“Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được nhưng di sản thì không…”

Ngày 27-7-2018, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững. Dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội Michael Croft; các chuyên gia, nhà khoa học Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành có di sản thế giới, các cơ quan có liên quan...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; UV Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và chủ trì Hội nghị

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước với bao biến cố thăng trầm của lịch sử. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật, vẫn còn những hạn chế, bất cập, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

          Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu khai mạc Hội nghị

Tại Hội nghị, các nhà quản lý, các chuyên gia đầu ngành đã tập trung  bàn thảo về cơ chế hoạt động giữa Việt Nam và UNESCO trong việc thực hiện các công ước của UNESCO về bảo vệ di sản thế giới; Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh vì sự phát triển bền vững; Di sản văn hóa các dân tộc thiểu số với việc phát triển sản phẩm du lịch; Sử dụng nguồn lực quốc gia và quốc tế trong việc giữ gìn không gian văn hóa - môi trường diễn xướng cho Cồng chiêng Tây Nguyên; Đánh giá công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời gian qua; Những bài học và kinh nghiệm trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở Huế, Hội An, Hà Nội, vịnh Hạ Long…. cũng như bàn các giải pháp để di sản văn hóa góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững.

          GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phát biểu tham luận tại Hội nghị 

Trong tham luận của mình, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, nêu quan điểm về việc cần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quy trình, thủ tục thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích; về sự chồng chéo trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa và xây dựng; về việc quản lý nhà nước đối với Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới; việc tổ chức khai quật và xử lý kết quả sau khai quật các con tàu cổ bị đắm ở vùng biển nước ta…(Xem toàn văn Bài tham luận đăng dưới đây).

         Ông Michael Croft, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội phát biểu tham luận

Ông Michael Croft, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội, đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và Bộ VHTTDL, các cơ quan liên quan trong việc bảo tồn và quản lý các di sản thế giới. Ông cho rằng, di sản thế giới luôn là điểm đến hấp dẫn nhất với sự gia tăng mạnh cả về số lượng du khách và doanh thu, kích thích phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc quản lý các di sản ngày càng trở nên phức tạp, vẫn còn nhiều vùng xám cản trở hiệu quả quản lý di sản, một số quy định chồng chéo và mâu thuẫn, cần có những chấn chỉnh để đạt mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững. Để tăng cường hiệu quả quản lý các di sản thế giới tại Việt Nam, ông đưa ra 5 khuyến nghị của UNESCO dựa trên tâm huyết của các chuyên gia UNESCO cùng sự tham vấn và cập nhật thực tế, đó là: Đặt di sản thế giới vào trọng tâm khuôn khổ kế hoạch phát triển bền vững; Nhất thế hóa và củng cố hóa quyền lực nhà nước về di sản văn hóa ở cả cấp Trung ương và địa phương; Tăng cường vai trò của các hội đồng khoa học và cơ quan cố vấn chuyên môn; Rà soát và quản lý cơ chế hợp tác công - tư tại các khu di sản; Rà soát lại cơ chế tài chính đối với việc tái phân bổ nguồn thu từ phát triển du lịch và phát triển kinh tế đối với các hoạt động bảo tồn. “Một trong những nguyên tắc quan trọng của phát triển bền vững là dựa trên các quan hệ đối tác. Rõ ràng, việc quản lý di sản liên quan đến nhiều bên nên cần có sự hợp tác của cả những đối tác ngoài ngành văn hóa. Công tác ra quyết định về bảo tồn muốn hiệu quả không nên xé lẻ mà chỉ hiệu quả nếu như mối quan tâm của các bên liên quan được đặt trên cùng một bàn đối thoại với mục tiêu chung là phát triển bền vững. Các mục tiêu và hành động phát triển không được làm mai một giá trị nổi bật toàn cầu khu di sản. Nếu phát triển cơ sở hạ tầng mà coi nhẹ văn hóa địa phương, vùng lõi di sản… thì trong dài hạn sẽ làm suy giảm nguồn khách chất lượng và việc bảo đảm thực thi những quy định đôi khi dẫn đến những trường hợp chệch hướng. Phương châm ở Việt Nam là bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn nên được điều chỉnh thành bảo tồn để phát triển bền vững và phát triển bền vững để bảo tồn”, ông nhấn mạnh.

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại câu chuyện năm 2017 trong buổi tiếp một tỷ phú, hoàng thân của Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất, vị khách này đã nói với Thủ tướng rằng “Chúng tôi có thể tạo ra bãi biển hay quả núi mới, thậm chí tạo ra người máy nhưng chúng tôi ghen tị vì Việt Nam may mắn có quá nhiều di sản thiên nhiên và văn hoá, vật thể và phi vật thể”. Thủ tướng khẳng định, di sản là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước ta hoặc là kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng. Chúng ta phải quán triệt tinh thần là: “Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được”. Vì vậy, “tuyệt đối không phá huỷ, làm hỏng hay hy sinh di sản vì bất kỳ lý do gì để phục vụ phát triển. Để mất di sản, dù là một phần, chính là bắn súng vào quá khứ, đánh mất bản sắc dân tộc”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; UV Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với các nghệ nhân và đại biểu dự Hội nghị

Di sản văn hóa là động lực quan trọng để phát triển đất nước, về bản chất thuộc về quá khứ, dễ bị ngủ yên. Vì vậy phải luôn “sáng tạo, năng động” để di sản có giá trị trong cuộc sống của thế hệ hiện tại hoặc phải giáo dục về di sản để tạo nguồn cảm hứng nuôi dưỡng lòng tự hào và tự tôn dân tộc hoặc phải tìm các biện pháp phù hợp như cập nhật chính sách, luật pháp, phân cấp quản lý, đào tạo cán bộ, coi trọng chuyên gia để phát huy giá trị di sản tạo thương hiệu du lịch quốc gia, góp phần xoá đói giảm nghèo. “Di sản không phải là di sản chết mà phải đóng góp vào phát triển bền vững. Như vậy chúng ta có nhiệm vụ làm di sản luôn hồi sinh và tồn tại có ích. Để phát huy giá trị di sản phi vật thể cần tôn vinh các nghệ nhân và coi họ chính là báu vật sống của quốc gia. Giải quyết hài hoà lợi ích giữa bảo tồn và phát triển, gìn giữ di sản và phát triển du lịch”, Thủ tướng nói.

Các đại biểu dự Hội nghị

Từ những phân tích trên, Thủ tướng yêu cầu các các cấp chính quyền phải chú ý trong giữ gìn và phát huy giá trị di sản; toàn xã hội phải có trách nhiệm bảo vệ di sản và phát huy giá trị di sản. Thủ tướng cũng nêu các nhiệm vụ đối với ngành VHTTDL để đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn văn hóa và phát triển; nhấn mạnh một số nguyên tắc và phương hướng cơ bản bảo tồn di sản và phát triển bền vững. Đó là bảo tồn và phát huy giá trị di sản không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là sự nghiệp của quần chúng và cộng đồng. Nhà nước chỉ tạo khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách để nhân dân đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền và phát huy giá trị di sản. Xã hội hóa, cộng đồng hóa trong lĩnh vực này là xu hướng tất yếu và cần thiết. Hãy trả lại cho cộng đồng cái gì thuộc về cộng đồng. Di sản cần được bảo tồn phát huy từ gia đình, bản làng, trường học và xã hội. Xây dựng văn hóa coi trọng di sản cho các em học sinh ngay từ lúc ấu thơ để mỗi người chúng ta chủ động đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và thủ tục hành chính về di sản, trong đó tập trung nghiên cứu, đánh giá những vấn đề đặt ra sau hơn 10 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa. Đẩy mạnh các hoạt động giám sát, tăng cường bảo vệ và bảo đảm an toàn cho các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Nghiên cứu đề xuất việc phân cấp, xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm quản lý di sản cụ thể; Phát huy vai trò giám sát của xã hội, của cộng đồng. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân trực tiếp tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản, vừa được trực tiếp hưởng thụ thành quả do hoạt động này mang lại. Xử lý hài hòa quan hệ giữa phát triển du lịch với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và bảo vệ môi trường. Kiện toàn bộ máy tổ chức và cán bộ của ngành di sản văn hóa từ Trung ương đến cơ sở. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong bảo tồn, quản lý di sản; khẩn trương số hóa cơ sở dữ liệu về di sản để lưu trữ và khai thác.

Tiết mục biểu diễn của nghệ nhân Hát then, Đàn tính tại Hội nghị

Trên cơ sở kết quả hội nghị này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì soạn thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản vì sự phát triển bền vững.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ ngành Trung ương, các địa phương, tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước để triển khai tốt hơn nữa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa; tiếp tục thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản bằng công việc cụ thể, bảo đảm hiệu quả và bền vững.

Bài và ảnh: P.V

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch, Việt Nam có 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Cả nước có 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; gần 3.500 di tích quốc gia; 95 di tích quốc gia đặc biệt. Về văn hóa phi vật thể, cả nước cũng đã có gần 61.700 di sản, trong đó có 12 di sản được UNESCO ghi danh. Việt Nam cũng đã có 7 Di sản Tư liệu được UNESCO ghi danh.

Đến nay, công tác bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị các di tích được thực hiện tích cực, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội các địa phương, trong đó có việc khai thác để phát triển du lịch. Năm 2017, riêng 8 Khu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã đón trên 16 triệu lượt khách, chỉ tính tiền vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp đã đạt trên 2.500 tỷ đồng.

 

 

 

 

 

 

Top