Ca trù Thanh Tương
Theo truyền thuyết, thôn Thanh Tương nằm ở ngay cửa Bắc thành Luy Lâu bên bờ sông Đuống xưa. Dưới thời đô hộ của nhà Hán, người làng đã có nghề ca hát phục vụ quan lại cai trị đóng ở trong thành. Năm 40, Hai Bà Trưng kéo quân về hạ thành, ca nương Biểu Phật Nương, người Thanh Tương đã làm nội ứng mở cổng thành cho quân Hai Bà kéo vào như thác lũ khiến Thái thú Tô Định phải xé rào lên thuyền con chạy trốn. Biểu Phật Nương trở thành nữ tướng tuỳ tùng của Hai Bà. Sau khi khởi nghĩa Hai Bà Trưng thất bại, dân Thanh Tương đã lập đền thờ tưởng nhớ nữ tướng Biểu Phật Nương. Làng Thanh Tương còn được biết đến với tên gọi làng Tướng từ đó.
Người có công truyền dạy và hồi sinh làng nghề ca trù Thanh Tương vào thời Lê là vợ chồng ca nương Nguyễn Thị Hoa, thuộc họ Nguyễn Trọng của làng. Hiện vợ chồng ca nương Nguyễn Thị Hoa được coi là tổ nghề và có tượng thờ tại dòng họ, do ông Nguyễn Trọng Năng, 65 tuổi, trông nom.
Trong dòng chảy văn hóa của dân tộc, Ca trù Thanh Tương đã từng làm say đắm biết bao những thế hệ tao nhân mặc khách chốn phồn hoa, tạo nên một không gian văn hóa riêng, gắn liền với xứ sở của chùa Dâu, chùa Bút Tháp và thành Luy Lâu - trung tâm Phật giáo của quốc gia phong kiến Đại Việt xưa. Cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, người Thanh Tương cũng luôn nhắc nhở nhau phải biết giữ lề thói quê nhà, giữ đạo làm nghề. Cũng vì vậy mà Ca trù làng Tướng được xã hội phong kiến đương thời trân trọng tôn vinh. Nghệ thuật Ca trù đã như sợi tơ hồng chắp mối lương duyên cho nhiều thôn nữ Thanh Tương với những bậc văn nhân, hiền sỹ tài danh.
Thời kỳ thuộc địa nửa phong kiến, nghệ thuật Ca trù nói chung bắt đầu có những biến thể. Đâu đó ở Khâm Thiên, Ngã Tư Sở giữa đất kinh kỳ người ta có thể bắt gặp những cô đầu rượu, cô đầu ca kỹ. Trong ánh mắt người đời khi ấy nhìn những đào kép cầm phách gõ trống, đàn hát ca trù mất dần sự ưu ái thiện cảm. Ca trù được xem như thú mua vui tiêu sầu hạ đẳng của một nhóm thị dân. Người hát Ca trù chân chính đã biết tự vượt lên chính mình, khẳng định sự trường tồn của bộ môn nghệ thuật đặc sắc, đầy tính bác học này. Tuy vậy, nghiệp cầm ca của người dân làng Tướng cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Người học hát dần thưa vắng trong khi lớp người biết hát ngày một già đi. Người làng Tướng sẽ mãi không quên những giọng ca vàng nơi thôn quê của cụ Thủy, cụ Toàn, cụ Thông; gia đình Ca trù nhà cụ Thai cho dù họ đã về nơi chín suối.
Số người biết hát Ca trù ở Thanh Tương hiện thời chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lớp nghệ nhân già thuở trước còn nhớ tới các cụ Nguyễn Thị Kỳ, Nguyễn Thị Dây và Nguyễn Thị Thiệp - ba chị em trong một dòng họ. Mỗi người một cung bậc khác nhau những ở họ đều có một điểm chung là vốn hiểu biết uyên thâm và lòng đam mê nghệ thuật Ca trù. Đáng tiếc là cụ Kỳ, cụ Dây cũng đã về với tiên tổ ở tuổi 80. Cả làng chỉ còn duy nhất cụ Thiệp - người được ví như báu vật nhân văn sống của địa phương cũng đã ngoài 80 tuổi. Đi hát từ năm 16 tuổi, bằng khả năng nhạc cảm, thẩm âm và trí nhớ mẫn tiệp của mình, cụ Thiệp đã thuộc nằm lòng 36 điệu hát Ca trù cổ, từ “Chinh phụ ngâm” cho đến các điệu “Tỳ bà” “Cung Bắc”, “Gửi thư”. Hồi trẻ cụ theo gia đình đi phục vụ hát cửa đình, hát đám cưới, hát khao vọng khắp vùng. Sau đó theo vợ chồng anh chị là tay đàn Nguyễn Hồng Thái và ca nương Nguyễn Thị Vóc ra Khâm Thiên, Hà Nội mở nhà tơ. Riêng làng Thanh Tương có đến 40 ca nương và hàng trăm tay đàn tay trống kiếm ăn ở phố cô đầu này. Sau Cách mạng tháng Tám, ông trùm Hồng Thái mất sớm, rồi kháng chiến bùng nổ, gia đình thôi làm nghề ca hát ở Khâm Thiên về quê làm ruộng. Loạn lạc làm tan nát làng nghề.
Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Thiệp đang miệt mài dạy hát tại câu lạc bộ Ca trù Thanh Tương.
Năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng nghệ nhân Ca trù Nguyễn Thị Thiệp vẫn luôn tâm huyết, đau đáu với việc lưu giữ và truyền dạy Ca trù. Hiện nay, cụ Thiệp cũng là một trong số rất ít người ở Bắc Ninh còn hiểu sâu về Ca trù và là người tiên phong nguyện tìm người để truyền nghề nhằm ươm mầm những nghệ sỹ tương lai cho Ca trù. Bất kể ở đâu có người yêu mến Ca trù, cụ Thiệp đều sẵn sàng, đem lời ca, tiếng hát đầy nhiệt huyết truyền dạy. Chính sự nặng lòng và đau đáu trong tiềm thức việc lưu giữ Ca trù - Một loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp, từ năm 2002 đến nay cụ Nguyễn Thị Thiệp đã đi khắp nơi dạy hát và tìm người chân truyền. Đặc biệt cuối năm 2011, cụ Thiệp đã vinh dự được Bộ VHTTDL tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp VHTTDL và là người duy nhất của tỉnh Bắc Ninh được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tặng Bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Có được thành quả này, Nghệ nhân Nguyễn Thị Thiệp đã phải trải qua rất nhiều thời gian luyện rèn vất vả công phu với niềm khát khao cháy bỏng lưu giữ và bảo tồn.
Theo những nghệ nhân làng Tướng, nghệ thuật hát Ca trù tự thân đã đòi hỏi ở người biểu diễn những tố chất đạt đến độ tinh xảo, điêu luyện về thanh âm, độ luyến láy, nhả chữ. Người hát đồng thời phải biết gõ phách, đi liền theo đó là người đánh trống trò, người chơi đàn đáy. Tất cả phải đạt sự phối hợp nhuần nhuyễn. Người biểu diễn đã vậy, về phần người thưởng thức Ca trù cũng đòi hỏi phải đạt đến độ hiểu biết nhất định. Nhiều khi người nghe đồng thời còn gõ phách, đánh trống trò theo nhịp hát. Để thưởng thức trọn vẹn sự tinh tế của nghệ thuật Ca trù, thông thường nơi biểu diễn chỉ là một khán phòng nhỏ với không gian trầm ấm thân tình. Sự giao hòa đồng điệu giữa người hát và người thưởng thức sẽ giúp cho mỗi cá nhân xua tan những u uẩn trong lòng, tìm lại được cảm giác thư thái tĩnh tại giữa cuộc đời ồn ã. Nói nghệ thuật Ca trù vừa mang đậm bản sắc dân gian vừa hàm chứa yếu tố hàn lâm bác học là như vậy.
Thanh Tương hiện đã có một tổ Ca trù do Chi hội Người cao tuổi thôn đứng ra tổ chức. Tại Liên hoan Ca trù toàn quốc 2011 do Viện Âm nhạc Việt Nam kết hợp với Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức, CLB Ca trù Thanh Khương là đại diện của tỉnh tham dự với hai tiết mục ở thể loại hát thi của ca nương Thanh Tân và Kim Tuyến, góp phần tạo nên một bức tranh toàn cảnh về Ca trù Việt Nam. Vinh dự cho Bắc Ninh có cụ Nguyễn Thị Thiệp là một trong 12 người toàn quốc được phong tặng Nghệ nhân dân gian Ca trù.
Là môn nghệ thuật độc đáo, đặc sắc nhưng rất khó, nên Ca trù không thể ngày một, ngày hai tìm lại được vị trí trong đời sống văn hóa, văn nghệ phong phú của người dân hôm nay. Khó trước hết là kinh phí. Không có tiền đầu tư truyền dạy nghề thì không thu hút được người theo học. Nghệ nhân Nguyễn Thị Thiệp dạy hát không công mấy năm ròng vẫn chưa tìm được người hát ưng ý. Theo cụ Thiệp, cái khó nhất là chất giọng bởi đặc thù của Ca trù là cần chất giọng. Người học nắm được lề lối đã khó, nhưng chất giọng kém cũng không sử dụng được. Thế hệ trẻ Thanh Tương thì đang quay lưng lại với Ca trù, mải mê với những trào lưu văn hóa thịnh hành khác. Đã vậy, họ cũng không muốn người thân của mình tiếp tục đàn ca, cho dù chỉ là hát nơi của đình hoặc dịp hội hè đình đám. Chính cách nghĩ này đã khiến cho nghệ thuật Ca trù làng Tướng đang dần khép lại. Dân sở tại thì thờ ơ, trong khi không ít người lặn lội từ xa tìm về Thanh Tương để học hát Ca trù. Đơn cử như một số thành viên Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội hàng năm vẫn về làng Tướng để sưu tầm, học hỏi, bổ sung thêm vốn Ca trù từ các nghệ nhân.
Tuy nhiên, với thế mạnh là xứ sở của đình, đền, chùa, lễ hội, Bắc Ninh có rất nhiều thuận lợi trong giúp Ca trù hồi sinh, nhất là loại hình hát cửa đình. Nếu phát huy được, Ca trù sẽ trở thành một “đặc sản” của mảnh đất văn hiến Bắc Ninh - Kinh Bắc. Dưới sự dìu dắt của những con người đầy lòng nhiệt huyết với Ca trù như Nghệ nhân Nguyễn Thị Thiệp, hy vọng rằng một lớp ca nương trẻ sẽ tiếp bước con đường gìn giữ Ca trù của những nghệ nhân đi trước. Góp phần bảo tồn và gìn giữ cho vùng đất Kinh Bắc ngàn năm văn hiến một di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc.
Hồng Chinh