Hát Xoan trong đời sống văn hóa cộng đồng

Hát Xoan Phú Thọ đang được nhân dân cả nước biết đến như một di sản văn hóa độc đáo của Đất Tổ Hùng Vương. Người dân vùng Xoan ý thức được rõ ràng di sản văn hóa mà họ đang sở hữu, trân trọng, tự hào với Di sản Xoan và thể hiện rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn, phát triển.

Trên thực tế cho thấy, Hát Xoan ra đời và phát triển trong lòng cộng đồng, được nhân dân yêu mến, đón nhận và liên tục trao truyền, phát triển từ đời này sang đời khác…  Có thể nói, Xoan trường tồn trong lòng cộng đồng bởi nó thỏa mãn và phản ánh được những nguyện vọng thiết thực, những ước mơ, tâm tư tình cảm của người dân lao động. Nói cách khác, Xoan có ảnh hưởng tích cực đến đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân xưa và nay.

Hát Xoan tác động trực tiếp đến nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân

 Hát Xoan ra đời từ tín ngưỡng dân gian (tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ lúa, thờ Thành hoàng, thờ Vua, thờ Tổ tiên…) của người Việt cổ vùng Kinh đô Văn Lang. Những nội dung tín ngưỡng này được phản ánh sâu đậm trong nội dung và hình thức Hát Xoan, trở thành nội dung quan trọng nhất của loại hình dân ca này. Có thể nói, yếu tố tín ngưỡng như một sợi chỉ xuyên suốt toàn bộ quá trình diễn xướng Xoan, không chỉ ở phần hát thờ, các quả cách mà cả ở trong các tiết mục giao duyên nam nữ. Với tính chất tín ngưỡng, Hát Xoan trở thành một loại dân ca nghi lễ phong tục không thể thiếu trong lễ hội vùng Xoan. Hội làng mở ra, sau nghi thức cáo tế là phường Xoan hát trong lòng đình, ngay trước bàn thờ thánh để mời Vua, Thành hoàng, tổ tiên các họ Xoan về dự hội, xem hát và phù hộ cho làng năm đó được mùa, dân khang vật thịnh. Như vậy, đối với dân làng, nghi lễ Hát Xoan là nghi lễ bắt buộc có tính bài bản, trước tiên là  để  khẩn cầu Thành hoàng phù hộ. Nghi lễ đó càng trở nên đặc biệt quan trong đối với một xã hội nông nghiệp “dĩ nông vi bản”. Người ta coi Hát Xoan và phường Xoan như một cây cầu nối giữa dân làng với thần linh, khiến cho thần Thành hoàng hiểu được ước nguyện của họ mà ban cho họ những điều tốt đẹp như lời cầu khấn, tránh được mọi tai ương bệnh tật. Thực tế, người nông dân có một lòng tin tưởng vững chắc vào các lễ nghi tế lễ, những lời chúc nguyện của Hát Xoan sẽ đem lại hiệu quả thực tế trong cuộc sống hiện tại. Chính vì vậy, Hát Xoan trở thành một dạng nghi thức không thể thiếu được trong ngày mở tiệc làng đầu năm, nó trở thành một tập quán sâu sắc, lâu đời của người dân các xã vùng Xoan ở Phú Thọ.

(Ảnh: TL)

Hát Xoan đem lại cuộc sống văn hóa tinh thần lạc quan, phong phú

Hát Xoan là tiếng hát đình đám mùa xuân trên quê hương Đất Tổ. Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, người dân quê Xoan lại nô nức đón chờ làng vào hội với tiếng Hát Xoan bay bổng ngọt ngào.  

Sau một năm lao động nhọc nhằn vất vả, người ta được đến với hội Xoan, được xem và nghe Hát Xoan để quên đi mọi nỗi lo toan đời thường. Mỗi làn điệu Xoan thấm sâu vào tâm hồn, đưa người ta đến với những ước mơ bay bổng, ước mơ về một cuộc sống đủ đầy hạnh phúc .

Cùng với những mơ ước lạc quan của các tầng lớp trong xã hội, Hát Xoan còn đem lại một đời sống tình cảm phong phú, chân thực cho người lao động. Một bộ phận lớn của Xoan là những câu hát giao duyên nam nữ. Tình yêu trai gái của người lao động hết sức mộc mạc nhưng không kém phần tha thiết và chứa đầy tinh thần lạc quan yêu đời:

Với các tiết mục chứa đầy mơ ước lạc quan và nội dung trữ tình giao duyên với niềm vui trong sáng, tính chất lãng mạn, Hát Xoan thực sự đem lại cho người xem một cuộc sống  tinh thần phong phú, lạc quan yêu đời. Đó cũng chính là một trong những điểm khiến Xoan đi vào lòng người và sống mãi trong cộng đồng dân tộc.

(Ảnh: TL)

Hát Xoan góp phần giáo dục nhận thức cho các tầng lớp nhân dân

Qua nghệ thuật biểu diễn và nội dung ca từ của Hát Xoan, chúng ta thấy Xoan đem lại nhận thức cho con người trên nhiều khía cạnh. Trước tiên, Xoan đem lại cảm quan thẩm mỹ về cái hay cái đẹp trong ca từ, tiết tấu, ngôn ngữ âm nhạc, vũ điệu…của một loại hình dân ca người Việt vùng trung du Đất Tổ. Qua diễn xướng Xoan, người xem hiểu biết hơn về vẻ đẹp của một di sản văn hóa của ông cha để lại.

Nội dung và ngôn ngữ văn học của Xoan cho người xem nhận thức về một chặng đường phát triển của xã hội Việt Nam thời phong kiến về các mặt: tín ngưỡng, phong tục, cơ cấu giai cấp, chế độ khoa cử, phong cách văn học.v.v.

Hát Xoan cho người ta nhận thức rõ ràng về các loại hình tín ngưỡng truyền thống của người Việt như tín ngưỡng nông nghiệp, tín ngưỡng thờ Thành hoàng, thờ Vua Hùng, thờ tổ tiên… Các loại hình tín ngưỡng đó gắn kết chặt chẽ và đưa đến đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của người Việt Nam. Đạo lý đó thấm vào trong Xoan và tỏa sáng đến những ai cảm thụ và trân trọng loại hình di sản sáng giá này.

Hát Xoan là nguồn tài nguyên góp phần phát triển du lịch địa phương.

(Ảnh: TL)

Với những giá trị về nghệ thuật biểu diễn, ngôn ngữ, âm nhạc, vũ điệu và nội dung phong phú, Hát Xoan trở thành một nguồn tài nguyên văn hóa phục vụ cho sự phát triển của ngành du lịch tỉnh. Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành mũi nhọn của tỉnh Phú Thọ, Hát Xoan có cơ hội khởi sắc và tham gia vào phát triển kinh tế, văn hóa địa phương, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Theo Chương trình phát triển du lịch Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020 (số 987/2006/CTr-UBND ngày 02 tháng 6 năm 2006 của tỉnh Phú Thọ) và Dự án Xây dựng điểm du lịch lễ hội của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2008, Hội Xoan An Thái (Việt Trì) sẽ được xây dựng thành một trong 10 điểm du lịch lễ hội của tỉnh Phú Thọ, trong đó xây dựng các phân điểm chức năng như văn hóa - lễ hội, mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí… nhằm đưa Lễ hội làng Xoan và Hát Xoan tham gia vào du lịch, thu hút du khách tìm đến với Xoan ngay chính trong môi trường văn hóa và cộng đồng của nó.

Các làng Xoan cổ (Kim Đức, An Thái) nằm ngay trong vùng phụ cận Đền Hùng và cách không xa các di tích nổi tiếng như đình Hùng lô, đình Lâu Thượng, di chỉ khảo cổ Xóm Rền…là các điều kiện rất tốt để xây dựng các tour, tuyến du lịch hấp dẫn du khách khi về thăm Đất Tổ.

Nguyễn Thị Mai Thoa

Top