Bảo tồn và phát huy Di sản Văn hóa hát Xoan trong không gian văn hóa đương đại

Hát Xoan Phú Thọ là kho tàng văn hóa dân gian địa phương, với nhiều làn điệu khác nhau. Để khai thác Xoan chúng ta cần khai thác vốn cổ và đây là mục đích để phục vụ cái mới mà không rơi vào quan điểm tồn cổ, phục cổ.

Trước Cách mạng tháng Tám, Xoan chỉ tồn tại chứ không được chú trọng nghiên cứu để bảo tồn và phát triển. Sau cách mạng, dân ca Xoan đã được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm như: “Hát Xoan” của nhạc sỹ Tú Ngọc, “Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam” của Vũ Ngọc Phan, “Hợp tuyển văn học Việt Nam” Nhà xuất bản Văn hoá, “Hát Xoan Vĩnh Phú” của hai nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Khắc Xương và Dương Huy Thiện, v.v… đã cho chúng ta một cái nhìn tương đối toàn diện về Hát Xoan Phú Thọ qua sự tổng hợp, đánh giá, phân tích và giới thiệu một cách khoa học và hệ thống.

Di sản văn hóa Hát Xoan (ảnh: TL)

Hiện nay, việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Hát Xoan trong không gian văn hóa đương đại gặp rất nhiều khó khăn như:

1. Các nghệ nhân biết Hát Xoan và truyền dạy Hát Xoan đang mất dần đi. Lớp trẻ ít hiểu biết và không tâm huyết lắm về loại hình dân ca truyền thống này.

2. Hát Xoan chỉ được tổ chức ở cửa đình và trong các lễ hội mùa xuân nên không gian, thành phần, lứa tuổi tham gia Hát Xoan không được phát triển rộng.

3. Trong 4 phường Xoan gốc, cách tổ chức diễn xướng của các phường giống nhau nhưng lời ca, giai điệu, tiết tấu, vũ đạo... có nhiều điểm khác nhau dẫn tới thiếu sự thống nhất và cục bộ giữa các phường Xoan.

4. Các tài liệu thành văn đã thất lạc rất nhiều, chỉ còn trong trí nhớ của các nghệ nhân nên đôi khi dẫn đến sai lệch.

Hiện nay, Hát Xoan Phú Thọ đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp nên việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hát Xoan trong không gian văn hóa đương đại đã trở thành một vấn đề cấp bách. Trong giai đoạn hiện nay chúng tôi đưa ra một số biện pháp sau:

1. Về tuyên truyền, quảng bá Hát Xoan

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân trong nước và quốc tế có thể nhận diện và hiểu được giá trị quý giá của Hát Xoan.

- Tổ chức các chương trình tôn vinh “Hát Xoan Phú Thọ”, có hình thức khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc nghiên cứu, bảo tồn Hát Xoan. Tiếp tục đề nghị Nhà nước phong tặng nghệ nhân Hát Xoan.

- Tích hợp dữ liệu, biên soạn và xuất bản các văn hóa phẩm về Hát Xoan: sách ảnh, tờ gấp, sách nghiên cứu, đĩa CD, VCD, DVD v.v. giúp cộng đồng nhận thức về giá trị Hát Xoan.

- Xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, đưa dân ca Xoan gắn với các di sản văn hóa tiêu biểu của từng địa phương: danh lam thắng cảnh, đền, chùa, lễ hội, các làng nghề truyền thống vv.

Hiện nay, Hát Xoan Phú Thọ đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp (Ảnh: TL)

2. Về việc sưu tầm, nghiên cứu Di sản Hát Xoan:

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm các nguồn tài liệu liên quan đến văn hóa Hát Xoan.

- Tiếp tục công tác nghiên cứu khoa học về Hát Xoan một cách có hệ thống và toàn diện ở Phú Thọ và Vĩnh Phúc.

- Tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, hội nghị khoa học quy mô cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế để lấy ý kiến các nhà chuyên môn, các nghệ nhân nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học về Hát Xoan.

- Khảo sát, điền giã, gặp gỡ trao đổi với các nghệ nhân cũng như cộng đồng lưu giữ Di sản văn hóa Hát Xoan để ghi chép, sưu tầm những bài hát Xoan, những sinh hoạt văn hóa, âm nhạc gắn với không gian văn hóa Hát Xoan.

3. Về bảo tồn và phục hồi Hát Xoan

- Khuyến khích, hỗ trợ kinh phí cho phường Xoan, câu lạc bộ mở các lớp truyền dạy Hát Xoan cho các thanh thiếu niên. Tạo cơ hội cho các nghệ nhân truyền dạy cả về kiến thức và kinh nghiệm, kỹ năng trình diễn; phục hồi tập quán, tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến Hát Xoan ở các vùng miền.

- Đưa Hát Xoan vào chương trình phổ thông và chương trình đào tạo trong các trường nghệ thuật, chương trình ngoại khóa của trường học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc.

- Xây dựng Phòng Lưu trữ Di sản Hát Xoan tại Bảo tàng Hùng Vương hoặc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Hát Xoan.

(Ảnh: TL)

- Xây dựng đội ngũ các nhà nghiên cứu có chuyên môn về văn hóa, lịch sử về âm nhạc truyền thống để có chiến lược đào tạo cho việc phục hồi, bảo tồn và phát huy Di sản Hát Xoan.

- Tiếp tục khẳng định để duy trì 4 phường Xoan gốc; Xây dựng và ban hành chế độ, chính sách đãi ngộ và tôn vinh các nghệ nhân, đồng thời phục hồi 18 cửa đình truyền thống tại 23 xã của tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc.

- Xây dựng dự án bảo tồn, tu bổ các di tích có liên quan đến Hát Xoan: đình Hội, đình Trung, đình Nhất Thôn, đình Nhị thôn (xã Kim Đức), đình Tử Đà, đình Ngọc Trù v.v.

- Đưa chương trình Hát Xoan và các chương trình, kế hoạch hoạt động văn hóa, du lịch hàng năm: Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, tổ chức các kỳ liên hoan Hát Xoan, tổ chức Hát Xoan tại các điểm du lịch v.v.

Cuối cùng, tôi muốn một lần nữa khẳng định, Hát Xoan chỉ có thể bảo tồn và phát huy các giá trị ở 4 phường Xoan gốc và triển khai phục hồi tại 31 cửa đình. Tình hình đô thị hóa, công nghiệp hóa biết bao khó khăn trên đường bảo tồn Hát Xoan. Theo tinh thần Tổ chức UNESCO, trong thời gian tới 2012 - 2015 và những năm tiếp theo làm tốt công tác bảo tồn 4 phường Xoan gốc và 31 cửa đình truyền thống đã là một thành công lớn trên con đường bảo tồn và phát huy giá trị Hát Xoan. Với tâm lòng tri ân với Di sản Hát Xoan của đất nước, tôi có đôi điều suy nghĩ về Di sản Hát Xoan Phú Thọ đã được vinh danh và sẽ tiếp tục đưa Di sản Hát Xoan Phú Thọ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

TS Nguyễn Anh Tuấn

Top