Hồi cố về một công trình Phật giáo: Tây Thiên Thiền Viện

Tôi được vinh hạnh làm việc với Thầy Kiến Nguyệt - hiện đang trụ trì tại Thiền Viện Tây Thiên, từ khá sớm, khi cụ có sáng kiến cùng với nhóm bảo quản và khôi phục hai pho tượng nhà sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường tại chùa Đậu, đã đến hồi kết với sự thành công ngoài mong đợi, để bước sang bảo quản tượng nhà sư ở chùa Tiêu (Bắc Ninh), bằng kinh phí của những nhà hảo tâm, do cụ quyên góp, khiêm tốn và hạn hẹp. Cảm động với tấm lòng ấy, tôi đã động viên những chuyên gia nhân học, bảo quản, họa sĩ thực hiện. Và, chỉ trong một thời gian ngắn do có kinh nghiệm từ dự án chùa Đậu, nên công việc bảo quản tượng nhà sư chùa Tiêu đã được hoàn tất với chất lượng cao, khiến chúng tôi sung sướng đến tột cùng vì đã phát tâm, làm được những điều thiện nơi cửa Phật.

Quãng thời gian ấy, Thầy Kiến Nguyệt đang có kế hoạch cùng UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Văn hóa - Thông tin Vĩnh Phúc xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên, thuộc huyện Tam Đảo. Thầy nói với tôi, Tây Thiên, theo hiểu biết của mình, từ thời Trần đã có một trung tâm Thiền quy mô to lớn và đồ sộ, cần phải được khảo cổ học làm rõ. Thế rồi, chỉ một vài tuần sau đó, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Trần Văn Quang đến Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đặt vấn đề khảo sát nơi đây, gắng tìm cho được những vết tích xa xưa của Thiền Viện Tây Thiên để làm cơ sở cho việc lập dự án xin phép Tỉnh và Bộ Văn hóa -Thông tin cho xây dựng một trung tâm Phật giáo xứng tầm ở nơi đây, để thỏa ước nguyện của lãnh đạo và nhân dân địa phương.

Đó là một thử thách đối với những nhà khảo cổ học chúng tôi, khi núi rừng trùng điệp Tam Đảo đâu dễ để  lần tìm, do chưa có một báo dẫn gì, trong khi thời gian thì hối thúc, kinh phí thì hạn hẹp, khiến cho Giám đốc Trần Văn Quang phải băn khoăn, kêu gọi lòng hảo tâm của tất cả mọi người, trong đó có những nhà khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, cho một công trình tôn giáo vô cùng có ý nghĩa này của địa phương, của đất nước.

Chúng tôi khoác ba lô chuẩn bị cho cuộc khảo sát ấy ở Tây Thiên với tâm thế của những thiện nam về đất Phật, tìm về với nguồn cội xa xưa của văn hóa Phật giáo Vĩnh Phúc, nhưng trĩu nặng trách nhiệm trên vai, gắng tìm cho được những vết tích Phật giáo Thời Trần ở Tây Thiên còn lại trong lòng đất.

Đến Đồi Thống - địa danh hiện Thiền Viện Tây Thiên đang tọa lạc, chúng tôi tìm thấy ở khe núi một nền kiến trúc kè đá tự nhiên, giống một công trình tôn giáo khiêm tốn nằm trong một quần thể to lớn thuở xa xưa chăng? Đó là tín hiệu, như một liều thuốc kích thích để cất công khảo sát, thám sát kỹ càng. Và, quả là trời, Phật phù hộ, ở cấp thứ hai của tầng nền này, chúng tôi đã tìm ra được những viên ngói, những mảnh tháp, gạch… mách bảo về một đơn nguyên trong một phức hợp những công trình tôn giáo ở đây, có niên đại thế kỷ XIV, nhưng thật khó làm hiển lộ quy mô, do điều kiện ít ỏi về thời gian và kinh phí.

Mở rộng diện khảo sát, chúng tôi men theo đường đá xếp nằm cạnh một khe suối nhỏ nên thơ và cổ kính, để lên lưng chừng núi Phù Nghì. Ở đây, cảnh quan như mở ra, với những cây thông cổ thụ có tuổi hơn nửa thế kỉ, những bụi trúc um tùm được trồng theo quy luật và những tầng nền ba cấp – giống như biết bao tầng nền đã tìm thấy ở những công trình kiến trúc Phật giáo Thời Trần, khiến cho bất cứ ai, chẳng phải chuyên môn, đều nhận ra nơi đây là một trung tâm Phật giáo đồ sộ và quy củ, mà những cây thông ngót ngàn tuổi mách rằng, niên đại của trung tâm  ấy thuộc Thời Trần. Và, với bố cục không gian ấy, không thể phủ nhận đây là một Thiền Tự rất hoành tráng mà ngày nay vết tích vật chất cho ta cảm nhận về một thời vang bóng. Như thế, từ Đồi Thống lên núi Phù Nghì là cả một chuỗi những công trình kiến trúc Thời Trần, minh chứng cho những giả thiết về một Thiền Viện Tây Thiên cổ xưa, để vững tâm tái dựng ở đây một Thiền Viện, như một sự tiếp nối truyền thống mà những ai tâm huyết đều mong muốn thực hiện

Đồi Thống - Phù Nghì là một phức hợp của một trung tâm Thiền Tây Thiên, thế kỷ XIV. Nhưng, vật liệu kiến trúc cho hay, sự tồn tại của trung tâm này kéo dài qua Thời Lê đến Thời Nguyễn, càng có cơ sở, để hôm nay, tái hiện lại một Tây Thiên Thiền Viện, mong tri ân, tưởng nhớ và tiếp bước những thế hệ đi trước, đã dầy công xây dựng, muốn Tây Thiên Thiền Viện trường tồn.

Chúng tôi vẫn nghĩ rằng, lòng đất Tây Thiên còn ẩn chứa nhiều điều và cảnh quan nơi đây còn nhiều điều có thể khai thác, nếu như sự kết nối giữa kiến trúc hôm nay với những phế tích xưa kia, để khách hành hương có được một cảm nhận đầy đủ và thú vị về một lịch sử xa xưa của trung tâm Phật giáo này, thông qua những rừng thông, bụi trúc, những tầng nền, chắc hẳn ngày xưa ấy sẽ hiện lộ với sự tưởng tượng không mấy khó khăn.

Thiền Viện hôm nay ở Tây Thiên đã đem đến cho Vĩnh Phúc một sự đổi thay trong bao sự đổi thay thần kỳ của kinh tế -  xã hội của một tỉnh trung du, gần Thủ đô, mà những dòng hồi cố đứt đoạn, sau hơn một thập kỉ Tây Thiên được tái dựng, khiến có điều quên nhớ, mong đồng nghiệp và những chứng nhân bỏ qua. Song, trong thẳm sâu của suy nghĩ, dẫu có điều quên, nhớ, thì tôi vẫn đinh ninh rằng có một sức mạnh tâm linh nào đó của khí thiêng Thiền Viện để làm nên điều thần kỳ ấy của Vĩnh Phúc mà rất nhiều địa phương đồng bằng có lợi thế hơn chưa làm được.

Tôi cứ miên man nghĩ ngợi và mong trở lại thăm Tây Thiên sau hơn một thập kỷ Thiền Viện ở đây được tái dựng, nhưng vẫn chưa có dịp, dẫu anh Trần Văn Quang và Thầy Kiến Nguyệt đã bao lần có nhã ý. Nhất định tôi sẽ trở lại Tây Thiên trong một ngày gần đây để cảm nhận và chiêm nghiệm thêm những điều mình nghĩ.

TS Phạm Quốc Quân

Top