Một số đặc trưng và giá trị Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh
1. Từ đặc trưng địa – văn hóa
Nghệ An và Hà Tĩnh là hai tỉnh ven biển thuộc vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam, xưa có tên chung là quận Cửu Chân (Thời Nhà Hán), Cửu Đức (Thời Nhà Tấn), Nhật Nam (thời Nhà Tùy), Hoan Châu (Thời nhà Đinh và Tiền Lê), Nghệ An châu (Thời Lý, Trần), xứ Thừa Tuyên Nghệ An (Thời Lê Thánh Tông), Nghĩa An trấn (Thời Tây Sơn), và Nghệ An trấn (Thời Nguyễn). Năm 1831, trấn Nghệ An được Vua Minh Mệnh chia thành 2 tỉnh Nghệ An (Bắc sông Lam) và Hà Tĩnh (Nam sông Lam). Khoa học về khảo cổ những chục năm gần đây đã minh chứng thuyết phục về vùng đất cổ Nghệ Tĩnh qua các hiện vật từ hàng nghìn năm trước Đông Sơn, đến thời các vua Hùng và hiện diện các lớp lang lịch sử văn hóa sau này. Năm 1976, Nghệ An và Hà Tĩnh sát nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh và đến năm 1991 lại tách ra thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây là vùng đất có đầy đủ địa hình núi cao, trung du, đồng bằng và ven biển, với khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi. Vào những tháng hè nắng lửa, gió Lào như rang bỏng mọi miền quê xứ Nghệ, “làm nứt đất nẻ đồng, cạn cả khe suối, khô rốc cả giếng, ao, đầm, hồ. Bụi tỏa mù trời…Gió vồ vập làng mạc, gió rung chuyển cả núi rừng. Nắng và gió là hai nguyên tố ngự trị”(1). Hệ thống sông ngòi tương đối phong phú, lớn nhất là sông Lam và sông La, trừ những tháng ngày mưa lũ tàn phá xóm làng, nguồn phù sa và tài nguyên sông nước đã góp phần tạo nên những thềm đất thuận cho nghề trồng lúa nước, làm nảy sinh nhiều làng nghề truyền thống khác nhau, bám chặt vào điều kiện địa hình, tự nhiên, sinh ra văn hóa canh tác nương rẫy, lúa nước, trồng trọt, chài lưới và đánh cá ven biển… Những đặc điểm tự nhiên đó đã tạo cơ sở cho sự hình thành nét phong thái, tính cách (theo khái quát của Đặng Thai Mai: can đảm đến sơ xuất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan và tằn tiện đến …cá gỗ !) và dòng máu ham thích văn chương, sáng tạo tinh thần của người dân xứ Nghệ, trong đó có thói quen thường trực với nhu cầu ca hát Ví, Giặm. (2)
Nghệ Tĩnh là vùng đất địa linh nhân kiệt, sản sinh ra nhiều danh nhân, anh hùng và các lãnh tụ kiệt xuất qua hầu khắp các giai đoạn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đặc biệt, đây là vùng đất có truyền thống hiếu học, có các nhà khoa bảng văn chương danh tiếng và nhiều làng văn nghệ nổi tiếng, nơi sản sinh cho đất nước nhiều danh tướng, lương thần cùng nhiều nhà văn hóa, nhà khoa học tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Chính đội ngũ các nhà khoa bảng, các danh nhân, chí sĩ ở các tầm cỡ khác nhau này đã góp phần quan trọng trong việc truyền bá học thuật, dạy dỗ con cháu nâng cao tầm hiểu biết, nâng cao dân trí, tham gia trực tiếp vào các cuộc sinh hoạt văn hóa thôn quê, góp phần tạo ra nét văn hóa đặc sắc và dấu ấn bác học cho kho tàng văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, trong đó có Dân ca Ví, Giặm. Thật khó có nguồn dân ca nào trên đất Việt Nam lại được ghi nhận dấu ấn tri thức và trực tiếp can dự thực hành của các bậc tài danh như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Oánh, Phan Bội Châu,…như Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh!
Nghệ Tĩnh là vùng đất cổ, có chung phương ngữ (tiếng Nghệ), đa số các cộng đồng làng xóm tương đồng về tập quán, tín ngưỡng và văn hóa dân gian nói chung. Là chủ thể lớn nhất, người Việt ở Nghệ An và Hà Tĩnh đều có ý thức cộng đồng chặt chẽ, giàu lòng yêu nước và mang những đặc trưng chung của một vùng văn hóa. Trên tiến trình lịch sử, từ quá trình ứng xử với tự nhiên và xã hội, tham gia quá trình dựng nước, giữ nước, người dân Nghệ An và Hà Tĩnh ở hầu khắp các làng, xã đã sáng tạo và lưu giữ được một nguồn di sản văn hóa dân gian phong phú, đa dạng, mang nhiều hình thức và bản sắc vùng đất “Sông Lam – Núi Hồng”, nổi bật nhất là dân ca Ví, Giặm, trở thành những món ăn tinh thần thường nhật của người dân mọi thế hệ, góp phần nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn người Nghệ - Tĩnh qua trường kỳ lịch sử. (3)
2. Đến đặc trưng không gian văn hóa của Dân ca Ví, Giặm
Không gian văn hóa và địa bàn hành chính- nơi sản sinh và nuôi dưỡng Di sản Dân ca Ví, Giặm cách đây nhiều chục năm đã được giới thuyết tại các nguồn tư liệu khảo sát, sưu tầm, ghi chép, giới thiệu qua các công trình sưu tầm, nghiên cứu, các tiểu luận, bài báo liên quan trực tiếp đến sinh hoạt Dân ca Ví, Giặm của các nhà sưu tầm, nghiên cứu nổi tiếng, đã công bố từ trước (1943) đến nay (2013), tiêu biểu như Nguyễn Tất Thứ, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Chung Anh, Ninh Viết Giao, Lê Văn Hảo, Thái Kim Đỉnh, Lê Hàm, Thanh Lưu cùng hàng loạt các cây bút nghiên cứu, sưu tầm khác của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh (thông qua các tập kỷ yếu khoa học về bảo tồn và phát huy các giá trị Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, các bản Thông tin Văn hóa của các Trung tâm Văn hóa Nghệ An và Hà Tĩnh), để từ đó có thể nhận diện phạm vi không gian văn hóa - môi trường xã hội nhân văn cùng địa bàn hành chính, nơi tồn tại của sinh hoạt dân ca Ví, Giặm từ xưa đến nay. Bên cạnh đó, không gian văn hóa hiện tồn của sinh hoạt Dân ca Ví, Giặm được nhận diện rõ ràng thêm bởi nguồn tư liệu kiểm kê Di sản Dân ca Ví, Giặm trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh của cán bộ các Phòng Nghiệp vụ, Quản lý Di sản Văn hóa, các Trung tâm Văn hóa thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng Hồ sơ ứng cử vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, các năm 2011 và 2012 vừa qua và qua nguồn tư liệu khảo sát thực địa của các nhóm nghiên cứu Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam đã tiến hành từ hơn chục năm qua trên địa bàn nhiều huyện/thị của cả Nghệ An và Hà Tĩnh (nghiên cứu văn hóa làng, phục dựng lễ hội, quy hoạch văn hóa…). Xuất phát từ góc nhìn địa văn hóa, dễ dàng nhận thấy, tại hầu khắp các làng quê Nghệ Tĩnh (từ miền ngược đến miền xuôi), dường như nơi nào có người sử dụng/nói được tiếng Nghệ là nơi đó sẽ vang ngân Dân ca Ví, Giặm, trong đó đa số các làng/thôn/khu dân cư có sinh hoạt Dân ca Ví, Giặm tập trung đậm đặc ở hầu khắp các thềm sông, trong đó nổi lên ở hàng trăm làng quê chủ yếu tụ cư dọc theo hai con sông lớn là sông Lam và sông La. Cũng từ địa vực cư trú mật tập này, hầu hết các làng nghề (chẳng hạn, tập trung ở phía Nam sông Lam có 21 làng nghề truyền thống nổi tiếng gắn chặt với sinh hoạt hát Ví, Giặm thuộc các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Kỳ Anh, Đức Thọ, Can Lộc, Hương Khê, Cẩm Xuyên và thị xã Hồng Lĩnh) đều hiện tồn thực hành hát Dân ca Ví, Giặm. Và cạnh đó, những làng/thôn sinh hoạt hát Ví, Giặm nổi danh như những trung tâm thực hành văn nghệ, hầu hết đều thuộc các làng nghề có tiếng trong vùng, các địa bàn có truyền thống khoa bảng, có nhiều thế hệ đỗ đạt và thành danh về văn chương (Nghi Xuân, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Thạch Hà - Hà Tĩnh; Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Thanh Chương - Nghệ An). Cũng lại nhìn từ góc độ địa - văn hóa, các thế hệ dân cư do có quan hệ gắn bó mật thiết với nhau về lịch sử, chính trị, kinh tế - văn hoá, xã hội và cùng chung một phương ngữ nên giữa các tiểu vùng (huyện, thị) không có sự khác nhau về tập quán, phong tục, tín ngưỡng, việc sáng tạo, trao truyền và thực hành Ví, Giặm luôn thường trực diễn ra như một lẽ tự nhiên, một nhu cầu giao lưu thường tình trong cuộc sống. Có thể nói, phương ngữ Nghệ Tĩnh chính là “dòng máu”sản sinh và nuôi dưỡng Dân ca Ví, Giặm và do vậy, không gian cư trú của người Nghệ Tĩnh dường như cũng chính là không gian sinh hoạt văn hóa hiện tồn của Dân ca Ví, Giặm từ xưa đến nay.
3. Và những giá trị văn hóa đưa Ví, Giặm đến tầm nhân loại
Dân ca Ví, Giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng. Trải qua lịch sử tồn tại và phát triển nhiều trăm năm, Dân ca Ví, Giặm đã hình thành nên hàng loạt hệ thống bài ca tiêu biểu.
Hệ thống bài ca gắn với nghề nghiệp lao động sản xuất, chủ yếu được sáng tạo và lưu truyền ở các làng nghề (nghề dệt vải, nghề làm nón, nghề làm bánh, nghề đan lát, nghề làm hàng sáo, nghề đóng thuyền, nghề mộc, nghề đúc đồng, nghề gốm, nghề rèn…). Thể loại được sử dụng nhiều hơn cả là hát Ví, thường được gắn với tên gọi từng loại nghề nghiệp ở từng địa phương khác nhau (ví phường Vải, ví phường Nón, ví Đò đưa...).
Hệ thống bài ca gắn với nhu cầu quan hệ giao duyên, hôn nhân, chiếm số lượng nhiều nhất.
Hệ thống bài ca gắn với quan hệ gia đình, dòng họ, mang tính khuyên răn, giáo dục giữa các thế hệ.
Hệ thống bài ca ca ngợi quê hương, đất nước và các bậc tài danh của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Hệ thống bài ca mang tính tự sự, diễn đạt dưới hình thức giặm vè, gắn với nội dung kể về sự tích lập làng, các sự kiện, hiện tượng lịch sử và các nhân vật đặc biệt của một làng quê nhất định.
Như mọi loại hình Dân ca của các địa phương khác, dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ có quá trình phát sinh, phát triển. Từ khi ra đời đến nay, có lúc thăng trầm do hoàn cảnh chiến tranh, song nhìn chung, lịch sử của Ví, Giặm là lịch sử liền mạch xuyên suốt quá trình ứng xử với tự nhiên, xã hội, ứng xử giữa con người với nhau của các thế hệ người dân xứ Nghệ qua nhiều trăm năm, luôn được trao truyền, gìn giữ và phát triển, cả bề rộng lẫn bề sâu mà chưa hề đứt quãng. Chắc hẳn, phải sinh tồn từ cộng đồng người Nghệ qua hàng trăm năm, các hình thức ca hát (có lẽ khởi nguyên từ những bài ca lao động, mở rộng dần ra các bài ca giao duyên và gửi gắm nỗi niềm thế sự) đi từ sơ khai đến ngày một hoàn thiện, nâng cao, để rồi, đến những năm đầu thế kỷ XVII - XVIII trở đi, hát Ví, Giặm đã phát triển và trở thành hình thức trình diễn dân gian phổ biến của cộng đồng với sự tham gia của nhiều tầng lớp, từ người lao động bình dân đến các nhà khoa bảng, thày đồ và trí thức đương thời nói chung.Từ thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, Dân ca Ví, Giặm được lưu truyền rộng rãi, hình thành một số trung tâm gắn với sự tham gia tích cực của các nhà khoa bảng, các nhà nho yêu nước. Bởi vậy, bên cạnh những nội dung bài bản dân gian, Ví, Giặm còn có nội dung thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc với cách diễn đạt bác học - hàn lâm. Từ giữa thế kỷ XX đến nay, Ví, Giặm xứ Nghệ đã có những thay đổi về môi trường diễn xướng, về hình thức thể hiện, về đề tài phù hợp với sự thay đổi của hình thái kinh tế - xã hội và nhu cầu của công chúng. Ví, Giặm được bảo tồn, phát triển trong cộng đồng bằng hình thức văn nghệ quần chúng, thông qua hoạt động câu lạc bộ, được đưa lên sân khấu, đưa vào trường học và các phương tiện thông tin đại chúng, trở thành món ăn tinh thần của người dân ở hầu khắp mọi vùng miền nước Việt. Chính vì thế, đi sâu vào mạch nguồn của Dân ca Ví, Giặm, không khó để nhận ra những giá trị đặc sắc của loại hình văn hóa nghệ thuật độc đáo này.
Mang đặc trưng tự sự, diễn đạt theo lối văn vần dân gian, được kể/hát lên trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, Ví, Giặm Nghệ Tĩnh ẩn chứa trong đó những giá trị lịch sử - văn hóa một cách hồn nhiên, cụ thể và sinh động. Lần theo ca từ của hàng nghìn câu Ví, câu Giặm, (4) dễ dàng nhận ra bóng dáng thực của mọi chuyện “trong làng, ngoài xã”, từ lai lịch một cuộc tình, một chân dung đời thường đến ngọn nguồn một làng nghề, một địa danh hay một sự kiện – hiện tượng nào đó, cho đến những câu chuyện gắn với vận mệnh của làng, của nước. Có thể nói, Ví, Giặm là một cuốn sử biên niên của cộng đồng xứ Nghệ được ghi lại một cách chi tiết, tự nhiên và kịp thời bằng chất liệu ngôn từ nghệ thuật bình dân, gửi gắm vào đó cung cách nhận thức, đánh giá, phẩm bình mang tính đồng thuận chung của cộng đồng, được các thế hệ gìn giữ, truyền lưu. Dân ca Ví, Giặm với nhận thức của hầu hết dân chúng, vì thế, có đặc điểm và giá trị chung là nơi chứa đựng một cách tự nhiên, hồn nhiên mọi tri thức về văn hóa, lịch sử, về kỹ thuật canh tác, ứng xử với tự nhiên và xã hội cũng như cung cách ứng xử mang sắc thái Nghệ - Tĩnh do các thế hệ cha ông nhận biết, đúc kết cho hậu sinh.
So với các loại hình sinh hoạt văn nghệ dân gian đã và đang hiện tồn trên khắp mọi vùng, miền đất nước, thật khó có loại hình nghệ thuật nào có được giá trị văn hóa xã hội sâu, rộng và bao quát mọi ngóc ngách đời sống cộng đồng như Dân ca Ví, Giặm. Bằng những lời ca ngắn gọn ví von, những câu chữ cụ thể, thân tình, Ví - Giặm lay động, thức tỉnh lòng người mọi thế hệ hướng về những đạo lý làm người, những khuôn mẫu đạo đức xã hội thông qua lời tâm tình về chữ Hiếu, chữ Nghĩa, chữ Nhân. Chất giáo huấn trong Ví, Giặm vì thế đi vào lòng người một cách tự nhiên chứ không cứng nhắc, lịch lãm chứ không xô bồ, chân tình chứ không gượng ép. Chính vì thế, mở rộng dần các mối quan hệ từ phạm vi gia đình, dòng họ đến làng xóm và môi trường xã hội, hàng ngàn câu Ví, câu Giặm cứ như thứ “lạt mềm buộc chặt”, lay động mọi tâm tư, nỗi niềm, trở thành hướng quy chuẩn cho mọi hành vi ứng xử của con người trong đời sống văn hóa cộng đồng nói chung.
Cũng như bất kỳ mọi hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian của Việt Nam và thế giới, Dân ca Ví, Giặm với sức sống tự thân của nó, luôn hiện hữu những giá trị nghệ thuật đặc sắc, được trưng cất từ trí tuệ nghệ sĩ bình dân và bác học của người xứ Nghệ. Tuy nhiên, dường như Ví, Giặm được coi là hình thức sinh hoạt văn hóa – nghệ thuật rõ nét nhất trong kho tàng dân ca xứ Nghệ trực tiếp trở thành bệ đỡ, sản sinh ra hàng loạt các thế hệ nhạc sĩ, hàng trăm sáng tác âm nhạc đương đại, trong đó, nhiều ca khúc mang âm hưởng Ví, Giặm, chắt lọc từ Ví, Giặm, kế thừa và nâng cao từ Ví, Giặm để đạt đến tầm bất tử, còn mãi với thời gian.(5)
Và nếu thử tạm gạt ra những giai điệu ngân nga, cuốn hút lòng người, những bài ca Ví, Giặm khi đó sẽ còn lại với người đời là hàng loạt những câu thơ lục bát kỳ diệu, những bài thơ ngũ ngôn, tứ tuyệt đặc sắc, đóng góp vào kho tàng văn học nước Việt những giá trị văn học nghệ thuật vô giá. Cũng có lẽ, nhờ suối nguồn thi ca đạt đến tầm hoàn mỹ, ẩn chứa trong hàng loạt lời ca Ví Giặm trên mảnh đất có đặc trưng địa văn hóa kỳ lạ này mà, Nghệ Tĩnh qua tháng năm lịch sử, không ngừng sản sinh ra hàng loạt thế hệ các thi sĩ, văn nhân lừng danh, tác phẩm của họ đã vươn tới tầm dân tộc và nhân loại.
Dân ca Ví, Giặm là loại hình rất dễ tiếp nhận và thực hành bởi bất kỳ người dân nào gốc Nghệ An và Hà Tĩnh (những người cùng sử dụng, hiểu chung phương ngữ vùng đất này). Dân ca Ví, Giặm không kén chọn thời gian, không gian và hoàn cảnh để thực hành. Người dân có thể hát Ví, Giặm bất kỳ khi nào, từ lao động sản xuất đến mọi hoàn cảnh trong sinh hoạt thường nhật, không cần nhạc cụ, đạo cụ và trang phục khác lạ nào. Người hát Ví, Giặm có thể thực hành trong các nghi lễ trang trọng, tang ma đến các cuộc vui chơi, giải trí, sinh hoạt của cá nhân hay nhóm người, cộng đồng và trước quảng đại dân chúng. Với người dân, Ví, Giặm như sự hiện diện của lời nói sinh hoạt tự nhiên, thường trực hàng ngày, có thể dùng để trò chuyện, tâm tình, giao duyên hay đối thoại, độc thoại.Ví, Giặm là hình thức nghệ thuật ca hát, không bị gò bó bởi lề lối, niêm luật, câu chữ. Người hát có thể ứng tác để phù hợp với nhu cầu thể hiện tư tưởng, thái độ, tình cảm ở mọi hoàn cảnh, không gian và thời gian. Ví, Giặm được sử dụng một cách tự nhiên nhất cho nhu cầu giải trí trong lao động và sinh hoạt, nơi gửi gắm mọi tâm tư, nỗi niềm - dù độc thoại hay đối thoại giao duyên, từ phạm vi gia đình, dòng họ đến nhà trường và ngoài xã hội. Chính vì thế, có thể thấy rõ, giá trị bao trùm toàn bộ kho tàng Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là giá trị nhân sinh đa diện và sâu sắc. Có một nguyên lý thường được các bậc trí giả nhắc tới: Đi hết tầm dân tộc ta sẽ gặp thế giới; Đi hết mọi ngóc ngách tâm tư, ý nghĩ cùng nguyện vọng, tâm trạng của người dân, ta sẽ gặp tầm nhân loại. Ứng chiếu vào nguyên lý giản dị nhưng khái quát này, từ các giá trị tiềm ẩn hoặc lộ diện trong Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin và tự hào về loại hình di sản độc đáo của “khúc ruột miền Trung” đã và đang đạt đến tầm văn hóa nhân loại !
PGS.TS Bùi Quang Thanh