Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam - Việc cần làm ngay và đề xuất lâu dài
Theo Ban Tổ chức lễ hội cho biết, năm nay lượng khách vẫn đông như các năm trước, tuy nhiên người dự hội không tập trung quá nhiều trong những ngày cao điểm ( 23 đến 27 tháng 4 Âm lịch), mà chủ yếu đi theo ngày thứ bảy, chủ nhật suốt từ sau Tết Nguyên đán, đến nay vẫn còn tiếp tục. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh thực phẩm được UBND thị xã Châu Đốc quan tâm chỉ đạo và đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Đã không có tình trạng ùn tắc giao thông trong những ngày cao điểm. Không xảy ra các trường hợp bị ngộ độc thức ăn. Không có những vụ việc ảnh hưởng lớn đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, do mùa lễ hội kéo dài, lượng khách đông, đến từ nhiều nơi, nhiều thành phần, nhiều thời điểm trong ngày (ngày lẫn đêm) cộng với ý thức thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, thực hiện các quy định, pháp luật, của những hộ mua bán, những người hành nghề kiếm sống tự do còn kém, nên vẫn còn diễn ra một số vấn đề chưa làm vừa lòng khách thập phương đến thăm viếng. Có thể nêu ra một vài hiện tượng như:
Tình trạng chặt chém giá cả các loại hàng hóa, nhà trọ, nhà nghỉ; Người bán nhang, muối, gạo dạo, dịch vụ gửi xe, xe ôm, chụp ảnh, bán vé số chèo kéo khách, tụ tập gây mất an ninh trật tự;
Tình hình vệ sinh môi trường và vệ sinh thực phẩm có chiều hướng xấu. Tuy trong khu vực Miếu Bà đã được thường xuyên thu nhặt rác nhưng phía ngoài, rác từ các hàng quán và của khách hành hương còn rơi vãi nhiều 2 bên đường giao thông đoạn vào Miếu Bà. Thức ăn trong các hàng quán ăn hai bên đường không được đậy kín, dễ bị nhiễm bẩn có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của du khách;
Tại khu vực Lăng Ông vẫn còn một số em bé bán nhang, vé số cò khách xin xăm, xem bói chỉ tay. Một số khách hành hương để tiền cúng vào chuông trên bàn thờ. Khu vực Miếu Bà, khách còn đốt tiền vàng mã. Tình trạng đốt nhang quá nhiều gây ô nhiễm không khí khu vực trước tượng Bà.
Tình trạng bán chim phóng sanh khu vực trước Miếu Bà năm nay giảm đáng kể, nhưng khu vực trên đỉnh núi Sam (nơi Tượng Bà tọa lạc trước đây), vẫn còn gây bất bình trong du khách. Một số người bán chim phóng sinh lợi dụng khách chủ quan, không chú ý đã nâng số lượng chim được thả (vốn rất khó kiểm soát) để tính tiền. Mặc dù biết mình bị gạt nhưng khách mua chim phóng sinh không thể làm gì hơn vì “chim đã bay không thể bắt lại để kiểm tra số lượng được”.
Những vấn đề còn tồn tại yếu kém được nêu trên theo chúng tôi là do những nguyên nhân chủ yếu như sau: Chưa có quy định cụ thể những điều không được làm kèm theo những hình thức xử phạt rõ cho từng hành vi thường gặp tại Khu Di tích lịch sử Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam; Ý thức chấp hành các quy định tại nơi công cộng, nơi du lịch, di tích lịch sử của người dân địa phương còn thấp; Ban Tổ chức chưa có lực lượng chuyên nghiệp để đảm bảo việc tuần tra giữ gìn an ninh trật tự 24/24 giờ (các vụ việc gây mất an ninh trật tự thường xảy ra vào cao điểm từ khoảng 21h đến hơn 3h sáng).
Từ thực tế trên, chúng tôi xin đề xuất cần thực hiện ngay những việc sau:
1. Sớm ban hành “Quy định tổ chức các hoạt động, dịch vụ khu vực tổ chức Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam…”, kèm theo quy định là những hình thức xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật thường xảy ra liên quan các vấn đề nói trên. Có thể quy thành “10 điều cấm trong khu vực tham quan,Vía Bà Chúa Xứ ”
2. Sắp xếp, bố trí các khu vực mua bán, khu vực tổ chức các dịch vụ phục vụ khách đi Vía Bà hợp lý. Bố trí tuyến đi tham quan của người dự hội có sự liên kết giữa nhu cầu của khách dự hội theo trình tự: nơi gửi xe – nơi mua đồ cúng Bà – đường vào thắp hương cúng Bà - khu vực tham quan - nơi mua sản phẩm du lịch - khu ẩm thực - khu vui chơi giải trí...
3. Thành lập đội trật tự chuyên nghiệp phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự, có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm “10 điều cấm trong khu vực tham quan, Vía Bà Chúa Xứ ” Đội này trực thuộc Ban Quản lý Khu Du lịch Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, Châu Đốc theo Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 2/1/2013 của UBND tỉnh An Giang. Lương và các khoản phụ cấp cho đội này được sử dụng từ nguồn quỹ công đức của khách thập phương (hình thức cảnh sát du lịch)
4. Thực hiện chiến dịch tuyên truyền, thông tin về “10 điều cấm trong khu vực tham quan, Vía Bà Chúa Xứ ” và các hình thức xử phạt kèm theo đã được ban hành.
Trong thực tế, khách đến Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam chủ yếu là để hành hương, thỏa mãn nhu cầu tâm linh. Thời gian lưu trú và tham gia các hoạt động du lịch của khách không nhiều. Đây là một sự lãng phí tiềm năng phát triển du lịch từ lễ hội. Khắc phục tình trạng này cần có những giải pháp lâu dài mang tính chiến lược.
Chúng tôi xin đề xuất một số việc về lâu dài như sau:
1. Nâng cấp các khu điểm du lịch, các sự kiện du lịch lân cận thị xã Châu Đốc nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch. Trong đó tập trung vào các điểm như: Khu Lưu niệm Chủ Tịch Tôn Đức Thắng ở TP Long Xuyên; Khu Du lịch làng Chăm, Búng Bình Thiên huyện An Phú; Khu Du lịch Núi Cấm; Rừng Tràm Trà Sư, Khu siêu thị miễn thuế, huyện Tịnh Biên; Khu Du lịch Đồi Tức Dụp huyện Tri Tôn; Khu Di tích Óc Eo, Hồ Ông Thoại Huyện Thoại Sơn.
2. Đầu tư xây dựng, khai thác Khu Du lịch Miếu Bà Chúa Xứ với các hạng mục hoàn chỉnh, khép kín, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của khách hành hương. Vận động nhân dân đang sinh sống trong khu vực nâng cấp cơ sở dịch vụ theo quy hoạch của nhà nước.
3. Thành lập các đội nghệ thuật, các môn thi đấu thể thao dân tộc đặc sắc phục vụ cố định lịch tại khu vực thị xã Châu Đốc như: Xây dựng sân đua bò truyền thống của dân tộc Khmer; Thành lập đội biểu diễn trống Paranưng, một loại nhạc cụ đặc sắc của dân tộc Chăm; Đội biểu diễn nghệ thuật Dù Kê của đồng bào dân tộc Khmer; Đội biểu diễn đàn ca tài tử theo đúng phong cách dân dã cổ truyền trên sông Châu Đốc; Đội nghệ thuật biểu diễn “Nghi lễ vòng đời” dân tộc Chăm và dân tộc Khmer; Đội nghệ thuật biểu diễn múa truyền thống dân tộc Hoa…
4. Hình thành khu vực đi bộ vào ban đêm trong tuần lễ cao điểm tổ chức lễ hội. Phạm vi từ khu vực Lăng Ông đến đoạn giao thông qua Miếu Bà 500m. Các dịch vụ phục vụ trong tuần lễ cao điểm tại khu đi bộ gắn với văn hóa truyền thống 4 dân tộc trong tỉnh An Giang như: trang phục của người phục vụ, các món ẩm thực dân tộc, các sản phẩm làm quà lưu niệm….
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang từ lâu đã trở thành địa chỉ hành hương, du lịch quen thuộc đối với nhân nhân trong cả nước. Nếu thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang phát huy tốt tiềm năng du lịch thì Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ sẽ trở thành tâm điểm du lịch vùng Thất Sơn, biến chủ trương đưa An Giang trở thành trung tâm du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long vào năm 2020 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang thành hiện thực.
Bá Trạng