Voi trong nghệ thuật tạo hình Việt

Có lẽ trong những con vật nuôi và hoang dã, voi là loài thú được nghệ thuật Việt thể hiện đậm đặc và dài lâu hơn cả, dẫu rằng, mười hai con vật, liên quan tới 12 con giáp, được nhiều người nhắc đến ở mỗi độ xuân sang, phản ảnh chu kỳ của vòng đời, thu hút được sự quan tâm của con người, thông qua các chuyên khảo dài ngắn, nông sâu tùy tầm mức và yêu cầu. Gần đây, khi viết bài 12 con giáp trên cổ vật Việt Nam, tôi có lưu ý tới một thực tế rằng, không hẳn những rồng, ngựa, hổ, chó…trong nghệ thuật tạo hình Việt, khởi nguồn từ tư duy và tín ngưỡng “con giáp” như người hiện nay gán đặt, mà trong quá trình lịch sử, chúng được đắp bồi thêm những quan niệm của tôn giáo, vương quyền, tạo nên những mã khóa khác hẳn, cần phải có chìa đa năng mới mở được. Cũng không hẳn xuất phát từ thần linh hay vua chúa, những con vật thường ngày, gần gũi, thân quen trong cuộc sống của người dân, được phản ảnh trong nghệ thuật tạo hình, thì đâu có phải là những “con giáp”, dẫu gọi đó là tý, sửu, mão, dậu… Voi là con vật không nằm trong hệ mười hai con giáp, nhưng được nghệ thuật tạo hình Việt đặc biệt lưu tâm, mà lâu nay, thường coi đó là hình tượng nghệ thuật phổ biến và đặc trưng của hai quốc gia Lào - Thái láng giềng.

Ngay từ văn hóa Đông Sơn, cách đây trên dưới hai nghìn năm, người ta đã tìm thấy những con voi trong di chỉ Làng Vạc (Nghệ An) làm đế cho một cây đèn nhiều đĩa, nhiều tầng, khiến liên tưởng tới một cây vũ trụ trong vũ trụ quan của người Việt nói riêng và người Phương Đông nói chung. Hình ảnh con voi dạng chân, cúi đầu, đỡ cả một cây đèn trên lưng, khắc khổ, lầm lụi như một tập tính của loài động vật này, được thể hiện sinh động và thuyết phục từ nghệ nhân đúc đồng Việt cổ. Rồi người ta tìm thấy chiếc dao găm đồng, trên đốc là một tượng voi, ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) – nơi đậm đặc di chỉ và di vật của văn hóa Sa Huỳnh, khiến liên tưởng tới hiện tượng xuất khẩu công nghệ đúc đồng của cư dân Đông Sơn tới Sa Huỳnh. Nhưng với tư liệu ngày một điền đầy, tôi coi đây là hàng hóa của người Đông Sơn tới thị trường Sa Huỳnh và xa hơn nữa.

Vũ khí bằng đồng là chiếc dao găm đồng, trên đốc là một tượng voi được tìm thấy ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam)

Voi cũng còn thấy trên trống đồng Đông Sơn, khi mà trên một chiếc trống dáng thấp, ở thân có hình ảnh hai người phụ nữ cưỡi voi với cả một đoàn chiến binh đi bộ phía sau, khiến tôi liên tưởng tới hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận, nên gắng đưa chiếc trống này minh họa trong Khu Tưởng niệm Anh hùng dân tộc Hai Bà Trưng, nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngoài trường cảnh này, thân trống còn một lễ hiến sinh, với cảnh đâm trâu được khắc họa qua đám người cầm giáo đang chuẩn bị tiến tới hành xác con vật buộc ở cột lễ. Đó là những hình ảnh có liên quan tới câu chuyện của một thời mẫu hệ, cách đây gần 2000 năm, thời Hai Bà khởi nghĩa: lễ hiến sinh trước khi xuất trận, mà nay còn thấy những mảnh vụn ở một số dân tộc Tây Nguyên, khi con voi được coi là một thành tố quan trọng trong đời sống tinh thần của những tộc người ấy.

 Đó là ba ví dụ điển hình về voi trong nghệ thuật tạo hình thời Đông Sơn để khẳng định mốc mở đầu cho nghệ thuật tạo hình của người Việt về đề tài này.

Sang đầu Công nguyên, chúng ta thấy hình ảnh con voi không còn hiện thực nữa, chúng được biến từng phần, từng bộ phận trang trí trên những đồ dùng sinh hoạt, mà phổ biến nhất là ấm gốm, ấm đồng, dáng hình con tiện, có quai xách hình chữ U vòng trên miệng và vòi là hình đầu voi, có vòi dài, tai to, ngà ngắn. Thoạt đầu, người nghiên cứu gán đặt cho loại hình này là đồ Đông Hán, rồi mềm dẻo hơn là hiện vật Hán -  Việt, với sự  pha trộn yếu tố của hai nền văn hóa sát cạnh nhau. Thế nhưng, Hán Trung Nguyên đâu có loại hình này, đặc biệt với con voi, quá xa lạ với vùng Hoàng Hà khô lạnh, quá lạ lẫm với con người ở vùng đất không có loài voi quanh môi trường họ sống.

Đến thời Lý - Trần, hình ảnh voi được thể hiện trên chất liệu gốm phổ biến. Ở đây, chúng ta bắt gặp voi trong nghệ thuật tượng tròn, được nghệ nhân miêu tả chân thực, có cả quản tượng cưỡi trên mình mà ngày nay còn thấy khá nhiều loại di vật này.

Hình voi chiến trên thạp gốm hoa nâu.

Trong nghệ thuật tạo hình thời đại này, voi còn xuất hiện dưới dạng đồ họa. Những chiếc thạp hoa nâu vẽ chiến binh cưỡi voi và ngựa xông pha trận mạc… qua nét vẽ phóng khoáng, thô phác, nhưng lột tả được một trận đánh khá khốc liệt, mà một chiếc thạp của một sưu tập tư nhân Hà Nội, được minh họa trong bài viết này là một điển hình. Cảnh tượng trận đánh, một bên cưỡi voi, một bên cưỡi ngựa, giáp lá cà với vũ khí giáo, gươm, trong đó có những chiến binh dũng cảm lao từ mình voi sang kẻ thù cưỡi ngựa, hòng bắt sống đối phương, nhưng dường như động tác ấy được nghệ nhân diễn tả mới ở đoạn lửng lơ, khiến chới với giữa khoảng không, nhưng vẫn trong một tư thế thượng võ. Gốm hoa nâu thời Trần dường như có sự lặp lại những họa tiết và tích trò của nghệ thuật nghìn năm trước đó, trong văn hóa Đông Sơn, trên chất liệu đồng.

Thời Lê sơ và Lê Trung Hưng, voi xuất hiện nhiều hơn trên gốm, đồng, đá… Chúng ta bắt gặp những cặp voi đồng là đồ thờ trong các đền - miếu. Chúng ta gặp những đôi voi đá phủ phục hai bên cửa lăng của những Quận công thời Lê Trung Hưng, to lớn và đồ sộ. Chúng ta gặp những chiếc ấm rượu hình voi bằng gốm sứ vẽ lam và tam thái thời Lê sơ, mà gần đây, tôi được biết thông tin, ở thế kỉ 15, chúng đã “di cư” sang Lào, làm đồ thờ cúng, khi mà người dân của các bộ tộc Lào tôn thờ và coi voi trắng là Tô tem của họ. Trong số những con voi được giới thiệu và minh họa cho bài viết này người sưu tập cho hay, họ mua được từ biên giới Việt - Lào, qua cửa khẩu Tây Trang. Người Lào kể với anh rằng, đây là những chiếc ấm đựng rượu, được đặt trên ban thờ của người trưởng họ. Lễ tết, người trong họ tề tựu tại nhà trưởng họ để làm lễ. Sau hành lễ, rượu được rót ra từ những ấm  hình voi ấy, cho cả dòng họ hưởng lộc. Sau những nghi lễ như thế, những chiếc ấm voi lại được đặt trên ban thờ. Vậy là, ngoài chức năng vật dụng, ấm voi còn là đồ thờ cúng. Người Lào nói với anh rằng, khi Trưởng tộc chết, voi được chôn theo với nghi thức làm cho đau bằng cách đập cắt một phần, mong cho nó không còn linh hồn không trở về quấy nhiễu người sống và mãi mãi là vật dụng của người chết. Chính vì thế, tất cả những con voi đều bị sứt mẻ qua những vết sắc gọn như cưa cắt. Đó là lưu ảnh xa xưa, nhưng giờ đây chúng đã bị sửa chữa, làm mất đi giá trị phi vật thể, vốn là tài sản của nhiều dân tộc trên thế giới đã từng sở hữu.

Thông tin điều tra hồi cố trên đây, chưa hẳn đã một trăm phần xác thực, với những khúc xạ của thời gian và truyền khẩu, nhưng tôi tin có một phần sự thực, đó là việc thờ cúng những con voi ấy ở đất nước Triệu voi, là không thể phủ nhận, bởi tôi đã được nhìn thấy những cây nến voi trên ban thờ của người Lào, người Thái, giống như trong bộ ngũ sự của người Việt, có đôi hạc làm nến, hay đôi hươu làm đèn, cùng với lư hương và lọ hoa.

Ấm đựng rượu hình voi.

Sang thời Nguyễn và cho đến nay, trong nghệ thuật tạo hình của người Việt, voi không còn giữ vai trò quan trọng và không xuất hiện nhiều, nhưng trên đá, trên đồng, trên gốm sứ… voi vẫn như một con vật thân quen để nghệ sĩ khai thác dưới nhiều dạng thức như một sự nối dài truyền thống của đề tài này.

Đã có một thời, trong một số bài viết của mình, tôi cứ nghĩ rằng, mọi thứ nghệ thuật hay chính xác hơn là mỗi hình tượng nghệ thuật, muốn được trường tồn, phải gắn với tín ngưỡng, tâm linh và tôn giáo hay chí ít là thần thoại khởi nguồn, mà con voi trong thần thoại Ấn Độ, hay voi của người Lào, Thái hẳn là câu chuyện bình thường. Với người Việt, voi chưa bao giờ xuất hiện như một thần linh của tôn giáo, hay gắn liền với tín ngưỡng và tâm linh, nhưng hình tượng nghệ thuật ấy luôn trung thành với nghệ thuật dân tộc, thì phải chăng, nó bắt đầu từ sự gần gũi, thân quen, từ sự hữu dụng của sức vóc của nó đối với con người, từ sự hiền lành và dễ thuần dưỡng của nó, khiến con người đưa nó về phục vụ cho mình trong đời sống và chiến đấu, để rồi, theo thời gian, với những giao thoa và hỗn dung văn hóa của các tộc người kế cận hoặc gián tiếp từ những tôn giáo cổ xưa, voi trở thành một vật thờ cúng hay chí ít là con vật được tôn thờ từ lúc nào đó, chẳng hay, để trở thành một trong những biểu tượng của nghệ thuật tạo hình Việt, hay khiêm nhường hơn, trở thành một đề tài mang tính truyền thống, mà theo nhận xét chủ quan, tôi chưa thấy một loại vật nuôi hay thú hoang dã nào được phản ảnh dài lâu và đậm đặc đến như thế.

Từ trực quan, rồi xâu chuỗi, để có một nhận xét còn nặng tính chủ quan, khi trong tay chưa có tư liệu, thì cũng mong đây là sự gợi mở để những người quan tâm, hiểu biết sâu rộng hơn, đắp bồi, bổ cứu, nhằm hoàn thiện bài viết còn dang dở này.

TS Phạm Quốc Quân

Top