùa xuân ở Bản Áng (xã Đông Sang), Mộc Châu, Sơn La.

Với nhiều người có lẽ cái tên “Lễ hội Hết Chá” còn khá xa lạ. Chuyện rằng, xưa kia, người Thái rất nghèo, không có tiền mua thuốc chữa bệnh, thường đến nhờ thầy mo. Thầy mo dùng mẹo và nhờ thần linh nên đã chữa được bệnh cho dân làng. Mang ơn thầy mo, nhiều người xin được làm con nuôi của ông. Và rồi, cứ mỗi dịp cuối năm (vào 29, 30 Tết), con cháu lại đến tạ ơn thầy mo, nhưng thời điểm đó đang bận rộn cho tết nên thầy mo ấn định lễ tạ ơn sẽ tổ chức vào tháng 3 hàng năm... Lễ hội Hết Chá từ đó mà thành.

Lễ hội Hết Chá phát triển mạnh nhất từ năm 1963 trở về trước, từ sau chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mĩ, toàn dân tộc chung sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước, thời gian thấm thoát thoi đưa, lớp người nghệ nhân mất đi và việc tổ chức Lễ hội Hết Chá cũng dần bị lãng quên. Hiện nay, Bản Áng đã khôi phục lại được lễ hội này. Việc phục dựng, duy trì Lễ hội Hết Chá đã thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến với Mộc Châu. Lễ hội Hết Chá của đồng bào dân tộc Thái trắng Bản Áng thường diễn ra 2 - 4 ngày liên tục, với quy mô hộ gia đình.

Lễ hội Hết Chá gồm 2 phần: Phần Lễ và phần Hội, đây cũng là hình thức ăn tết chia tay với mùa xuân để chuẩn bị bước vào sản xuất vụ mùa mới trong năm đạt kết quả tốt.

Lễ vật dâng cúng được các già làng và dân bản sắp, bày là lợn, gà, vịt, xôi, rượu, các công cụ trừ tà và đặc biệt là dâng hoa Mạ, hoa Ban, thể hiện khao khát về một cuộc sống ấm no hạnh phúc, đoàn kết và hướng thiện, phê phán những điều xấu, khích lệ những cái hay, cái đẹp trong cuộc sống. Khi cây nêu - tâm điểm của lễ hội, vừa được dựng lên, mang đầy đủ các ý nghĩa với nhiều loài động, thực vật tượng trưng, ông Trưởng bản đứng lên cất lời mời gọi thần linh xuống trần ăn Tết, ăn măng giữa mùa hoa ban nở và cùng đánh trống đánh chiêng, múa xoè cho vui bản. Lời hát vừa dứt, trống chiêng nổi lên vang động núi rừng, gái trai xúng xính áo quần, khăn váy, cùng xòe vòng, xòe hoa. Hết bài xòe tưng bừng, Trưởng bản làm nhiệm vụ kiểm tra những phẩm vật tượng trưng sự no đủ trên cây nêu. Ông cầm kiếm đi vòng quanh, miệng cầu khấn theo nghi thức truyền thống. Trong lời khấn có ý tứ nhắn nhủ: "Được ăn đừng quên đũa, được ở đừng quên ơn - Đất trời mưa gió thuận hòa, làm ăn chăm chỉ nghĩ ngày tạ ơn". Khấn xong, Trưởng bản hướng dẫn thanh niên trai gái lần lượt lên tặng quà tỏ lòng biết ơn. Quà thường là gạo, gà, cá, hay gói xôi, quả trứng. Ai có thứ gì thì mang thứ đó, không câu nệ, nhưng người nào cũng phải có bởi tặng vật ấy coi như phần góp nhỏ để vui chung cả bản.

Hết Chá còn mang nét đẹp văn hóa ứng xử của tình yêu đôi lứa, đây là dịp để trai gái tìm hiểu nhau. Thông qua phần lễ với những tích xưa được kể và dựng lại do chính những người dân biểu diễn, người tham dự lễ hội sẽ được truyền dạy kinh nghiệm sản xuất cũng như nghe những lời răn dạy để mọi người sống với nhau tốt hơn. Điểm nổi bật của những tích trò là tính hài hước, hóm hỉnh theo lối gái giả trai, trai giả gái, làm cho người xem cười thỏa thích.

Phần hội diễn ra những trò diễn dân gian vui nhộn, dạy con cháu khai hoang ruộng, tập cho trâu cày, khơi dậy nền văn minh lúa nước của đồng bào dân tộc. Đan xen một số tiết mục kịch câm dí dỏm, vui nhộn phê phán những thói hư tật xấu, khích lệ những cái hay, cái đẹp trong cuộc sống thường nhật. Bên cạnh đó, là những điệu xòe uyển chuyển, nhịp nhàng, duyên dáng quanh cây nêu hòa cùng tiếng trống, chiêng rộn rã và âm thanh chầm bổng của đội nhạc như đang mời gọi. Điệu xòe trong Lễ hội Hết Chá được gọi là “Xòe Chá” gồm 6 mục chủ yếu, mỗi mục gắn với một sự việc, được minh họa bằng kịch câm.

Lễ hội Hết Chá là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh sâu sắc, là lễ hội đoàn kết cộng đồng, cùng giúp nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Đây cũng là dịp để người dân tạ ơn đất trời, tạ ơn đấng sinh thành, giáo dưỡng, cầu chúc cho vạn vật hòa hợp, sinh sôi nảy nở, cuộc sống yên vui, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi người ấm no hạnh phúc. Lễ hội còn thể hiện ý thức gắn kết cộng đồng dân tộc Thái, cùng nhau bước vào mùa vụ mới. Lễ hội Hết Chá đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

                                                                             Nguyễn Huyền

 

Có thể bạn quan tâm

Top