Nét mới trong Lễ hội đền Cờn năm 2013

Đền Cờn được xây dựng vào thế kỷ 13 cuối thời Trần; đền Cờn trong là nơi thờ chính Tứ vị Thánh Nương, nữ thần bảo vệ cho dân chài và quân đội nhà Trần, Lê vượt biển bình an. Thời Trần đền được gia phong là “Quốc gia Nam Hải Đại Càn Thánh nương”.

Các vị thần được thờ ở đền Cờn mà nhân dân thường gọi là “Tứ vị” hay là “Tứ vị Thánh nương” tức Đại càn Thánh nương đã được ghi chép trong quốc sử, các thần tích, thần phả và các truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian khá phong phú; đền Cờn ngoài nằm ở cửa biển trên núi Hùng Vương thờ nhà sư (hay còn gọi là ông Chín Cờn) người đã cưu mang 3 mẹ con Dương Thái Hậu (tức là Mẫu Cờn) và Hoàng đế Tống Đế Bính cùng các tướng tùy tùng, có công âm phù nhà Trần, nhà Lê và các triều vua khác đánh thắng kẻ thù xâm lược nước ta. Ngoài ra còn có nhiều sự tích thần thoại như ông Đùng gánh núi. Dấu chân ông Đùng (ông khổng lồ) vẫn còn nguyên dấu tích dưới chân núi đá Thằn lằn được nhân dân lưu truyền cho hậu thế như một sức mạnh quật khởi của vùng đất này, viên đá mặt trời và di tích về thần núi, thần nông, rồi sự tích hạt lúa và các miếu thờ các thần thánh nơi đây…

Đền Cờn không chỉ nổi tiếng vì thờ “Tứ vị Thánh Nương” mà càng nổi tiếng hơn vì đền đã có hai ông vua, hai bậc minh quân của hai triều đại Trần - Lê, từng ghé chân lại đền, trong quá trình Chinh Nam tế lễ gia ân và làm thơ tặng. Năm Hưng Long thứ 2 trước năm 1312 Vua Trần Anh Tông cùng Nhân Huệ Vương, Trần Khánh Dư đưa quân đánh Chiêm Thành đã tập kết quân thủy bộ ở đây. Trước khi xuất phát, Vua vào đền tế lễ, cuộc Nam chinh đại thắng trở về Thăng Long mở hội mừng công, Vua Trần Anh Tông đã hạ lệnh gia phong “Quốc gia Nam Hải đại càn Thánh Nương” đến “Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị Thượng Thượng đẳng thần ngọc bộ hạ” và cho nhân dân xây dựng đền quy mô rộng rãi hơn.

Với các vị thần được thờ, những sự kiện lịch sử, vị trí địa lý, cảnh quan, giá trị khoa học, văn hóa, nghệ thuật, sự hài hoà về nghệ thuật kiến trúc, tất thảy đều được hòa quện vào nhau tạo nên những giá trị đích thực của đền Cờn. Những sự kiện đó đã làm cho đền Cờn thêm linh nghiệm, nổi tiếng.

Để chuẩn bị các điều kiện đảm bảo tổ chức lễ hội, là điểm đến hấp dẫn cho đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh; ngay từ tháng 12-2012, Phòng Văn hóa và Thông tin đã chủ động tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch, lập dự trù kinh phí, thành lập Ban tổ chức, các tiểu ban và tổ chức họp triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên thực hiện. Công tác tuyên truyền được triển khai sớm như: xây dựng cổng chào lớn, vẽ và dựng các cụm tranh cổ động, lên băng rôn, khẩu hiệu, cờ phướn tại các tuyến đường Quốc lộ 1A, 48B, 537B…

Nét mới của Lễ hội đền Cờn Xuân Quý Tỵ - năm 2013 sẽ có nhiều nét độc đáo và đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung. Ngoài phần lễ chính cơ bản diễn ra theo phong tục truyền thống được tổ chức trong 02 ngày từ 20-21 tháng Giêng Âm lịch, tại Lễ hội đền Cờn năm nay còn có phần hội với nhiều hoạt động phong phú và đa dạng, đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, các trò chơi dân gian, truyền thống như: Thi đập niêu đất, nướng bánh đa, cờ thẻ, đua thuyền, đẩy gậy, bóng chuyền, biểu diễn nghệ thuật. Đặc biệt, để chuẩn bị cho lễ hội, nhiều hạng mục công trình đã được tu bổ, nâng cấp, phục dựng mới: nhà Trung điện, Hạ điện, Tả vu, Hữu vu, nhà Bia, hệ thống tường bao xung quanh khu vực di tích và các công trình phụ trợ khác. Bên cạnh đó, còn có nhiều hoạt động văn hóa sôi động như: Hội thi “Tiếng chim hót chào xuân” của các CLB chim cảnh ở thành phố Vinh, Thanh Hoá, thị xã Thái Hoà, khu vực thị trấn Hoàng Mai và “Triển lãm ảnh nghệ thuật”, nhằm tuyên truyền quảng bá tiềm năng, các hình ảnh về du lịch, danh lam - thắng cảnh trên địa bàn huyện, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách.

Ước tính trong 02 ngày chính lễ (20-21/01 Âm lịch), lượng du khách đến với Lễ hội đền Cờn sẽ có khoảng trên 10.000 người. Tại lễ hội năm nay, công tác đảm bảo an ninh trật tự, các hiện tượng đeo bám khách, “chặt chém”, trò chơi trá hình... sẽ được Ban tổ chức chỉ đạo thực hiện một cách triệt để. Lực lượng công an, bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ, văn hóa, y tế... tuần tra, túc trực 24/24 giờ tại khu vực lễ hội, thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các hiện tượng vi phạm. Đồng thời, Ban tổ chức cũng yêu cầu các cửa hàng, các tổ phục vụ niêm yết giá các loại dịch vụ và cung cấp số điện thoại nóng để du khách kịp thời phản ánh khi bắt gặp các hiện tượng tiêu cực như đánh bạc, ăn xin, móc túi, bói toán...

Với những nét đổi mới nêu trên và sự chủ động vào cuộc của Ban tổ chức cùng với sự phối hợp có hiệu quả của các Ban ngành, đoàn thể từ huyện đến xã, hy vọng rằng, Lễ hội đền Cờn năm 2013 đã giảm đáng kể những hiện tượng tiêu cực, an ninh trật tự đảm bảo, vệ sinh môi trường phong quang sạch đẹp, văn minh hơn, nội dung và hình thức đổi mới, bổ sung, hoàn chỉnh hơn về các nghi lễ, diễn xướng, từng bước đưa Lễ hội đền Cờn trở thành lễ hội vùng tiêu biểu của tỉnh.

Lê Thùy Trang

Top