Báo chí với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
Phóng viên: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời buổi kinh tế thị trường ở nước ta có thuận lợi và khó khăn gì thưa Ông?
PGS.TS Đỗ Văn Trụ: Nền kinh tế thị trường có tác động toàn diện, sâu sắc tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực di sản văn hóa. Trong thời buổi kinh tế thị trường, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có thuận lợi, đó là: Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến di sản văn hóa, coi di sản văn hóa là một nguồn lực, đồng hành cùng dân tộc trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Di sản văn hóa được xác định là cốt lõi của bản sắc dân tộc, là cơ sở quan trọng để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Vai trò của xã hội, các tổ chức và cá nhân đối với di sản văn hóa ngày càng được tăng cường, có thể nói, chưa bao giờ sự nghiệp di sản văn hóa được quan tâm như thời đại của chúng ta. Hơn nữa, luật pháp về di sản văn hóa ngày càng được hoàn thiện từ luật, nghị định, các văn bản… đã có sự tiếp cận, hòa nhập với xu hướng chung của di sản thế giới. Trong điều kiện hội nhập quốc tế, chúng ta có điều kiện để mở mang kiến thức, việc tham gia các tổ chức quốc tế về di sản văn hóa giúp chúng ta tiếp thu kinh nghiệm từ nước bạn và cũng là cơ hội để quảng bá về đất nước và con người Việt Nam.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hội nhập và phát triển, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng gặp những khó khăn, bao trùm là giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển nói chung, hay cụ thể là bảo tồn di sản văn hóa và phát triển đô thị; đặt lợi ích về di sản văn hóa với phát triển kinh tế dẫn đến lấn chiếm, hủy hoại di tích; thương mại hóa; chảy máu cổ vật; hủy hoại môi trường…
Phóng viên: Ông vừa nhận định những thuận lợi và khó khăn trong bảo vệ di sản văn hóa thời kỳ hội nhập, vậy Ông đánh giá thế nào về vai trò cũng như những tồn tại, hạn chí của báo chí trong việc bảo vệ di sản văn hóa dân tộc thời gian qua?
PGS.TS Đỗ Văn Trụ: Trong những năm qua, với vai trò là phương tiện thông tin nhanh nhạy, kịp thời và rộng khắp, công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về đề tài bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc được đẩy mạnh ở tất cả các loại hình báo chí từ Trung ương đến địa phương; bám sát đời sống văn hóa của đất nước, phản ánh tích cực, sinh động nền văn hóa dân tộc. Báo chí trở thành "cầu nối" đưa những giá trị di sản văn hóa lan tỏa đến với đông đảo công chúng, giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Qua kênh báo chí, bạn đọc, các nhà khoa học, nghiên cứu đưa ra những góp ý xác đáng, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Cùng với việc thông tin kịp thời tin tức, sự kiện liên quan đến các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, đặc biệt là các di sản văn hóa được UNESCO vinh danh, báo chí còn phản ánh chân thực, có chiều sâu nét đẹp văn hóa trong các phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống; các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc; các ngành nghề cổ truyền; các nghi thức, nghi lễ truyền thống; các hương ước, quy ước của bản, làng, dòng họ gắn liền với tín ngưỡng, tâm linh trong đời sống hằng ngày, mang đặc trưng riêng của từng dân tộc, từng dòng họ. Qua đó, đã góp phần khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, làm cho nét đẹp văn hoá truyền thống lan rộng trong đời sống xã hội.
PGS.TS Đỗ Văn Trụ trao đổi với phóng viên Tạp chí Thế giới Di sản. Ảnh: Ngọc Quang
Báo chí cũng góp phần phát hiện, tôn vinh những người đang lưu giữ, bảo tồn những loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một; tôn vinh những cơ quan, tổ chức và cá nhân có những đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát triển những loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc; phản ánh việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đóng góp kinh phí để tu bổ di tích, hiến tặng hiện vật cho bảo tàng nhà nước.
Bên cạnh việc tuyên truyền giá trị của các di sản văn hóa, báo chí thông tin những mặt trái, những nguy cơ đe dọa hủy hoại di sản văn hóa; Kêu gọi cộng đồng bảo vệ, giữ gìn giá trị của di sản văn hóa cũng như sự ứng xử của con người đối với công tác bảo vệ môi trường cảnh quan xung quanh di sản văn hóa; Kịp thời phát hiện, phản ánh những việc chưa tốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; Lồng ghép tuyên truyền bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa với việc xây dựng nông thôn mới; Tuyên truyền, giáo dục về di sản văn hóa và Luật Di sản văn hóa. Nhờ có báo chí phát hiện, lên tiếng kịp thời mà chính quyền, các cơ quan quản lý về văn hóa quan tâm hơn đến việc bảo vệ, đầu tư phục hồi những di tích bị hư hỏng, xuống cấp hoặc bị mất hiện vật, cũng như những vụ việc xâm hại đến di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Báo chí cũng lên tiếng phê phán mạnh mẽ những hiện tượng lợi dụng lễ hội truyền thống để hoạt động mê tín, dị đoan, đồng thời tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn nhân dân tham gia lễ hội một cách lành mạnh, bài trừ các tệ nạn xã hội trong các lễ hội.
Tuy nhiên, dung lượng và thời lượng dành cho di sản văn hóa ở không ít cơ quan báo chí còn khiêm tốn; không ít tờ báo chưa thực sự quan tâm hoặc mạnh tay trong việc bảo vệ di sản của dân tộc; nhiều tờ báo bộc lộ khuynh hướng thương mại hóa, theo thị hiếu, câu khách làm mờ đi bản sắc văn hóa dân tộc… Nhận thức, kiến thức của một số nhà báo về lĩnh vực này còn hạn chế, phiến diện nên việc biểu dương hay phê phán đều hời hợt, công thức, ít hiệu quả, tính chiến đấu chưa cao.
Phóng viên: Vậy theo Ông, các nhà báo viết về lĩnh vực di sản văn hóa cần có điều kiện gì để có một bài viết hay?
PGS.TS Đỗ Văn Trụ: Tôi không phải là nhà báo chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản về báo chí, mà chỉ là người được phân công làm nhiệm vụ này và trưởng thành từ thực tiễn, học tập và rút kinh nghiệm từ thực tiễn. Vì vậy, nói về kinh nghiệm thì quả thực là khó. Nghề báo là một nghề khó, nhạy cảm, vì vậy, để có bài viết hay về di sản văn hóa, theo tôi: Một là, phải có nghiệp vụ chuyên môn về báo chí (chính quy, không chính quy, qua thực tiễn). Hai là, phải có đạo đức nghề nghiệp, có bản lĩnh, có tính trung thực, khách quan. Ba là, lĩnh vực di sản văn hóa là lĩnh vực rất đa dạng: vật thể, phi vật thể, bảo tàng, di tích, có những vấn đề rất chuyên sâu. Vì vậy, bên cạnh những điều kiện chung cần phải có kiến thức nhất định về luật pháp nói chung và Luật Di sản văn hóa để viết cho đúng, có tính thuyết phục. Bốn là, bám sát thực tiễn, phân tích khách quan, có lý lẽ, cơ sở khoa học và thực tiễn. Cần nhận thức đúng đắn di sản văn hóa là gì và đâu là cái tinh hoa, cái hồn của di sản. Từ nhận thức đúng thì nhà báo mới nói đúng giá trị di sản văn hóa, tôn vinh đúng những cái đáng tôn vinh và không làm điều ngược lại...
Tóm lại, kiến thức về nghề báo, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo và sự hiểu biết về di sản văn hóa là các yếu tố hợp thành để có một bài viết hay.
Phóng viên: Tạp chí Thế giới Di sản ra đời tính đến nay được 10 năm, Ông có thể cho bạn đọc những đóng góp của Tạp chí trong vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa?
PGS.TS Đỗ Văn Trụ: Tạp chí Thế giới Di sản ra đời được hơn 10 năm và là một tạp chí chuyên ngành về di sản văn hóa thứ 2 của cả nước, bên cạnh Tạp chí Di sản văn hóa của Cục Di sản Văn hóa. Có thể nói, Tạp chí Thế giới Di sản đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Một là, tuân thủ đúng tôn chỉ, mục đích theo quy định của pháp luật là tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Giới thiệu di sản văn hóa, các công trình nghiên cứu về di sản văn hóa; Cổ vũ các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia vào bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; Bám sát các sự kiện thời sự của đất nươc và của ngành. Hai là, đảm bảo xuất bản liên tục, không bị gián đoạn số nào, kể cả những thời điểm khó khăn nhất. Hàng năm đều ra số Tết và bình chọn những sự kiện di sản văn hóa tiêu biểu của đất nước. Ba là, nội dung và hình thức ngày càng được đổi mới nâng cao tính chuyên nghiệp, từng bước khẳng định bản sắc riêng của 1 tờ báo thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, một tổ chức xã hội nghề nghiệp, gắn di sản với đời sống, mang tính phổ cập rộng rãi, phù hợp với nhiều đối tượng bạn đọc, xây dựng được các chuyên mục ổn định. Số lượng bạn đọc quan tâm ngày càng nhiều, trong đó có cả đọc giả người nước ngoài…
Song song với Tạp chí Thế giới Di sản bản tiếng Việt, Kỳ 2 của Tạp chí Thế giới Di sản bằng Tiếng Anh, với tên gọi Vietnam Heritage, có Trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh, cũng đi vào hoạt động từ năm 2010; Tạp chí điện tử Thế giới Di sản (tên miền thegioidisan.vn) ra đời từ năm 2016 để đáp ứng yêu cầu, tình hình, nhiệm vụ của đất nước trong giai đoạn mới, hòa nhập chung xu thế phát triển báo chí trên thế giới.
Tạp chí Thế giới Di sản (in), Vietnam Heritage, Tạp chí điện tử Thế giới Di sản đã và đang cung cấp cho bạn đọc những bài báo có giá trị lý luận khoa học, những thông tin chính thống, mang tính định hướng đúng đắn trong công tác quản lý di sản văn hóa; góp phần giới thiệu hình ảnh đất nước con người Việt Nam và kích cầu du lịch.
Phóng viên: Xin cảm ơn Ông!
Hoàng Vân (thực hiện)