Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh sau hai năm được UNESCO vinh danh

Dân ca Ví, Giặm là “thổ sản” của vùng văn hoá xứ Nghệ, là niềm tự hào của mỗi người dân Nghệ Tĩnh về di sản văn hóa truyền thống quê hương mình.

Đến nay, đã tròn 02 năm dân ca Ví, Giặm vươn mình ra khỏi biên giới quốc gia để đến với cả thế giới khi được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, chính quyền, nhân dân tỉnh Nghệ An đã có rất nhiều nỗ lực để thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể vào năm 2014. Ảnh: Báo Nghệ An.

1. Công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá giá trị dân ca Ví, Giặm không ngừng được đẩy mạnh, mở rộng cả về quy mô và hình thức, tạo được hiệu ứng lan tỏa rất tốt trong cộng đồng.

Trên cơ sở Kế hoạch tuyên truyền, quảng bá dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh giai đoạn 2015-2020 do UBND tỉnh ban hành, nhiều hình thức để tuyên truyền, quảng bá sâu rộng được áp dụng như: xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, viết bài, đưa tin về dân ca Ví, Giặm trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp xây dựng phóng sự, phim tài liệu như: “Tìm về câu Ví, Giặm”, “Về xứ Nghệ nghe câu Ví, Giặm”, “Về miền Ví, Giặm”…; quảng bá về dân ca Ví, Giặm trên internet qua website: dancaxunghe.vn; phát hành đĩa CD, VCD ca nhạc về dân ca Ví, Giặm...

Việc bảo vệ, phát huy và quảng bá hình ảnh di sản với công chúng cũng có sự tham gia của tích cực của cộng đồng. Từ năm 2015, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ, Hội Cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Hội Đồng hương Nghệ Tĩnh trên khắp mọi miền đất nước đã phối hợp với cơ quan hữu quan và các địa phương tổ chức các chương trình “Ân tình Ví, Giặm”, kết hợp giao lưu và biểu diễn dân ca Ví, Giặm tại nhiều tỉnh, thành như TP Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng... Năm 2015, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ cũng tổ chức 2 đợt biểu diễn ở nước ngoài (tại Thái Lan và Australia).

Sang năm 2016, công tác tuyên truyền, quảng bá dân ca Ví, Giặm được mở rộng không gian, sang đến cả châu Âu. Năm 2016, Hội Đồng hương Nghệ Tĩnh đã kết nối, tổ chức để các nghệ sỹ, nghệ nhân Ví, Giặm có chuyến biểu diễn, giao lưu, quảng bá tại các nước Cộng hòa Thụy Sỹ, Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Slovakia và Cộng hòa Hungaria.

Cũng trong năm 2016, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã phối hợp tổ chức thành công Liên hoan Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh lần thứ hai. Liên hoan đã được tổ chức từ cơ sở, theo các huyện, cụm huyện và đã chọn ra 25 câu lạc bộ xuất sắc nhất, đại diện cho hai tỉnh đã tham dự Liên hoan dân ca liên tỉnh tại thành phố Vinh từ ngày 16 - 19/10/1016. Liên hoan là dịp cho các CLB, các nghệ nhân dân ca được giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa của quê hương xứ Nghệ đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Nhờ vậy, trong 02 năm qua, dân ca Ví, Giặm đã được thúc đẩy phát triển sâu rộng trong cộng đồng, không chỉ cộng đồng người Nghệ mà cả cộng đồng nhân dân nhiều vùng trên cả nước và thế giới cũng biết đến Ví, Giặm và yêu thích Ví, Giặm.

Trong 02 năm, tỉnh Nghệ An đã xây dựng thêm hơn 20 câu lạc bộ, và đến nay cả tỉnh đã có 98 câu lạc bộ, với gần 2000 hội viên hát Ví, Giặm.

2. Cùng với tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá thì việc xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm; tôn vinh và đào tạo nghệ nhân; tăng cường hoạt động của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp… cũng là vấn đề được quan tâm.

Trong 02 năm, tỉnh Nghệ An đã xây dựng thêm hơn 20 câu lạc bộ, và đến nay cả tỉnh đã có 98 câu lạc bộ, với gần 2000 hội viên. Ví, Giặm từ miền xuôi đã lan tỏa đến cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số qua các cuộc Liên hoan Dân ca Ví, Giặm. Năm 2016, huyện Tương Dương đã ra mắt Câu lạc bộ đầu tiên về Ví, Giặm tại làng Nhùng, xã Tam Quang. Ở ngoại tỉnh cũng đã có các Câu lạc bộ Ví, Giặm ở Hà Nội và Câu lạc bộ Ví, Giặm Nghệ Tĩnh phía Nam. Hoạt động của các câu lạc bộ nhận được sự hỗ trợ của chính quyền và cộng đồng. Hội Đồng hương Nghệ Tĩnh cũng hỗ trợ cho 26 câu lạc bộ ở 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, mỗi Câu lạc bộ 10 triệu đồng. 

Các câu lạc bộ thực sự đã trở thành nơi lưu giữ hồn Ví, Giặm, góp phần làm khởi sắc đời sống văn hoá văn nghệ của đông đảo quần chúng nhân dân trong tỉnh. Nhờ các câu lạc bộ mà Ví, Giặm đã đi đến từng ngõ ngách của vùng quê, có mặt trong tất cả các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của cộng đồng.

Đối với các nghệ nhân - những người “giữ hồn di sản”, ngay sau khi dân ca Ví, Giặm được vinh danh, Nghệ An đã tổ chức Lễ tôn vinh những nghệ nhân, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, những tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc bảo vệ, phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm. Năm 2015, toàn tỉnh cũng đã có 26 nghệ nhân dân ca Ví, Giặm được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Với lớp nghệ nhân kế cận, có khả năng truyền dạy những làn điệu Ví, Giặm cơ bản do các nghệ nhân cao tuổi nắm giữ đã được tư liệu hoá và truyền dạy, tỉnh cũng hết sức quan tâm đào tạo.

Các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp cũng tích cực phát huy vai trò, tiếp tục đưa di sản đến với cộng đồng. Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ - đơn vị sự nghiệp của tỉnh trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy dân ca Ví, Giặm đã tăng cường phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh với hàng trăm buổi biểu diễn; tăng cường giao lưu văn hoá với các tỉnh bạn và với các nước trong khu vực châu Á, mở rộng ra cả châu Âu; xây dựng các vở diễn mới để phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ nhân dân; tổ chức trình diễn dân ca Ví, Giặm tại Khu Di tích Kim Liên, tạo hiệu ứng tốt trong nhân dân, du khách khi về thăm quê Bác.

 Tiết mục Dân ca Ví, Dặm trong một liên hoan. Ảnh: Báo Nghệ An.

3. Song song với việc quảng bá, có các hoạt động để tăng mật độ phủ sóng của dân ca Ví, Giặm trong đời sống thì công tác bảo tồn các làn điệu dân ca thông qua việc sưu tầm, tư liệu hóa, truyền dạy dân ca cho cộng đồng và tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học cũng hết sức được quan tâm.

Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ cùng với sự tham gia của cộng đồng đã và đang tiếp tục thực hiện việc sưu tầm, kiểm kê di sản và tiếp tục thực hiện tốt công tác tư liệu hoá Dân ca Ví, Giặm.

Phong trào dạy hát dân ca trên sóng phát thanh truyền hình và đưa dân ca vào trường học tiếp tục được duy trì và phát triển. Một số trường học đã xây dựng kế hoạch để gắn kết dạy hát dân ca với chương trình của nhà trường; nghiên cứu xây dựng chương trình nội dung giảng dạy thích hợp về Dân ca Ví, Giặm. Các hội thảo, tọa đàm về dân ca Ví, Giặm tiếp tục được tổ chức như toạ đàm “Tương lai nào cho Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”, Hội thảo “Đưa dân ca Ví, Giặm vào trường học”...

Đặc biệt, hiện nay, hai tỉnh đang phối hợp với Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đến năm 2030”, làm định hướng lâu dài cho công tác bảo tồn và phát huy di sản.

Dù ít nhiều vẫn còn tồn tại những hạn chế, nhưng sau 02 năm được vinh danh, những kết quả đạt được hôm nay đã cho thấy sự nỗ lực không ngừng của chính quyền và cộng đồng nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh trong công cuộc bảo tồn và phát huy di sản dân ca Ví, Giặm. Và để dân ca Ví, Giặm trường tồn và thực sự xứng tầm là một di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, rất cần tiếp tục sự định hướng đúng đắn của chính quyền các cấp và sự chung tay của cả cộng đồng.

NSND Phạm Tiến Dũng

 

Top