Làng cổ Hội Kỳ

Làng Hội Kỳ, xã Hải Chánh (Hải Lăng, Quảng Trị) - một ngôi làng cổ gần 500 năm tuổi. Ngày xưa, làng có khoảng 60 ngôi nhà rường nằm bên dòng sông Ô Lâu thơ mộng cùng với sân đình rợp bóng cây đa, tạo nên hoài niệm về một thời tổ tiên đến đây khai canh lập xứ.

Tương truyền, Hội Kỳ là chốn dừng chân của viên quan người làng Hạ Cờ ở mãi tận Hà Tây đến khai canh lập nghiệp. Vùng đất trù phú bên bờ sông Ô Lâu là nơi ông chọn lập làng. Vì thế, Hội Kỳ mang trong mình nét dáng dấp của vùng nông thôn miền Bắc. Thưở xưa, làng Hội Kỳ có gần 70 ngôi nhà Rội, nhà Rường nằm trong tổng thể kiến trúc mang đậm dáng dấp làng mạc gồm: cây đa, bến nước, sân đình và những ngôi nhà thờ họ được xây dựng một cách công phu, bề thế. Kiến trúc của quần thể nhà cổ được xây dựng theo kiểu nhà rường 3 gian, 2 chái, hoặc 1 gian, 2 chái và tương ứng với nó là số cột trụ 48 hoặc 24, tuỳ theo kinh tế của từng gia đình.

Những ngôi nhà rường có nhiều cây, hoa xung quanh tạo cảnh quan đẹp và thơ mộng. (Ảnh: TL)

Nhà cổ của ông Dương Văn Mạnh có tên là Tích Khánh Đường (nơi hội tụ niềm vui) được dựng vào năm 1889 (Triều Vua Thành Thái), đến nay đã 121 năm. Ông Mạnh là đời thứ 4 sinh sống và bảo quản hương khói. Nhà có bề ngang 12,3m, rộng 9,5m, hình chữ đinh. Kiến trúc 3 gian 2 chái, 4 mái lợp so le 9 lớp ngói liệt với hơn 10 vạn viên. 18 lá cửa bản khoa được chia thành 3 cụm tạo sự cân đối. Ngôi nhà được chống đỡ bằng 48 cột gỗ mít nài (mít rừng), đường kính khoảng 30cm/cột. Gian giữa là nơi thờ tự có treo bức hoành phi ghi chữ “Tích Khánh Đường” bằng Hán tự, trên bàn thờ còn đầy đủ những tự khí cổ như đỉnh đồng, bát nhang, chân đèn và bình hoa...

Khoảng sân và nền nhà được lát bằng gạch ba sàng đã phủ rêu phong bởi thời gian. (Ảnh: TL)

Theo ông Dương Văn Mạnh, ngôi nhà này do cụ cố của ông là Dương Văn Vỉ, làm quan Chánh tổng An Thơ dưới thời Vua Thành Thái xây dựng nên. Đời ông là thế hệ thứ tư sinh sống trong ngôi nhà này, tuy cuộc sống có lúc gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng giữ gìn nếp nhà cha ông để lại. Bây giờ ông còn giữ được hơn 20 di vật và nhiều bút tích sắc phong do vua ban cho cụ cố ông.

Cách nhà ông Mạnh không xa là nhà bà Dương Thị Hường có tên Đức Lưu Quang (lưu truyền đức sáng), niên đại ghi rõ: Tân Mùi niên trọng thu tạo, nghĩa là dựng vào năm Tân Mùi 1931. Nhà hình chữ nhất, cấu trúc 1 gian 2 chái, diện tích khoảng 60m2. Hiên nhà có những mảng điêu khắc theo tuồng Mai - Lan - Trúc - Cúc sống động. Trên các khuôn bông, kèo hiên chạm khắc Long - Lân - Quy - Phượng được cách điệu khéo léo thành nhưng linh vật đang vươn ra đỡ mái hiên nhà. Cân xứng giữa gian thờ là hai câu đối khảm bằng chữ Hán. Trong nhà treo bức hoành phi chữ Hán cổ: Tứ đại đồng đường (Bốn thế hệ sống trong một nhà). Theo quan niệm người xưa, ngôi nhà trải qua 4 thế hệ kế tiếp sinh sống thì dòng họ đó được coi là phúc.

Hầu hết ngôi nhà được chạm khắc một cách tinh tế từ kèo cột cho đến bàn ghế. (Ảnh: TL)
 

Nơi thờ tự được thiết kế khá cầu kì, nổi bật nét trang trọng. (Ảnh: TL)

Nhà cổ Hội Kỳ nói riêng và hệ thống nhà dân gian truyền thống ở mảnh đất Quảng Trị nói chung một thời thuộc về kết cấu kiến trúc liên hoàn của một cộng đồng dân cư sinh sống ở đó, nó thể hiện bản sắc văn hoá của cộng đồng người ở một tiểu vùng. Những ngôi nhà cổ kính Hội Kỳ cùng với những nhà thờ họ, mái đình, cây đa nghiêng mình bên dòng Ô Lâu xanh mát luôn là nơi những người xa quê thương nguồn nhớ cội vọng về. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra hiện nay là, nhà cổ làng Hội Kỳ đang đứng trước nguy cơ bê tông hoá hoặc thay đổi kết cấu thành nhà Rội, nhà đơn sơ. Nhiều nhà nguyên gốc 3 gian 2 chái do bị xuống cấp đã được chủ nhân rút gọn lại thành 1 gian 2 chái đơn giản, hoặc lưu lại một căn nhỏ làm kỷ niệm. Được biết, trước năm 1995, hệ thống nhà dân gian truyền thống còn tồn tại ở Quảng Trị khá nhiều chứ không lẻ tẻ như bây giờ, và không chỉ phân bố riêng ở Hội Kỳ mà còn có ở Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong... Đến nay, việc điều tra, khảo sát giá trị nhà ở dân gian truyền thống ở Quảng Trị mới chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu khoa học.

Thiết nghĩ, cần có một chính sách mang tầm chiến lược kịp thời để bảo vệ giá trị tinh thần của cha ông.

 

Hồng Chinh (Tổng hợp)

Top