Mùa xuân đến với sinh hoạt văn hóa truyền thống ở làng Cổ Loa - Hà Nội
Hội làng Cổ Loa - chính hội là ngày mồng 6 tháng Giêng Âm lịch hàng năm.
Mỗi người dân làng Cổ Loa luôn ngấm sâu câu ca của làng: “Chết bỏ con bỏ cháu, sống không bỏ mồng Sáu tháng Giêng”.
Tương truyền ngày 6 tháng Giêng là ngày Đức Vua An Dương Vương đăng quang - lên ngôi vua. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của dân làng Cổ Loa, đồng thời cũng là lễ hội lớn của huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội và quốc gia. Hội Cổ Loa xưa có lúc kéo dài 12 ngày, đến nay bó gọn trong 2 ngày (mồng 5 và 6). Trong hai ngày hội, phần Lễ tập trung vào lễ rước của các xóm trong làng và các xã lân cận (các đội rước đều theo bài bản quy định, có chấm điểm, đánh giá). Sau là các nghi thức tế lễ, nhất là phần Lễ của Anh Cả Quậy với hình thức “mật khấn” (đặc ân của Vua ban cho Anh Cả được tấu ngầm không phải bài vở gì), là lễ rước tượng hoặc bài vị Nhà vua từ đền Thượng sang đình Ngự Triều Di Quy, am thờ Mỵ Châu, tương truyền là để Nhà vua triệu họp quần thần và thăm con gái, Vua ngự ở đó 12 ngày, sau đó lại rước về đền Thượng. Phần Hội thường diễn ra các trò chơi như: bắt Vịt, hát Tuồng, hát Ống, vật, bắn nỏ, cờ người, bóng chuyền… Hội Cổ Loa hằng năm là ngày các con dân làng Cổ Loa trở về nhà xum họp, đồng thời cũng thu hút hàng vạn người từ mọi miền quê về tham dự, là niềm đam mê, tự hào của người Cổ Loa.
Hội làng Cổ Loa ngày nay.
Hát Ống: còn gọi là hát Đúm, hát Nôi – hát giao duyên giữa nam và nữ (trên cạn hay trên thuyền). Đây là loại hình sinh hoạt văn nghệ quần chúng rất độc đáo, phổ biến mà người dân làng Cổ Loa rất ham thích. Hát Ống thường diễn ra vào mùa lễ hội, mùa xuân hoặc thu. Những người hát chủ yếu là nam, nữ chưa có gia đình (có thể có người cao tuổi bên cạnh để cố vấn, mớm lời). Dụng cụ hát là hai ống tre dài khoảng 10-15 phân, một miệng bịt da ếch, nối 2 ống bằng một sợi chỉ (màu trắng hoặc tím) dài theo vị trí của 2 nhóm hát (khoảng 100m-200m). Khi bên này hát thì bên kia lấy ống tre áp vai tai để nghe, rồi đối đáp lại, cứ thế diễn ra cho đến lúc vãn canh hát thì dừng (thường là khoảng một buổi). Nội dung hát Ống chủ yếu là đọc, ngâm các câu thơ lục bát có sẵn trong ca dao, Truyện Kiều hay tự sáng tác nhanh thể hiện tình cảm với làng xóm quê hương, với đối tác đang giao duyên, muốn nên vợ nên chồng, muốn cuộc sống ấm no, hạnh phúc… Mở đầu hát Ống thường là màn chào hỏi như là:
Ở nhà em mới ra đây
Lạ nước lạ cái em nay lạ nhà
Ba anh em lạ cả ba
Bốn anh em lạ biết là tên chi?
Rồi sau đó là màn đối đáp đầy thi vị, tình tứ, dí dỏm, thông minh như:
Bên nam hát:
Đi đường thấy cánh hoa rơi
Lấy chân lận xuống không chơi hoa thừa.
Bên nữ đáp:
Hoa thừa chị để một nơi
Những thằng chưa vợ chỉ chơi hoa thừa.
Hát Tuồng cổ: Cổ Loa xưa là vùng Kinh Bắc nên Cổ Loa cũng là nơi tiếp nhận, phát triển của bộ môn Tuồng một cách nhiệt tình và đã trở thành một loại hình văn nghệ quần chúng sâu rộng. Nếu hỏi những người Cổ Loa tầm tuổi từ 50 trở lên thì đều thấy toát lên một sự ham thích hiểu biết về bộ môn nghệ thuật này. Hát Tuồng thường diễn ra quanh năm nhưng tập trung vào dịp lễ hội, Tết, nông nhàn…
Tục ăn Sêu bà chúa: Ăn Sêu bà chúa - lễ ăn hỏi, “đính hôn” của Công chúa Mỵ Châu với Trọng Thủy. Lễ này được diễn ra vào 3 ngày, bắt đầu từ ngày 13 tháng 8 Âm lịch hàng năm. Vào những ngày này, cả làng đều tổ chức ăn mừng ngày lễ trang trọng của Công chúa với những bữa liên hoan bằng bún các loại như: Bún mắm tôm, bún riêu cua, bún chả, bún mọc, bún lòng lợn… Bún ở đây là bún được làm ở làng Mạch Tràng (một làng sát chân thành, thuộc xã Cổ Loa). Loại bún này ngày nay trở thành món ẩm thực rất được ưa thích ở Cổ Loa và cả Đông Anh dùng để đãi khách.
Hát ống (hát giao duyên nam nữ) là loại hình sinh hoạt văn nghệ quần chúng rất độc đáo, phổ biến mà người dân làng Cổ Loa rất yêu thích.
Những câu chuyện truyền miệng, truyền thuyết:
Đến Cổ Loa, ngập tràn những truyền thuyết đầy huyền thoại về các nhân vật lịch sử Thục Phán, Cao Lỗ, Nồi Hầu, Ngô Quyền, những sự tích về xây thành, về nỏ thần, … mà gặp bất kể người dân Cổ Loa nào cũng được kể lại say sưa, nhưng nhiều nhất, hấp dẫn nhất vẫn là các truyền thuyết sau:
+ Truyền thuyết định đô tại Cổ Loa: Lúc đầu Nhà vua có ý định đóng đô tại làng Tó (xã Uy Nỗ) nhưng con chó Lài quý của Vua trong một đêm mưa gió đã xuống vùng đất Chạ Chủ làm ổ đẻ. Thấy đây là điềm lành nên Vua đã quyết định chọn nơi con chó quý làm tổ để làm nơi đóng đô của mình. Còn đó các địa danh: Gò Vua, Oai Nỗ, Kính Nỗ, chợ Tó gắn với câu chuyện này.
+ Truyền thuyết đắp thành Loa: Do hợp lòng trời, lòng người nên việc đắp thành ngoài sức dân còn là sự trợ giúp của thiên đình, thông qua các tiên nữ hàng đêm xuống gánh đất đắp thành. Các địa danh như Tiên Hội, Gò Tiên, đền Sái, Thất Diệu Sơn, chợ Chờ... gắn liền với truyền thuyết đó.
Khu Di tích Cổ Loa.
+ Truyền thuyết về thần Kim Quy (Rùa vàng): Là Thanh Giang Sứ (của thiên đình) được cử xuống phù giúp An Dương Vương xây thành, giữ thành và chống giặc. Các câu chuyện về giết “Bạch kê tinh”, về nỏ thần… đậm màu thần thoại, huyền bí nhưng hấp dẫn.
+ Truyền thuyết về thiên tình sử: Trọng Thủy – Mỵ Châu đầy bi thương. Nàng Mỵ Châu trong sáng do nhẹ dạ mắc mưu hiểm của cha con Triệu Đà nên chết oan, hóa đá. Câu chuyện như vừa thực vừa hư, khi nghe chuyện ta ngắm hồ Ngọc Tỉnh, giếng Trọng Thủy - Mỵ Châu để lắng đọng nhiều điều.
+ Truyền thuyết về bà thứ phi họ Đỗ của Ngô Quyền: Bà Đỗ Thị Sa, người làng Dục Tú (sát chân thành Cổ Loa) được Vua Ngô chọn làm Phi trong một cuộc gặp gỡ tình cờ, định mệnh, đầy chất thơ. Khi đang kinh lý ngoại thành, Nhà vua thấy một thôn nữ xinh đẹp, khỏe mạnh đang cắt cỏ bên sông Hoàng. Trong khoảng không gian mênh mông sông nước, chim chóc líu lo, hương lúa, hương ngô thơm mát, Người buông lời thăm hỏi và đã được đáp lại rằng:
Tay cầm bán nguyệt xênh xang,
Hàng ngàn ngọn cỏ lai hàng tay ta.
Cảm cái đẹp, cái tài, cái thơ mộng của cô thôn nữ, Đức Vua đã rước cô về cung và ban cho dân làng Dục Tú nhiều ưu đãi.
TS Lưu Minh Trị