Xung quanh Dự án Tu bổ bờ kè Hộ Thành Hào (Kinh thành Huế): Rà soát lại và sẽ xử lý những sai phạm

Việc trùng tu bằng cách xây mới bờ kè Di tích Hộ Thành Hào (Kinh thành Huế) thời gian qua đã làm dư luận địa phương và các nhà nghiên cứu Huế hết sức bất bình. Sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang rà soát lại toàn bộ quy trình thực hiện và sẽ xử lý những cá nhân, tập thể để xảy ra các sai phạm.

"Xây mới" vì đã hư hỏng 80%?

Dự án tu bổ, tôn tạo bờ kè Di tích Hộ Thành Hào (ở đoạn mặt Nam của Kinh thành Huế) được tiến hành thi công từ đầu năm 2019. Tuy nhiên, khi việc tu bổ kè được triển khai khoảng 1.000 mét thì người dân và báo chí phát hiện đơn vị thi công là Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung đã không thực hiện đúng như nội dung của Dự án cũng như quy trình trùng tu di tích. Cụ thể là bộ phận thi công đã sử dụng các máy móc xúc để tháo dỡ hệ thống bờ kè cũ. Hình ảnh này đã gây phản cảm và bức xúc trong dư luận địa phương.

Bờ kè Hộ Thành Hào đoạn cửa Quảng Đức sau khi được "xây mới"

Ngay sau việc "hạ giải" bằng máy móc lớn, Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung cũng cho xây dựng bờ kè Hộ Thành Hào bằng bê tông cốt thép và lát nhiều đá granit mới ở mặt ngoài kè. Trong khi đó, một lượng lớn đá gan gà nguyên có của công trình này lại chỉ được sử dụng rất ít, hiện trường công trình vẫn còn rơi vãi đá quý này.

Trước khi tiến hành tu bổ, tôn tạo Di tích Hộ Thành Hào, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có cuộc họp với Hội đồng tham vấn khoa học, trong đó có một số nhà nghiên cứu của Huế là thành viên. Cuộc họp cũng đã nêu một số vấn đề liên quan đến giải pháp thi công Dự án, đồng thời cho rằng phải tận dụng tối đa đá gan gà của công trình cũ để lát mặt ngoài kè. Tại văn bản của Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) gửi Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã lưu ý khi thực hiện Dự án, đó là: Lựa chọn một số đoạn kè còn tốt (được xây dựng bằng kỹ thuật truyền thống, đảm bảo đủ kích thước và ổn định khả năng chịu lực) để gia cố chân móng, tu bổ theo hiện trạng.

Một đoạn kè ở Hộ Thành Hào bị sụt lún

Tuy nhiên khi Dự án được thực hiện với chiều dài 1.000 mét (đoạn từ Cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài) thì hoàn toàn là tháo dỡ và xây mới chứ không có gia cố, tu bổ theo hiện trạng như văn bản mà Cục Di sản Văn hóa đề nghị.

Ông Phan Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế giải thích: ở mặt Nam của Kinh thành Huế có 12 điểm bị nứt nghiêm trọng trong nhiều năm qua và gây nguy hại cho tổng thể hệ thống tường thành. Các điểm nứt này đều do sạt lở, sụt lún của kè Hộ Thành Hào. Chính vì thế, để bảo tồn và giữ gìn tường thành thì phải trùng tu, xử lý thật tốt các điểm sạt lở này. Qua nghiên cứu thì phương án thiết kế do Kỹ sư Lê Văn Quảng - nguyên Giám đốc Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung phụ trách là khả thi nhất.

Đoạn kè Hộ Thành Hào gần 1.000 mét vừa được xây mới

Trao đổi với chúng tôi, Kỹ sư Lê Văn Quảng cũng khẳng định: đoạn kè dài 1.000 mét vừa thi công là đoạn bị sụt lún, hư hại đến gần 80% nên phương án tu bổ bằng cách xây bê tông cốt thép là tối ưu nhất. Với phương án này, chúng tôi đã tính đến phải đảm bảo 2 vấn đề: giữ được kích thước của đá đúng với bảo tồn và đảm bảo ổn định về chịu lực. Phương án của tôi cũng chú trọng tận dụng lại phần lớn đá gan gà để lát mặt ngoài kè, nhưng vì số lượng đá gan gà còn sử dụng được không nhiều nên đơn vị thi công phải sử dụng thêm đá granit.

"Hộ Thành Hào là công trình phòng thủ được xây dựng từ năm 1803 đến 1830 trên nền đất yếu nên rất dễ bị sụt lún, sụp đổ. Kè của công trình này được thi công bằng hình thức xếp đá khan với loại đá gan gà dài từng phiến. Trải qua thời gian dài gần 200 năm, loại đá này bị phong hóa dẫn đến thiếu lực ma sát nên càng dễ sụt lún hơn. Thế nên phương án đổ bê-tông là tối ưu" - ông Quảng nói.

Sẽ xử lý các cá nhân, tập thể vi phạm

Ngay sau khi việc tu bổ bờ kè Di tích Hộ Thành Hào bị phát hiện "xây mới" cũng như quá trình trùng tu có nhiều vấn đề, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu chủ dự án là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và đơn vị thi công tạm dừng thi công Dự án. Đồng thời, Chủ tịch tỉnh đề nghị chủ Dự án rà soát lại toàn bộ các quy trình, nội dung thực hiện và báo cáo lên UBND tỉnh để có hướng xử lý. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ cũng có văn bản yêu cầu Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo vụ việc liên quan đến những sai phạm trong trùng tu, tôn tạo bờ kè Di tích Hộ Thành Hào mà báo chí và dư luận quan tâm.

Bờ kè Hộ Thành Hào (đoạn cửa Quảng Đức) trước khi trùng tu

Ông Nguyễn Đình Bách, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay tỉnh đang rà soát lại toàn bộ quá trình thực hiện Dự án trùng tu bờ kè Hộ Thành Hào và khi có kết luận chính thức sẽ có hướng xử lý vụ việc cũng như các cá nhân, đơn vị liên quan. Quá trình rà soát bắt đầu từ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Từ báo cáo của Trung tâm, UBND tỉnh mới có quyết định giao cho một đơn vị khác kiểm tra lại để khách quan. Thông thường với các dự án khác là Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ rà soát lại nhưng dự án này liên quan đến di tích nên sẽ có thêm nhiều đơn vị cùng vào cuộc như Sở VHTT, Sở Xây dựng…

Bờ kè Hộ Thành Hào đoạn cửa Quảng Đức sau khi được "xây mới"

Sau khi Dự án tạm dừng thi công, trao đổi với báo chí, ông Phan Văn Tuấn (đại diện chủ đầu tư) và ông Nguyễn Hoàng Tuấn - Phó Giám đốc phụ trách Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung cũng thừa nhận rằng có một số "sơ suất" khi thi công tu bổ bờ kè Hộ Thành Hào. Theo hai ông này, "sơ suất" chính là sử dụng hệ thống máy móc công suất lớn để tháo dỡ, hạ giải bờ kè gây phản cảm. Đồng thời cho biết, khi thực hiện các phần tiếp theo sẽ giám sát kỹ hơn đơn vị thi công.

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, nói rằng: chúng tôi sẽ tiếp thu những thông tin của báo chí và dư luận xung quanh việc tu bổ bờ kè Hộ Thành Hào. Đoạn kè vừa trùng tu chiếm khoảng 10% so với tổng chiều dài bờ kè của Hộ Thành Hào sẽ được tu bổ. Với những đoạn kè tiếp theo, chúng tôi sẽ cố gắng tu bổ chân móng và giữ nguyên trạng các đoạn kè tốt (như đoạn kè từ cửa Thượng Tứ đến cửa Ngăn) như văn bản của Cục Di sản Văn hóa đã lưu ý.

Phía UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thông tin rằng sau khi có báo cáo rà soát, kiểm tra của các Sở, ngành liên quan về quá trình tu bổ Di tích Hộ Thành Hào, tỉnh sẽ kết luận chính thức và cung cấp thông tin đến báo chí và dư luận được rõ.

Bài và ảnh: An Nhiên

Top