Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển nhanh, bền vững

TGDS: Ngày 20-12-2017, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tổ chức gặp mặt 128 đại biểu tiêu biểu trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Tham dự buổi gặp có các đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội; Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên cũng tham dự và phát biểu tại cuộc gặp mặt. Tạp chí Thế giới Di sản trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tại cuộc gặp mặt quan trọng này.

Tại buổi gặp mặt hôm nay, chúng tôi rất vui mừng nhận được những ý kiến góp ý rất tích cực, thẳng thắn, tâm huyết của các nhà khoa học, các hội viên Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội, các bác, các đồng chí, những người tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nộị, những người trực tiếp góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức và huy động các nguồn lực xã hội để tham gia vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc nói chung, di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội nói riêng; về sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố, của các sở, ngành đối với lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Thủ đô chúng ta.

Cuộc gặp mặt của chúng ta vui mừng về sự có mặt và phát biểu của đồng chí Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thay mặt lãnh đạo Thành phố, tôi xin nghiên cứu tiếp thu ý kiến của đồng chí Thứ trưởng và ý kiến góp ý của các bác, các anh, các chị. Chúng tôi rất mong trong quá trình hoạt động, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và các hội hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật tiếp tục đóng góp ý kiến cho Thành phố.

Ảnh: Viết Thành

Di sản văn hóa là một bộ phận quan trọng của văn hóa mỗi dân tộc. Di sản văn hóa không chỉ được coi là tài sản có giá trị giáo dục truyền thống mà còn là nguồn lực to lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Dân tộc ta có một kho tàng di sản văn hóa rất đáng tự hào, bao gồm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm và có quan điểm nhất quán về vai trò, vị trí của di sản văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là nhiệm vụ cấp bách, là vấn đề mang tính toàn cầu, được quan tâm ở tất cả các quốc gia, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển và hội nhập như Việt Nam.

Vừa qua, trong dịp kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23-11, chúng ta đã được ôn lại truyền thống và nhận thức rõ hơn trách nhiệm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong dịp này, Thành phố cũng đã tổ chức nhiều hoạt động với chủ đề “Nguồn”, nhằm tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; nâng cao lòng yêu nghề, ý thức trách nhiệm trong công tác bảo tồn di sản văn hóa; đồng thời, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. 

Hà Nội là Thủ đô nghìn năm văn hiến, là nơi lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, đa dạng và có giá trị vào loại bậc nhất cả nước. Những năm qua, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn đã và đang được chính quyền Thủ đô quan tâm, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đạt một số kết quả rất đáng ghi nhận, nổi bật là:

Thành phố luôn quan tâm, dành nguồn kinh phí cho đầu tư tu bổ, bảo tồn, chống xuống cấp di tích. Trong những năm gần đây, một số lượng lớn các di tích đã được bảo tồn, tu bổ bằng các nguồn kinh phí từ Trung ương, địa phương và xã hội hóa. Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, Thành phố đã đầu tư 2.266 tỷ đồng cho 1.200 lượt di tích; trong đó, vốn xã hội hóa gần 1.000 tỷ đồng.

Công tác nghiên cứu, sưu tầm, tuyên truyền, quảng bá các loại hình di sản văn hóa phi vật thể được thực hiện một cách toàn diện và đạt được nhiều kết quả như: Dự án “Giáo dục di sản văn hóa phi vật thể cho học sinh phổ thông tại thành phố Hà Nội”; Dự án Nhà hát Chèo Hà Nội; các chương trình hợp tác, giao lưu về văn hóa với các nước trên thế giới.

Việc tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản văn hóa được chú trọng hơn. Công tác quản lý và tổ chức một số lễ hội lớn như: Lễ hội đền Hai Bà Trưng ở Mê Linh, Phúc Thọ, Đồng Nhân; Lễ hội chùa Hương; Lễ hội đền Và; Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc… đã có nhiều chuyển biến tích cực. Lượng du khách trong và ngoài nước đến tham quan các di tích, danh thắng nổi tiếng của Thủ đô như Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Nhà tù Hỏa Lò tăng cao với khoảng 3,2 triệu lượt người, trong đó, có nhiều đoàn đại biểu cao cấp của các quốc gia.

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đang đối mặt với không ít hạn chế, khó khăn, bất cập: Hà Nội là địa phương có nhiều di tích nhất cả nước, nhưng cũng có tới trên 500 di tích đang xuống cấp nghiêm trọng, cần sớm được tu bổ; Quá trình triển khai giải quyết thoả đáng mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa nói chung, giữa bảo tồn và phát triển còn gặp nhiều lúng túng; Nhiều quận, huyện chưa thực sự hiểu và coi trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; Công tác quản lý nhà nước, việc kiểm tra, giám sát của các cấp từ Thành phố đến các quận, huyện, xã, phường, thị trấn chưa thường xuyên; Việc lập quy hoạch đầu tư, tu bổ, khoanh vùng, cắm mốc bảo vệ cho các di tích trên địa bàn triển khai chậm. 

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, đã xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước; văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng. Ngày 26-4-2016, Thành ủy khóa XVI đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2016 - 2020”.

Để triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án cụ thể hóa Chương trình số 04-CTr/TU, Thành ủy khóa XVI gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI, cùng với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, các cơ quan trong hệ thống chính trị, Thành phố mong muốn tiếp tục nhận được những góp ý, sự ủng hộ, giúp đỡ của các nhà khoa học; nhà quản lý; những người trực tiếp làm công tác quản lý và bảo vệ di tích, những người có công truyền dạy và phổ biến di sản văn hóa phi vật thể...

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô, thời gian tới, Thành phố cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, Hà Nội là địa phương có số lượng di sản văn hóa lớn nhất cả nước, Thành phố xác định phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân Thủ đô về trách nhiệm với Hà Nội, với cả nước, với quá khứ và với tương lai; về vai trò, vị trí quan trọng, tiềm năng và thế mạnh của di sản văn hóa, nhất là các di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Qua đó để mỗi người dân Thủ đô hiểu thấu đáo hơn trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Hai là, tổ chức thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa và những công ước quốc tế về di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Từng cấp chính quyền phải ưu tiên và có cơ chế phù hợp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Rà soát, cập nhật thường xuyên tình trạng các di tích, không để tình trạng “bỏ rơi, lãng quên” di sản văn hóa. Đặc biệt, đối với các di sản văn hóa phi vật thể, phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành để khôi phục, gìn giữ và lan tỏa những giá trị nhân văn đến đông đảo quần chúng trong và ngoài nước.

Ba là, xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có tâm huyết, trình độ, năng lực chuyên môn. Ngành Văn hóa Thủ đô nghiên cứu, đề xuất với Thành phố về chính sách đãi ngộ đặc thù cho các chuyên gia, nhà khoa học và cán bộ làm công tác di sản văn hóa.

Bốn là, phát huy vai trò của Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong việc vận động nhân dân và huy động mọi nguồn lực xã hội cho công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích, xây dựng cảnh quan, không gian di tích lành mạnh, thân thiện.

Năm là, một số kiến nghị, đề xuất cụ thể của các đại biểu tại Hội nghị này, giao Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo:

1. Chủ động tham mưu, đề xuất việc tổ chức Hội nghị gặp mặt biểu dương cá nhân, tập thể xuất sắc trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội 2 lần trong một nhiệm kỳ;

2. Tiếp tục tích cực xử lý những tồn tại của một số cơ sở sản xuất kinh doanh gây ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường tại khu vực Hồ Tây và Hồ Hoàn Kiếm;

3. Sở Văn hóa và Thể thao nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ mở lớp học truyền dạy và giữ gìn văn hóa Cồng chiêng của người Mường; hỗ trợ kinh phí để Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội in 13/31 tập sách “Hà Nội - Truyền thống và Di sản”; phối hợp với UBND quận Tây Hồ nghiên cứu, đề xuất cụ thể việc khôi phục giếng Ngọc, cải tạo đài tưởng niệm tại Khu Di tích Đền Voi Phục, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ;

 4. Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội nghiên cứu đề tài bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu; phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Nội vụ thống nhất triển khai việc thành lập các tổ chức của Hội, nhất là tại những nơi có nhiều di sản văn hóa, bảo đảm đúng quy định của Nhà nước và Điều lệ Hội, theo đặc thù, đặc điểm của từng vùng, không tràn lan.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là nhiệm vụ của toàn xã hội. Phát huy những thành tựu và kết quả đạt được, Lãnh đạo thành phố Hà Nội tin tưởng, di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội sẽ thực sự là nguồn lực lớn để xây dựng và phát triển Thủ đô nhanh, bền vững, xứng đáng là trung tâm chính trị hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; trung tâm lớn về di sản văn hóa của cả nước.

 

 

Top