Định hướng bảo tồn và phát huy giá trị Nhã nhạc Cung đình Huế

Thực hiện Dự án Chương trình hành động quốc gia bảo vệ Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam (gọi tắt là Dự án Nhã nhạc) được triển khai từ tháng 2-2005 đến tháng 3-2009 với nguồn hỗ trợ của Quỹ Ủy thác Nhật Bản thông qua UNESCO và nguồn đối ứng của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong thời gian qua, với sự quan tâm và tham gia tích cực trong quá trình triển khai Dự án của các cơ quan như: Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Cục Di sản Văn hóa, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Viện Âm nhạc Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam và các cố vấn của Dự án, các hoạt động Dự án tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được tiến hành theo kế hoạch và thu được những kết quả đáng khích lệ.

Tuy Dự án Nhã nhạc đã chính thức kết thúc trong quý II năm 2009, nhưng các hoạt động liên quan đến chương trình bảo tồn và phát huy Nhã nhạc nói riêng và di sản phi vật thể truyền thống và Cung đình Huế nói chung vẫn tiếp tục được quan tâm và triển khai thực hiện.

Định hướng trước mắt:

Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các ban ngành liên quan đã nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị trong kết luận cuối cùng của Hội nghị Tổng kết Dự án để vạch ra các kế hoạch hoạt động cụ thể liên quan đến chương trình bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị Nhã nhạc trong giai đoạn 2010-2020 như sau:

1. Tiếp tục cập nhật và bổ sung thông tin, dữ liệu về các nghệ nhân, các nhân chứng của Nhã nhạc để đề nghị đưa vào Danh mục Báu vật nhân văn sống của Việt Nam trong tương lai; hoàn chỉnh lại nội dung của một số hồ sơ nghiên cứu của Dự án để có kế hoạch in ấn phát hành.

2. Tiếp tục đăng ký các đề tài nghiên cứu khoa học về giá trị lịch sử và nghệ thuật, các hình thức diễn tấu, các bài bản hiện còn và đang bị thất lạc để bổ sung và cập nhật không ngừng các chương trình biểu diễn của Nhã nhạc.

(Ảnh: TL)

3. Mở rộng nghiên cứu về các lễ hội Cung đình của Triều Nguyễn để chọn lọc phục hồi trong các dịp Festival Huế, tạo không gian và môi trường diễn xướng thường xuyên cho Nhã nhạc.

4. Tiếp tục mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế và trong nước trong nghiên cứu tư liệu và công nghệ chế tác nhạc cụ truyền thống, cụ thể về bộ Biên Chung, Biên Khánh và các bộ nhạc cụ trong dàn Nhã nhạc; về trang phục biểu diễn Nhã nhạc, múa Cung đình.

5. Tiếp tục nâng cấp và bổ sung thiết bị quản lý và lưu trữ tư liệu cho Phòng Lưu trữ Nhã nhạc để trở thành một phần quan trọng của Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Phi vật thể Huế dự kiến thành lập trong tương lai, mở cửa phục vụ  miễn phí cho cộng đồng.

6. Có chương trình phối hợp đặc biệt với Học viện Âm nhạc Huế để tiếp tục tổ chức định kỳ các khóa đào tạo cho nhạc công Nhã nhạc trẻ, các khóa đào tạo nâng cao cho các nhạc công trẻ được chọn lọc.

7. Quảng bá và cung cấp thông tin cho cộng đồng và giới nghiên cứu về kết quả của Dự án Nhã nhạc, các hoạt động nghiên cứu bảo tồn, phục hồi và phát huy Nhã nhạc, một cách rộng rãi qua phương tiện truyền thông đại chúng: website, báo, đài phát thanh và truyền hình, tờ rơi...

8. Quy chuẩn hóa về chương trình biểu diễn Nhã nhạc và múa Cung đình, về trang phục và phong cách biểu diễn khi tổ chức các chương trình biểu diễn phục vụ cộng đồng và trong các sự kiện văn hóa cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế. 

(Ảnh: TL)

9. Tiếp tục củng cố và mở rộng các chương trình biểu diễn giao lưu  nghệ thuật truyền thống và Cung đình với các nước trong khu vực và trên thế giới.

10. Tổ chức Triển khai Dự án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Cố đô Huế, giai đoạn 2010-2020, trong đó có phần điều chỉnh quan trọng liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể vùng Huế giai đoạn 2010-2020; trong đó ngân sách đề nghị dự kiến là 150 tỷ đồng.

Định hướng lâu dài:

1. Đề xuất kiến nghị các chính sách quản lý bảo tồn đặc thù và chế độ ưu đãi đặc biệt đối với nghệ nhân dành cho Nhã nhạc nói riêng và di sản văn hóa phi vật thể nói chung, các chính sách chế độ này được thể chế hóa từ Luật Di sản văn hóa đang được Quốc hội nghiên cứu điều chỉnh.

2. Xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Phi Vật thể vùng Huế để tập trung được các nguồn lực trong tỉnh, nguồn đầu tư của Chính phủ và nguồn tài trợ của cộng động quốc tế cho công cuộc bảo tồn gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể vùng Huế.

3. Tiếp tục củng cố và phát triển về cơ sở vật chất và nhân lực cho Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế để thành trung tâm của các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống Cung đình ở Việt Nam, tiến tới tổ chức định kỳ các chương trình biểu diễn giao lưu nghệ thuật quốc tế giữa Nhã nhạc Cung đình Huế với các nghệ thuật biểu diễn Cung đình của một số nước trong khu vực.

(Ảnh: TL)

Kết luận chung

Như vậy, thực hiện nội dung Công ước quốc tế năm 2003 về Bảo tồn Di sản Văn hóa Phi vật thể, mà Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn Dự án này, với sự giúp đỡ của UNESCO, Dự án đã xây dựng nền tảng ban đầu cho việc nghiên cứu, tư liệu hóa và truyền dạy các kỹ năng về Nhã nhạc cho thế hệ trẻ, đồng thời nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản này ở các cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế.

Dự án Nhã nhạc tuy đã kết thúc, nhưng lại là sự mở đầu cho một chương trình bảo tồn mới dành cho Nhã nhạc và các loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác của vùng Huế trong giai đoạn 2010-2020 với mục tiêu nghiên cứu chuyên sâu các đặc tính di sản, sưu tầm và kỹ thuật số hóa các dữ liệu, phục dựng các bài bản tiêu biểu, phục hồi môi trường diễn xướng qua các hình thức lễ hội, đào tạo nhạc công diễn viên và cả lực lượng cán bộ nghiên cứu, tổ chức biểu diễn quảng bá có chọn lọc và mang tính chuyên nghiệp cao... Các mục tiêu này cũng là một phần nội dung của Dự án Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 818/QĐ-TTg ngày 07-6-2010.

Phùng Thu

Top