Du lịch Đắk Lắk - Điểm đến hiện tại và tương lai

Đắk Lắk là một tỉnh có vị trí quan trọng đối với địa bàn khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Phía Đông giáp tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa, phía Tây giáp nước bạn Campuchia và tỉnh Đăk Nông, phía Nam giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai. Đắk Lắk có diện tích tự nhiên 13.125,37 km2, bao gồm 15 huyện, thị xã và thành phố Buôn Ma Thuột; khí hậu có hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình trong năm 240C; độ cao so với mặt nước biển từ 500 - 800m. Dân số khoảng 1,8 triệu người với 47 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ trên 30%.

Đắk Lắk có vị trí chiến lược trong không gian phát triển kinh tế xã hội của khu vực Tây Nguyên. Có khả năng liên hệ thuận lợi với các tỉnh Tây Nguyên thông qua hệ thống Quốc lộ 14, 14 C và Quốc lộ 27; các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ như Phú Yên, Khánh Hòa thông qua Quốc lộ 26, 29. Xa hơn, Đắk Lắk có thể kết nối dễ dàng với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ như Bình Phước, Đồng Nai thông qua đường Hồ Chí Minh; có sân bay Buôn Ma Thuột, là một trong những Cảng hàng không lớn, hiện đại nối với thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, thủ Đô Hà Nội, thành phố Vinh, Phú Quốc và Côn Đảo.

Cảnh quan của Đắk Lắk có vẻ đẹp tự nhiên, đa dạng, phong phú, thơ mộng và hùng vĩ với cấu tạo địa hình thể hiện một sự hoà hợp của những dòng sông xen lẫn núi đồi, ao hồ, ghềnh thác và những khu vực rừng nguyên sinh tạo nên nhiều thác, ghềnh nổi tiếng như: Thác Dray Nur, Dray Sáp Thượng, Krông Kmar, Thủy Tiên, Bảy nhánh... nhiều hồ lớn với diện tích từ 200 - 600 ha như: hồ Lăk, Ea Đờn, Ea Kao, Đak Minh, hồ Ea Nhaie ... phù hợp cho việc tổ chức các hoạt động du lịch. Đắk Lắk cũng là nơi có nhiều vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, nhiều khu rừng nguyên sinh và nhiều loài động thực vật quý hiếm, đặc biệt là voi. Vườn Quốc gia Yok Đôn, Vườn Quốc gia Cư Yang Sin, các khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka, Ea Sô... đã thu hút rất nhiều khách du lịch và nghiên cứu  khoa học do sự đa dạng của hệ sinh thái. Vùng Bản Đôn, một địa danh hấp dẫn, nổi tiếng trên thế giới về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Hiện nay, tại huyện Buôn Đôn và huyện Lắk còn khoảng 45 con voi đã được thuần dưỡng phục vụ cho đời sống, sinh hoạt của đồng bào dân tộc và phục vụ khách du lịch.

Đắk Lắk có vẻ đẹp tự nhiên, đa dạng, phong phú, thơ mộng và hùng vĩ

Bên cạnh đó, Đắk Lắk còn lưu giữ một nền văn hoá truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc đang tồn tại và phát triển như âm thanh của các loại cồng chiêng, đàn đá và những nhạc cụ thô sơ làm từ chất liệu của núi rừng, những điệu múa, lời ca của cộng đồng các dân tộc Ê Đê, M’nông, Gia Rai... Các sản phẩm làng nghề truyền thống: dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng; các trường ca Đam San, Xinh Nhã, Đam Bri, Cây Nêu thần ... gây ấn tượng cho khách du lịch đến Đắk Lắk. Hiện nay, Đắk Lắk có 57 di tích đã được kiểm kê, phân bổ trên các địa bàn trong tỉnh, trong đó 14 di tích thắng cảnh, lịch sử văn hóa được công nhận là Di tích quốc gia, 5 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Các di tích này được khách du lịch thường xuyên đến tham quan nhằm mục đích thưởng ngoạn và tìm hiểu về truyền thống lịch sử, phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc và nhân dân trong tỉnh. Một niềm tự hào cho Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung là Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa thế giới (UNESCO) công nhận là Kiệt tác truyền khẩu - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 25-11-2005.

Hệ thống cơ sở lưu trú gồm 52 khách sạn, trong đó 2 khách sạn 4 sao, 4 khách sạn 3 sao, 6 khách sạn 2 sao, 12 khách sạn 1 sao, 28 khách chưa xếp hạng và 107 nhà khách nhà nghỉ với tổng số 3.221 phòng. Do đó, hiện nay Đắk Lắk có đủ khả năng đón tiếp đến hàng triệu lượt khách trong năm và có thể tổ chức những hội nghị, hội thảo lớn với số lượng hàng ngàn lượt khách. Trong thời gian đến, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh nhiều khách sạn mới để đáp ứng nhu cầu và tốc độ tăng trưởng về lượt khách dự kiến sẽ tăng bình quân 10 - 15% mỗi năm. Nhiều tuyến, điểm du lịch, khu du lịch được Trung ương và tỉnh cùng các doanh nghiệp quan tâm đầu tư như Khu Du lịch hồ Lăk, Buôn Đôn, thác Krông Kmar, thác Dray Sáp thượng, thác Dray Nur... Hệ thống giao thông, đường bộ đến các điểm du lịch bước đầu được đầu tư, nhựa hóa đến tận hàng rào khu du lịch.

Lượng khách du lịch đến địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong những năm qua cũng có sự tăng trưởng đáng kể. Theo số liệu tổng hợp báo cáo của các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh thì vào năm 2008 tổng số khách đến tham quan trên địa bàn tỉnh là 249.882 lượt khách, năm 2009 là 254.666 lượt khách và đến năm 2012 chỉ tiêu này tăng lên gầp 1,3 lần với 325.000 lượt khách. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2008 - 2012 là 6,91%/năm. Trong 9 tháng đầu năm 2013, Lượng khách du lịch ước đạt 291.000 lượt, đạt 62,58% kế hoạch và tăng 26,54% so với cùng kỳ 2012 và doanh thu ước đạt khoảng 264,500 tỷ đồng, đạt 85,32% so với kế hoạch và tăng 21,48% so với cùng kỳ 2012.

Lượng khách du lịch đến địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong những năm qua cũng có sự tăng trưởng đáng kể.

Mặc dù lượng khách đến Đắk Lắk ngày càng nhiều, nhưng đến năm 2012 số ngày lưu trú tại tỉnh vẫn còn thấp chỉ đạt 1,32 ngày, trong đó ngày lưu trú bình quân khách quốc tế là 1,42 ngày và khách nội địa là 1,31 ngày. Nguyên nhân của tình trạng này do Đắk Lắk còn thiếu những loại hình sản phẩm du lịch đặc sắc, hệ thống chương trình du lịch và các dịch vụ bổ trợ còn đơn điệu, trùng lặp đồng thời chất lượng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch còn kém… làm giảm khả năng thu hút khách du lịch ở lại.

Để tiếp tục thu hút khách du lịch đến với Đắk Lắk trong những năm tiếp theo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2200/QĐ-UBND ngày 26-9-2012 về phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu “Phấn đấu đưa ngành Du lịch tỉnh Đắk Lắk trở thành ngành kinh tế quan trọng và là một trong những động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh vào năm 2020. Định hướng đến năm 2030, phấn đấu trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh”.

Theo đó, từ nay đến năm 2020 tập trung đầu tư phát triển các điểm du lịch Buôn Đôn (du lịch Voi), Hồ Lắk (du lịch nghỉ dưỡng), các điểm tham quan, tìm hiểu văn hóa dân tộc như bảo tàng, buôn Ako Dhông, buôn M’Liêng, buôn Triết; các di tích lịch sử cách mạng: Nhà đày Buôn Ma Thuột, Hang đá Dăk Tuôr, Đồn điền Cada; các điểm du lịch sinh thái: thác Dray Nur, thác Dray Sáp Thượng, thác Thủy Tiên … Định hướng đến năm 2030 phát triển thêm các điểm du lịch gắn với các Vườn Quốc gia Yok Don, Chư Yang Sin …

Về cơ sở lưu trú, đến năm 2020 khuyến khích phát triển các khách sạn từ 1 sao đến 3 sao (khoảng 500 đến 600 phòng); định hướng đến năm 2030 ưu tiên phát triển hệ thống khách sạn 4 sao đến 5 sao để phục vụ nhu cầu loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo (MICE).

Bên cạnh đó, phát triển các khu vui chơi giải trí cao cấp theo mô hình các cơ sở vui chơi giải trí gắn với tự nhiên, vui chơi giải trí về đêm, các loại hình này tập trung phát triển ở khu vực thành phố Buôn Ma Thuột. Khu vui chơi giải trí theo mô hình các công viên, khu vui chơi giải trí khác… phát triển ở các trung tâm du lịch dịch vụ như thành phố Buôn Ma Thuột, thị trấn Krông Kmar, thị trấn Ea Súp, thị trấn M’Drăk, Buôn Đôn.

Thành phố Buôn Ma Thuột

Trung tâm Thể thao vùng Tây Nguyên được xây dựng tại thành phố Buôn Ma Thuột sẽ là nơi thu hút nhiều hoạt động thể thao cấp quốc gia và quốc tế tổ chức tại Đắk Lắk. Hệ thống cơ sở phục vụ hội nghị, hội thảo phát triển ở khu vực thành phố Buôn Ma Thuột kết hợp với hệ thống khách sạn cao cấp. Hệ thống cơ sở dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí phát triển ở các trung tâm dịch vụ du lịch như thành phố Buôn Ma Thuột, thị trấn Krông Kmar, thị trấn Ea Súp, thị trấn M’Đrăk, Buôn Đôn và tại các điểm du lịch khác.

Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2012 - 2015; Chương trình hành động quốc gia về Du lịch giai đoạn 2013 - 2020 và Kế hoạch hưởng ứng Chương trình kích cầu du lịch gắn với việc thúc đẩy các ngành dịch vụ phát triển năm 2013 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Với sự cố gắng của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn, của tập thể cán bộ, nhân viên ngành Du lịch Đắk Lắk, sự chỉ đạo hỗ trợ kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo phát triển Du lịch của tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, ngành Trung ương mà đặc biệt là sự hưởng ứng, tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, hy vọng ngành Du lịch Đắk Lắk sẽ đạt được nhiều kết quả đáng kể trong những năm tới, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và góp phần đưa ngành Du lịch sớm trở thành một ngành kinh quan trọng của tỉnh.

Phạm Tâm Thanh

Top