Chuyện về nữ doanh nhân Trịnh Thị Điền
Bà Trịnh Thị Điền sinh năm 1912 trong một gia đình thương gia ở làng Tử Dương, huyện Thường Tín, Hà Tây. Sau này, Bà kể lại rằng, cha mẹ Bà sinh được 10 người con, nhưng 9 người con đều mất sớm, Bà là thứ mười và là người con duy nhất nuôi được. Tuy nhiên, khi lên 4 tuổi, chỉ trong vòng một tháng, cha mẹ Bà đều qua đời. Theo lời trăng trối của mẹ, Bà đến ở với người anh cùng cha khác mẹ (Cha bà có hai người vợ, vợ cả sinh được hai người con trai). Bà được anh và chị dâu thương yêu, cho đi học, một thời gian sau đó thôi học ở nhà giúp việc gia đình với công việc nội trợ và kinh doanh.
Chân dung bà Trịnh Thị Điền. Ảnh: Wiki
Năm 1929 Trịnh Thị Điền gia nhập Đảng Tân Việt và sinh hoạt trong Chi bộ phố Huế ở Hà Nội. Thoát ly gia đình vào năm sau đó, Bà hoạt động ở Hà Nội, Hải Phòng, Hòn Gai. Sau khi ba Đảng hợp nhất, Bà tiếp tục hoạt động trong Đảng. Tháng 2-1931 Trịnh Thị Điền bị bắt ở Hải Phòng. Trong tù Bà luôn giữ khí tiết của người cộng sản. Bà đã tuyệt thực 7 ngày để phản đối thực dân tra tấn phụ nữ. Tháng 11-1931 Bà được trả tự do.
Sự nghiệp kinh doanh của Trịnh Thị Điền bắt đầu từ năm 1932. Chuyện là: Sau khi ra tù cũng là thời gian người bạn đời của Bà là Đỗ Đình Thiện du học ở Pháp cũng bị chính quyền Pháp trục xuất về Việt Nam do hoạt động chống chính quyền thực dân. Theo lời hẹn ước từ trước khi đi du học, Trịnh Thị Điền kết hôn với Đỗ Đình Thiện, tuy tổ chức lễ cưới nhưng không đăng ký kết hôn để tỏ thái độ bất hợp tác với chính quyền thực dân. Vì cả hai người đều bị quản thúc chặt chẽ cho nên không trực tiếp hoạt động cách mạng được và họ chuyển sang làm kinh tế trước tiên là để nuôi gia đình, sau là để ủng hộ cách mạng khi có thời cơ. Bằng chữ TÍN, trí thông minh và lòng quả cảm, sau những năm đầu khó khăn và không ít lần thất bại, họ đã kinh doanh thành công.
Sẵn lòng yêu nước và cách mạng, từ những năm 1936-1939 gia đình doanh nhân này đã ủng hộ tiền cho Báo Lao Động (Le travail) để vận động bầu người của Đảng vào Viện Dân biểu.
Từ đầu những năm 40 gia đình đã trở nên giàu có nổi tiếng ở Hà thành với tiệm buôn tơ ở số 54 Hàng Gai, Hà Nội, nhà máy dệt ở Gia Lâm, đồn điền cà phê ở Chi-Nê, tỉnh Hòa Bình. Đây vừa là những cơ sở kinh tế lớn của gia đình, vừa là những địa chỉ các nhà hoạt động cách mạng thường lui tới. Năm 1943, sau khi vượt ngục Sơn La, đồng chí Nguyễn Lương Bằng thấy tài chính của Đảng chỉ còn 24 đồng Đông Dương nên đồng chí đã đến nhà 54 Hàng Gai đề nghị gia đình bà Trịnh Thị Điền giúp đỡ. Lần đó gia đình đã trao vào quỹ Đảng 3 vạn đồng Đông Dương. Cũng trong năm 1943 sau khi đồng chí Nguyễn Tạo vượt ngục Ban Mê Thuột về Hà Nội, gia đình lại trao cho Đảng 2 vạn đồng để tổ chức hoạt động cách mạng.
Cách mạng tháng Tám thành công song nền tài chính của quốc gia hầu như không có, do đó Chính phủ lâm thời quyết định dựa vào dân. Ngày 4-9-1945, chỉ sau hai ngày tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh- Chủ tịch Chính phủ lâm thời đã ban hành Quốc lệnh số 4 ngày 4-9-1945 lập Quỹ Độc lập. Trong “tuần lễ vàng” gia đình bà Trịnh Thị Điền đã góp vào Quỹ Độc lập 10 vạn đồng và 100 lượng vàng. Trong thời gian này gia đình còn mua đấu giá bức tranh chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh với giá 1 triệu đồng Đông Dương và sau đó lại tặng bức chân dung Bác cho Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội, biến cuộc đấu giá này thành một cuộc diễu hành rước chân dung Bác Hồ về treo tại Trụ sở UBHC thành phố.
Kháng chiến bùng nổ, gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện và Trịnh Thị Điền rút khỏi Hà Nội về Đồn điền Chi Nê. Gia đình được giao nhiệm vụ thu mua thóc để dự trữ cho quốc phòng, mua vàng giúp đồng bào tản cư và tích lũy cho Nhà nước.
Sự nghiệp kinh doanh của gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện và Trịnh Thị Điền bị ngừng lại vào tháng 2-1947. Chuyện là thế này: Tại Đồn điền Chi Nê, gia đình đã dành một khu xây dựng nhà máy in tiền cho Chính phủ. Nhà máy bị lộ, thực dân Pháp đã cho máy bay ném bom, do đó toàn bộ cơ ngơi của gia đình đã trở nên đổ nát. Trước cảnh tàn phá nặng nề đó, gia đình bà Trịnh Thị Điền vẫn thản nhiên và quả quyết giao lại toàn bộ Đồn điền Chi Nê cho Ban Kinh tài của Đảng quản lý để hành trình lên Việt Bắc đi kháng chiến, cùng tăng gia sản xuất, đồng cam cộng khổ với cuộc sống của đồng chí, đồng bào. Với phẩm chất của một người phụ nữ giàu lòng yêu nước và là Ủy viên BCH Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bà Trịnh Thị Điền đã có nhiều đóng góp trong phong trào tăng gia sản xuất phục vụ kháng chiến.
Ông Đỗ Đình Thiện, chồng bà Trịnh Thị Điền.
Năm 1950, giữa những ngày kháng chiến gian khổ Nhà nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì cho cả hai vợ chồng Ông bà Đỗ Đình Thiện và Trịnh Thị Điền vì “Đã hăng hái tham gia kháng chiến, xung phong hiến điền và hy sinh tài sản cho Chính phủ.”
Ở Việt Bắc, bà Trịnh Thị Điền được giao nhiệm vụ bảo quản tài liệu lưu trữ và quỹ của Ban Kinh tế. Sau Đại hội lần thứ II của Đảng, khi Nhà nước chuẩn bị thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, bà Trịnh Thị Điền được nhận công tác chuẩn bị cho công việc này, làm thủ quỹ thu phát trong toàn quốc.
Một điều rất đặc biệt tuy là một gia đình tư sản nhưng bà Trịnh Thị Điền sống giản dị, hết lòng hết sức góp phần cho kháng chiến. Dịp Đại hội Phụ nữ ở Việt Bắc phát động cải cách ruộng đất, Bác Hồ đến dự, trong lời nói chuyện của mình với Đại hội, Bác nói về ý nghĩa của cải cách ruộng đất, căn dặn chị em phải thận trọng, Bác lấy trường hợp của Trịnh Thị Điền làm ví dụ. Người nói: Cô Thiện cũng là địa chủ nhưng lại theo cách mạng, giúp đỡ cách mạng, ví như bông sen ở gần bùn nhưng không dính bùn.
Với con cái, bà Trịnh Thị Điền là một tấm gương giáo dục các con mình về lòng yêu nước. Chiến dịch Điện Biên Phủ cần huy động nhiều nhân lực, vật lực, bà Trịnh Thị Điền đã xung phong đi dân công làm đường phục vụ chiến dịch. Con gái của bà là Đỗ Thị Liên lúc đó đang học lớp 8 ở Trường Tân Trào, Tuyên Quang cũng xung phong đi phục vụ chiến dịch và đó cũng là một nữ sinh duy nhất trong gần 30 học sinh của trường đi tham gia chiến dịch. Tiễn con gái đi, ông bà nói: Bố mẹ rất tiếc không có con trai lớn để tham gia đánh giặc, bố mẹ rất kiêu hãnh về việc làm này của con.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bà Trịnh Thị Điền được tham gia trong đoàn tiếp quản Thủ đô. Trong những ngày đầu hòa bình lập lại đó, Bà lại được đi học tại Trường Đại học Nhân dân đào tạo thanh niên đi xây dựng vùng kinh tế mới và kiến thiết Thủ đô. Bà cũng tham gia lớp học chính trị của trí thức Thủ đô. Sau đó, Bà được phân công về làm việc tại Ngân hàng Trung ương, được giao nhiệm vụ thành lập Công ty Mĩ nghệ Vàng bạc để quản lý thị trường vàng, bạc và đá quý và làm việc tại Ngân hàng Trung ương cho đến khi nghỉ hưu. Trong những năm từ 1972 đến 1976, bà Trịnh Thị Điền là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Năm 1991 bà Trịnh Thị Điền vinh dự được Đảng tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Đó là phần thưởng cao quý ghi nhận công lao đóng góp của Bà.
Cuộc đời bà Trịnh Thị Điền và gia đình gắn liền với chữ TÍN và chữ TÂM. Chữ TÍN đã giúp gia đình Bà thành công trong làm ăn kinh tế; Chữ TÂM đã giúp họ hết lòng vì Tổ quốc, suốt đời trung thành với Tổ quốc, với sự nghiệp chung, sẵn sàng hy sinh cho lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân. Như trong Thư chia buồn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi gia đình khi bà Trịnh Thị Điền qua đời: “…Đồng chí là một người phụ nữ mẫu mực đã suốt đời phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng từ những ngày đấu tranh gian khổ và hào hùng… Đồng chí để lại một tấm gương sáng cho các thế hệ phụ nữ chúng ta.”
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10) nhớ về thế hệ doanh nhân thời dựng nước càng thêm tự hào và tin tưởng đội ngũ doanh nhân trong thời hội nhập hôm nay.
TS Nguyễn Thị Tình