Khu Đền Sóc, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội

Khu đền Sóc cùng với đền Gióng ở Phù Đổng đã tạo nên một phức hợp di tích văn hóa, tín ngưỡng vô cùng đặc sắc trong tín ngưỡng của người Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Theo truyền thuyết, xã Phù Linh là đoạn cuối của cuộc hành trình đưa vị anh hùng dân tộc Thánh Gióng về cõi bất tử. Ðể tỏ lòng biết ơn công đức của Ngài, nhân dân nơi đây đã lập đền, miếu thờ phụng mà ngày nay, những tên làng, tên xóm còn gắn liền với truyền thuyết Thánh Gióng như Mã Chợ, Mã Ðình, Phù Mã, Ðối Mã, dốc Yên Ngựa.

Truyền thuyết Phù Ðổng Thiên Vương kể lại rằng, sau khi thắng giặc, Vua Hùng đã cho lập đền thờ để ghi nhớ công ơn của thần. Sách “Lĩnh Nam chính quái” thì chép “…sau Lý Thái Tổ phong làm Xung Thiên Thần Vương lập miếu thờ ở làng Phù Ðổng, cạnh chùa Kiến Sơ, lại tạc tượng ở núi Vệ Linh, xuân thu hai mùa tế lễ”. “Việt Ðiện U Linh” và “Lĩnh Nam Chính quái” lại ghi rằng, đền Sóc, xã Phù Linh được khởi dựng từ rất sớm. Ðền được dựng theo hướng Tây Nam với ý nghĩa vừa hướng đến trí tuệ để hành thiện (Nam), vừa có ý thức cầu mong thần linh yên vị (Tây). Văn bia niên hiệu Dương Ðức (1672) lại cho chúng ta đoán định niên đại khởi dựng đền vào khoảng thời Lê - Trung hưng, thế kỷ 17.

Trải qua biến thiên của lịch sử và thời gian, khu đền đã được trùng tu nhiều lần, nhưng nhân vật lịch sử thì vẫn nguyên được thờ, đó là đền Thượng thờ Thánh Gióng, đền Mẫu, thờ mẹ Gióng cùng nhiều di tích khác, để tạo nên một phức hợp Ðền - Chùa có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt.

Đền Thượng trong Khu Di tích Ðền Sóc. Ảnh: internet

Giờ đây, Khu Di tích Ðền Sóc bao gồm những đơn nguyên sau, tính từ dưới lên trên: nghi Môn, đền Hạ, đền Thượng, chùa Ðại Bi, đền Mẫu, nhà khách…

Nghi Môn được xây bằng gạch kiểu tứ trụ. Cửa chính được tạo bởi hai trụ biểu lớn, cao 6m, đỉnh trụ đắp nổi hình bốn chim phượng, được chụm vào nhau, đầu quay bốn phương, tạo thành hình trái giành. Bên dưới là các ô lồng đèn, đắp nổi tứ linh (Long, Ly, Quy, Phụng), tứ quý (Tùng, Cúc, Trúc, Mai). Thân trụ đắp nổi câu đối chữ Hán.

Ðền Hạ hay còn gọi là đền Trình, tọa lạc trên một khu đất cao dưới chân núi Vệ Linh. Tương truyền, đó là nơi thờ thần linh thổ địa của mảnh đất địa linh nơi Thánh Gióng dừng chân, sau khi dẹp xong giặc Ân, trước khi bay về trời. Ðền Hạ có kết cấu hình chữ “Nhị”, trước là Ðại bái, sau là Hậu cung. Ðại bái quay hướng Nam, xây cao hơn sân 30cm, quanh nền bó vỉa, trên là kiến trúc gỗ 5 gian, kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, trang trí hoa chanh chạy dọc. Cửa Ðại bái là bức bàn, kiểu “thượng song hạ bản”. Trang trí trên Ðại bái là ở các bức cốn, đầu bẩy, con rường với các họa tiết lá hóa rồng, mây, hoa lá. Hậu cung xây trên nền cao hơn Ðại bái 25cm, với kiến trúc gỗ 3 gian, cùng phong cách với tòa Ðại bái.

Ðền Thượng nằm trên một khu đất cao, tựa lưng vào núi Vệ Linh, phía trước có hồ nước. Bố cục mặt bằng của đền Thượng gồm Nghi môn, Tiền tế, Trung cung và Hậu cung.

Nghi môn có lối kiến trúc hoàn toàn giống với Nghi môn của khu đền Sóc.

Đến Mẫu trong Khu Di tích Đền Sóc. Ảnh: internet

Tiền tế là một kiến trúc gỗ 5 gian, hai chái, với bộ khung 6 thức, vì làm theo lối “chồng rường, giá chiêng, hạ kẻ”. Các con rường kê trên đấu vuông. Cửa Tiền tế là “thượng song, hạ bản”. Cốn nách có những mảng trang trí rồng chầu, văn mây, lá lật, chữ triện, phượng hàm thư… Tất cả toát lên phong cách nghệ thuật kiến trúc cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Ðồ thờ tự tại Tiền tế, nổi bật nhất là hương án, cao 1,7m bên trên có đặt độc bình, hạc đồng, lư hương, bát hương. Hai gian bên có đặt ngựa thờ và tượng quan Hoàng.

Trung cung gồm hai gian dọc, xây theo dạng bốn mái, lợp ngói mũi hài. Bốn hàng chân cột được đẽo bào theo kiểu “thượng thu hạ thách”, đặt trên các chân tảng đá. Vì kèo làm theo lối “chồng rường, giá chiêng”. Hai bộ vì hồi tạo theo lối “vì cốn”. Xung quanh Trung cung bịt ván. Trang trí tập trung ở các thanh rường, chạm văn mây, lá lật.

Hậu cung ba gian, hai dĩ, xây tường bao, dạng 4 mái, lợp ngói ta. Mái đắp kiểu bờ đinh, không trang trí. Các bộ vì kết cấu theo kiểu “chồng rường, giá chiêng, hạ kẻ”, bào trơn. Bên trong Hậu cung có cửa võng, trang trí rồng chầu mặt nguyệt, chim trĩ, hoa dây.

Ðền Mẫu có mặt bằng kiến trúc chữ “Nhị” với hai toà Tiền tế và Hậu cung.

Tiền tế ba gian, xây trên nền cao hơn mặt sân 45cm, theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta. Phía trước hai hồi là hai trụ biểu xây theo kiểu trụ lồng đèn, đỉnh trụ đắp nổi hình trái giành. Bộ vì kèo Tiền tế làm theo lối “Giá chiêng chồng rường, trụ chống, tiền kẻ hậu bẩy” để nối với hậu cung.

Hậu cung một gian, hai dĩ, xây theo kiểu tường hồi, bít đốc, mái lợp ngói ta, phía trước mở 3 cửa, hai cửa nhỏ ở hai bên. Kết cấu vì kèo Hậu cung là “Giá chiêng trụ trống”. Các gian được nối với nhau bằng hệ thống xà đai.

Chùa Ðại Bi tọa lạc trên khu đất cao, dưới chân núi Vệ Linh.  Tương truyền, đây là nơi Thánh Gióng đã dừng chân trước khi bay về trời.

Chùa có mặt bằng chữ “Ðinh”, gồm Tiền đường, Thượng điện.

Chùa Đại Bi trong Khu Di tích Ðền Sóc. Ảnh: internet

Tiền đường quay hướng Nam, là một kiến trúc gỗ 5 gian, làm theo kiểu “tường hồi bít đốc tay ngai”. Phong cách kiến trúc, trang trí ở Tiền đường chùa Ðại Bi khá giống với các đơn nguyên khác trong phức hợp đền Sóc.

Thượng điện hai gian, nối hồi với gian giữa Tiền đường, cũng có kết cấu giống với những đơn nguyên khác và ăn nhập với Tiền đường.

Nhà Bia tọa lạc trên núi Nhỏ, cách Thượng điện bằng một lối đi bậc thang, bằng đá ong gồm 100 bậc. Nhà Bia xây theo kiểu phương đình, bốn mái. Bia cao 2,5m đặt ở chính giữa, đồng thời làm luôn chức năng đỡ mái.

Chùa Non tọa lạc trên sườn núi phía Tây Bắc khu đền Sóc. Quy mô chùa Non khá lớn. Các đơn nguyên được tập trung trong một không gian thoáng mát. Chùa có kiến trúc mặt bằng kiểu chữ “Ðinh”, bao gồm các đơn nguyên: tam quan, tiền đường, thượng điện, nhà khách.

Các đơn nguyên này đều có quy mô, phong cách kiến trúc, trang trí tương đồng với nhau và hòa hợp trong một không gian kiến trúc chung của khu đền Sóc.

Ðồ thờ tự, di vật trong toàn bộ Khu Di tích này là145 hiện vật, có niên đại trải dài từ thời Lê sơ đến Lê Trung hưng và tập trung ở Triều Nguyễn. Chúng là hoành phi, câu đối, bia đá, lư hương, tượng thờ, hương án, ngai thờ, bát bảo, chân đèn, ngựa gỗ, chuông đồng.

Ðền Sóc, hay nói chính xác hơn là Di tích kiến trúc nghệ thuật Khu Di tích. Ðền Sóc, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, không chỉ có giá trị kiến trúc, nghệ thuật mà còn có giá trị lịch sử văn hóa. Nơi đây thờ vị anh hùng huyền thoại của dân tộc - Người anh hùng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết đánh giá vô cùng chí lý: “Trong lịch sử ta có ghi chuyện vị anh hùng dân tộc là Thánh Gióng đã dùng gốc tre đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trong những ngày đầu kháng chiến, Ðảng ta đã lãnh đạo hàng ngàn vạn anh hùng noi gương Thánh Gióng dùng gậy tầm vông đánh thực dân Pháp.

Chùa Non Nước trong Khu Di tích Ðền Sóc. Ảnh: internet

Chuyện Thánh Gióng là một sản phẩm của quá trình sáng tạo của nhân dân ta, từ thời bộ lạc xa xưa cho đến suốt dặm đường dài dựng nước và giữ nước với những bước thăng trầm của lịch sử, những bước trưởng thành và lớn lên của dân tộc. Từ một ông Ðùng khổng lồ trong thần thoại của người Việt cổ, Thánh Gióng đã chuyển hóa dần, đã chắt lọc, thâu hóa và tổng hợp các yếu tố thần thoại, truyền thuyết và anh hùng ca của nhiều vùng để trở thành biểu tượng hào hùng, kỳ vĩ của dân tộc. Thánh Gióng vừa là sáng tạo tuyệt vời của nhân dân, của dân tộc vừa là hiện thân sức mạnh vĩ đại của nhân dân và của dân tộc”.
 

Hồng Hải

Top