“Văn hóa, con người Vĩnh Phúc trong phát triển bền vững”

(TGDS). Sáng ngày 30/9/2022 Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo khoa học “Văn hóa, con người Vĩnh Phúc trong phát triển bền vững” với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và các sở, ban, ngành, địa phương; các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa Trung ương và địa phương.

Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các đại biểu đã tập trung làm rõ những yếu tố đặc trưng của văn hóa, con người Vĩnh Phúc trong tiến trình lịch sử. Đồng thời đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc hướng đến chân - thiện - mỹ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống gắn phát triển du lịch; văn hóa tâm linh - thế mạnh và nguồn lực quan trọng để Vĩnh Phúc phát triển du lịch bền vững…

TS Nguyễn Viết Chức, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo

Bàn về việc xây dựng con người Vĩnh Phúc, TS Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội - cho biết, người Vĩnh Phúc có đủ 4 phẩm chất góp phần tạo nên hệ giá trị chuẩn mực, cốt lõi của con người Việt Nam gồm: Yêu nước, ý chí tự cường dân tộc; nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, trọng đạo lý; đoàn kết; cần cụ, sáng tạo. Trong thời kỳ phát triển mới, những phẩm chất nổi trội là tiên phong, tự trọng, quả cảm, sáng tạo của người Vĩnh Phúc được giữ gìn và phát huy mạnh mẽ thông qua những giải pháp cụ thể phù hợp điều kiện của tỉnh và từng địa phương trong tỉnh.

Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam - PGS.TS Đỗ Văn Trụ phát biểu tại Hội thảo

Trong lĩnh vực di sản văn hóa, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đỗ Văn Trụ cho rằng, những năm qua, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương đã có sự chuyển biến và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn chưa phát huy tương xứng với tiềm năng hiện có, di sản văn hóa chưa thực sự trở thành nguồn lực cho sự phát triển kinh tế xã hội.

“Cần phát huy vai trò của cộng đồng, của tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về di sản văn hóa tới bạn bè quốc tế và gắn chặt giữa di sản văn hóa với phát triển du lịch, xây dựng Vĩnh Phúc thành một điểm đến hấp dẫn. Đặc biệt, tỉnh cần quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích khảo cổ học Đồng Đậu, di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch ở Tam Đảo; nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung Di sản Kéo co của thôn Hòa Loan, xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường đề nghị ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới đề nghị UNESCO bổ sung vào Nghi lễ và trò chơi kéo co đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; lập dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi Khu Di tích Chiến khu Ngọc Thanh” - PGS.TS Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh.

Kết luận Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định, đây là dịp để Đảng bộ, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn về vai trò, vị trí đặc biệt của văn hoá, đồng thời khơi dậy niềm tự hào về những giá trị tốt đẹp của văn hoá, của đất và người Vĩnh Phúc. Những ý kiến, nguồn tư liệu được các nhà khoa học đưa ra là những thông tin mới và là cơ sở quan trọng để Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng văn hóa, con người Vĩnh Phúc trong phát triển bền vững…

Quỳnh Hương

 

Top