Lý Nam Đế trong đời sống văn hóa của người dân làng Giang Xá, huyện Hoài Đức, Hà Nội

Nằm trong vùng đất xứ Đoài giàu truyền thống, nơi có nhiều di tích và lễ hội cổ truyền, Giang Xá là một làng cổ trong số các làng cổ Việt Nam với truyền thống văn hoá được lưu giữ tự nghìn đời. Người dân làng Giang Xá từ bao đời nay luôn tự hào là đất vua phong có truyền thống hào hoa, phong nhã, dũng cảm đánh giặc giữ nước, xây dựng quê hương. Hơn thế nữa, ngôi làng Việt cổ Giang Xá luôn thành kính niềm tự hào là hậu duệ, quê hương của người anh hùng dựng nước và giữ nước - Lý Nam Đế; luôn ghi nhớ và bền bỉ sự phụng thờ người con yêu thương của làng, người đã lập nên sự nghiệp và dựng lên nhà nước Vạn Xuân. Làng Giang Xá, thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, Hà Nội hôm nay là một nơi có những hình thức rực rỡ và đậm đà bản sắc văn hoá để gìn giữ và tôn vinh hình tượng người anh hùng có công lao to lớn đối với dân tộc.

Hiện nay, trong rất nhiều nơi cùng phụng thờ Lý Nam Đế thì Hà Tây (Hà Nội ngày nay) là vùng đất có hệ thống di tích thờ cúng ông khá đậm đặc. Theo thống kê của Sở Văn hóa-Thông tin Hà Tây (cũ), hiện nay ở các tỉnh phía Bắc có gần 80 đình, đền thờ Lý Nam Đế, trong đó ở Hà Tây (cũ) có đến 69 điểm phụng thờ Lý Nam Đế và các tướng của Ngài, trong đó Hoài Đức là một vùng đất có nhiều di tích thờ Lý Nam Đế. Làng Giang Xá (huyện Hoài Đức) là một trong những nơi thờ tự chính với ý nghĩa khá đặc biệt. Mặc dù cho đến nay việc xác định quê hương gốc của Lý Nam Đế vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu, nhưng căn cứ vào truyền thuyết và các bản thần tích lưu truyền tại địa phương hầu hết các ý kiến đều thừa nhận quãng tuổi thơ của ông gắn liền với mảnh đất chùa, với làng Giang Xá. Nhà nghiên cứu Đinh Văn Nhật khẳng định: “Vùng Đan Phượng, Hoài Đức, Từ Liêm (ngoại thành Hà Nội) ở giữa sông Đáy và sông Tô Lịch là quê hương thứ hai của Lý Bí, vì ở đây có nhiều đền thờ và có nhiều truyền thuyết về ông”. Cũng trong bài viết này ông chỉ rõ: “Lý Bí sinh ra, lớn lên ở trang Thái Bình và sang ở với chú sau khi cha mẹ ông qua đời. Sau đó, ông được chú cho theo một vị thiền sư để học đạo và năm 13 tuổi, Lý Bí theo vị thiền sư đó về chùa Linh Bảo ở Giang Xá, thuộc quận Tống Bình, nay là huyện Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội” . Giang Xá chính là “quê hương thứ hai” của ông, nơi đã nuôi dưỡng ý chí, tinh thần yêu nước của người anh hùng dân tộc và sau này chính tại mảnh đất này, Lý Nam Đế đã hưng binh khởi nghĩa đánh đuổi giặc Lương xâm lược. Vùng đất này đã được Lý Nam Đế sau khi lên ngôi phong cho là “Thang Mộc Ấp” (có nghĩa là đất tắm gội) thuộc thượng kinh, mảnh đất của đế vương được miễn phu phen, sưu thuế. Chính vì vậy, trong tâm thức của người dân nơi đây, Lý Nam Đế không chỉ là một vị tướng tài ba, người anh hùng dân tộc trong lịch sử chống giặc Lương thế kỷ VI mà từ lâu ông đã trở thành người con của vùng đất này, được nhân dân khắp nơi tôn thờ như một vị phúc thần, Thành hoàng làng bảo trợ cho dân làng.

Hiện tại, làng Giang Xá có cả một quần thể di tích bao gồm đình, đền, chùa gắn với việc thờ cúng và tưởng niệm ông cũng như một loạt truyền thuyết dân gian về tuổi thơ và quá trình dựng cờ khởi nghĩa đánh giặc Lương của ông. Các di tích này mang một ý nghĩa khá đặc biệt bởi ngôi chùa ở làng Giang Xá theo tương truyền là nơi mà Lý Nam Đế trải qua tuổi ấu thơ và những ngày đầu khởi nghiệp; ngôi đền là nơi thờ cúng Lý Nam Đế sau khi ông qua đời, còn ngôi đình là nơi ông được thờ cúng như một vị thành hoàng làng. Như vậy, chỉ với một làng Lý Nam Đế đã được thờ cúng với 3 tư cách khác nhau: khi thì được thờ như một người con của Phật, khi thì được thờ như một phúc thần và khi thì được thờ với tư cách một người anh hùng dân tộc. Có thể nói, trong lòng người dân Giang Xá, Lý Nam Đế tồn tại ở nhiều vị thế khác nhau. Điều này thể hiện sâu sắc tình cảm mà dân làng dành cho ông.

Điều đặc biệt ở Giang Xá là dân làng đã thờ Lý Nam Đế ngay khi ông còn sống: Theo các cụ trong làng kể lại, dân làng nhớ công ơn Lý Nam Đế nên đã lập ngôi sinh từ ngay trên mảnh đất hưng binh, để thờ bái vọng khi Người còn sống. Ngôi sinh từ nhìn về phía Tây Nam, trước mặt có dòng tiểu giang chảy qua như dải lụa (một nhánh của Hát giang). Dân làng ngăn lại một nửa để làm giếng nước ăn ngay trước cửa đền, bắc cầu tre gỗ để người đi lại giao dịch với sĩ phu cả nước, dân quen gọi là cầu Thần. Đến năm Tự Đức nguyên niên thì thay bằng cầu đá... Ngày 2 tháng 5 năm Mậu Thìn (548) Người băng hà tại Khuất Liêu Động thuộc huyện Tam Nông, Phú Thọ. Ngày 12 tháng 10 Âm lịch cùng năm anh là Lý Thiên Bảo đang quang kế vị tức Đào Lang Vương, ban sắc chỉ cho Giang Xá nghinh sắc “Quốc vương thiên tử tiền Lý Nam Đế thánh vị” về thờ, cũng từ đó nhân dân Giang Xá tôn tạo ngôi sinh từ thành ngôi đền để thờ người như hiện nay.

(Ảnh: TL)

Đặc biệt, lễ hội làng Giang Xá là nơi thể hiện một cách tập trung nhất thái độ, tình cảm, lòng ngưỡng mộ của nhân dân dành cho Lý Nam Đế. Hội làng Giang Xá thường được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm (theo truyền thuyết đây là ngày lên ngôi của Lý Nam Đế đồng thời là ngày kỷ niệm thành lập nước Vạn Xuân). Trước đây, Giang Xá năm nào cũng mở hội Tiểu Trà 5 ngày (từ ngày 12 đến ngày 16 tháng Giêng), năm nào phong đăng hòa cốc hoặc có sự kiện gì vui thì làng mở hội Đại Trà (từ 16 đến 21 ngày), có năm mở 20 ngày, sang tháng 2 mới giã đám, có rước nghinh, rước văn, rước cỗ, các trò chơi dân gian...

Ngoài ra, các ngày 10 tháng 3 (ngày Hưng binh), ngày 2 tháng 5 (giỗ Lý Nam Đế) và ngày 12 tháng 9 (sinh nhật Lý Nam Đế) cũng được coi là ngày lễ chính của làng. Bắt đầu từ năm 1989, nhân dịp cụm di tích đình và đền của làng được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, lễ hội truyền thống của làng được phục hồi và nhanh chóng trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu được của người dân nơi đây. Như đã thành thông lệ, cứ 5 năm một lần, làng Giang Xá lại tổ chức đại lễ, dân làng nô nức chuẩn bị và chờ đón ngày vào đám. Cụ Giang Văn Thăng đã tâm sự với chúng tôi: “Trước đây mỗi năm làng mở hội cả làng không ai bảo ai đều dừng hết mọi công việc đồng áng, ruộng vườn để chuẩn bị hội làng. Gia đình nào cũng có một mâm lễ thật thịnh soạn với đầy đủ những vật phẩm cúng tế như xôi, gà, bánh bác, bánh cốm, bánh gai... Đến ngày vào đám cả sân đình chật ních các mâm cỗ cúng tế của các gia đình trải suốt từ trong đình ra đến ngoài. Cả làng luôn sống trong không khí rộn ràng, tấp nập, khẩn trương cho đến hết tháng Giêng Âm lịch...”. Những năm khác dân làng chỉ tổ chức tế lễ ở đình và đền với những nghi lễ chính, những trò chơi dân gian với quy mô nhỏ và không rầm rộ như những năm có đại đám.

Có thế thấy rằng, lễ hội chính là nơi khẳng định vị trí của Lý Nam Đế trong ký ức và niềm tin của người dân, là một hình thức bảo lưu lịch sử khi những oanh liệt hào hùng xưa trở thành niềm tin thành kính và thiêng liêng trong lòng người dân. Với tính chất tưởng niệm, tôn vinh người anh hùng dân tộc lễ hội làng Giang Xá với nhiều hành động nghi lễ thiêng kèm theo các tục hèm và các trò diễn có tính bảo lưu, ít biến đổi đã có tác động trực tiếp đến đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Do đó, hình tượng Lý Nam Đế hiện lên thật đẹp, kỳ vĩ được lưu truyền và bảo tồn trong cõi tâm linh từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Bên cạnh ngày hội chính (12 tháng Giêng) hiện nay ở làng Giang Xá còn rất nhiều nhiều ngày lễ tiết liên quan tới việc phụng thờ Lý Nam Đế: ngày giỗ Thánh Mẫu (mồng 10 tháng Giêng), giỗ Pháp tổ Thiền sư - người có công nuôi dạy Vua Lý Nam Đế trưởng thành (ngày 15 tháng 2), giỗ Thánh phụ (ngày 20 tháng 2), lễ trương kỳ, lễ khao hưởng binh sĩ, lễ đi đánh trận (ngày 10 tháng 3), kỷ niệm ngày hóa (ngày 2 tháng 5), ngày sinh (12 tháng 9)... và tất cả những ngày sóc, vọng hàng tháng dân làng đều không quên thắp nén hương thơm tưởng nhớ tới Ngài. Rõ ràng đối với mỗi người dân làng Giang, Lý Nam Đế có một vị trí thật thiêng liêng trong đời sống tinh thần. Những dấu ấn quan trọng trong cuộc đời ông đều được dân làng ghi nhớ với sự trân trọng, biết ơn với người anh hùng của non sông đất nước.

Có thể thấy rằng, so với rất nhiều nơi phụng thờ Lý Nam Đế hiện nay, Giang Xá là một trong những nơi thờ tự chính. Điều này không những được biểu hiện ở hình thức thờ cúng với mật độ các ngày cúng giỗ, tưởng niệm thường xuyên trong năm hơn so với các làng khác mà còn được thể hiện ở nét đặc trưng của hệ thống các quần thể di tích gắn với các sự tích về cuộc đời ông cũng như những dấu ấn đậm nét về những chiến tích hào hùng mà ông để lại ở vùng đất nơi đây.

(Ảnh: TL)

Qua việc khảo sát các truyền thuyết, thần tích, di tích và lễ hội tại làng Giang Xá (huyện Hoài Đức, Hà Nội) chúng tôi nhận thấy rằng: niềm tin vào sự hiện diện và sự phù hộ của thần thành hoàng đối với các hoạt động của cộng đồng và của cá nhân vẫn tồn tại trong tâm thức của những người dân nơi đây. Chính niềm tin về mặt tâm linh ấy đã gắn bó con người trong tổ chức làng xã bằng sự “cộng mệnh và cộng cảm” (chữ dùng của GS. TS Ngô Đức Thịnh). Và chính tại đây những khuôn mẫu văn hóa truyền thống đã được duy trì và bảo tồn qua nhiều thế hệ để rồi được tái hiện lại một cách sinh động qua các lễ thức, các trò diễn dân gian, tục hèm... trong ngày hội làng. Điều đó đã đưa lại cho người dân ý thức rõ rệt về sự hiện diện của một nhân vật lịch sử trên quê hương mình.

Trong đời sống hiện nay, Lý Nam Đế luôn được người dân nhắc đến với tấm lòng ngưỡng mộ và tôn kính. Nhiều kiêng kị đã được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác trở thành những điều bất di bất dịch trong đời sống cộng đồng làng: kiêng tên húy (bốn chữ nhất thiết cấm là Oánh, Toản, Bảo, Bí vì đây là tên bố Thánh, mẹ Thánh, anh Thánh và đức Thánh), không được dùng màu vàng thẫm, vàng tía vì đó là màu áo của Thánh, kiêng không được nuôi trâu trắng (vì trâu trắng báo điềm gở khiến Lý Nam Đế bại trận vì Tướng Trần Bá Tiên), vật phẩm tiến cúng là cỗ chay (ông vốn là con nuôi cửa Phật)...

Không chỉ dừng lại ở đó, với truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cùng với triết lý “Sinh vi danh tướng, tử vi thần” trong cảm quan của nhân dân, Lý Nam Đế không chỉ là một nhân vật lịch sử, người anh hùng dân tộc mà ông còn là một nhân vật huyền thoại, một vị thần trong bách thần, một thành hoàng làng với khả năng siêu phàm có thể che chở, bảo hộ cho cuộc sống của cộng đồng làng xã. Dựa trên cái lõi là sự thật lịch sử, qua trí tưởng tượng kỳ diệu của nhân dân, hình tượng Lý Nam Đế trở nên linh thiêng, hấp dẫn và bất tử với những câu chuyện được huyền thoại hóa. Cuộc đời của ông đã được tô điểm bằng nhiều màu sắc huyền bí, những chi tiết kỳ ảo. Chính vì vậy mà từ một nhân vật lịch sử dưới sự tác động của quá trình dân gian hóa và sự tham gia của các vương triều thế tục ông đã trở thành một nhân vật văn hóa tín ngưỡng được người dân trên mọi miền đất nước qua nhiều thế hệ ngưỡng mộ, phụng thờ. Điều đó cho thấy tình cảm yêu mến, ngưỡng vọng của người dân dành cho ông. Mặt khác, cũng có thể thấy rằng quá trình chuyển hóa này đã đem đến cho hình tượng Ông Lý Nam Đế một sức sống trường tồn, vĩnh cửu. Bởi lẽ trở thành một nhân vật văn hóa tín ngưỡng Lý Nam Đế luôn gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của dân chúng (qua truyền thuyết, thần tích và lễ hội). Vì thế, cuộc đời, hành trạng và chiến công hiển hách của ông luôn được bảo tồn trong cõi tâm linh, được nhân dân ghi nhớ và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Không chỉ vậy, hiện nay làng cổ Giang Xá vẫn đang cẩn trọng giữ gìn hàng chục đạo sắc phong mà các doanh triều xưa đã dành tôn vinh Lý Nam Đế. Và đặc biệt năm 2007, cụ Giang Văn Thăng (một cụ cao tuổi trong làng) với tâm huyết của mình đã cùng con cháu trong gia đình mài công, vất vả chép lại bản Tiền Lý Nam Đế ngọc phả cổ truyền (soạn từ năm 1572) bằng đồng cung tiến cho làng. Có thể nói, đây là một công trình rất có ý nghĩa góp phần quan trọng vào việc gìn giữ những di sản văn hóa của cha ông để lại, thể hiện tấm lòng của những người con làng Giang Xá dành cho Đức Thánh (tên mà người dân nơi đây vẫn thường gọi ông một cách kính trọng).

Như vậy, trong tâm thức của người dân làng Giang Xá, Lý Nam Đế không chỉ là một vị tướng tài ba, người anh hùng dân tộc trong lịch sử chống giặc Lương thế kỷ VI mà từ lâu ông đã trở thành người con của vùng đất này, được nhân dân tôn thờ và kính trọng. Mười lăm thế kỷ sau khi người dựng nước Vạn Xuân - Anh hùng dân tộc Lý Nam Đế hòa sinh linh vào cõi vĩnh hằng nhưng cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn được các thế hệ hôm nay ghi nhớ tôn vinh, phụng thờ. Trong đó ngôi làng Việt cổ Giang Xá vẫn ghi nhớ và bền bỉ sự phụng thờ người với tấm lòng thành kính thiêng liêng. Những cuộc họp bàn tìm kiếm nguyên lý lịch sử xa xưa thời dựng nước Vạn Xuân của Lý Nam Đế, những ngày lễ hội hôm nay chính là các thế hệ hướng về cội nguồn dân tộc. Chính điều đó đã góp phần tạo nên sự cố kết cộng đồng, hướng về cội nguồn, giúp cân bằng đời sống tâm linh…nó còn hàm chứa trong đó nhiều giá trị văn hoá truyền thống mà nổi bật là giá trị giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ hôm nay.

ThS Nguyễn Thị Thanh Mai

Có thể bạn quan tâm

Top