Thăm chùa Bổ Đà
Chùa có nguồn gốc từ thời Lý (thế kỷ 11), được tu bổ, tôn tạo và mở rộng vào thời Lê Trung Hưng (1533-1789), dưới Triều Vua Lê Dụ Tông (1705-1720), là nơi tu hành của các tăng ni và đào tạo các tăng đồ theo Thiền phái Lâm Tế trong hơn 300 năm. Chùa là danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa, còn giữ được tương đối nguyên vẹn những nét kiến trúc truyền thống cổ xưa của vùng Bắc Bộ. Toàn bộ Chùa có diện tích khoảng 52.000 m2, gồm 3 khu: vườn, nội tự và vườn tháp.
Cổng chùa Bổ Đà. Ảnh: Internet
Kiến trúc Chùa gồm gần 100 gian, theo kiểu “nội công, ngoại bế”, bằng vật liệu dân gian truyền thống: gạch nung, ngói, tiểu sành. Các bức tường, cổng xây bằng đất nện, theo lối chình tường. Tường đất nện cao 1,8-3m, chân tường dầy 0,8m, đỉnh tường dầy 0,4m, trên cùng là các mảnh gốm của làng Thổ Hà trong vùng.
Kiến trúc chùa Bổ Đà. Ảnh: Internet
Chùa Bổ Đà còn là nơi bảo lưu trên 40 pho tượng bằng gỗ, sơn son, thếp vàng, còn nguyên vẹn; trong đó phần lớn là tượng Phật cổ thời Lê (thế kỷ XVIII), Nguyễn (thế kỷ XIX). Bên cạnh đó, còn có các tượng theo tín ngưỡng thờ Nho giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian bản địa, tạo nên điểm khác biệt trong thờ tự so với các ngôi chùa khác trong cả nước..
Bờ tường chùa Bổ Đà đắp bằng đất. Ảnh: Internet
Một trong các giá trị nổi bật của Chùa là đang lưu giữ được 1.935 bộ mộc bản kinh Phật cổ nhất Việt Nam, được khắc trên gỗ thị và 18 bộ sách kinh chính. Mộc bản có niên đại sớm nhất vào năm 1740 và muộn nhất vào những năm của thế kỷ XX. Năm 2016, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác nhận kỷ lục cho bộ mộc bản này.
Mộc bản chùa Bổ Đà. Ảnh: Internet
Chùa Bổ Đà có vườn Tháp được đánh giá là lớn nhất Việt Nam, gồm gần 100 ngôi tháp nguyên vẹn, nơi lưu giữ xá lị, tro cốt, nhục thân của các vị tăng ni Thiền phái Lâm Tế.
Vườn tháp chùa Bổ Đà. Ảnh: Internet
Lễ hội chùa Bổ Đà. Ảnh: Internet
Gắn liền với Chùa là Lễ hội chùa Bổ Đà - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được tổ chức từ 15 đến 19-2 Âm lịch hàng năm. Trong Chùa còn có cây vối được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là “Cây Di sản”.
Đỗ Văn Trụ