Chồi Tết

Hơn năm mươi năm sống ở rừng Nam Bộ, sống ở Sài Gòn, đứa con trai của vùng quê Nam Định là tôi hầu như không có tết, không có mùa xuân. Tết, với tôi là phải có mưa phùn gió bấc, có chồi có lộc mùa xuân. Khi cả đất trời quê hương phương Bắc cuối tháng Chạp là cái tủ lạnh, Sài Gòn vẫn nắng toát mồ hôi. Tôi ngồi thương nhớ những vầng mây trắng trong nồi thịt đông mẹ cất trong chạn, bên vại dưa sổi cải bắp trộn rau răm thơm mùi tết đang về…

Những năm còn bé, ngồi canh nồi bánh chưng đêm 29, 30 Tết rét cắt ruột, củi hết, đội mưa phùn, cậu bé tha mấy cành đào khô bị đẵn trước Tết vào chụm lửa khói um. Cành đào khô bằng cổ tay còn ươn ướt, nhóm mãi mới bén lửa. Hình như lửa cũng rét run trên thanh củi ướt, liu riu cố bám vào cành đào mà lẩy bẩy cua lột. Khi nồi bánh chưng đã luộc xong lúc 12 giờ đêm, còn vài nhánh đào khô chưa cháy hết, cậu bé mang chúng ra sân nhờ mưa phùn dập lửa …

Lạ lùng thay, sáng hôm sau, trên đoạn cành đào khô chưa cháy hết, chợt nhú ra một chồi tết bé tẹo, đỏ tươi như vệt máu vừa ứa ra khỏi vỏ. Ôi cái chồi, cái chồi xuân vẫn âm thầm sống trong thanh củi, nhờ mưa phùn đánh thức, sự sống vội vàng ứa ra, nứt ra, sợ đêm mai cành củi khô lại bị cho vào lò lửa thiêu sẽ không còn cơ hội chào đời… Nhưng than ôi, cái giọt sống trong cành củi khô vừa nứt thành chồi không còn đủ sức oa oa, nên nó đã chết ngay, đỏ như một giọt máu đọng lại, bầm tím… Sự sống, người vĩ đại lắm thay! Trong củi lửa, trong sự thiêu cháy, thiêng liêng thay, lửa tết vẫn đâm chồi, củi vẫn nứt chồi nảy lộc…

Và từ đó, tôi bị hội chứng chồi tết ám ảnh, chi phối cái nhìn của tôi - một cậu bé - vào thế giới, vào sự sống lại của mọi cái, mọi sự dầu đã tàn phai. Rằng hình như, các bạn ơi, sự mất đi trên đời này chỉ là sự hoán đổi từ tồn tại này sang một tồn tại khác? Lomonoxop, nhà bác học vĩ đại người Nga đã tìm ra định luật bảo toàn năng lượng: “Năng lượng không mất đi, chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác”… Từ đó, con người đã suy diễn thành quy luật: “Vật chất không mất đi, chỉ biến đổi từ trạng thái này sang một trạng thái khác”… Và Người ơi, vạn vật hình như chỉ là sự hoán đổi từ tồn tại này sang một tồn tại khác? Khi sống, tinh thần (hay linh hồn người) vẫn tồn tại trong vật chất có tên là thân xác. Thân xác, vật chất đem hỏa thiêu, linh hồn ơi, linh hồn về đâu, núp vào đâu mà tồn tại? Chịu!

Có thể, linh hồn kia tìm cây cỏ, tìm sương khói đầu thai thành chồi, thành lộc, thành hoa thành quả, thành gạo thành cơm sáng tạo lại mọi vật chất người trong tuần hoàn vĩnh cửu của sự sống… theo sự kỳ diệu vật chất hóa tinh thần và ngược lại?

Bản chất của thế giới này là lửa chăng? Mặt trời là một khối lửa khổng lồ vận hành thái dương hệ của chúng ta. Nếu một sát na (phần từ nhỏ nhất đo thời gian theo Phật giáo) nào đó, mặt trời bị tắt thì mọi sự sống trên trái đất chúng ta đều biến thành tro bụi. Nhưng bạn ơi, đừng sợ, khi nào những thanh củi khô còn chứa nổi sự sống hay chồi lửa trong thân mình, đang tìm cơ hội ứa ra, nứt ra như cành củi đào khô kia trong tuổi thơ tôi, thì ta còn hi vọng vào sự phục sinh của đời này trong vạn vật sinh sinh diệt diệt…

Hãy níu bám vào hiện tại, chỉ có hiện tại là đích thực như lời Phật dạy… Và chừng như chỉ có những chồi lửa, chồi tết đã đang và sẽ nhú ra khắp cây cành mùa xuân đưa kỷ niệm tôi vào những cái tết thời thơ bé là thiêng liêng, là mãi mãi trường tồn.

Sáng mùng Một Tết thuở ấu thơ, mở cửa ra thấy vạn vật đều đâm chồi nảy lộc nhú lên theo dáng những chồi lửa đâm ra từ những thanh củi đang cháy sưởi ấm con người qua đêm co ro rét, xuýt xoa tìm hơi ấm ổ rơm. Những chồi lửa bừng sáng trên cây bàng sưởi ấm cả vạt sương đang rét cóng trong gió se se mười lăm độ tê người. Cậu bé 9 tuổi đầu cùng đám bạn trẻ trâu chạy trên đường làng, không biết ai dạy, vừa chạy vừa hô: “Năm mới măn me, lấy que chọc đít”. Đúng là nhất quỷ nhì ma thứ ba con nít, chúng không hiểu được câu đồng dao có phần thô tục kia ý nghĩa thế nào, cứ quen miệng, tết nào cũng hô vung vít… Thế là tất cả cùng cười, rồi chạy tọt về nhà chờ mẹ cha mừng tuổi.

Mừng tuổi cây cỏ sớm mùng Một Tết, cậu trai chạy vào nhà, sà ngay vào bếp có ngọn lửa ấm với thanh củi sưởi đang mọc trăm chồi lửa liu riu… Chính những chồi lửa này từ thanh củi bếp đã theo khói cuốn quanh cây bàng, thắp lên trăm nghìn chồi lửa đỏ như son làm ấm mùa xuân…

Tuổi thơ tôi nghèo đói, chỉ tết đến mới có miếng thịt. Chao ôi, đói và rét ăn cái gì cũng ngon tuyệt, huống hồ là thịt đông dưa hành, bánh chưng giò chả. Có rét, rau húng quế, mùi tàu, thì là, rau răm mới thơm. Thoang thoảng trong gió rét mùi tía tô kinh giới lẫn mùi thơm khói bếp làm ấm lòng cậu bé vừa lội xuống ao vớt bèo cho lợn. Rét nghĩ đến ngọn lửa, nghĩ đến mẹ, nghĩ đến ổ rơm nghĩ đến tro trấu đống hun là ấm như vừa được đắp chăn bông chờ cỗ Giao thừa. Thật hạnh phúc cho ai còn mẹ, còn được rét, còn được cả nhà ngồi quanh nồi bánh chưng đang sôi chờ năm mới đến. Nhờ có rét, ta mới yêu ngọn lửa hơn, yêu ổ rơm hơn, yêu khói bếp ra ràng trên mái rạ thơm nâu hơn.

Hơn nửa thế kỷ sống ở trời Nam không có rét, không có mùa đông, kẻ tha hương này khao khát được khoác mưa phùn đi mừng tuổi mùa xuân. Và gió bấc ơi, tiếng hú của người trên các vòm lá chuối, trên các bụi tre, trên các đầu hồi nhà có những ống luồng chìa ra như ống sáo sao thân thương, gan ruột tha thiết dường vậy?

Thân xác tôi đón Tết Sài Gòn mà hồn vía bị mưa phùn gió bấc mang đi trong tiếng bờ tre rét run cầm cập, ào ào trút lá nơi đường làng đang tiễn chiếc lá bàng đỏ lửa cuối cùng đi với mùa đông, nhường chỗ cho những búp bàng đỏ cháy đón xuân về.

Búp bàng ơi, búp tết ơi, búp lửa riu riu trên thanh củi ướt ơi, không có các người sao tôi có hứng khỏi đón xuân về? Có lần tôi đã ví Hà Nội là nụ hoa đào vĩ đại nở ra từ cành đào Sông Hồng thắm đỏ. Hà Nội ơi, giữ cho tôi hồn tết này trong giá rét; giữ cho tôi những ban mai rét ngọt khi mặt trời nhú lên như một chồi lửa sưởi ấm tâm hồn ông cha suốt bốn nghìn năm đổ máu xương gìn giữ đất này… Làm sao tìm lại tuổi thơ tôi, với những Giao thừa ngồi canh nồi bánh chưng nhìn muôn chồi lửa mọc lên sự sống, mọc lên sự ấm, mọc lên buồn vui cả cuộc đời tôi được cuốn trong ổ rơm, cuốn trong chăn đụp của mẹ, của đất Bắc nhớ thương cồn cào mưa phùn gió bấc.

Chế Lan Viên từng có câu thơ thật hay: “Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét”. Người sinh ra từ đất Bắc sống tại trời Nam này mới hiểu nỗi nhớ rét thấm thía nhường nào. Cha ông ta đã mang nỗi nhớ rét vô bờ này đi mở ra một nửa đất nước. Cám ơn những búp lửa tết, búp bàng mùa xuân đỏ hơn lửa đã sưởi ấm hồn tôi trong nỗi nhớ rét dày vò, nhớ mùi vị ngày tết quê hương mà phương nam không có được. Đêm nay ngồi giữa Giao thừa nóng bức Sài Gòn, tôi chợt nhớ thương những búp bàng, búp lửa ngày xưa, khe khẽ ru ngọn lửa thân yêu:

“Trong tro ru lửa ngủ ngon

Để mai lửa lớn lửa còn thiêu anh”…

Cám ơn những búp lửa tuổi thơ đã sưởi ấm hồn tôi suốt bao năm tha phương cầu thực. Và lửa ơi, lửa sẽ còn ôm tôi đi vào vĩnh cửu đời đời, hi vọng tái sinh thành cỏ hoa Đất Bắc dấu yêu, cho hồn tôi hòa tan vào mưa phùn gió bấc mà ăn cái tết thiên thu với: “Nhớ thịt đông mây trắng ngủ trong nồi”...

Tùy bút của TRẦN MẠNH HẢO

Top