Chợ Nồi Rang - Chợ 300 tuổi

Chợ Nồi Rang (thôn 3, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) hình thành cách đây khoảng 300 trăm năm trên một mảnh đất tiếp giáp cả 3 địa danh mạnh về đường sông là Duy Xuyên, Thăng Bình và Hội An. Đây cũng là điểm nghỉ chân trung chuyển cho nhiều chuyến đò ngược Thu Bồn hay xuôi về Cửa Đại ra biển. Thế nên, ngay từ ngày đầu những năm cuối thế kỷ XIX, Nồi Rang thực sự trở thành địa điểm trao đổi hàng hóa sầm uất. Ngôi chợ này mang khá nhiều nét văn hóa của đất và người Quảng Nam.

Theo lời kể của những bậc cao niên đây, chợ Nồi Rang có sự tích khá thú vị. Trên hành trình Nam Tiến, người Việt đã chọn mảnh đất này làm nơi an cư, lập nghiệp. Làng quyết định lập chợ. Tương truyền, chợ vừa mới được mở sát mép bờ sông thì gặp phải một vụ mùa thất bát, chợ đìu hiu vì không ai có sản vật gì để bán. Năm đó, có một lão nông vì túng thiếu, ông đã tự nhào đất rồi nặn ra nhiều nồi rang, nung kỹ để đem bán. Không hiểu trời xui đất khiến thế nào, lão đã neo chiếc ghe nhỏ nơi bến nước rồi bước lên bờ để “khai trương” ngôi chợ mới này. Và chính ông cũng như những cái nồi đất rang của mình đã “khai sinh” nên tên chợ cho đến tận bây giờ.

Món hàng đầu tiên được bày bán ở chợ là nồi đất, nhưng trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nồi rang giờ không phải là thứ hàng hóa đặc biệt tại đây. Trong chợ có đa dạng những mặt hàng hiện đại theo nhu cầu của bà con các xã vùng ven nhưng vẫn không thiếu những món hàng truyền thống, những đặc sản của làng quê. Thứ hàng độc đáo nhất là tro. Tro từ bếp đun của người dân, tro từ rơm rạ ngoài đồng, tro từ lá…được đóng bao cẩn thận rồi theo những chuyến đò dập dềnh, theo quang gánh trĩu nặng của các chị, các mẹ vào chợ Nồi Rang.  Mỗi bao tro nặng chừng 20-22kg có giá từ 35.000-55.000 đồng. Chợ tro có từ khi lập chợ và vẫn tồn tại đến bây giờ, là “cần câu cơm” của biết bao thế hệ phụ nữ nghèo nơi đây.

Chợ Nồi Rang hình thành cách đây khoảng 300 trăm năm

Đất đai cằn cỗi, người Duy Nghĩa bao đời khó trồng cây gì cho tốt tươi. Thế cho nên, nhu cầu về phân bón cho hoa màu trồng trên cát khi nào cũng có. Ngày xưa, ngoài việc dùng phân chuồng để trồng rau thì tro bếp hầu như nhà nào cũng dùng. Nghề bán tro ra đời. Để chuẩn bị cho phiên chợ sáng, nhiều chị em phải cật lực một ngày vào từng nhà người dân mua tro bếp từ các xã Duy Phước, Duy An, Duy Thành… Mỗi bao đầy phải hốt ít nhất 20 bếp mới đủ, gặp may thì chỉ cần hốt đống tro rơm giữa đồng thì được chừng hai bao. Người mua cũng không ai có nhiều nghi ngờ đến mức phải đong đo cân nặng từng bao. Có trả giá chỉ bớt 1 nghìn lấy may mong cho cây cối, rau màu tốt tươi. Thường thì trước khi “thuận mua”, người đi chợ yêu cầu người bán gỡ nắp bao bằng rơm để họ xem qua chất lượng tro. Một hồi nhìn kỹ, sờ, bốc từng nắm tro, cảm thấy “hàng tốt” là người mua trả tiền rồi vác bao tro ra về.

Ngày trước, chợ được xây dựng khá đơn giản. Chợ có 2 dãy lều đều được lợp bằng lá dừa. Dưới lót đá ong. Cũng như nhiều chợ khác ở Quảng Nam, chợ Nồi Rang cũng có nhiều bước thăng trầm. Trong kháng chiến chống Pháp, chợ không thể hoạt động vì máy bay Pháp thấy chợ họp, người đông, chúng sẽ thả bom. Nhưng, không vì thế chợ dẹp hẳn. Khuya, người ta vẫn gánh củi lên bến sông chợ Nồi Rang. Từ đó, có người mua chở bằng ghe đi. Sau Hiệp định Giơ ne vơ 1954, chợ Nồi Rang được mở lại. Đến 1964, chiến tranh ác liệt nên chợ không tồn tại. Từ ngày giải phóng đến nay, chợ Nồi Rang ngày càng thu hút bà con đến kinh doanh buôn bán. Các mặt hàng, sản phẩm cũng phong phú, đa dạng, từ mỹ phẩm đến quần áo, giày dép, hàng tiêu dùng, hàng thực phẩm… kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân quanh vùng. Trước tình hình ấy, năm 1992, một ngôi chợ mới, khang trang và bề thế được chính quyền quy hoạch, đầu tư, xây dựng. Địa điểm xây dựng chợ mới cũng nằm gần ở khu chợ cũ. Đặc biệt, danh xưng chợ Nồi Rang vẫn còn tồn tại, như minh chứng cho sự tiếp nối bề dày truyền thống văn hoá của một ngôi chợ đã đi vào huyền thoại, tồn tại trong tâm trí, ký ức của nhiều thế hệ người dân ở vùng đất này.

Mặc dầu tồn tại giữa nhịp sống hiện đại, nhưng nét văn hóa quê vẫn in đậm dấu ấn của văn hóa đất Quảng. Chợ Nồi Rang cách bến sông không xa, đây là khu chợ đã được di dời từ chợ cũ sát bến sông Thu Bồn. Những chiếc thuyền chở ăm ắp hàng hóa tới tấp cập bến. Tiếng người gọi nhau rộn rã nơi bến sông. Những người bán hàng ở chợ Nồi Rang là các bà, các mẹ hồn hậu, chất phác. Họ không chèo kéo hay vồn vã mời chào khách,  bởi họ có cách tiếp thị của riêng mình, mộc mạc, chân chất nhưng cũng rất ý nhị và sâu sắc.

Thúy Anh

Top