Một đề cử nặng ký cho bảo vật quốc gia

Đó là pho tượng thiên thủ thiên nhãn chùa Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên mà những tài liệu làng xã cuối thế kỷ 19 ghi rằng, ngôi chùa này nằm ở tổng Mễ Sở, huyện Đông An, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam thượng. Trải qua năm tháng, do hoàn cảnh lụt lội ở địa phương thường xuyên xảy ra, theo đó, ngôi chùa đã có sự đổi thay đáng kể, khiến cho dấu tích hiện còn trên mặt đất chỉ rõ, niên đại ngôi chùa vào khoảng cuối thế kỷ 19, dẫu rằng, truyền thuyết dân gian lại mách rằng, niên điểm khởi dựng chùa, sớm hơn thế, ít nhất là vào thời Lê Trung hưng.

Di vật nổi tiếng nhất tại chùa Mễ Sở hiện còn, chắc chắn là pho tượng nghìn mắt nghìn tay. Sự nổi tiếng ấy, không chỉ do “hữu xạ” từ kiệt tác này lan tỏa, mà nó còn nổi tiếng, thậm chí là "tai tiếng", do bị mất tới hai lần mà vẫn về với “Hợp Phố”, khiến cho bất cứ ai, dẫu có vô thần đến đâu chăng nữa, cũng phải tin vào một sức mạnh siêu phàm của Đức Phật, chống lại mọi hành động đen tối của kẻ xấu, xâm phạm tới chốn thâm nghiêm của cộng đồng đã tôn thờ từ bao nhiêu thế hệ nay.

Tượng Phật nghìn mắt nghìn tay chùa Mễ Sở. Ảnh: V.V.Tuân (TTO).

Pho tượng được tạo tác bằng gỗ mít sơn son, thếp vàng cao 2,8m. Đây là một trong những pho tượng có kích thước lớn trong Phật điện Việt nói chung và tượng nghìn mắt nghìn tay nói riêng. So với tượng nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp, Đào Xuyên, Hội Hạ - những cổ vật đã được công nhận là Bảo vật quốc gia những năm gần đây, tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay chùa Mễ Sở không hề có sự thua kém.

Ngoài kích thước, tượng Phật nghìn mắt nghìn tay chùa Mễ Sở còn có nhiều đặc điểm khác lạ so với những pho nghìn mắt nghìn tay đã biết. Tượng có 21 đôi tay lớn, trong đó, đôi tay chính thứ nhất chắp trước ngực, mang ấn “chuẩn đề”, những đôi tay còn lại đưa lên phía trên đỡ các đài sen và tượng Phật nhỏ. Ngự trên đó là bộ tượng A Di Đà Tam Tôn, với Phật A Di Đà tọa thiền trên đài sen, Quan Thế Âm và Đại Thế Chí cưỡi mây ở hai bên.

Ở dưới A Di Đà có tượng Thích Ca ngự trên đài sen. Trên đầu các pho tượng này có mây dày đặc và rồng kết thành vòm, giống như một tòa Cửu Long. Những đôi tay lớn của Quan Thế Âm đều có sự chau chuốt mềm mại, uyển chuyển với các cánh tay tròn lẳn, để trần, được chắp vào hai bên sườn, trong tư thế cao, thấp khác nhau. Độ mở của các cánh tay vừa đủ cao nhưng không che khuất pho tượng, ngược lại, càng tăng thêm thần thái và sức sống cho khuôn mặt Phật.

Ngay sát phía sau các tay lớn là hệ thống các tay nhỏ có mắt, kết thành 10 lớp, theo từng cặp cân đối. Các cánh tay nhỏ được diễn tả thanh thoát, thon thả, các mắt được bố trí trong lòng bàn tay kết ấn cam lồ. Các cánh tay dài, ngắn khác nhau theo độ mở dần, lấy đầu tượng làm trọng tâm, khiến cho 1.100 tay như một vòng hào quang nhiều lớp tỏa sáng, vừa có giá trị nghệ thuật điêu khắc, nhưng lại hàm chứa thông điệp của Phật pháp. Phía trên đầu tượng, nơi đầu mũi của vành hào quang, chạm nổi hình đám mây với những cánh tay nhỏ đan đều như những cánh chim, đang như trong tư thế xà xuống. Những cánh chim được đặt đúng vị trí, khiến cho vòng hào quang nhiều lớp không còn sự trơ trụi, thô phác, mà nghệ thuật tạo hình tượng tròn rất cần phải né tránh. Thế nhưng, vượt lên tất cả là thông điệp của Phật pháp, khiến cho con nhang, đệ tử phải tò mò tìm hiểu, khi đang quỳ trước ban thờ Phật hành lễ.

Chùa Mễ Sở. Ảnh: Dulich24.

Ngoài tập hợp các cánh tay được ghép thành hình vòng cung như tượng ở chùa Bút Tháp, các tay còn được phát triển lên phía trên đầu của Phật, tạo thành những đường vòng uốn khúc, liên tục như những đám mây đang vần vũ.

Đặc biệt, các cánh tay nhỏ của quan thế âm, không chỉ dược tạc từ cánh tay trổ ra như tượng nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp, mà còn có thêm phần gập của khuỷu tay. Đôi tay trên cùng được chụm lại ở trên đỉnh của mũ Thiên quan, khiến hoàn toàn khác lạ so với những pho tượng nghìn mắt nghìn tay lớn nhỏ đã biết ở Việt Nam. Điểm ấn tượng nhất của pho tượng này là có thêm một đôi bàn tay ở sau lưng (tay Phổ Lễ) khiến cho bức tượng có góc nhìn đa chiều, tạo sự vững chãi cho pho tượng và cũng là một thông điệp khác của Phật pháp.

Với 1.113 cánh tay, được bố trí tương đối khác lạ qua các vị trí và vị thế như đã miêu thuật, nhưng tượng Phật chùa Mễ Sở vẫn nằm trong khuôn khổ của tượng Phật nghìn mắt nghìn tay có niên đại thế kỷ 16, 17 và 18 của Việt Nam, nhưng khiến nó trở thành một kỷ lục về số tay và là một hiện tượng độc đáo của tượng Phật Việt Nam nói chung và tượng nghìn mắt, nghìn tay nói riêng.

Ngoài sự độc đáo trên đây, so với Bút Tháp, Đào Xuyên, Hội Hạ, bệ tượng chùa Mễ Sở không có hình tượng quỷ biển mà là đài sen đặt trên bệ 4 cấp, được điêu khắc rất đơn giản nhưng vẫn toát lên nhiều đặc điểm hoa văn mang phong cách thời đại, kết hợp với tiếu tượng, có thể xếp pho tượng này niên đại khoảng cuối thế kỷ 18 - đầu thế kỷ 19.

Tượng Phật nghìn mắt nghìn tay như những gì còn lại, và như những gì thường hiểu, có niên đại sớm nhất là thế kỷ 16 và phổ biến là thế kỷ 17, nhưng thực tế, niên đại của tượng Phật nghìn mắt nghìn tay còn sớm hơn thế nhiều. Trong văn bia chùa Thanh Mai, Chí Linh, Hải Dương - một tấm bia có nội nói dung về vị tổ Trúc Lâm Pháp Loa, có niên đại thời Trần cũng đã miêu tả về tượng thiên thủ thiên nhãn được thờ tại chùa Thanh Mai. Như vậy, lịch sử của loại hình tượng Phật này có bề dày lịch sử và chúng đều có sự độc đáo mang tính riêng biệt, khi ba pho tượng ở Bút Tháp, Đào Xuyên và Hội Hạ đã cung cấp.

Với tượng chùa Mễ Sở, lại cho chúng ta thấy được những nét chung, riêng, mà những dòng phân tích trên đây, hẳn chưa hoàn toàn làm thỏa mãn người đọc, nhưng cũng đã toát lên tính độc bản, tính độc đáo, giá trị lịch sử, văn hóa của pho tượng này.

Tượng nghìn mắt, nghìn tay chùa Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, theo tôi, rất xứng đáng là Bảo vật quốc gia, xét trên mọi tiêu chí. Và, khi đã được công nhận, nó sẽ cùng với ngôi chùa - một di tích cấp quốc gia được xếp hạng năm 1988 và các di tích xung quanh như đầm Dạ Trạch, chùa Phù Thị, chùa Nhạn Tháp, bãi Tự Nhiên, tạo thành một quần thể với bao nhiêu giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thuyết dân gian được hội tụ, hẳn sẽ tạo nên sức hút đối với du khách thập phương hành hương về đây chiêm bái và trải nghiệm.

Ngọc Trân

Top