Nét đẹp văn hóa Mường trong Lễ hội Pôồn Pôông

Pôồn pôông trong tiếng Mường là "chơi hoa". Pôồn pôông là một loại dân ca nghi lễ, thần linh vừa mang tính chất giao duyên trai gái, vừa cầu phúc...

Người Mường ở Việt Nam cư trú trên một địa bàn khá rộng: Thanh Hóa, Hòa Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Phú Thọ, Sơn La, Yên Bái, Hà Tây, Nghĩa Lộ với chiều dài ước chừng 350 km từ Tây Bắc Yên Bái đến Tây Bắc Nghệ An, chiều rộng gần 100 km. Hiện nay, người Mường đã đến sinh sống ở các tỉnh phía Nam như Đắc Lắc, Đồng Nai. Người Mường ở đâu thì văn hóa Mường tỏa ra đến đấy.

Ở Thanh Hoá, vùng nào có người Mường ở là có Lễ hội Pôồn Pôông. Lễ hội diễn ra có thể từ tối đến sáng, từ sáng đến tối, có khi kéo dài tới hai ngày ba đêm. Đã từng có thời, lễ hội đặc sắc này bị mai một. Từ khi tỉnh Thanh Hóa liên tục 2 năm tổ chức một lần Liên hoan Văn hóa các dân tộc miền núi Thanh Hóa (năm 1987), đã làm sống lại lễ hội dễ say đắm lòng người này.

Có nhiều sự tích như truyền thuyết cây hoa trong pôồn pôông được gắn liền với truyện bi tình sử của nàng Ờm với chàng Bồng Hương. Hai người yêu nhau tha thiết như đôi chim păng poóp, nhưng bố mẹ nàng Ờm cậy giàu sang phú quý chia cắt tình duyên hai người. Chàng Bồng Hương nhà nghèo khốn khó, cha mẹ nàng Ờm không những không gả con gái cho chàng trai mà còn đánh đập nàng Ờm tàn nhẫn và đuổi khỏi nhà.

Đau đớn, nàng Ờm lần theo con suối và gặp chàng Bồng Hương. Hai người rủ nhau vào rừng cùng ăn lá ngón để cùng chết bên nhau. Chàng Bồng Hương lấy chiếc khăn trắng lau vết máu cho nàng Ờm, rồi vắt khăn lên cây chạng bạng. Cây chạng bạng nâng niu chiếc khăn và biến chiếc khăn thành dây hoa bông trắng quấn quýt cây.

Từ đó hoa bông trắng nở vào tháng ba, gặp mưa thì hoa có màu trắng, gặp nắng thì hoa biến thành màu đỏ. Vì vậy, người Mường chọn cây hoa chạng bạng có hoa bông trắng nở để mở hội "pôồn pôông", hoặc làm hoa bằng giấy trắng, giấy hồng cắm lên cây chạng bạng để chuẩn bị cho hội pôồn pôông.

Lễ hội Pôồn Pôông theo quan niệm của người Mường là lễ cầu chúc cho mối tình chung thủy của Nàng Ờm - Bồng Hương và cũng là dịp về Mường vui vầy cùng các nam thanh, nữ tú. Hình thức nghệ thuật diễn xướng tinh tế này đã tạo nên nét riêng biệt của cộng đồng người Mường, cuốn hút người xem hòa mình vào các trò chơi, trò diễn dân gian.

Lễ hội được tổ chức hằng năm vào các ngày Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Ba và Rằm tháng Bảy, hay mùa gặt gọi là lễ hội mùa mừng cơm mới. Chủ của lễ hội là Ậu Máy và các nhân vật như: Enh chàng - Bông danh, nàng Choóng long - Đồng thiếp, Nàng Quắc - cô nàng lắm lý lẽ, vẽ công, vẽ việc cùng tham gia diễn trò.

Trong văn hóa người Mường, cây bông là vật trung tâm của lễ hội cũng như là biểu tượng của vũ trụ bao la. Cây bông được sử dụng trong lễ hội để trang trí, vẽ nên những chùm hoa đủ sắc màu, nông cụ sản xuất, mô hình nuôi chim thú. Cây bông gỗ lớn cũng được sử dụng để trang trí, chế tạo, khắc đủ hình về vật nuôi, thức ăn, cá, tôm, cu tép. Cây bông này thường chỉ có Ậu Máy (chủ buổi lễ) mới được truyền lại nghề, rồi sau đó truyền lại cho con cháu, những người cực kỳ khéo tay trong bản Mường. Dưới gốc cây bông, Em Chàng - Bông Danh cùng nàng Chóng Long - Đồng Thiếp ngồi đối xứng với nhau, trùm khăn đỏ, khăn xanh ngồi soi gương lẩm bẩm bài hát, sau đó lại hòa cùng nhịp điệu bài hát, thổi sáo.

Trong quá trình mọi người cùng xem, Ậu Máy sẽ cùng một người học trò biểu diễn, kể lại quá trình sinh ra trời đất, khai lập nên bản Mường… Đây như một giai thoại báo cáo với thần linh về tình hình sinh sống, làm ăn của con dân trong bản và dâng lên các thần món gạo mới, xôi nếp để thần linh tiếp tục phù hộ cho con dân bản Mường sống khỏe, trừ ma đuổi bệnh, làm ăn năm nay mạnh hơn năm trước. Nét đặc sắc trong giai thoại là Ậu Máy vừa phải diễn, vừa phải kể lại giai thoại bằng lời Mường cổ, múa hát linh hoạt. Ậu Máy nếu kể sai sẽ bị thần linh phạt và năm sau không được tham gia trẩy hội cùng buôn làng.

Hình thức diễn Pôồn Pôông dân ca nghi lễ thần linh, còn có các tiết mục đi với lễ hội này như: Kin chiêng boọc mạy, Múa rùa, Múa bát, Múa chuông…

Kết thúc cuộc pôồn pôông, trai gái xin Ậu Máy một cành bông mang về nhà để cầu may. Ậu Máy sẵn lòng cho hết cây bông, chỉ giữ lại một cành đặt lên bàn thờ đánh dấu mùa pôồn pôông năm nay kết thúc. Tuy phải trải qua một số trình tự nghi lễ những lời hát trong pôồn pôông vẫn lời xướng tự do là chủ yếu - cách đối đáp tay đôi giữa Ậu Máy và trai gái, giữa thần thánh với con người và rốt cuộc là tình cảm trai gái, chào về bịn rịn, lưu luyến mong chờ...

Bên cạnh nét đẹp tâm linh, lễ hội cũng là dịp để người con bản Mường cùng nhau quây quần ngồi lại bên nhau để ôn về lịch sử hào hùng của bản Mường. Cùng tâm sự, sẻ chia buồn vui đã qua, mách cho nhau mẹo làm ăn khấm khá hơn, cày sâu cuốc bẩm ...

Nguyễn Huyền


 

 

 

Top