Cao nguyên đá Đồng Văn - một bảo tàng thiên nhiên độc đáo

Bên cạnh những giá trị về địa chất, địa mạo, cảnh quan…Cao nguyên đá Đồng Văn còn chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc cư trú ở nơi đây.

Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở phía Bắc tỉnh Hà Giang có độ cao trung bình từ 1400m-1600m thấp dần từ Bắc xuống Nam. Theo kết quả khảo sát của các nhà khoa học địa chất, đây là vùng rìa chuyển tiếp giữa cao nguyên Vân Nam (Trung Quốc) với vùng Trung du Bắc Bộ nước ta. Hiện trên Cao nguyên đá Đồng Văn đã phát hiện và xác định được hàng loạt các di sản địa chất và tự nhiên có ý nghĩa quốc gia và quốc tế thuộc các lĩnh vực lịch sử tiến hóa của trái đất, đa dạng địa chất, đa dạng cổ sinh địa tầng về cảnh quan danh thắng.

Có thể xếp theo các chủ đề tiêu biểu sau:

Các di sản về lịch sử tiến hóa của trái đất

Hiện nay, nghiên cứu đã phát hiện rất nhiều điểm nhưng tiêu biểu nhất là 5 điểm di sản độc lập và 2 khu vực di sản phức hợp, phản ánh rõ nét sự tiến hóa của vỏ trái đất đặc trưng cho đới nền động, bị cải biến mạnh trong Đại Palezoi sớm giữa. Đặc biệt, tại khu vực Lũng Cú (Đồng Văn) có thể theo dõi  sự phát triển vỏ trái đất một cách sinh động từ 545 triệu năm trở lại đây qua các đại cổ sinh, trung sinh, tân sinh. Dọc tuyến đường Đồng Văn – Mã Lé – Lũng Cú, có thể theo dõi trên các mặt địa chất – các vách taluy đường, sự thể hiện đa dạng về môi trường cổ địa lý, cổ sinh vật, các hoạt động kiến tạo…

Hiện trên Cao nguyên đá Đồng Văn đã phát hiện và xác định được hàng loạt các di sản địa chất và tự nhiên có ý nghĩa quốc gia và quốc tế. (Ảnh:TL)

Vùng Cao nguyên đá Đồng Văn rất phong phú và đa dạng về cảnh quan danh thắng:

Đỉnh Lũng Cú cách trung tâm thị trấn Đồng Văn 24km, có độ cao gần 1500m, là điểm cao cực Bắc Việt Nam. Những ngọn núi nơi đây có tính xếp lớp đơn nghiêng của đá trầm tích hệ tầng Chang Pung, loại đá hình thành sớm nhất và cổ nhất trên cao nguyên Đồng Văn. Trên ngọn núi Rồng, hùng vĩ cột cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay giữa trời xanh, khẳng định chủ quyền của đất nước ta. Lá cờ rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam quyết tâm đoàn kết, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam. Từ đỉnh Lũng Cú  chúng ta thỏa sức phóng tầm mắt ngắm cảnh núi non trùng điệp, những bản làng còn giữ nguyên những nét hoang sơ và cảm nhận được Tổ quốc ta hùng vĩ đến nhường nào, trong lòng trào dâng niềm tự hào dân tộc, thấy được sự thiêng liêng nơi biên cương cực Bắc.

Đỉnh Mã Pì Lèng - “Đệ nhất hùng quan” nằm trên tuyến đường Đồng Văn, Mèo Vạc, cách thị trấn Đồng Văn khoảng 10km. Đây là một cảnh quan địa mạo hiếm có, đứng trên đỉnh Mã Pì Lèng - ngỡ với được tới trời, nhìn xuống dòng sông Nho Quế (thấp hơn đỉnh đèo gần 1000m) như một dải lụa màu chạy dưới chân núi. Sườn núi dốc đứng tạo sự hùng vĩ với các đứt gãy và chuyển dịch địa tầng lớn trong vỏ trái đất, cảm nhận được sức mạnh lớn lao của các lực lượng trong tự nhiên.

Đường đỉnh đèo Mã Pì Lèng còn là nơi tiêu biểu ghi dấu sự kiện mở đường Hạnh Phúc: Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc, sự kiện này được coi như một kỳ tích của đồng bào các dân tộc Hà Giang, nơi đây có một tấm bia đá khắc ghi cuộc trường chinh phá đá mở đường.

Đỉnh Mã Pì Lèng - “Đệ nhất hùng quan” nằm trên tuyến đường Đồng Văn, Mèo Vạc, cách thị trấn Đồng Văn khoảng 10km. (Ảnh: TL)

Các “vườn đá”, “rừng đá” rất đa dạng và phong phú. Quá trình karst trong vùng có sự đa dạng địa chất cao, cùng với sự thay đổi của khí hậu đã tạo ra các vườn đá, rừng đá có những đặc điểm khác nhau, tạo ra những hình thù, hình dạng rất kỳ thú và hấp dẫn như vườn đá Khâu Vai (Mèo Vạc) các chóp đá thường có dạng bông hoa, nụ hoa, nhành hoa với muôn vẻ; vườn đá Lũng Pù (Mèo Vạc)  thì mỗi chóp đá, tảng đá, tháp đá lại có hình thù kỳ dị: rồng cuộn, hổ ngồi…cùng với các loại cây địa y, lan…làm cho vườn càng trở nên sinh động hấp dẫn, khác với vườn đá Khâu Vai, Lũng Pù, bãi Hải Cẩu Vần Chải (Đồng Văn) các sản phẩm phong hóa karst là lớp lớp các phiến đá tròn nhẵn xếp gối lên nhau, trông tựa như đàn hải cẩu hàng nghìn con, đen bóng tựa vào nhua nghỉ trên “bãi biển” bình yên, tạo cho người xem cảm giác bất ngờ, ngạc nhiên.

Các đỉnh kim tự tháp: đây là dạng cảnh quan khá phổ biến ở khu vực Đồng Văn (được các nhà khoa học địa chất gọi là chóp karst kiểu Đồng Văn). Những dãy núi có dạng kim tự tháp nối tiếp nhau cao ngất trời, có độ dốc lớn, đỉnh nhọn sườn dốc, vách đá tai mèo…rất độc đáo tạo cho Cao nguyên đá Đồng Văn một sự uy nghi hùng vĩ.

Hệ thống hang động trên Cao nguyên đá Đồng Văn cũng là sản phẩm của quá trình hoạt động tiến tạo karst, có ý nghĩa khoa học đồng thời cũng là những điểm tham quan du lịch rất lý thú như: hang Dơi, động Nguyệt ở Phó Bảng, hang Rồng ở Sảng Tủng (Đồng Văn), hang Khố Mỷ ở Tùng Vài (Quản Bạ), động Én ở Vần Chải (Đồng Văn).

Cao nguyên đá Đồng Văn (Ảnh: TL)

Sự đa dạng sinh học trên Cao nguyên đá Đồng Văn được các nhà khoa học sinh thái đánh giá là vùng có hệ địa-sinh thái núi đá độc đáo và đa dạng. Những quần xã rừng nguyên sinh còn tương đối nguyên vẹn, có nhiều gỗ, lâm sản và các loài thuốc quý như: nghiến, thông đá, dẻ, thảo quả, đỗ trọng, nấm hương…Đặc biệt, trên những hoang mạc đá ở Cao nguyên Đồng Văn có tới trên 40 loài lan điển hình là lan hài. Cao nguyên Đồng Văn còn là môi trường sống “thân thiện” của các loài động vật hoang dã có trên 50 loài thú, chim, bò sát như: sơn dương, vọoc, hoẵng, lợn rừng, cầy hương, sóc, gà rừng, chim, khướu, họa mi…tạo nên nét đẹp tự nhiên, sinh động của vùng Cao nguyên đá.

Bên cạnh những giá trị về địa chất, địa mạo, cảnh quan…Cao nguyên đá Đồng Văn còn chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc cư trú ở nơi đây. Trong quá trình thích ứng với điều kiện tự nhiên, đồng bào các dân tộc đã sáng tạo nên những yếu tố văn hóa độc đáo. Đó là quá trình nhận biết và ứng xử với môi trường thiên nhiên xung quanh-môi trường đá như: các nương đá, xếp nương đá, bức rào đá quanh nhà…cùng với các phong tục tập quán, các lễ hội đặc sắc của các dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Pu Péo…các làn điệu dân ca, dân vũ và âm nhạc truyền thống của họ làm say đắm lòng người.

Bên cạnh những giá trị về địa chất, địa mạo, cảnh quan…Cao nguyên đá Đồng Văn còn chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc cư trú ở nơi đây. (Ảnh: TL)

Có thể khẳng định Cao nguyên đá Đồng Văn rất phong phú. Các di sản thiên nhiên và văn hóa có ý nghĩa quốc gia và quốc tế này đã và đang được tỉnh Hà Giang quan tâm bảo tồn và khai thác phục vụ phát triển kinh tế- xã hội cũng như phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, du lịch tổng hợp. Trong tương lai  tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chuyên môn để nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhân là Di sản Thiên nhiên cấp quốc gia.           

ThS Nguyễn Thị Toán

Top