Hồ Chí Minh và 5 điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc
Tháng 8-1942, trước yêu cầu mới của cách mạng Việt Nam, lấy tên mới là Hồ Chí Minh, Bác sang Trung Quốc liên lạc với tổ chức người Việt Nam yêu nước ở đó và liên lạc với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vừa qua khỏi biên giới, Người đã bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt tại phố Túc Vinh, huyện Đức Bảo, tỉnh Quảng Tây ngày 27-8-1942. Hơn một năm, từ ngày 28-9-1942 đến 10-9-1943 Người bị giải tới, giải lui khắp 13 huyện/ 18 nhà lao ở Quảng Tây.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nhịp Bài ca Kết đoàn, năm 1960. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Với hơn 130 bài thơ liền mạch nói rõ hoàn cảnh, lý tưởng, quyết tâm và hơn nữa là một tuyên ngôn, cuốn sổ tay viết nhật ký bằng thơ được Người giữ gìn cho đến mãi sau này. Sau Cách mạng tháng Tám thành công và những ngày kháng chiến gian khổ, tập thơ cũng hành trình trên những chặng đường cùng tác giả chiến đấu giành độc lập, tự do. Đến tháng 9-1955 trong cuộc triển lãm về thắng lợi của cuộc cải cách ruộng đất ở phố Bích Câu, Hà Nội, chào mừng mười năm Quốc khánh nước Việt Nam DCCH, Bác đến xem và chính Người tặng cuốn sổ cho Ban tổ chức triển lãm. Cuốn sổ được trưng bày trong triển lãm và ngày 13-9-1955, lần đầu tiên Báo Nhân Dân đã giới thiệu cuốn nhật ký đặc biệt này. Sau đó tập nhật ký đặc biệt của Bác được chuyển lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) cho đến ngày nay.
Bác Hồ đọc văn bia tại chùa Côn Sơn, tỉnh Hải Dương, tháng 5-1965
Cuốn nhật ký của Bác gồm hai phần. Phần nhật ký bằng thơ chữ Hán và phần ghi chép bằng văn xuôi cũng bằng chữ Hán. Phần thứ hai này chủ yếu Người ghi trong thời gian từ tháng 9-1943 đến tháng 9-1944 sau khi được trả tự do, nhưng vẫn bị chính quyền quản thúc tại Tổng hành dinh Đệ tứ quân khu của tướng Trương Phát Khuê ở Liễu Châu, Trung Quốc. Đó là những trang ghi chép về thời sự trong và ngoài nước, những sự việc cần cho Bác, không thành hệ thống, không phải để cho người khác xem, không phải để xuất bản. Tuy nhiên, trong ghi chép dưới tiêu đề “Mục đọc sách”, “Mục đọc báo”, Bác ghi xen trong những bài thơ cuối cùng thời gian vẫn còn bị trong tù. Chính trong những ghi chép ấy, Bác đã ghi lại một số suy nghĩ về văn hoá và xây dựng nền văn hoá dân tộc Việt Nam sau khi giành được độc lập.
Bác Hồ dự cuộc ngâm thơ, bình thơ của các cụ phụ lão và các nghệ sĩ nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, ngày 5-2-1962. (trong ảnh: Nghệ sĩ Nguyễn Thị Phúc đang ngâm thơ)
“Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn.
Năm điểm lớn xây dựng nền văn hoá dân tộc:1-Xây dựng tâm lý: Lý cách, tinh thần độc lập tự cường. 2-Xây dựng luân lý: Biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng. 3-Xây dựng xã hội: Mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội. 4- Xây dựng chính trị: dân quyền. 5- Xây dựng kinh tế.
Nội dung định nghĩa của UNESCO về văn hoá năm 1994 như sau: Văn hoá là tổng thể sống động các hoạt động và sáng tạo trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu. Những nguyên tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc.
Bác Hồ xem hoa văn trên trống đồng Đông Sơn trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, ngày 13-2-1961
Với định nghĩa của mình, Hồ Chí Minh cho ta thấy đó là một quan niệm vừa đầy đủ lại vừa cụ thể. Theo đó, văn hoá được hiểu theo cả ba nghĩa rộng, hẹp và rất hẹp. Theo nghĩa rộng, văn hoá là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra cùng với phương thức sử dụng chúng, nhằm đáp ứng lẽ sinh tồn, đồng thời đó cũng là mục đích của cuộc sống loài người. Theo nghĩa hẹp, Người khẳng định: Muốn xây dựng nền văn hoá dân tộc thì phải xây dựng đồng thời tất cả các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức, tâm lý con người. Điều đặc biệt trong suy nghĩ của mình về văn hoá Bác đã đánh giá và rất nhấn mạnh vai trò của con người. Văn hoá Việt Nam phải xây dựng được con người Việt Nam có “tinh thần tự lập tự cường. Biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng.” Cũng như sau này Người khẳng định: Vô luận việc gì đều do con người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả. Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực. Con người là mục tiêu tức là mọi chủ trương đường lối của Đảng và Chính phủ đều vì lợi ích chính đáng của con người, cả lợi ích lâu dài, trước mắt, lợi ích dân tộc, bộ phận, giai cấp, tầng lớp, cá nhân. Con người là động lực, tuy nhiên không phải mọi con người đều trở thành động lực mà phải là những con người được giác ngộ và tổ chức. Họ phải có trí tuệ và bản lĩnh, có văn hoá, đạo đức, được nuôi dưỡng trên nền tảng truyền thống lịch sử và văn hoá hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Chính trị, văn hoá, tinh thần là động lực cơ bản trong động lực con người. Chính vì vậy sau này Bác nhấn mạnh: Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần chú ý đến và cần phải coi trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá. Nhưng văn hoá là một kiến trúc thượng tầng. Theo nghĩa rất hẹp, văn hoá đơn giản là trình độ học vấn của con người, thể hiện ở việc Bác yêu cầu mọi người phải học văn hoá, xoá nạn mù chữ. Học là thu nhận tri thức để nâng cao văn hoá, tri thức càng cao thì ứng xử càng văn hoá.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đền Brôbađia, một công trình văn hóa tại Inđônêxia, tháng 2-1959.
Nhật ký trong tù là một văn kiện lịch sử, một tác phẩm lớn, chứa đựng ý nghĩa giáo dục trong kho tàng di sản nói chung của Việt Nam. Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc sinh thời đã nhận xét: Tập thơ Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh là một kho tàng về biết bao khía cạnh của cuộc đời, con người và nghệ thuật mà sự phong phú còn cần được nghiên cứu.
Nhà văn Trung Quốc Quách Mạc Nhược thì đánh giá: Về thơ mà xét, tức là xét theo quan điểm giá trị nghệ thuật, thì trong tập thơ có rất nhiều bài thơ hay, có một số bài rất hay, nếu như đặt lẫn vào trong tập thơ của những thi nhân đời Đường đời Tống, thì cũng khó mà phân biệt được.
Bản thảo cuốn Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù)- độc bản, duy nhất đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 1 tháng10 năm 2012, công nhận là Bảo vật quốc gia.
TS Nguyễn Thị Tình
UVBCH Hội DSVH Việt Nam, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh
* “Phải làm thế nào cho văn hoá vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hoá phải sửa đổi được tham nhũng, được lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Tâm lý của ta lại còn muốn lấy tự do độc lập làm gốc. Văn hoá phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời, văn hoá phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình. Đối với xã hội, văn hoá phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông lẫn đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng. Số phận của dân tộc là ở trong tay dân ta. Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi”. Hồ Chí Minh - Diễn văn khai mạc Hội nghị văn hoá toàn quốc, ngày 24-11-1946
* “Dân làm chủ thì Chủ tịch, Bộ trưởng, Thứ trưởng, uỷ viên này khác thì làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng.” Hồ Chí Minh - Nói chuyện với đại biểu nhân dân thành phố Hải Phòng, ngày 10-5-1957 * “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý…Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm… Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm… Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn…Càng giàu có, càng cần làm đời sống mới, càng dễ giúp cho đồng bào làm đời sống mới. Nếu một mình no ấm, mà nỡ để đồng bào xung quanh đói rét, đến khi giặc cướp lung tung, thì dù giàu cũng không hưởng được… Nghèo mà làm đời sống mới thì có ngày trở nên đầy đủ. Tục ngữ có câu:”Tay siêng làm, thì hàm có nhai.” Hồ Chí Minh - Đời sống mới, ngày 20-3-1947 * “Văn hoá Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hoá Đông phương và Tây phương chung đúc lại… Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt ta học lấy để tạo ra một nền văn hoá Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hoá xưa và văn hoá nay, trau dồi cho văn hoá Việt Nam thật có tinh thần thuần tuý Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ.” Hồ Chí Minh - Diễn văn khai mạc Hội nghị văn hoá toàn quốc, ngày 24-11-1946 |