“Nếp áo thanh xuân” đến với giáo viên và nữ sinh vùng cao
Đại diện lãnh đạo trường THPT Cẩm Thủy 2 và đoàn CLB Di sản áo dài Việt Nam tại chương trình trao tặng
Tại Trường THPT Cẩm Thủy 2, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, Ban tổ chức đã trao 141 bộ áo dài truyền thống tới cán bộ, giáo viên và nữ sinh lớp 12 của nhà trường.
Tại Trường THCS Quan Sơn, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Ban tổ chức trao tặng 25 bộ bàn ghế, 2 máy tính, đồ dùng học tập và gần 100 bộ áo dài tới cán bộ, nữ giáo viên và học sinh khối lớp 9 của nhà trường.
BTC chương trình trao tặng máy tính, đồ dùng học tập tại Trường THCS Sơn Hà (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa)
Phát biểu tại lễ trao tặng, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó Giám đốc Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Di sản áo dài Việt Nam cho biết: Chương trình “Nếp áo thanh xuân” là sáng kiến trong chuỗi hoạt động của mạng lưới Di sản - Kết nối, được Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, CLB Di sản áo dài Việt Nam khởi xướng nhằm gìn giữ, phát huy, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc tới công chúng trong và ngoài nước, đặc biệt là thế hệ trẻ. Việc trao tặng những chiếc áo dài có ý nghĩa đặc biệt, để tà áo mang biểu tượng văn hóa Việt Nam ngày càng phát huy giá trị, lan tỏa nét đẹp trong đời sống đương đại. Từ năm 2024, Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, CLB Di sản áo dài Việt Nam đã triển khai trao tặng những bộ áo dài cho các nữ giáo viên, nữ sinh các trường THPT, THCS các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vùng sâu vùng xa.
Đại diện lãnh đạo Trường THPT Cẩm Thủy 2 và học sinh chụp ảnh kỷ niệm với CLB Di sản áo dài Việt Nam
Theo Ban tổ chức, trước năm học mới 2024-2025, “Nếp áo thanh xuân” sẽ mang tặng nữ giáo viên, nữ học sinh các trường: Trường THPT Tương Dương (huyện Tương Dương, Nghệ An); Trường THPT Tân Sơn (huyện Tân Sơn, Phú Thọ); Trường PTTH Tương Dương (Nghệ An) với gần 600 bộ áo dài. Chương trình tài trợ áo dài chia thành nhiều giai đoạn, diễn ra từ năm 2024-2028 sẽ trao tặng hàng nghìn áo dài cho các trường học tại nhiều địa phương trên cả nước.
Thông qua chương trình, BTC mong muốn lan tỏa tình yêu dành cho các giá trị di sản văn hóa của dân tộc tới thế hệ trẻ.
Thông qua chương trình, BTC mong muốn lan tỏa tình yêu dành cho các giá trị di sản văn hóa của dân tộc tới thế hệ trẻ.
Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam được thành lập vào tháng 12-2022 với hơn 1.000 thành viên ban đầu. Thời gian qua, Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam mở rộng nhanh chóng, ra mắt 8 câu lạc bộ thành viên tại 5 địa phương trong nước và 3 quốc gia khác. Nhiều hoạt động tôn vinh áo dài thiết thực và tạo hiệu ứng xã hội tốt đã được tổ chức, như triển lãm ảnh nghệ thuật, trình diễn thời trang áo dài, hỗ trợ quảng bá du lịch văn hoá…
Q. Hương